Người ta vẫn thường nói "Đầu xuôi đuôi lọt", vì vậy phần mở đầu luôn khiến mình chú tâm hơn cả như để tạo ấn tượng ngay từ những câu chữ đầu tiên cho người đọc. Và để mở đoạn thì có vô vàn cách, sau đây mình sẽ chia sẻ một số cách mở đoạn mình thường dùng cho bài văn NLXH.
CÁCH 1: Mở bài trực tiếp, đây cũng là cách nhanh nhất và đơn giản nhất của đại đa số các bạn lựa chọn. "Trong cuộc sống...", "Trong xã hội hiện nay..."
CÁCH 2: Mở bài bằng các trích dẫn, lời bài hát, lời thơ, những câu châm ngôn ( Ở đây có thể sử dụng một số kiểu câu dẫn vào nhận định như sau: " Tôi đã từng đọc một câu nói tâm đắc như sau...", "Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ câu nói của...", "Đọc cuốn sách ABC, tôi phải xúc động trước một quan niệm ..."
Hoặc có thể bằng một câu chuyện:
Ví dụ: viết về sự khác biệt hay là chính mình, mình sẽ dùng câu chuyện này để dẫn dắt vào VĐNL: Ngày xưa, ở một trang trại nọ của một bác nông dân. Ông luôn tâm đắc với đàn cừu lông trắng tinh, mượt như nhung nhưng lại lấy làm khó chịu khi có một con cừu đen lạc ở giữa. Thế rồi, mùa đông năm ấy đến sớm, tuyết rơi dày, đàn cừu của ông ăn trên núi bị hoà lẫn trong tuyết trắng xoá khiến ông không thể tìm thấy chúng. Bấy giờ chính con cừu đen là tín hiệu duy nhất giúp ông không để lạc mất đàn cừu. Từ câu chuyện trên đã đặt ra trong ta một suy ngẫm "Đôi khi con người quá đề cao sự đồng nhất, sự rập khuôn mà quên mất những giá trị mà khác biệt đem lại" để rồi thôi thúc mỗi chúng ta hãy sống là chính mình với những giá trị riêng biệt, không lặp lại....
CÁCH 3: Mở bài bằng cách đưa ra những hình tượng mang tính biểu tượng.
Ví dụ 1: Hiệu ứng cánh bướm ( butterfly effect ) - một con bướm đập ở Brazil có khả năng gây ra một trận cuồng phong Texas ở Mỹ. Hiệu ứng cánh bướm lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1960 bởi nhà Toán học và khí tượng Ednard Corenz. => Gợi nhắc tới thông điệp rằng đôi khi chỉ một quyết định, hành động nhỏ tưởng như vô hại nhưng lại đem đến những tác động to lớn.
Ví dụ 2: Ở Nhật Bản, có một loại hình nghệ thuật rất hay mang tên "Kintsugi" - hàn gắn gốm vỡ bằng vàng ròng. Những đồ gốm đã vỡ sau khi được hàn gắn lại bằng sơn mài hoặc vàng được cho là đẹp và bền hơn lúc ban đầu, trở thành cái đẹp của sức mạnh, cái đẹp trong sự thiếu hoàn hảo.
CÁCH 4: Dẫn dắt bằng cách thể hiện chiêm nghiệm của bản thân.
Ví dụ: Khi bàn về giá trị của thất bại, mình viết như sau: Đã đôi lúc tôi tự vấn với lòng mình rằng "Liệu thất bại có đáng sợ không?". Để rồi khi đã nếm trải vị đắng của thất bại, đã đủ chín chắn để nhìn nhận lại, tôi đã cho nó một lời đáp trọn vẹn. Thât bại ư? Nó không đáng sợ như bạn nghĩ đâu. Thất bại chỉ là một phần quan trọng trong sự phát triển của mỗi con người và đòi hỏi bạn phải đủ trải nghiệm để nhận ra giá trị của nó....
👉 Trên đây tôi đã chia sẻ nhỏ của mình để trả lời cho câu hỏi mở bài NLXH có khó hay không. Hy vọng nó giúp ích được cho các bạn trên hành trình theo đuổi con chữ.