1. Mùa Xuân nàng thơ của biết bao người nghệ sĩ. Xuân là thước đo của vòng tuần hoàn thời gian, hạn định của không gian và niềm hy vọng vào viễn cảnh tươi sáng, vào những vị lai hạnh phúc của con người ,và mùa xuân ấy thậm chí nhuốm màu thế sự. Nhiều thi nhân đã vài lần hóa thân thành lãng tử lang thang đến mọi nơi chốn của thế gian để góp nhặt những hương, những sắc của thi liệu mùa xuân. Hơi thở mùa xuân đong đầy trong “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử. Màu xuân giản dị nơi thôn quê qua những câu thơ trữ tình của Nguyễn Bính. Và mùa xuân cũng được Thanh Hải ưu ái tạc vào những lời thơ mộc mạc mà chân thành trong “Mùa xuân nho nhỏ”. Khi thước phim đời người sắp kết thúc, Thanh Hải đã đặt tay lên những phím đàn của niềm ước nguyện được cống hiến cho cuộc sống, từ đó giai điệu “Mùa xuân nho nhỏ” cứ vấn vương trong lòng người đọc.
2. Dẫu là khi bình minh ló rạng hay lúc hoàng hôn chiếm lĩnh bầu trời, tiếng sóng thủy triều vẫn không ngừng chuyên chở trăm ngàn lớp sóng biển đời thường đến với trang thơ. Thi sĩ chấm ngòi bút vào nghiên mực, dung hoà hơi thở của mình và mùi vị của biển đời để viết nên trang thơ. Bởi thế, tác phẩm nghệ thuật nào cũng được thoát thai từ đại dương cuộc sống, cũng nghiêng mình hướng về cuộc đời một cách nhiệt thành nhất. Phải chăng đây chính là nguyên do mà Thanh Hải đã nhặt lấy con chữ của đời, nâng niu những viên ngọc của thiên nhiên để một “Mùa xuân nho nhỏ” ra đời? Thả hồn vào thi phẩm, độc giả sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy bóng hình chiếc giường trắng toát nào của bệnh viện, chút nỗi khốn khổ, khóc than nào của một thi nhân đang dần lìa xa nhân thế, tiến gần đến bờ tử. Ta chỉ thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, lòng yêu cuộc sống và ước nguyện cống hiến của tác giả.
3. Bước vào ngôi nhà văn học, người đọc vẫn thường nhận ra cốt cách gần gũi với thiên nhiên trong tâm thế của người nghệ sĩ. Niềm ưu ái dành cho thiên nhiên có lẽ chưa bao giờ vơi cạn trong dòng chảy văn chương từ cổ chí kim. Thiên nhiên tự thân nó đã mang dáng dấp một bài thơ. Nhưng qua lăng kính của người nghệ sĩ, thiên nhiên không chỉ xinh đẹp, lung linh mà còn ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa. Nhà thơ không dừng lại ở việc khắc họa một bức tranh về thiên nhiên mà còn gửi gắm trong đó bao tình yêu, niềm khát khao, những ngẫm suy và triết lý nhân sinh. Vì vậy, đến với tiếng thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, ta không chỉ rung cảm trước nhan sắc mùa xuân của xứ Huế kinh kì hoa mộng, của đất nước Việt Nam mà còn trước khát vọng cống hiến thiêng liêng của tác giả.