Nếu mình học tốt lí luận văn học và vận dụng được cho bài thi THPTQG, bạn nghĩ rằng những cách diễn đạt của mình sẽ thay đổi như thế nào? Tuần vừa rồi học cùng nhóm ĐH về lí luận văn học chủ đề cơ bản đầu tiên, cho chúng làm bài test thử sau khi học mình khá là hài lòng.
1. Đừng viết: Văn học và hiện thực luôn có mối liên kết chặt chẽ. Cuộc đời là "nơi xuất phát" và tạo nguồn cảm hứng cho thơ ca nghệ thuật
Nên viết: Trang Tử đã có một triết lí rất hay về biển cả: "Biển cả là nơi mà tất cả các nguồn nước trên thế gian này đều đi ra từ đó nhưng nó không bao giờ vơi, và nó cũng là nơi đón nhận tất cả các nguồn nước, nhưng nó không bao giờ đầy". Văn học cũng như những nguồn nước kia, cũng nảy sinh, lớn mạnh từ biển cả cuộc đời. Hằng ngày, tiếng sóng thủy triều vẫn âm vang chuyên chở sóng biển đời thường mà vỗ về những dải thơ miên man, vô tận. Nó khiến ta nhớ đến những phận đời trung thành đem tiếng sáo thời đại ngân vang trong những vần thơ bất hủ. Sóng ngàn năm vẫn vỗ, mây ngàn đời vẫn cao, thơ ngàn năm vẫn thế… vẫn để "nhịp sống làm nên những nhịp thơ" (Huy Cận).
2. Đừng viết: Nhà văn viết về hiện thực, nhưng hiện thực đó phải mang đậm màu sắc của quan điểm nhà văn. Bởi thế mà cùng một đề tài, cùng một cuộc đời nhưng chẳng có dòng văn nào in bóng dòng văn nào.
Nên viết: Hiện thực là căn nguyên, là cốt lõi của văn nghệ. Có thế, Tố Hữu mới viết: "Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học". Nhưng đó là bàn về hiện thực đơn thuần. Có một hiện thực nữa, cũng bắt nguồn từ đời sống nhưng lại có sức sống dài lâu hơn cuộc sống của nhân loại- ấy là hiện thực trong văn chương. Mỗi nhà văn là một tiểu vũ trụ. Bên trong tiểu vũ trụ ấy có những thế giới quan, nhân sinh quan rất riêng của họ. Bởi lẽ, "Mỗi công dân có một dạng vân tay/ Mỗi người nghệ sĩ có một dạng vân chữ/ Không hòa lẫn" (Lê Đạt). Mỗi nhà văn là mỗi quan điểm sống, mỗi cách nhìn nhận cuộc đời khác nhau. Mỗi chú chim trong rừng vắng đều có một chất giọng riêng, sự trùng lặp được xem là cái chết của sự tồn tại. Ấy thế mà chẳng anh sơn ca hay nàng họa mi nào hòa lẫn giọng mình vào bản hòa tấu nơi rừng già. Người nghệ sĩ cũng thế, hiện thực đời sống bên ngoài chỉ là hiện thực khách quan. Nó phải được hun đúc, tôi luyện và đi qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Cái anh ta viết ra, ngoài phản ánh thời đại, ngoài làm sứ mệnh của kẻ "đưa đường", điều mà họ muốn là thể hiện một nhân sinh quan "không trùng lặp, hòa lẫn". Nhà văn Thạch Lam miêu tả kiếp sống mòn mỏi, u tối của chị em Liên trong "Hai đứa trẻ". Nhưng cái mà ông tâm đắc chính là quan niệm: "Hi vọng là một nghệ thuật sống". Dẫu giây phút đoàn tàu đi qua, giấc mơ tươi đẹp về cuộc sống Hà Nội chập tắt, hai kiếp sống nhỏ bé này quay trở về lầm lũi nhưng niềm hi vọng về cuộc sống - nơi mà không còn cái mùi tanh nồng của những gian chợ chiều, nơi có thứ nước xanh đỏ cho chị em vui thú mỗi ngày vẫn còn đó: nhỏ bé, le lói mà dai dẳng, day dứt không nguôi.
3. Đừng viết: Văn Chương có khả năng cảm hóa con người, giúp họ nhận ra giá trị sông thực thụ
Nên viết: Tìm hiểu về tác giả nào đó, tôi hay có thói quen đào sâu vào thế giới riêng tư của họ. Ý niệm không phải tọc mạch, tò mò mà tôi muốn hiểu rõ quá trình theo đạo "con chữ" của họ cũng như những tác động của cuộc sống nhỏ vào đời văn lớn là như thế nào. Bởi lẽ, nhiều nhà văn, nhà thơ luôn tâm niệm "làm thơ ghi lấy cuộc đời mình". Cũng trong hành trình khám phá ấy, tôi phát hiện ra một Nguyễn Tuân bỏ bê cuộc đời, sa vào trụy lạc, mất hết những lí tưởng cao đẹp chỉ vì bế tắc trước thời đại. Và rồi tìm đến con chữ, tâm hồn ông như được trở dậy và đơm nên những mùa hoa. Ông lao vào viết văn như "nai về suối cũ", như chợt bừng tỉnh sau một giấc dài mộng mị. Hóa ra, con chữ lại có sức mạnh kì diệu đến thế! Nó cảnh tỉnh con người, tắm mát những tâm hồn cằn cỗi sau những đau đớn dài lâu. Đến đây, tôi chợt nhớ đến Xuân Quỳnh với những vần thơ trĩu nặng những yêu thương. Tìm đến thơ như sự ủi an, giải bày những đớn đau của cuộc đời. Cứ thế mà chị làm thơ như tự viết về những trang nhật kí đời mình:
"Mùa thu nay sao bão giông nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh."
4. Đừng viết: Cuộc đời trong tác phẩm luôn dài hơn cuộc đời bên ngoài vì nó đã được vĩnh hằng hóa, chân lí hóa
Nên viết: Tôi từng là một anh cu Tràng nghèo, quanh năm làm nghề đẩy xe bò thuê giữa nạn đói khủng khiếp năm 1945. Ngỡ sinh ra trong khốn cùng, cả đời tôi sẽ đi vào bế tắc. Thế nhưng, đời tôi đã bước sang trang khi tôi được có vợ, được nhận ra giá trị ánh sáng ở cuối con đường… Sau bữa cơm ngày đói, gia đình tôi, cả làng tôi cùng nhau theo cách mạng, hòa vào dòng người Việt Minh cùng đi phá kho khóc để rồi cuộc sống có phần khấm khá hơn.
Hóa ra, cuộc sống trong những tác phẩm cứ thế mà tồn tại, chảy trôi. Dẫu những dòng văn trong những trang viết Vợ Nhặt của Kim Lân đã tạm khép lại nhưng cuộc sống của những thân phận hay cả xã hội vẫn còn đó, chưa bao giờ kết thúc… Có thế nó mới như từng đợt sóng mà xoáy sâu vào lòng độc giả muôn đời…
5. Đừng viết: Một tác phẩm văn học chân chính phải lấy đời sống con người làm trung tâm mà quy phụng, phơi bày, ca ngợi…
Nên viết: Viết về sự hồi sinh kì diệu của cô gái Giôn-xi, có lẽ, Ohenry đang muốn nhắn nhủ: một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải phụng sự cái đẹp, phụng sự con người thậm chí là phục sinh sự sống. Có thế, nó mới có khả năng "nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ", không chỉ "vang bóng một thời" mà còn vang bóng mãi mãi…
Thật ra mình không khuyến khích các bạn luôn phải tráng men trữ tình cho trang viết của mình. Những gì mình chia sẻ chỉ giúp các bạn có cái nhìn mới mẻ hơn về cách diễn đạt hằng ngày, có thể vận dụng làm điểm nhấn ở một số chỗ cho bài làm của mình. Và vẫn luôn cân nhắc, cây phải có gốc, có cành thì mới đơm hoa được. Có hiểu rõ bản chất, ta mới viết bay bổng, hình ảnh được.