DECUONG.VN Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Trước Cách mạng tháng Tám, Huy Cận được biết đến như là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Tiếng thơ “ảo não” mang nặng “nỗi sầu vạn cổ”, “nỗi buồn thiên thu” của ông đã nói lên được tâm trạng chung của tầng lớp tiểu tư sản đương thời. Nhưng tựu chung lại, có thể thấy nổi bật lên trong thơ Huy Cận là khát vọng được hoà nhập giữa cá thể và vũ trụ, con người và thiên nhiên.

Sau Cách mạng, cũng vẫn mang ước vọng lớn lao ấy, nhưng được ngọn gió cách mạng thổi vào những luồng sinh khí mới, thơ Huy Cận tràn ngập niềm hân hoan, hoà mình vào cuộc chiến đấu của đất nước, và sự hồi sinh từng ngày của quê hương. Chính điểu đó tạo nên màu sắc tươi sáng cho những trang thơ Huy Cận. Đoàn thuyền đánh cá là một trong những bài thơ thể hiện rõ nét nhất sự thay đổi đó trong thơ ông.

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là khúc ca về người dân lao động vùng chài lưới — những con người sống cùng biển và sống nhờ biển. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh con người và trời biển, thiên nhiên, vũ trụ luôn hoà hợp, gắn bó với nhau, soi sáng nhau để cùng làm nên bài ca lao động hùng tráng.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ hiện ra vô cùng độc đáo qua cái nhìn của một tâm hồn lãng mạn, bay bổng :

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa”.

Hai câu thơ ngắn mà như vẽ nên được cả một bức tranh hoàn mĩ, sống động về cảnh hoàng hôn trên biển. Mặt trời cuối ngày từ từ “xuống biển”, mang theo những tia nắng cuối cùng của một ngày, như một “hòn lửa” khổng lồ. Đây quả là một sự so sánh độc đáo. Ta có cảm tưởng như cả một vùng biển dát hồng, lẫn màu trời chạng vạng theo những con sóng bạc đầu tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp giữa vùng trời nước hoà nhập làm một. Hoàng hôn nhưng vũ trụ không hề gợi cảm giác tàn lụi mà lại chuyển động khoẻ khoắn. Điều này khác xa phong cách của Huy Cận trước cách mạng tháng Tám – một con người luôn cô đơn, nhỏ bé, một mình ôm “mối sầu vạn cổ” đối diện với vũ trụ bao la, rợn ngợp.

Ở đây, cũng là trời biển mênh mông nhưng con người như hoà nhập cùng nhịp đập của thiên nhiên. Biện pháp nhân hoá tài tình không chỉ cho ta thấy một cây bút tài hoa mà còn làm hiện lên trước mắt ta một khung cảnh thiên nhiên trác tuyệt : sóng biển như chiếc then cửa, nhốt ánh sáng bằng một động tác “sập cửa” mau lẹ.

Thiên nhiên hùng vĩ, mênh mang mà cũng gần gũi biết bao khi được ví với những thứ thân thuộc trong ngôi nhà của mỗi người. Thì ra Huy Cận đang nhìn biển bằng con mắt của những người ngư dân gắn bó cả đời với biển, coi biển là nhà. Và khi thiên nhiên ngưng nghỉ sau một ngày chiếu sáng vất vả thì cũng là lúc người dân chài bắt đầu hành trình của một ngày lao động mới. Những người con khoẻ khoắn của biển hào hứng ra khơi :

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”,

Tinh thần lao động hăng say khiến họ quên đi màn đêm đang bao trùm biển cả, không ngại khó, sợ khổ. Một cụm từ “lại ra khơi” đủ để Huy Cận khắc họa cho người đọc thấy đây là công việc hết sức quen thuộc với những ngư dân này. Nhưng quen thuộc mà không hề tẻ nhạt, nhàm chán, trái lại vẫn tràn đầy hứng khởi, say mê. Niềm say mê ấy cất lên thành khúc hát:

“Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.

Câu hát chính là lòng say mê, là tinh thần lao động nhiệt thành của con người ngân lên, để hoà nhập cùng biển khơi mênh mông. Chính tiếng hát ấy đã nâng con người lên ngang tầm vũ trụ. Câu hát – cánh buồm – gió khơi biểu thị cho mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên – tất cả cùng hoà nhập, trở thành động lực đưa con thuyền tiến ra biển cả hùng vĩ. Và đoàn thuyền ra khơi mang theo khúc hát lên đường tràn đầy hứa hẹn, hi vọng vào một thành quả lao động tốt đẹp của những người dân chài.

Khổ thơ ngắn nhưng tràn ngập hình ảnh. Nghệ thuật liên tưởng, so sánh, nhân hoá độc đáo đã giúp Huy Cận dựng lên một bức tranh hùng vĩ về thiên nhiên và con người. Những nét vẻ khoẻ khoắn của cây bút tài hoa ấy tiếp tục được thể hiện trong những dòng thơ tiếp theo, mang đến cho ta những ấn tượng hết sức độc đáo :

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”.

Con người và thiên nhiên cùng hoà nhịp với vũ trụ bao la. Khoảng không vũ trụ được đo bằng trời, bằng biển – một không gian thoáng đãng, vượt ra khỏi tầm mắt con người nhưng ấm áp chứ không lạnh lẽo kiểu “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu”. Hình ảnh con thuyền là một sáng tạo độc đáo của Huy Cận. Ta chợt nhớ tới những câu thơ của Tế Hanh :

“Chiếc thuyên hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Cánh buồm trương ro như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”.

(Tế Hanh – Quê hương)

Nếu như con thuyền trong Quê hương hiện lên như một con “tuấn mã”, mạnh mẽ, hùng hực khí thế thì con thuyền của Huy Cận lại mang nhiều nét bay bổng, lãng mạn hơn. Tế Hanh gắn cho con thuyền của mình những động từ, tính từ mạnh : hăng, phăng, mạnh mẽ, rướn,… trong khi Huy Cận lại vẽ con thuyền của mình bằng nhũng nét nhẹ nhàng, nên thơ khi gắn nó với những hình ảnh của thiên nhiên : người cầm lái là gió trời, cánh buồm là vầng trăng.

Thuyền và người hoà nhịp vào thiên nhiên, hoà trong cái thơ mộng gió trăng, trời biển. Con thuyền đánh cá quen thuộc trong cuộc sống hàng nsày của người dân chài tựa như được gió trời, khí biển chắp cánh hay chính tâm hồn phơi phới của con người đã thổi hồn vào đó, biến nó thành chiếc thuyền lung linh, lướt nhẹ giữa thiên nhiên rộng lớn, tươi đẹp ? Giữa khung cảnh kì vĩ ấy, con người bắt tay vào công việc lao động :

“Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vậy giăng”.

Đoàn thuyền đánh cá trên biển như một đoàn quân ra trận, cũng “dò”, “dàn đan thế trận”, “vây giăng”. Huy Cận đã sử dụng một loạt những từ ngữ thuộc lĩnh vực quân sự nhưng không hề làm cho câu thơ trở nên khô khan, mà ngược lại, mang đến cho ta những hình dung lí thú về công việc đánh cá của những người dân chài. Giữa biển khơi bao la hùng vĩ, con người không hề sợ hãi phải chăng vì một điều hết sức giản dị mà sâu sắc : biển là người mẹ gắn bó, nâng đỡ con người:

“Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”.

Biển muôn đời vẫn thế, dù có lúc bão nổi sóng cồn nhưng vẫn luôn bao dung, ưu ái đối với con người. Biển giàu đẹp là thế giới của muôn vàn loài cá :

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.

Đêm thỏ, sao lùa nước Hạ Long”.

Hai câu thơ đầu tưởng chừng chỉ là những dòng liệt kê vể tên các loài cá trên biến, vậy mà lại mang đến nhũng khoái cảm thẩm mĩ độc đáo cho người đọc. Một sự liên tưởng, so sánh thú vị : cá song như những ngọn đuốc, tô thêm cho biển đêm những màu sắc lấp lánh. Những chú cá vui đùa dưới ánh trăng, quẫy đuôi, làm vỡ ánh trăng soi bóng trên mặt nước, sắc “vàng chóe” của trăng hoà cùng những chấm màu hồng của cá, sáng rực lên trong đêm, tạo nên vẻ đẹp hư ảo, kì lạ. Biển như cung điện lộng lẫy sắc màu và trăng cùng các chú cá đang tham gia vào vũ hội thần tiên. Vũ hội ấy còn có sự tham dự của một trời sao bạt ngàn.

Tác giả đã thể hiện khả năng liên tưởng tuyệt vời của mình qua hình ảnh nhân hoá : “Đêm thở sao lùa nước Hạ Long”. Đêm yên bình, biển dịu êm, những đợt thủy triều lên xuống, những con sóng dập dờn tạo ra hơi thở của đêm. Mọi vật trong vũ trụ như đang hoà cùng nhau để bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ khắc nên một bức tranh đẹp tuyệt sắc.

Biển giàu có là thế, thiên nhiên đẹp là vậy, nên thơ là vậy, khiến cho công việc lao động của con người bỗng trở nên thi vị biết bao. Ta không nhận ra ở đây bóng dáng của sự cực nhọc trong công việc chài lưới, bởi có thiên nhiên giúp sức :

“Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”.

Bài ca lao động khoẻ khoắn của con người vang lên, hoà cùng nhịp gõ thuyền của vầng trăng trên cao. Thiên nhiên, con người hoà ca trong niềm say mê lao động : Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

“Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”.

Thiên nhiên đang chuyển dịch dần và một ngày lao động của con người cũng đã đến chặng cuối. Huy Cận như một bức tượng vể người ngư dân trong tư thế của người làm chủ thiên nhiên, khoẻ mạnh, đẹp đẽ, sánh ngang cùng vũ trụ : “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”. Công việc lao động nặng của người đánh cá đã trở thành bài ca đầy niềm vui nhịp nhàng với thiên nhiên, thể hiên tinh thần lao động say mê, khẩn trương và đạt hiệu quả cao :

“Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Câu thơ tràn ngập một niềm phấn khích, tâm trạng hào sảng, chào đón một bình minh tươi sáng :

Câu hát căng buồm với gió khơi,

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

Mặt trời đội biển nhô màu mới,

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.

Khổ thơ cuối điệp lại cấu trúc của đoạn mở đầu nhưng cảm xúc mạnh hơn khiến nó giống như điệp khúc của một khúc ca khải hoàn dâng trào niềm vui chiến thắng của một ngày lao động. Đoạn thơ dựng lên một cuộc đua giữa con thuyền và mặt trời, giữa con người và thiên nhiên. Thực ra cuộc đua này được bắt đầu từ đầu bài thơ, cả hai cùng lướt tới, cùng vượt lên và con người đã chiến thắng nhờ tiếng hát hăng say, tinh thần phơi phới lạc quan, làm chủ thiên nhiên, làm chủ số phận.

Ở đây, tác giả như một trọng tài đang hướng về đoàn thuyền, cổ vũ đoàn thuyền hối hả lướt tới giữa tiếng hát ngập tràn, ngân vang biển khơi. Chính tâm trạng hào sảng ấy đã giúp Huy Cận phóng bút vẽ nên những nét vẽ dẹp đẽ dường vậy về thiên nhiên và con người. Chỉ riêng hình ảnh “Mặt trời đội biển nhô màu mới” cũng đủ cho ta thấy tài quan sát liên tưởng của một cây bút bậc thầy và trái tim tràn đầy nhiệt huyết của nhà thơ.

Với Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận đã vẽ nên một bức tranh khoẻ khoắn, sáng đẹp về thiên nhiên và con người lao động. Nhịp thơ thất ngôn cổ điển cân đối và sang trọng toát lên một âm hưởng lãng mạn và hùng tráng. Nhà thơ đã cất lên khúc hát ngợi ca thiên nhiên đẹp tươi và bàn tay lao động kì diệu của con người. Thành công của Huy Cận đã khắc sâu vào lòng độc giả một bức tượng đài về những con người lao động bình dị mà đẹp đẽ với tình yêu lao động và tư thế làm chủ thiên nhiên hùng vĩ.Baitap24h.com

 

@if (!string.IsNullOrEmpty(Model.UrlShopee)) {
}