Ngữ văn lớp 8 kết nối tri thức gồm đáp án chi tiết cho các câu hỏi trong SGK Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức, giúp các em học sinh biết cách trả lời các câu hỏi trong bài, từ đó học tốt Ngữ văn 8. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Tiếng cười trào phúng trong thơ
☘️ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu
Trước khi đọc
Câu 1 (trang 82, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Nhà nước phong kiến xưa tổ chức các kì thi cho sĩ tử tham gia nhằm mục đích gì?
Hướng dẫn trả lời:
Nhà nước phong kiến xưa tổ chức các kỳ thi cho sĩ tử tham gia nhằm tìm ra người tài giỏi để phục vụ cho triều đình và nhân dân.
Câu 2 (trang 82, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Sau cuộc thi (thể thao, nghệ thuật, giáo dục,…) thường sẽ có một buổi lễ xướng danh và trao giải. Mục đích của lễ xướng danh là gì?
Hướng dẫn trả lời:
Mục đích của lễ xướng danh là tôn vinh, khen ngợi những người thi đỗ được đề tên trên bảng vàng.
Sau khi đọc
Câu 1 (trang 83, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Bố cục bài thơ gồm mấy phần? Đó là những phần nào?
Hướng dẫn trả lời:
Bố cục bài thơ gồm 4 phần. Đó là đề - thực - luận - kết.
- Đề (2 câu đầu): Giới thiệu chung về kì thi Hương được diễn ra năm 1897
- Thực (2 câu tiếp): Hình ảnh các sĩ tử khi đi thi
- Luận (2 câu tiếp): Hình ảnh những người nước ngoài “phủ bóng” lên khung cảnh của kì thi
- Kết (2 câu cuối): Sự nhắc nhở về thực trạng bi hài của kì thi nói riêng và của đất nước nói chung trong hoàn cảnh thực dân Pháp đô hộ
Câu 2 (trang 83, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Hai câu thơ đề cho biết điều gì về chế độ thi cử ở nước ta cuối thế kỉ XIX?
Hướng dẫn trả lời:
Về chế độ thi cử ở nước ta cuối thế kỉ XIX, hai câu thơ đề đã cho ta thấy tác giả đang phê phán chế độ thi cử của nhà nước thực dân phong kiến lúc bấy giờ. Sự hổ lốn, vô trách nhiệm, làm mất hết vẻ trang nghiêm của kì thi quốc gia khi để sĩ tử Hà Nội xuống Nam Định “thi lẫn” với nhau: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”.
Câu 3 (trang 83, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong cách diễn đạt “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ” và “Ậm ọe quan trường miệng thét loa”? Nêu rõ tác dụng của biện pháp tu từ đó trong việc tái hiện hình ảnh các sĩ tử và quan viên người Việt.
Hướng dẫn trả lời:
Biện pháp tu từ đảo ngữ được dùng trong hai câu thực. Từ “lôi thôi” nhấn mạnh là hình ảnh của sĩ tử bị chìm trong sự nhếch nhác. “Ậm oẹ” nghĩa là ra bộ nạt nộ, hăm doạ.
=> Việc sử dụng biện pháp đảo ngữ (đã nhấn mạnh được không khí nhếch nhác trong ngày thi) giúp nhấn mạnh hình ảnh lôi thôi, nhếch nhác của các sĩ tử để gây sự chú ý cho người đọc; đồng thời thể hiện được những thái độ trào phúng, khinh ghét của tác giả dành cho quan trường.
Câu 4 (trang 83, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Phân tích tác dụng của phép đối được tác giả sử dụng trong hai câu thực.
Hướng dẫn trả lời:
Cách đảo trật tự cú pháp: “Lôi thôi sĩ tử”, “ậm oẹ quan trường” kết hợp với các từ giàu hình ảnh: lôi thôi, đeo lọ cùng với những từ chỉ âm thanh: ậm oẹ, thét loa làm cho quang cảnh thi trở nên nhốn nháo, ô hợp, mất đi vẻ trang nghiêm của một kì thi do quốc gia tổ chức. Hơn thế, sĩ tử thì lôi thôi lếch thếch mất hết vẻ nho nhã, thư sinh. Quan trường không còn quyền uy, mực thước, trang trọng như trước mà như nhân vật tuồng hề “ậm oẹ, thét loa”. Cảnh trường thi phản ánh sự suy vong của một nền học vấn, sự lỗi thời của đạo Nho.
Câu 5 (trang 83, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Tiếng cười trào phúng được thể hiện như thế nào qua việc đặc tả, nhấn mạnh hai hình ảnh mang tính chất “ngoại lai” là quan sứ và mụ đầm?
Hướng dẫn trả lời:
Sự có mặt của quan sứ và mụ đầm đáng lẽ phải làm cho quang cảnh trường thi trang nghiêm hơn. Song trái lại, sự hiện diện của chính quyền thực dân lúc này càng tăng thêm sự chua chát. Quyết định số phận của của các sĩ tử là một kẻ “ngoại lai” không biết gì về Nho học. Nơi cửa Khổng sân Trình là nơi mặc sức, tự nhiên lê váy của mụ đầm, lố lăng của quan sứ. “Váy lê quét đất” đối với “Lọng cắm rợp trời” (còn làm nhục quốc thể) chao ôi thật chua chát.
Câu 6 (trang 83, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Nhắc đến “nhân tài đất Bắc”, tác giả muốn ám chỉ những đối tượng nào? Em cảm nhận được thái độ gì của tác giả qua lời nhắn nhủ ấy?
Hướng dẫn trả lời:
- Nhắc đến “nhân tài đất Bắc”, tác giả muốn ám chỉ những đối tượng: quan trường/ sĩ tử/ những người tài giỏi khác trong thời đại ấy/ mọi người Việt Nam có lương tri, biết trăn trở trước tình cảm của dân tộc.
- Thái độ: Vừa chế giễu (giễu tài năng của “nhân tài đất Bắc” rởm, giễu những người đã quay lưng lại với tình cảnh của dân tộc) vừa là lời tâm sự, nhắn nhủ xót xa (xót xa cho vận mệnh nước nhà) của tác giả.
Câu 7 (trang 83, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Nhân vật nào trong bài thơ để lại ấn tượng cho em nhiều nhất? Vì sao?
Hướng dẫn trả lời:
Nhân vật em ấn tướng nhiều nhất là những người sĩ tử. Vì tác giả đã vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh người thí sinh lôi thôi với những chai lọ trên vai thật là xốc xếch trong khi đáng ra họ phải là những thư sinh nho nhã, thanh lịch.
Câu 8 (trang 83, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Cảm xúc chủ đạo của tác giả trong bài thơ này là gì?
Hướng dẫn trả lời:
Cảm xúc chủ đạo là tiếng cười trào phúng luôn hòa cùng tiếng khóc đau xót - một cảm xúc đặc biệt thường gặp trong các sáng tác của ông.
Viết (trang 83, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích một chi tiết có tính chất trào phúng mà em ấn tượng nhất trong bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu.
Hướng dẫn trả lời:
Bài thơ Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu đã miêu tả lễ xướng danh khoa thi tại trường Nam 1897, thể hiện thái độ mỉa mai, phẫn uất của nhà thơ đối với chế độ khoa cử nhốn nháo:
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa”
Chỉ một từ “lôi thôi” được đảo ra phía trước, nhấn mạnh là hình ảnh của sĩ tử bị chìm trong sự nhếch nhác. Sĩ tử mà bút mực đâu không thấy, chỉ nổi bật lủng lẳng một cái lọ (vì đường xa, phải đeo theo lọ nước uống). Hàng ngàn “sĩ tử vai đeo lọ” thì lôi thôi thật, là bức tranh biếm họa để đời về anh học trò đi thi trong thời buổi thực dân nhố nhăng. Còn quan trường thì “ậm ọe” giọng như mửa, sĩ tử thì đông vì dồn cả hai trường thi lại nên quan trường phải “thét loa” lại còn lên giọng đe nẹt sĩ tử nên thành ra “ậm ọe” tởm lợm thật đáng ghét. Thái độ trào lộng của nhà thơ thật rõ ràng. Đối với “sĩ tử”, Tú Xương thấy nhếch nhác đáng thương; đối với “quan trường”, Tú Xương khinh ghét ra mặt. Quan trường của một kì thi quốc gia bát nháo mà còn “ậm ọe” không biết nhục.
☘️ Thực hành tiếng Việt trang 84
Câu 1 (trang 84, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Chỉ ra một số yếu tố Hán Việt được sử dụng trong văn bản Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu.
a. Giải nghĩa mỗi yếu tố
b. Tìm một số từ Hán Việt có sử dụng những yếu tố đó (mỗi yếu tố tìm ít nhất hai từ)
Hướng dẫn trả lời:
a.
- sĩ tử: là những học trò ngày xưa.
- quan trường: là trường thi
- quan sứ: quan người nước ngoài
- nhân tài: người có tài năng và đạo đức; có một sở trường nào đó, những người có tài năng, năng lực vượt trội ở lĩnh vực nào đó như kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học... và có đóng góp cho xã hội
b.
- nhân 1: con người
- nhân 2: tình người
Những từ ghép Hán Việt có yếu tố “nhân”: Nhân cách, nhân hậu, nhân loại, thi nhân, cử nhân, nhân viên, phu nhân, nhân dân,...
Câu 2 (trang 84, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Kẻ bảng vào vở theo mẫu sau và tìm từ có yếu tố Hán Việt tương ứng:
Yếu tố Hán Việt |
Từ có yếu tố Hán Việt tương ứng |
gian1 (lừa dối, xảo trá) |
|
gian2 (giữa, khoảng giữa) |
|
gian3 (khó khăn, vất vả) |
Hướng dẫn trả lời:
Yếu tố Hán Việt |
Từ có yếu tố Hán Việt tương ứng |
gian 1 (lừa dối, xảo trá) |
gian xảo, gian dối, gian trá, gian ô, gian dâm. |
gian 2 (giữa, khoảng giữa) |
nhất gian, không gian |
gian 3 (khó khăn, vất vả) |
gian nan, gian khổ |
Câu 3 (trang 84, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Xếp các từ ngữ sau thành từng nhóm có yếu tố Hán Việt cùng nghĩa và giải nghĩa yếu tố Hán Việt đó:
a. nam: kim chỉ nam, nam quyền, nam phong, phương nam, nam sinh, nam tính
b. thủy: thủy tổ, thủy triều, thủy lực, hồng thủy, khởi thủy, nguyên thủy
c. giai: giai cấp, giai điệu, giai nhân, giai phẩm, giai thoại, giai đoạn, bách niên giai lão.
Hướng dẫn trả lời:
a.
Phân loại |
Giải nghĩa |
|
Nhóm 1 (chỉ phương hướng) |
Kim chỉ nam |
kim có nam châm dùng để chỉ phương hướng. Khi nói về chủ trương, đường lối … và nói một cách văn vẻ hơn, nó còn có ý "điều chỉ dẫn đường lối đúng". |
Nam phong |
Chỉ gió thổi từ phía Nam |
|
Phương nam |
chỉ một phương trong bốn phương, nằm ở phía tay phải của người đang ngoảnh mặt về phía Mặt Trời |
|
Nhóm 2 (chỉ giới tính) |
Nam quyền |
khái niệm chỉ các phái võ ở miền Nam Trung Hoa và có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm ở Toàn Châu và tỉnh Phúc Kiến là chủ yếu. |
Nam sinh |
chỉ học sinh nam |
|
Nam tính |
chỉ tính nam |
b.
Phân loại |
Giải nghĩa |
|
Nhóm 1 (nước) |
thủy triều |
hiện tượng nước biển, nước sông... lên xuống trong một chu kỳ thời gian phụ thuộc biến chuyển thiên văn |
thủy lực |
môn khoa học lý giải về sự chuyển động cũng như vận chuyển lực của một chất lỏng tồn tại trong môi trường giới hạn nào đó. |
|
hồng thủy |
đại thảm họa khủng khiếp được nhắc đến trong truyền thuyết của nhiều tôn giáo và nhiều dân tộc trên thế giới. Nó được miêu tả là một trận lụt cực lớn và đối với Kinh Thánh là sự trừng phạt của Thiên Chúa do sự suy đồi đạo đức, thoái hóa biến chất của loài người |
|
Nhóm 2 (thứ tự đầu tiên) |
thủy tổ |
là vị tổ đầu tiên, người khai sinh, người sáng lập ra một dòng họ, một cộng đồng tộc người, một dân tộc, một quốc gia thậm chí cả loài người |
khởi thủy |
là đầu tiên, trước hết bắt đầu cho một quá trình nào đó thường là lâu dài |
|
nguyên thủy |
thuộc về giai đoạn hình thành và phát triển đầu tiên của loài người, cho đến trước khi bước vào xã hội có giai cấp và có nhà nước. |
c.
Phân loại |
Giải nghĩa |
|
Nhóm 1 (ý nói về dài, nhiều) |
Giai cấp |
những tập đoàn người có địa vị khác nhau trong một hệ thống sản xuất nhất định. Giai cấp không phải tồn tại trong tất cả các xã hội khác nhau của lịch sử và nó không thể tồn tại vĩnh viễn hay tuyệt đối |
Giai đoạn |
phần thời gian trong một quá trình phát triển dài, phân biệt với những phần thời gian khác bởi những hiện tượng, những đặc điểm riêng |
|
Bách niên giai lão |
ngụ ý vợ chồng cùng nhau sống đến trăm tuổi, bên nhau đến già. Dùng để chỉ toàn bộ thời gian mà một người sống trên cõi đời này. |
|
Nhóm 2 |
Giai điệu |
một chuỗi nối tiếp của các nốt nhạc (các cấp độ hay tầng dao động sóng âm thanh) mà người nghe nhận thức như một thực thể duy nhất |
Giai nhân |
chỉ người đàn bà đẹp |
|
Giai phẩm |
một phong trào văn hóa mang xu hướng chính trị của một số văn nghệ sĩ, trí thức sống ở miền Bắc dưới chính quyền Việt Nam |
|
Giai thoại |
một truyện ngắn và hấp dẫn về một sự việc hoặc nhân vật có thật. Tuy được dựa trên một việc hoặc người có thật, nhưng vì được truyền tải qua nhiều thế hệ, nên giai thoại có thể trở thành "hơi phi lý" |
Câu 4 (trang 84, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Giải nghĩa các thành ngữ có yếu tố Hán Việt sau và đặt một câu với mỗi thành ngữ:
a. vô tiền khoáng hậu
b. dĩ hòa vi quý
c. đồng sàng dị mộng
d. chúng khẩu đồng từ
e. độc nhất vô nhị
Hướng dẫn trả lời:
a. vô tiền khoáng hậu: Điều chưa từng xảy ra trong quá khứ và cũng rất khó xảy ra trong tương lai.
Ví dụ: Messi lập kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử bóng đá.
b. dĩ hòa vi quý: Ý nghĩa cả câu khuyên con người ta giao tiếp hòa thuận, hòa nhã khi tiếp xúc lẫn nhau. Việc hòa hợp, nhường nhịn lẫn nhau sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa hai người.
Ví dụ: Anh em chung sống một nhà nên lấy dĩ hòa vi quý làm đầu.
c. đồng sàng dị mộng: (Nghĩa đen) Cùng nằm một giường mà giấc mơ khác nhau. (Nghĩa bóng) Sống gần nhau, nhưng không cùng một chí hướng.
Ví dụ: Hai đứa nó là vợ chồng với nhau nhưng đồng sàng dị mộng.
d. chúng khẩu đồng từ: Nhiều người cùng nói một ý giống nhau.
Ví dụ: Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết.
e. độc nhất vô nhị: Thứ độc đáo, chỉ có một mà không có hai.
Ví dụ: Canh cá lóc mẹ nấu ngon độc nhất vô nhị.
☘️ Lai tân
Trước khi đọc
Câu 1 (trang 85, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Bác Hồ (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) đã bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm con đường cứu nước. Kể tên một số nơi Bác đã từng đặt chân tới.
Hướng dẫn trả lời:
Bác Hồ (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) đã bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm con đường cứu nước. Một số nơi Bác đã từng đặt chân tới là: Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô…
Câu 2 (trang 85, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Nêu tên một số bài thơ của Hồ Chí Minh mà em biết
Hướng dẫn trả lời:
Một số bài thơ của Hồ Chí Minh: Cảnh khuya, Rằm tháng Giêng, Tức cảnh Pác Pó, Mộ,…
Sau khi đọc
Câu 1 (trang 86, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Bài thơ Lai Tân thuộc thể thơ nào? Nêu những dấu hiệu giúp em nhận biết được điều đó.
Hướng dẫn trả lời:
Bài thơ Lai Tân thuộc thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Do bài thơ có bốn câu, mỗi câu bảy chữ; có luật (nguyên tác luật bằng, bài thơ dịch luật trắc); có niêm (niêm giữ câu 2 và câu 3); gieo vần chân ở các câu chẵn; nhịp câu thơ được ngắt chẵn trước, lẻ sau (2/2/3 hoặc 4/3)
Câu 2 (trang 86, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Em hãy cho biết mục đích những việc thường làm của ban trưởng nhà giam và cảnh trưởng. Căn cứ vào đâu em khẳng định như vậy?
Hướng dẫn trả lời:
Mục đích những việc thường ngày của ban trưởng là ngày ngày đánh bạc, cảnh trưởng thì ăn tiền của phạm nhân.
=> Căn cứ vào bản phiên âm của bài thơ "thiên thiên đố", "giải phạm tiền".
Câu 3 (trang 86, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Phải chăng sau khi chê những thói xấu của ban trưởng và cảnh tưởng, tác giả muốn dành tặng lời khen cho huyện trưởng vì đã làm việc chăm chỉ? Em thử suy đoán huyện trưởng “chong đèn” để làm việc gì.
Hướng dẫn trả lời:
Sau khi chê những thói xấu của ban trưởng và cảnh trưởng, tác giả muốn rạch ròi chân dung của những kẻ cầm đầu trong bộ máy quản lí nhà tù Tưởng Giới Thạch ở Lai Tân. Huyện trưởng chong đèn làm việc công để làm chuyện mờ ám - hút thuốc phiện.
Câu 4 (trang 86, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Giọng điệu trào phúng của câu thơ thứ ba có gì khác biệt so với hai câu thơ đầu?
Hướng dẫn trả lời:
- Hai câu thơ đầu: giọng điệu đả kích (từ ngữ thô mộc, suồng sã)
- Câu thơ thứ ba: mỉa mai – châm biếm (tạo ra yếu tố vô lí hoặc thiếu lô gic, đảo lộn trật tự thông thường; lời thơ tựa như khen ngợi huyện trưởng chăm chỉ làm công việc đến tận đêm khuya, ngược hẳn với hai “cán bộ nhà nước” trong hai câu thơ trước)
Câu 5 (trang 86, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Các nhân vật trong bài thơ Lai Tân thuộc thành phần nào trong xã hội? Hãy làm rõ dụng ý của tác giả khi nhằm vào nhóm đối tượng này.
Hướng dẫn trả lời:
Các nhân vật trong bài thơ Lai Tân đều thuộc thành phần công chức, viên chức thuộc bộ máy chính quyền, những người thuộc giai tầng thống trị trong xã hội. Dụng ý của tác giả khi hướng tiếng cười trào phúng vào nhóm đối tượng này: đả kích, tố cáo tình trạng mục nát, “nhà dột từ nóc” mà tác giả chứng kiến ở Lai Tân thời bấy giờ.
Câu 6 (trang 86, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Theo em, nội dung câu kết có mẫu thuẫn với nội dung của các câu thơ trước không? Vì sao?
Hướng dẫn trả lời:
Nội dung câu kết mâu thuẫn với các câu thơ trước để tạo tiếng cười châm biếm về bộ máy chính quyền Lai Tân thối nát và vô trách nhiệm. Vì:
- Câu thơ thứ tư (câu hợp, câu kết) đã kết luận một cách thẩm thuý, đầy ý vị: “Trời đất Lai Tần vẫn thái bình”. “Thái bình” khi mà ban trưởng vi phạm pháp luật (đánh bạc), cảnh trưởng chỉ tìm cách tư lợi (kiếm ăn quanh) thì chỉ có thể là thái bình giả tạo. Khi người đọc nhận ra mâu thuẫn giữa vẻ bề ngoài (thái bình) với thực chất (mục ruỗng, thối nát) của xã hội cũng là lúc tiếng cười trào phúng được thể hiện.
- Hai chữ “thái bình” cuối VB vì thế vừa miêu tả được vẻ bề ngoài yên bình, tốt đẹp giả tạo, vừa là cách nói ngược để tạo tiếng cười trào phúng, châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay.
Viết (trang 86, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) làm rõ chất trào phúng nhẹ nhàng mà sâu cay của bài thơ Lai Tân qua lời nhận xét: “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”.
Hướng dẫn trả lời:
“Lai Tân” của Hồ Chí Minh là bài thơ có chất trào phúng mạnh mẽ tố cáo hiện thực xã hội Trung Quốc suy tán, mục rữa thời bấy giờ. Cũng là tiếng cười đầy châm biếm của Hồ Chi Minh về những “con người" trong bộ máy cai trị của Lai Tân dưới góc nhìn của tác giả. Lời thơ thể hiện nụ cười châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay. Nhà thơ chỉ nói một cách vu vơ rằng Bộ máy trính quyền chức sắc của Lai Tân như vậy ấy thế mà “vẫn thái bình”. Tập “Nhật ký trong tù” với cái nhìn đầy mỉa mai của tác giả được thể hiện rõ nét với đặc sắc vừa là nhật ký, cũng vừa là thơ. Đặc điểm thơ này đầy trữ tình, chiêm nghiệm, đáng để suy ngẫm “Không biết bao giờ mới đến ngày tự do”. Bài thơ “Lai Tân” mượn hình tương ba nhân vật Ban trưởng, Cảnh trưởng và Huyện trưởng điển hình cho những cái xấu xa, đối bại nhất trong xã hội Lai Tân thuở ấy. Nỗi niềm cẵm phẫn, uất ức trước cảnh tù đầy nghịch lí nhưng vẫn phải cam chịu được tác giả gửi gắm vào những câu thơ nhẹ nhàng, sâu sắc.
☘️ Thực hành tiếng Việt trang 86
Câu 1 (trang 86, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Phân biệt sắc thái nghĩa của các từ ngữ sau và cho ví dụ để làm rõ sự khác nhau về cách dùng giữa các từ ngữ đó:
a. ngắn và cụt lủn
b. cao và lêu nghêu
c. lên tiếng và cao giọng
d. chậm rãi và chậm chạp
Hướng dẫn trả lời:
a. ngắn chỉ tính chất trung tính nhưng cụt lủn có sắc thái châm biếm.
Đặt câu:
- Cái cây này ngắn quá.
- Cái cây này sao cụt ngủn thế.
b. cao chỉ mang sắc thái trung tính còn lêu nghêu mang sắc thái nghĩa chê bai.
Đặt câu:
- Cậu ấy cao nhất lớp.
- Cậu ấy trông lêu nghêu.
c. lên tiếng chỉ mang sắc thái trung tính còn cao giọng mang sắc thái mỉa mai.
Đặt câu:
- Cậu ấy lên tiếng phản đối những thói hư tật xấu trong xã hội.
- Cậu ấy cao giọng với mọi người trong lớp.
d. chậm rãi chỉ mang sắc thái tích cực còn chậm chạp mang sắc thái tiêu cực.
Đặt câu:
- Cậu ấy làm mọi thứ chậm rãi, rất chắc chắn.
- Cậu ấy làm gì cũng chậm chạp.
Câu 2 (trang 87, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Huống chi ta cùng các người sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi tai vạ về sau?
(Trần Quốc Tuấn, Hịch tướng sĩ)
a. Tìm trong đoạn trích năm từ Hán Việt và giải nghĩa các từ đó.
b. Đặt một câu với mỗi từ Hán Việt tìm được.
Hướng dẫn trả lời:
a. Năm từ Hán Việt trong đoạn trích: loạn lạc, gian nan, giả hiệu, triều đình, thác mệnh.
- loạn lạc: tình trạng hỗn loạn, trật tự mất hết trong một nước
- gian nan: có nhiều khó khăn gian khổ phải vượt qua.
- giả hiệu: chỉ trên danh nghĩa chứ thực chất không phải, cốt để đánh lừa.
- triều đình: nơi các quan vào chầu vua và bàn việc nước; thường dùng để chỉ cơ quan trung ương, do vua trực tiếp đứng đầu, của nhà nước quân chủ.
- thác mệnh: ỷ lại
b.
- “Vào thời kỳ đất nước loạn lạc, mọi thứ dường như đều bị trì trệ”.
- “Việc học hành của tôi càng ngày càng gian nan”.
- “Cô gái giả hiệu mẹ của đứa trẻ nhằm đánh lừa mọi người đi đường để bắt cóc đứa bé ấy”.
- “Triều đình ta ngày xưa có nhiều các quan văn quan võ tài năng đóng góp cho nền độc lập nước nhà”.
- “Tên lính đã thác mệnh cho đồng đội của mình”.
Câu 3 (trang 87, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Theo em, các từ in đậm trong từng nhóm câu sau đây có thể thay thế cho nhau được không? Vì sao?
a. – Cuộc kháng chiến vĩ đại ấy là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
- Anh ấy có một thân hình to lớn, săn chắc.
b. – Không thể thống kê chính xác số người chết trong nạn đói năm 1945.
- Người chiến sĩ ấy đã hi sinh trong một trận chiến ở biên giới phía Bắc.
- Cụ tôi đã mất cách đây năm năm.
Hướng dẫn trả lời:
a. Không. Vì nếu thay đổi sẽ mất đi sắc thái nghĩa khái quát, trừu tượng của từng trường hợp. Từ vĩ đại thường mang một ý nghĩa, sự kiện liên quan đến tầm vóc lớn lao hay trọng đại. Trong khi đó, từ to lớn thường chỉ sự vật, con người mang tính hẹp hơn.
b. Không. Vì nếu thay đổi như thế sẽ mất đi sắc thái trang trọng trong từng câu văn.
Câu 4 (trang 87, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Vua truyền cho hai chú cháu đứng dậy, và nói tiếp:
- Việc nước đã có người lớn lo. Hoài Văn Hầu nên về quê để phu nhân có người sớm hôm trông cậy. Đế vương lấy hiếu trị thiên hạ, em ta không nên sao nhãng phận làm con.
Vừa lúc ấy, một người nội thị bưng một mâm cỗ đi qua. Thiệu Bảo cầm lấy một quả cam sành chín mọng trên mâm, bảo một nội thị đưa cho Hoài Văn.
(Nguyễn Huy Tưởng, Lá cờ thêu sáu chữ vàng)
a. Tìm từ ngữ đồng nghĩa với mỗi từ in đậm trong đoạn trích trên.
b. Việc sử dụng các từ in đậm đó đã đem lại sắc thái gì cho lời văn?
Hướng dẫn trả lời:
a. Từ đồng nghĩa với các từ in đậm trong đoạn trích:
- phu nhân: vợ
- đế vương: Vua, bậc chúa
- thiên hạ: Mọi người
- nội thị: Người hầu trong cung
b. Việc sử dụng các từ in đậm đã đem lại sắc thái cổ kính, trang trọng cho câu văn.
☘️ Một số giọng điệu của tiếng cười trong thơ trào phúng
Câu 1 (trang 91, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Đối tượng miêu tả, thể hiện của văn học trào phúng là gì? Văn bản đã nêu những đối tượng cụ thể nào mà tiếng cười trào phúng thường nhằm tới?
Hướng dẫn trả lời
Đối tượng miêu tả, thể hiện của văn học trào phúng là những thứ không trọn vẹn, không hoàn hảo của con người, của cuộc sống. Văn bản đã nêu những đối tượng giọng điệu của tiếng cười trong thơ trào phúng là hài hước, mỉa mai - châm biếm, đả kích....
Câu 2 (trang 91, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Văn bản đề cập đến những giọng điệu nào của tiếng cười trong thơ trào phúng? Hãy chỉ rõ dấu hiệu để nhận biết từng giọng điệu.
Hướng dẫn trả lời
Văn bản đề cập đến những giọng điệu của tiếng cười trong thơ trào phúng là hài hước, mỉa mai - châm biếm, đả kích...
Dấu hiệu để nhận biết từng giọng điệu:
- Hài hước: cách đùa cợt nhẹ nhàng cùng những yếu tố khác lạ phóng túng, phá vỡ các khuôn khổ quen thuộc.
- Mỉa mai – châm biếm: cách tạo ra những yếu tố vô lí hoặc thiếu lô-gic, đảo lộn trật tự thông thường, tạo nên tiếng phê phán, thanh lọc những thói xấu như thói tự mãn, kiêu căng, đạo đức giả, keo kiệt,…
- Đả kích: thường mang giọng điệu phủ nhận gay gắt đối tượng, thể hiện quan niệm nhân sinh, đạo đức của tác giả, có thể là những ngôn từ mang tính “mắng chửi”, có phần suồng sã, thô mộc.
Câu 3 (trang 91, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Trong các giọng điệu của tiếng cười ở thơ trào phúng mà văn bản đề cập, em cảm thấy thích thú với giọng điệu nào? Vì sao?
Hướng dẫn trả lời
Trong các giọng điệu của tiếng cười ở thơ trào phúng mà văn bản đề cập, em cảm thấy thích thú với giọng điệu đả kích. Ví nó là sự phủ nhận gay gắt của đối tượng đồng thời cũng thể hiện được đạo đức và quan niệm về nhân sinh của người viết.
Câu 4 (trang 91, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Trình bày cách hiểu của em về nhận định: “Tiếng cười trong văn chương nói chung, thơ trào phúng nói riêng thật phong phú và đa sắc màu như chính cuộc sống. Tiếng cười ấy thật cần thiết để đẩy lùi cái xấu, hướng mỗi con người đến những giá trị cao đẹp hơn”.
Hướng dẫn trả lời
Thơ trào phúng mang đậm màu sắc cuộc sống, phản ánh được những góc trần trụi của cuộc sống. Khác với thơ lãng mạn, thơ trào phúng dùng tiếng cười để xây dựng tư tưởng, tình cảm cho con người, chống lại cái xấu xa, lạc hậu, thoái hóa, rởm đời, hoặc để đả kích, vạch mặt kẻ thù, đánh vào những tư tưởng, hành động mang bản chất thù địch với con người. Vạch mâu thuẫn của sự vật – mâu thuẫn giữa cái bên ngoài và cái thực chất bên trong – để làm cho người đọc nhận thấy sự mỉa mai, trào lộng của sự vật là cách làm chủ yếu của thơ trào phúng; cho nên thơ trào phúng thường sử dụng lối nói phóng đại, so sánh, chơi chữ dí dỏm hay lời nói mát mẻ sâu cay.
Câu 5 (trang 91, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Vận dụng tri thức từ văn bản Một số giọng điệu của tiếng cười trong thơ trào phúng, em hãy cho biết: Hai bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu và Lai Tân sử dụng những giọng điệu nào của tiếng cười trào phúng?
Hướng dẫn trả lời
Hai bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu và Lai Tân sử dụng những giọng điệu: mỉa mai - châm biếm, đả kích.
☘️ Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học
Đề bài (trang 91, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Phân tích một tác phẩm văn học là làm rõ những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Việc phân tích một bài thơ trào phúng cũng cần được triển khai theo hướng đó. Ở bài học này, em sẽ được thực hành viết bài văn phân tích một bài thơ trào phúng, qua đó vừa củng cố kĩ năng đọc hiểu, tiếp nhận một bài thơ trào phúng, vừa tiếp tục phát triển kĩ năng phân tích một bài thơ mà em đã được rèn luyện ở bài 2.
Yêu cầu:
- Giới thiệu tác giả và bài thơ
- Phân tích được nội dung trào phúng của bài thơ để làm rõ chủ đề.
- Chỉ ra được tác dụng của một số nét đặc sắc về nghệ thuật trào phúng được thể hiện trong bài thơ.
- Khẳng định được giá trị, ý nghĩa của bài thơ.
Lời giải chi tiết
Ví dụ 1: Phân tích bài thơ Lai Tân - Hồ Chí Minh
Nhật kí trong tù là tập nhật kí bằng thơ do Hồ Chí Minh viết ròng rã hơn một năm trời trong các nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trước hết, đây là tập thơ Bác viết cho chính mình, với mục đích: Ngày dài ngâm ngợi cho khuây, Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do mà Bác đã viết ở bài Khai quyển đầu cuốn sổ tay. Vì thế mà Bác ghi lại vắn tắt những điều tai nghe mắt thấy làm cho mình trăn trở, suy nghĩ và xúc cảm trong suốt mười bốn tháng bị giam cầm. Lai Tân là bài thơ thứ 97, Bác làm sau khi bị chuyển lao từ Thiên Giang đến Lai Tân. Đằng sau bức tranh tả thực có vẻ như rất khách quan là thái độ mỉa mai, châm biếm và phê phán của người tù Hồ Chí Minh đối với giai cấp thống trị ở Lai Tân nói riêng và chế độ xã hội Trung Quốc đương thời nói chung.
Phiên âm chữ Hán:
Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,
Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh.
Chong đèn, huyện trưởng làm công việc,
Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.
Bức tranh về hiện thực ở nhà tù Lai Tân và một phần xã hội Trung Quốc thu nhỏ đã được Hồ Chí Minh phản ánh sinh động trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn mà ý nghĩa vô cùng hàm súc. Thành công của bài thơ là nghệ thuật châm biếm sắc sảo, độc đáo kết hợp với giọng điệu tự sự xen lẫn trữ tình và một kết cấu chặt chẽ, hợp lý.
Kết cấu bài thơ gồm hai phần nhưng khác với cấu trúc thông thường của tứ tuyệt Đường luật ở chỗ: phần thứ nhất gồm ba câu, còn phần thứ hai chỉ có một câu. Ba câu thơ đầu chỉ đơn thuần kể việc. Điểm nút chính là câu thứ tư bởi nó làm bật ra toàn bộ tư tưởng của bài thơ và làm bung vỡ tất cả cái ý châm biếm mỉa mai của người tù Hồ Chí Minh trước sự thối nát đến tận xương tủy của đám quan chức trong giai cấp thống trị.
Ở phần thứ nhất, Hồ Chí Minh đã phác họa thần tình chân dung của ba nhân vật “quan trọng”. Ban trưởng nhà lao công khai đánh bạc ngày này qua ngày khác, trong khi: Đánh bạc bên ngoài quan bắt tội. Cảnh trưởng thì trắng trợn ăn tiền đút lót của tù nhân, còn huyện trưởng thì đêm đêm chong đèn… hút thuốc phiện. Chính những kẻ đại diện cho chính quyền, cho luật pháp lại ngang nhiên vi phạm pháp luật. Điều trái ngược ấy đã vượt ra khỏi khung cảnh của một nhà tù, trở thành tính chất tiêu biểu cho cả xã hội Trung Hoa thời ấy: Quan trên trì trệ, vô trách nhiệm, hưởng lạc; cấp dưới thì chỉ lo xoay xở kiếm ăn quanh, mặc cho mọi tệ nạn cứ tự do hoành hành. Hơn thế, điều đáng mỉa mai là chính bọn quan lại tham lam, nhũng nhiễu ấy đã “tích cực” góp phần làm gia tăng tệ nạn xã hội. Ba nhân vật đang hoạt động như trong một màn hài kịch câm và cả ba đang thủ vai một cách hết sức “nghiêm túc” giữa khung cảnh thái bình (?!) dưới sự thống trị của họ Tưởng. Câu thơ miêu tả ngắn gọn mà lại hàm ý mỉa mai sâu sắc, tố cáo tình trạng lộn xộn, bát nháo của xã hội Trung Quốc lúc đó.
Phần thứ hai (câu cuối cùng) là nhận xét có tính chất trào lộng thâm thúy của người tù Hồ Chí Minh về tình trạng của bộ máy cai trị ở Lai Tân. Người đọc chờ đợi gì ở câu kết luận này ? Chắc hẳn phải là một sự lên án quyết liệt. Nhưng tác giả đã không làm như thế mà lại hạ một câu có vẻ rất khách quan: Trời đất Lai Tân vẫn thái bình. Đòn đả kích bất ngờ mà sâu cay lại nằm ngay trong câu nhận xét tưởng như là ca ngợi ấy.
Hiệu quả đả kích của câu thơ như thế nào? Hoá ra tình trạng thối nát của bọn quan lại ở Lai Tân không phải là chuyện bất thường mà là chuyện bình thường. Bình thường đến nỗi đã trở thành bản chất, thậm chí đã thành “nề nếp” được chấp nhận từ lâu.
Câu kết tưởng chừng có vẻ hết sức “vô tư” kia ai ngờ lại ẩn giấu một tiếng cười mỉa mai, châm biếm, lật tẩy bản chất xấu xa của bộ máy thống trị ở Lai Tân. Tính từ thái bình có thể xem là “thần tự”, “nhãn tự" của bài thơ. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã có một lời bình thật chính xác và thú vị: “Một chữ thái bình mà xâu táo lại bao nhiêu việc làm trên vốn là muôn thuở của giai cấp bóc lột thống trị Trung Quốc. Chỉ một chữ ấy mà xé toang tất cả sự thái bình dối trá nhưng thực sự là đại loạn bên trong”.
Bài thơ Lai Tân in đậm bút pháp nghệ thuật chấm phá truyền thống của thơ Đường. Lời thơ ngắn gọn, súc tích, không cầu kì câu chữ, nhưng chỉ với bốn câu thơ ngắn, người tù Hồ Chí Minh đã phơi bày bản chất của cả chế độ Tưởng Giới Thạch suy thoái, mục nát. Sức chiến đấu, chất “thép” của bài thơ nhẹ nhàng mà thâm thúy chính là ở đó.
Ví dụ 2: Phân tích bài Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu:
Trần Tế Xương cay nhất là chuyện thi cử. Tài giỏi như ông mà phải đến lần thi thứ tám mới đậu vét được cái tú tài. Mà Tú tài thời đó thì được tiếng là “ông Tú” nhưng chỉ được “làm quan tại gia”, “ăn lương vợ”. Nhưng không được thênh thênh trên đường hoạn lộ chưa hẳn đã là rủi, thì ông Tú Xương làm thơ, làm thi sĩ, thành thi hào! Bài thơ “Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu” là một đòn trời giáng của Tú Xương vào chế độ thi cử mạt vận, hổ lốn, ô nhục của thời thực dân mới đặt chân cai trị đất nước ta.
Là sĩ tử, cũng là nạn nhân trong kì thi Hương năm Đinh Dậu (1897), tại Nam Định, Trần Tế Xương tận mắt chứng kiến sự suy đồi của Nho học, đau lòng trước nỗi ô nhục của tài tử văn nhân đất Bắc. Cho nên mở đầu bài thơ, tác giả đã phê phán sâu sắc nhà nước thực dân phong kiến thời bấy giờ:
“Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà”
Tác giả nói “nhà nước” một cách trang trọng như vậy nếu những việc làm của “nhà nước” mà tô't đẹp thì là ngợi ca, còn nếu nói đến những việc làm của “nhà nước” không ra gì thì là “hạ bệ”. Rõ ràng là Tú Xương đã “hạ bệ” cái “nhà nước” thực dân phong kiến đó bằng sự kiện “ba năm mở một khoa”. Dưới sự cai trị của “nhà nước” thực dân, đạo học (chữ Nho) đã mạt vận. “nhà nước” chỉ mở kì thi cầm chừng, hổ lốn, mất hết vẻ trang nghiêm của kỳ thi quốc gia: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Sợ mất an ninh ở Hà Nội, “nhà nước” thực dân đã lừa sĩ tử Hà Nội xuống Nam Định “thi lẫn” với sĩ tử trường Nam. Chỉ một từ “lẫn”, Tú Xương phơi bày cả sự đổ nát của kỳ thi quốc gia và phê phán “nhà nước” vô trách nhiệm.
Sang hai câu thực, sĩ tử và quan trường được nhà thơ Tú Xương biếm họa rất tài tình:
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa”
Tú Xương có biệt tài mà Nguyễn Công Hoan tôn như “thần thơ thánh chữ” là chỉ trong một chữ đã lột tả được thần thái của sự vật. Chỉ một từ “lôi thôi” được đảo ra phía trước, nhấn mạnh là hình ảnh của sĩ tử bị chìm trong sự nhếch nhác. Sĩ tử mà bút mực đâu không thấy, chỉ nổi bật lủng lẳng một cái lọ (vì đường xa, phải đeo theo lọ nước uống). Hàng ngàn “sĩ tử vai đeo lọ” thì lôi thôi thật, là bức tranh biếm họa để đời về anh học trò đi thi trong thời buổi thực dân nhố nhăng. Còn quan trường thì “ậm ọe” giọng như mửa. Sĩ tử thì đông vì dồn cả hai trường thi lại nên quan trường phải “thét loa” lại còn lên giọng đe nẹt sĩ tử nên thành ra “ậm ọe” tởm lợm thật đáng ghét. Thái độ trào lộng của nhà thơ thật rõ ràng. Đối với “sĩ tử”, Tú Xương thấy nhếch nhác đáng thương; đối với “quan trường”, Tú Xương khinh ghét ra mặt. Quan trường của một kì thi quốc gia bát nháo mà còn “ậm ọe” không biết nhục.
Tú Xương còn ghi lại một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử thi cử của nước nhà là “khoa thi Đinh Dậu”, có cả Tây đầm nhốn nháo ở trường thi:
“Cờ cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê phết đất mụ đầm ra”
“Cờ cắm” hay “Lọng cắm”? Sách giáo khoa hiện hành chép là “Cờ cắm”, có chú thích là: có bản chép: “Lọng cắm”. Thơ Tú Xương gần với thơ ca dân gian, nhà thơ sáng tác không in ấn, không xuất bản, người đời nghe rồi ghi lại nên dễ “tam sao thất bản”. Trong những trường hợp có dị bản như thế này thì buộc người đọc, người nghiên cứu phải lựa chọn. Người soạn sách giáo khoa chọn “cờ cắm” để đối với “váy lê” ở câu dưới cho thật độc. “Cờ” mà đối với “váy” độc quá! Theo tôi, “lọng cắm” hay hơn:
“Lọng cắm rợp trời quan sứ đến”
Quan sứ (công sứ Nam Định Lơ Nooc Măng, đèn dự lễ xướng danh khoa thi Hương hẳn là phải có “lọng cắm rợp trời” mà “lọng cắm” thì mới “rợp trời”. Còn vế đối “Lọng cắm rợp trời” với “váy lê phết đất” cũng chỉnh quá, mà độc địa không kém. Lọng là cái che trên đầu “quan sứ” mà lại đôi với “váy” là cái che dưới mông “mụ đầm”! “Quan sứ” đến”, “mụ đầm ra”, chúng nó “đến”, nó “ra” như thế thì nhục quá, không chịu được, Tú Xương đã chơi một đòn trí mạng vào bọn Tây đầm thực dân nhốn nháo vào cái thời buổi nhố nhăng! Tú Xương ác khẩu trong cách đối chữ đôi câu, cái tôn nghiêm đem đọ với những cái không tiện hô đúng tên thật, ông lợm sự sông, ông cho lộn tùng phèo cả đi. Nghĩ về người quan văn người quan võ thời nhí nhố ấy, ông đem cái võng (võng điểu võng thắm) ra mà đối với cái khố dây (khố đỏ khố xanh). Tường thuật việc trường thi chữ nho có Tây đến ra bài, ông đem cái lọng quan sứ mà đối với cái váy mụ đầm, đem cái đít vịt bà đầm ra đối với cái đầu rồng một ông cử dốt đang lạy tạ mũ áo vua ban... (Nguyễn Tuân).
Kết thúc bài thơ, tác giả chuyển từ giọng điệu trào lộng sang giọng điệu trữ tình thâm trầm. Tú Xương đau lòng nhắn nhủ với “nhân tài đất Bắc”:
“Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà”
Giọng trữ tình thấm thìa ấy như có sự cộng hưởng của giọng điệu trữ tình đầy nhiệt huyết của các nhà ái quốc đầu thế kỷ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Tất nhiên trong giọng điệu chung của những tấm lòng ái quốc ấy, ta vẫn nhận ra sắc thái riêng của Tú Xương. Khi thì xót xa thổn thức “Nhân tài đất Bắc nào ai đó”, khi thì kiêu bạc trịch thượng “Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà”. Không dễ gì mà hạ một chữ “ngoảnh cổ” như vậy đối với giới trí thức Bắc Hà. Phải có chân tài và quan trọng hơn nữa là phải có tấm lòng đối với đất nước, với dân tộc thì nhân tài đất Bắc mới tâm phục. Đúng là tâm sự yêu nước thổn thức của Tú Xương là vật bảo chứng cho những gì là lộng ngôn của nhà thơ:
“Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”
(Đêm hè)
Dưới mắt Tú Xương, sự suy đồi của đạo học (chữ nho) là một hiện tượng của sự mất nước, của sự nô lệ. Với Tú Xương, nỗi nhục trong “Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu” là nỗi nhục mất nước! “Theo tôi nghĩ, thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đông tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian, thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp” (Nguyễn Tuân).
“Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu” của Trần Tế Xương là “sử thi” về đời sống nhà nho lúc Tây sang. Đạo học suy đồi, thi cử bát nháo hố’ lốn, sĩ tử mất hết nhuệ khí, quan trường mất hết nhân cách. Bọn thực dân nghênh ngang đến trường thi là một nỗi ô nhục của nhân tài đất Bắc. Nỗi đau của nhà thơ đã làm thức tỉnh tầng lớp trí thức đương thời.
Nghệ thuật trào lộng và trữ tình của Tú Xương đều sâu sắc, thấm thía. Đối với sĩ tử, nhà thơ thương mà cười, đối với quan trường, nhà thơ căm ghét mà châm biếm, đối với bọn thực dân, nhà thơ căm thù mà đả kích, hạ nhục. Từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, bút pháp của bài thơ bộc lộ tài hoa của một hồn thơ lỗi lạc. Đúng như lời ngợi ca của Yên Đổ:
“Kia ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”
☘️Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội
Đề bài (trang 96, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Khi muốn bày tỏ xúc cảm vui hay buồn, bộc lộ niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau, thể hiện sự hài lòng, tán thành hay sự bất mãn, phản đối,… con người đều có thể sử dụng tiếng cười như một phương diện phương diện biểu đạt hữu hiệu. Bằng hiểu biết và trải nghiệm của mình, em hãy nêu ý kiến về ý nghĩa của tiếng cười trong đời sống.
1. Trước khi nói
- Xác định phạm vi trình bày (ý nghĩa của tiếng cười nói chung hay tiếng cười nhằm một mục đích cụ thể, ví dụ: tiếng cười trào phúng, tiếng cười tán thưởng, tiếng cười vui mừng,…).
- Tìm những ý chính dự định sẽ trình bày trong bài nói:
+ Tiếng cười đó nhằm tới đối tượng nào?
+ Tiếng cười đó được biểu hiện như thế nào?
+ Người tạo ra tiếng cười ấy muốn thể hiện điều gì?
+ Đánh giá của em về ý nghĩa của tiếng cười đó.
- Từ các ý tìm được, lập dàn ý cho bài nói.
2. Trình bày bài nói
- Giới thiệu về tiếng cười nói chung (hoặc tiếng cười nhằm một mục đích cụ thể).
- Lần lượt trình bày từng nội dung theo dàn ý đã chuẩn bị, kèm lí lẽ và bằng chứng minh họa. Chú ý chọn ví dụ minh họa thích hợp (từ sách báo, phim, tranh ảnh,…)
- Nêu ý kiến đánh giá về ý nghĩa của tiếng cười. Chú ý phản ứng của người nghe để tìm kiếm sự đồng thuận hoặc sẵn sàng đối thoại.
Bài nói tham khảo
Người xưa đã có câu thành ngữ “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.Câu thành ngữ đó quả là không sai, nếu thiếu nụ cười thì cuộc sống sẽ buồn thảm, tẻ nhạt.
Nụ cười tạo cho ta động lực sống, vui vẻ thì chúng ta sẽ cười những lúc buồn nó cũng có thể mang lại nụ cười cho chúng ta. Khi sinh ra, ai nấy đều biết cười cả, một biểu hiện của cảm xúc và tình cảm của mình bằng những hành động, cử chỉ cụ thể. Cùng một nụ cười, nhưng có nụ cười vì niềm vui, niềm hạnh phúc, có nụ cười ra nước mắt, có nụ cười mang tính mỉa mai, ác ý.
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống. Nụ cười cúng cho cho ta thấy sự đẹp đẽ của cuộc đời và cũng thấy được sự đau khổ mà nụ cười mang lại cho chúng ta. Khi ta mỉm cười, ta chứng tỏ rằng ta đang ý thức sự hiện hữu của mình giữa cuộc đời, và vì thế mà cuộc đời trở nên thân thiết, có thật đối với ta.
Nhưng cười cũng phải đúng nơi, đúng lúc chứ đừng thể hiện nụ cười trên nỗi đau của người khác, đừng cười trước sự đau khổ, khốn khó của người khác. Thay vào đó hãy cười khi ta thấy những điều vui vẻ, ấm áp trong cuộc sống tràn đầy tình yêu thương. Bản thân ta đừng nên khắt khe với chính mình một cách không cần thiết.
Hậu quả của những cái cười vô tâm, vô duyên đôi khi không thể đo đếm hết. Nó thể hiện sự vô cảm, ích kỷ, thiếu tình người và trình độ văn hoá giao tiếp, ứng xử thấp kém của con người. Nó có thể làm cho người trong cuộc cảm thấy đau khổ, bẽ bàng, mất tự tin, mất niềm tin, đau lòng, thậm chí tuyệt vọng.
☘️ Củng cố, mở rộng trang 97
Câu 1 (trang 97, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Kẻ bảng vào vở theo mẫu sau và điền các nội dung phù hợp:
Văn bản |
Thể thơ |
Các phần trong bố cục bài thơ |
Câu thơ tương ứng |
Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu |
|||
Lai Tân |
Hướng dẫn trả lời:
Văn bản |
Thể thơ |
Các phần trong bố cục bài thơ |
Câu thơ tương ứng |
Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu |
Thất ngôn bát cú |
Đề – thực – luận – kết |
- Đề: Nhà nước ba năm mở một khoa Trường Nam thi lẫn với trường Hà - Thực: Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ Ậm ọe quan trường miệng thét loa - Luận: Cờ kéo rợp trời, quan sứ đến Váy lê quét đất, mụ đầm ra - Kết: Nhân tài đất Bắc nào ai đó? Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà! |
Lai Tân |
Thất ngôn tứ tuyệt |
Khởi – thừa – chuyển – hợp. |
- Khởi: Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc. - Thừa: Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh. - Chuyển: Chong đèn, huyện trưởng làm công việc. - Hợp: Trời đất Lai Tân vẫn thái bình. |
Câu 2 (trang 97, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Kẻ bảng vào vở theo mẫu sau và điền các thông tin phù hợp:
Văn bản |
Đối tượng bị châm biếm, đả kích |
Những cái xấu bị châm biếm, đả kích |
Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu |
||
Lai Tân |
Hướng dẫn trả lời:
Văn bản |
Đối tượng bị châm biếm, đả kích |
Những cái xấu bị châm biếm, đả kích |
Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu |
sĩ tử, quan sứ, bà đầm, ông cử |
- sĩ tử: lôi thôi, nhếch nhác, mất đi cái vẻ nho sinh - quan sứ: mất đi phong thái nghiêm trang, trịnh trọng - bà đầm: được đến nơi trường thi mà từ trước đến nay con gái không được vào - ông cử: ngồi vắt vẻo |
Lai Tân |
ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng |
- ban trưởng: đánh bạc, ngang nhiên phạm luật cảnh trưởng: kiếm ăn quanh năm, lén lút moi tiền của tù nhân - huyện trưởng: chong đèn, bệ rạc, vô trách nhiệm |
Câu 3 (trang 97, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Kẻ bảng vào vở theo mẫu sau và điền các thông tin tương ứng:
Giọng điệu trào phúng |
Đặc điểm của giọng điệu |
Ví dụ minh họa (tên bài thơ, tác giả) |
Hài hước |
||
Mỉa mai – châm biếm |
||
Đả kích |
Hướng dẫn trả lời:
Giọng điệu trào phúng |
Đặc điểm của giọng điệu |
Ví dụ minh họa ( tên bài thơ, tên tác giả) |
Hài hước |
Chủ yếu mua vui, có mức độ phê phán nhẹ nhàng |
Tự trào 1 của Phạm Thái |
Mỉa mai - châm biếm |
Nhằm vạch trần bản chất xấu xa của đối tượng trào phúng, mức độ phê phán gay gắt, hình tượng nghệ thuật đạt đến độ sâu sắc |
Hỏi thăm quan tuần mất cướp của Nguyễn Khuyến |
Đả kích |
Mang giọng điệu phủ nhận gay gắt đối tượng, thể hiện quan niệm nhân sinh, đạo đức của tác giả. |
Đất Vị Hoàng của Trần Tế Xương |
Câu 4 (trang 98, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Tiếng cười trào phúng nhằm giễu cợt, mỉa mai, châm biếm, đả kích những cái chưa hay, chưa đẹp hoặc cái tiêu cực, xấu xa nhưng mục đích cao nhất của nó là hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Em hãy nêu những suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Hướng dẫn trả lời:
Nghệ thuật trào phúng là nghệ thuật gây cười nhằm đả kích, châm biếm những hiện tượng xấu xa trong đời sống xã hội. Nó được biểu hiện qua việc xây dựng những mâu thuẫn trào phúng, nhân vật trào phúng, cảnh tượng trào phúng, ngôn ngữ trào phúng, giọng điệu trào phúng... Ý kiến "Tiếng cười trào phúng nhằm giễu cợt, mỉa mai, châm biếm, đả kích những cái chưa hay, chưa đẹp hoặc cái tiêu cực, xấu xa nhưng mục đích cao nhất của nó là hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn" là ý kiến đúng bởi nó đã khái quát được nghệ thuật của tiếng cười trào phúng. Các nhà văn, nhà thơ sử dụng nghệ thuật ấy nhằm tố cáo xã hội đương thời mục nát. những con người thực dụng nửa mùa, đưa tới những bài học giá trị nhân văn sâu sắc.