Khái niệm dùng để xác định ý nghĩa và giá trị của văn chương đối với đời sống xã hội. Muốn thấu hiểu chức năng của văn học, hay nói cách khác là, muốn thấy rõ ý nghĩa, giá trị tác dụng của văn học thì chỉ có đặt nó trong mối liên hệ mật thiết với toàn bộ cơ cấu đời sống xã hội, với đối tượng phản ánh, với đời sống tinh thần phong phú của con người.
ó như thế mới tránh được thái độ hạ thấp văn chương, xem văn chương là trò chơi chữ, là công việc nhàn rỗi, là trò mua vui giải trí tầm thường.
Chức năng của văn học là ý nghĩa và lí do tồn tài đích thực của văn học đối với hiện thực đời sống.
1. Chức năng nhận thức
- Chức năng nhận thức là khả năng đáp ứng nhu cầu nhận thức, nhận biết của con người về thế giới.
- Hai phương diện của chức năng nhận thức:
+ Thế giới khách quan: nhận thức về cuộc đời.
+ Thế giới chủ quan: nhận thức về bản chất của con người.
- Biểu hiện của chức năng nhận thức:
+ Văn học cung cấp tri thức bách khoa về thế giới khách quan. Ví dụ:
• Đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, độc giả được chứng kiến một xã hội nhơ bẩn, xem đồng tiền quan trọng hơn cả con người, lấy đồng tiền để xoay chuyển cả thế giới.
•Đọc các câu chuyện về thần thoại Hy Lạp, độc giả được khám phá thêm những cách giải thích các hiện tượng thiên nhiên, đời sống tinh thần của người xưa với cái nhìn mới mẻ và thú vị.
• Đọc những tác phẩm của nhà văn Nam Cao như “Chí Phèo”, “Lão Hạc” hay “Một bữa no” độc giả chứng kiến một thời lầm than, khổ cực và túng quẫn của người nông dân Việt Nam sống dưới ách thống trị của bọn thực dân nửa phong kiến.
+ Văn học giúp con người nhận thức về thế giới chủ quan (tự nhận thức về tâm tư, tình cảm và số số phận con người): Văn học luôn chứa đựng khát vọng của con người và luôn trả lời những câu hỏi của con người, từ đó giúp người đọc soi mình vào đó để sống tốt hơn. Ví dụ:
• Đọc những tác phẩm của Hồ Xuân Hương, Ngô Tất Tố, Nguyễn Du,… đều cho thấy cái gì là đáng yêu, đáng ghét trong xã hội, giúp chúng ta có khả năng phân tích, đánh giá để nhận ra chân giá trị của mỗi con người.
2. Chức năng giáo dục
- Chức năng giáo dục là chức năng giúp xây dựng một thái độ, một tình cảm nhất định đối với cuộc sống.
- Một số biểu hiện của chức năng giáo dục:
+ Văn học giúp hình thành thế giới quan và các quan điểm chính trị, xã hội. Đã từng có cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời Pháp thuộc và cả thời Mĩ ngụy sau này say sưa truyền tay, chép bí mật những bài thơ của Tố Hữu, coi đó là sự hướng tới lí tưởng giải phóng dân tộc. Nhiều chiến sĩ thời kì chống Mĩ ra trận mang trong ba lô những cuốn sách như “Ruồi Trâu”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Chiến tranh và hòa bình”, bởi những lí tưởng cao cả của các nhân vật trong đó sẽ giúp những người chiến sĩ đó sống kiên cường hơn trong những thử thách khốc liệt của chiến tranh.
+ Văn học góp phần hình thành những quan điểm đạo đức. Mọi vẻ đẹp rực rỡ nhất của văn học nhân loại đều tập trung vào những phẩm chất cao quý của các nhân vật. Từ các hình tượng như con cò trong ca dao, chàng Thạch Sanh, cô Tấm trong truyện cổ tích, Thúy Kiều, Kiều Nguyệt Nga đến hình tượng chị Sứ, mẹ Suốt, mẹ Tơm, anh giải phóng quân trong thơ văn hiện đại, những hình tượng đó ảnh hưởng mạnh mẽ tới quan niệm đạo đức của các thế hệ người Việt Nam
+ Văn học tác động tới tình cảm, tâm hồn của con người. Tônxtôi đã nói “nghệ thuật có khả năng làm lây lan tình cảm và cùng thể nghiệm chứng”, luận điểm của Tônxtôi nhấn mạnh văn học không chỉ kể và tả lại sự việc mà còn lôi cuốn con người vào mạch tình cảm đó, làm cho họ không thể dửng dưng. Những giọt nước mắt xúc động, thương cảm, đau đớn cùng với nhân vật, với những câu chuyện cổ tích của Anđecxen như “Bầy chim thiên nga”, “Cô bé bán diêm” chính ở chỗ này.
+ Văn học luôn khơi dậy khả năng đồng cảm, làm cho con người biết vui buồn trước những nỗi buồn vui của đời người. Văn học dạy ta biết yêu biết ghét, biết khinh bỉ sự phản trắc, cái tẹp nhẹp, tầm thường, cái lười biếng, độc ác gian tham. Văn học khơi dậy niềm tin vào sự tất thắng của cái thiện, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai, dạy cho người ta biết xả thân vì nghĩa lớn, khát khao đóng góp cho cuộc sống ngày càng đẹp hơn.
+ Văn học còn giúp rèn luyện và phát triển những giác quan thẩm mĩ, đó là khả năng nhận biết cái đẹp trong đời sống và trong nghệ thuật.
3. Chức năng thẩm mĩ
- Chức năng thẩm mĩ là khả năng của văn học làm thỏa mãn khoái cảm thẩm mĩ, từ đó xây dựng, bồi đắp tình cảm thẩm mĩ và ý thức thẩm mĩ cho con người.
- Một số biểu hiện của chức năng thẩm mĩ:
+ Văn học hướng tới cái đẹp:
• Cái đẹp trong nội dung: đó có thể là vẻ đẹp của thiên, vẻ đẹp của con người hay vẻ đẹp về tình người, về khí phách, về tâm hồn, về những quan hệ người.
• Cái đẹp trong hình thức: hình ảnh, ngôn từ, kết cấu,... Những câu thơ réo rắt, uyển chuyển, những hình ảnh rực rỡ, mĩ lệ, những vần điệu ngọt ngào, những cốt truyện hấp dẫn, những nhân vật đặc biệt... đều tạo nên khoái cảm thẩm mĩ.
+ Giá trị thẩm mĩ còn bộc lộ qua những điều sâu sắc, mới lạ, có ý nghĩa nhân sinh độc đáo, mang giá trị tinh thần cao. Ví như, cùng những bài thơ mang tên “Quê hương”, mang nặng tình cảm quê hương, nhưng ở mỗi tác giả lại có những khám phá những ý nghĩa nhân sinh riêng biệt. “Quê hương” của Tế Hanh là kỉ niệm về khung cảnh làng chài ven biển, là nhịp sống lao động gian khổ mà hùng tráng. “Quê hương” của Giang Nam là kỉ niệm tuổi thơ nghịch ngợm và bóng dáng cô hàng xóm mắt đen tròn thương thương quá đi thôi. Còn kỉ niệm “Quê hương” của Đỗ Trung Quân hướng tới bài học làm người: nếu ai không có cội nguồn trong hành trang tinh thần của mình, người đó không xứng đáng làm người. Đó là những giá trị tinh thần độc đáo của hình tượng quê hương trong nhận thức của từng nhà thơ.
+ Hình thành thì hiếu thẩm mĩ. Thị hiếu thẩm mĩ là sự tập trung, chú ý và khoái cảm của một cá nhân hoặc một cộng đồng vào một loại đối tượng gây nên mĩ cảm. Mỗi người sẽ có một thị hiếu thẩm mỹ khác nhau qua trải nghiệm văn học, trải nghiệm nghệ thuật của họ. Họ sẽ tự tạo cho mình một thị hiếu thẩm mỹ khác nhau và riêng biệt.
+ Văn học còn giúp hình thành lí tưởng thẩm mĩ cho con người. Lí tưởng thẩm mĩ là tiêu chuẩn cao nhất về cái đẹp mà con người hướng tới. Lí tưởng trong tập “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu chính là tương lai tươi sáng của dân tộc, mà vì nó người chiến sĩ cách mạng không hề sợ hi sinh gian khổ, tra tấn, tù đày. Tác động của văn học tới việc hình thành lí tưởng thẩm mĩ có nhiều dạng thái khác nhau. Thường là lí tưởng thẩm mĩ thể hiện qua hình tượng nhân vật chính diện. Các anh hùng thời đại mình bao giờ cũng mang trong mình lí tưởng của thời đại về phẩm chất anh hùng, trí tuệ, chất nhân văn, đấu tranh vì công lí xã hội. Những nhân vật chính diện thường là hóa thân của những lí tưởng thẩm mĩ thời đại và dân tộc. Vậy còn trong những truyện không có nhân vật chính diện thì sao, đặc biệt là trong văn học hiện đại? ở những tác phẩm như thế này, phải nhìn thấy nhiệt tình của nhà văn đặt vào vấn đề gì. Ngay như cả việc phê phán, chế giễu cái xấu, cái thấp hèn cũng là một cách gián tiếp cho thấy mong mỏi của nhà văn. Nhà văn phải đứng trên đỉnh cao của lí tưởng thẩm mĩ để phản ánh những mặt xấu xa của đời sống. Lí tưởng thẩm mĩ sẽ thể hiện ở việc nhà văn lên án ai, bênh vực, xót thương những kẻ nào.
4. Mối quan hệ giữa các chức năng văn học
Văn chương nghệ thuật có 3 chức năng chủ yếu: nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ. Ba chức năng quan hệ khăng khít, cùng tác động tới con người. Trong cả 3 chức năng đó, không được xem nhẹ một chức năng nào và cũng không thể tách bạch ra từng chức năng một trong thực tế. Nói một cách chính xác và khoa học thì văn học nghệ thuật có một chức năng chủ yếu đó là: nhận thức - giáo dục - thẩm mĩ. Chức năng này đồng thời biểu hiện chức năng kia và tồn tại trong chức năng kia và ngược lại...Xem thêm
Decuong.vn