Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Văn chương lấy con người làm đối tượng phản ánh thay cho hiện thực đời sống. Nhà văn chân chính, dù viết về điều gì và thể hiện như thế nào trong tác phẩm thì điểm xuất phát và đích đến cuối cùng vẫn là cõi nhân sinh, mục tiêu cao cả nhất của nhà văn vẫn là viết “một áng văn trung thực và giản dị về con người”. Với mỗi một tác phẩm, người đọc lại có dịp chiêm nghiêm về những con người khác nhau. Trong tác phẩm “Làng”, nhà văn Kim Lân đã tạc nên những trang viết neo đậu mãi trong tâm hồn chúng ta về nhân vật ông Hai – một trái tim yêu làng tha thiết, một linh hồn yêu nước nồng nàn.
Kim Lân là một trong số những cây bút truyện ngắn dù để lại một số lượng tác phẩm không nhiều nhưng sáng tác nào của ông cũng vững vàng nơi lòng người và thách thức quy luật băng hoại của thời gian. Nguyên Hồng từng nhận xét : Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn. Bằng giọng văn chân thực, giản dị, từng trang viết của Kim Lân đong đầy bóng dáng làng quê và con người Việt Nam.
Truyện “Làng” được sáng tác trong những năm đầu của kháng chiến chống Pháp, lần đầu ra mắt bạn đọc trên “Tạp chí Văn nghệ” năm 1948. Lấy bối cảnh cuộc tản cư trong những năm đầu kháng chiến, tác phẩm xoay quanh những chuyển biến trong tâm trạng của nhân vật ông Hai. Ông không thuộc hạng cùng đình nghèo khổ như anh Pha, chị Dậu, cũng chẳng thuộc hàng vai vế có “miếng” có “tiếng” trong làng. Ông chỉ là một người nông dân nồng hậu, chất phác, hay làm và chịu khó. Từ con người của làng quê, ông trở thành con người của kháng chiến, của sự nghiệp chung.
Ấn tượng đầu tiên mà ông Hai để lại cho người đọc chính là cái tính khoe làng của ông. Dường như hình ảnh ngôi làng luôn thường trực trong tâm trí của lão nông ấy để khi nói về nơi nuôi dưỡng mình, chốn quê thân thuộc “hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động”. Đặc biệt, ông Hai khoe làng một cách nhiệt thành. Ông không cần người khác phải chú ý lắng nghe, cũng không quan tâm họ có nghe hay không, ông chỉ nói để thỏa niềm tự hào, nỗi nhớ da diết của mình đối với làng. Rồi qua từng thời kì khác nhau, lời kể, lời khoe của ông cũng thay đổi. Duy chỉ có tình yêu làng của ông vẫn thế, cứ mãi vẹn nguyên, vẹn toàn, không hề đổi thay và cũng chẳng hề lay chuyển.
Xa rời quê hương, sống nhờ nơi đất khách quê người, lòng ông đau đáu nhớ quê, nhớ làng.Ông hoài niệm về những năm tháng được cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá… Ông Hai cảm thấy lúc ấy mình trẻ trung hẳn ra, “cũng hát hỏng, bông phèng.” Càng nghĩ tưởng, nỗi nhớ cứ như những đợt sóng lòng dồn dập, vỗ nhẹ vào trái tim ông phát ra những thanh âm chan chứa bao nỗi triền miên về những ngày quá khứ : “Chao ôi, ông lão nhớ làng. Nhớ cái làng quá!”. Đằng sau nỗi nhớ ấy là khao khát được trở về, là tình yêu xóm làng chân thành, bất diệt. Tình cảm ấy bao giờ cũng thiêng liêng, cũng dạt dào và tha thiết. Vì nhớ, vì yêu nên ông Hai vẫn thường xuyên vào phòng thông tin nghe tình hình, tin tức kháng chiến.
Dọc đường đi, gặp ai quen ông lão cũng níu lại, cười cười, ông vui cả với cái nắng chang chang bởi Tây nó ngồi trong vị trí giờ bằng ngồi tù.Ông phấn khởi trước những thắng lợi của kháng chiến.Ruột gan ông lão như múa cả lên vì nghe được bao nhiêu tin hay, đáng mừng và đáng khâm phục về những chiến công của làng. Quả đúng như Raxun Gamzatov từng nói: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”.
Trong lúc tâm trạng đang phấn khởi vì những tin tức kháng chiến vừa nghe được, ông Hai gặp gỡ những người dưới xuôi lên và nghe được cái tin làng Chợ Dầu theo giặc từ một người đàn bà tản cư. “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại,da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi ,tưởng như đến không thở được”. Dưới ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ, thế giới nội tâm của nhân vật được miêu tả đầy chân thực qua nét mặt và cử chỉ.
Ông lão bàng hoàng và sững sờ vô cùng, dường như có một bàn tay vô hình đang bóp nghẹt trái tim ông. Lúc đầu ông không thể tiếp nhận được, ông cứ hỏi đi, hỏi lại như thể ông đang hi vọng cái tin dữ kia chỉ là do miệng đời đàm tiếu, giọng ông như lạc hẳn: “Liệu có thật không hở bác. Hay là chỉ lại…”. Đối diện với những lời nói chắc như đinh đóng cột rằng làng ông “Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi”, bao nhiêu niềm tin, bao nhiêu niềm tự hào về ngôi làng mà ông luôn khoe khoang với mọi người bỗng chốc sụp đổ. Là người làng Chợ Dầu, ông đâu còn can đảm để ở lại mà nghe những lời bàn tán bủa vây mình.
Ông vội vàng ra về cùng câu nói tưởng chừng như chỉ bâng quơ thốt lên nhưng nó lại chính là cái cớ ông bám lấy để rời khỏi đây :”Hà, nắng gớm, về nào”. Mảnh độc thoại ấy sao mà cay đắng, xót xa như một sự trốn chạy thực tại tàn nhẫn, không muốn ai phát hiện ra mình là người làng Chợ Dầu. Nếu trên đường đi tới phòng thông tin ông hiên ngang bao nhiêu thì giờ ông lại “cúi gằm mặt mà đi”. Bởi cõi lòng ông Hai giờ đây tựa như vỡ tan thành từng mảnh, trái tim ông rỉ máu, đâu đây như thể một nỗi chua xót, ô nhục và tủi thân.
Mang trong mình cả một khoảng trời giông bão, cả một mối tơ lòng hỗn độn, ông Hai lê từng bước về nhà rồi lại “nằm vật ra giường” chẳng còn tâm sức để làm gì cả. Nhìn lũ trẻ mà cảm xúc dâng trào “nước mắt ông lão giàn ra”. Biết bao câu hỏi cứ đua nhau xô đẩy, giằng xé trong đầu ông :”Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư ? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư ?”. Nghệ thuật độc thoại nội tâm đã khắc họa thành công nỗi lòng của ông lão nông dân ấy. Ông Hai xót thương cho số phận của chính mình và đám trẻ non nớt mới mấy tuổi đầu. Bởi gia đình ông là người làng Chợ Dầu nên đè nặng trên những đôi vai hao gầy và yếu ớt là bản án mang tên “cái giống Việt gian bán nước”.
Ông Hai căm phẫn lũ tội đồ phản nước theo giặc. Tất cả như dồn nén trong từng con chữ đanh thép :”Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Ông kiểm điểm lại từng người anh em đã cùng nhau đồng cam cộng khổ thuở trước, từng người con của làng Chợ Dầu. Trong trí óc của ông, họ đều là những người sung sức, tràn đầy tinh thần yêu nước nồng nàn. Giờ phút ấy, ông Hai vẫn cố bám víu chút giọt nắng “niềm tin” giữa cơn đại hồng thủy dữ dội. “Mà thằng chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói ? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì ?”. Những dòng suy nghĩ đó cứ ồ ạt kéo đến đâm vào trái tim ông, phủ phàn dập tắt ngọn lửa niềm tin.
Ông Hai bất lực chấp nhận cái tin dữ ấy, nỗi đau xâm chiếm linh hồn, một nỗi đau không lời nào tả xiết. “Chao ôi ! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian”. Đó là tiếng nói thốt lên từ một trái tim bị tổn thương, từ một cõi lòng suy sụp tột cùng, từ niềm tự hào bị vùi dập tả tơi. Ông đâu chỉ đau cho mình, đau cho làng mà ông còn đau cho những người đồng hương cùng cảnh ngộ:”Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cớ sự này chưa?”. Nỗi bứt rứt trong tâm can của ông bị dồn nén quá nhiều nên sinh gắt gõng khi nói chuyện với bà Hải. Ông Hai không muốn nghe ai nhắc đến chuyện tồi tệ đó, không muốn ai sát muối vào vết thương trong lòng ông.
Bủa vây ông là nỗi lo trăm bề “trằn trọc đến không ngủ được”, là tiếng thở dài bất lực làm sao. Nỗi lo ấy hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác khiến “chân tay nhủn ra, tưởng chừng như không cất lên được” hay “trống ngực ông lão đập thình thịch”. Như một điều tất lẽ dĩ ngẫu, dân ta từ Nam ra Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi đều ghét cay ghét đắng, ghê tởm và thù hằn bọn Việt gian bán nước nên ông càng lo sợ mụ chủ nhà đuổi gia đình ông đi, dồn gia đình ông vào thế cùng cưc, tuyệt đường đất sinh nhai.
Từ khi nghe tin làng theo giặc, ông Hai như người mất hồn. Ông ăn không ngon, ngủ không yên. Ông cảm thấy như mình cũng là kẻ có tội, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ trong nỗi ám ảnh, tủi nhục ê chề. Ông tuyệt giao với tất cả mọi người, “không bước chân ra đến ngoài”. Ông rất sợ ai đó nhắc đến những tiếng Tây, Việt gian, cam-nhông…
Ông né tránh tất cả những gì liên quan đến cái tin dữ dội kia và gọi chuyện phản bội tồi tệ đó là “chuyện ấy”. Bởi chính ông chẳng dám và cũng chẳng đủ sức để nhìn thẳng vào thực tế đầy phủ phàng và đau đớn. Ngẫm kĩ, đối với một lão nông dân chất phác, chân lắm tay bùn luôn tự hào và yêu làng tha thiết thì cái tin làng theo giặc quả là một cú trời giáng chí mạng, là nỗi uất ức, nhục nhã tột cùng. Với ông Hai, làng không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn mà còn là một thứ gì đó lớn lao hơn, là lòng tự tôn, là danh dự. Ông và cái làng ấy đã trở thành máu thịt, ông và làng là một, danh dự của làng cũng là danh dự của ông.
Từ lúc mụ chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông đi, ông Hai thực sự rơi vào bế tắc. Chính trong lúc đau đớn tuyệt vọng ấy đã đẩy ông vào tình thế là phải lựa chọn: làng Chợ Dầu hay Tổ quốc ? Ông đã thoáng nghĩ đến việc “Hay là quay về làng ?” để gia đình ông có chỗ dung thân. Thuở trước, làng Chợ Dầu của ông đáng yêu, đáng tự hào lắm. Nhưng giờ đây chỉ nghĩ đến nó là lòng ông đắng ngắt, đau nhói từng hồi. Mới hôm nào về làng là khao khát, là mong ước cháy bỏng của ông thế mà bây giờ ông thấy rợn cả người và phải dập tắt ngay cái ý nghĩ đen tối đó.
Bởi làng giờ đã nối gót theo Tây, “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”, là cam chịu trở về với kiếp sống lầm than, kiếp sống của những kẻ nô lệ. Dòng máu Việt Nam anh hùng vẫn đang không ngừng luân chuyển, đi qua mọi ngõ ngách trong trái tim ông. Tận sâu nơi cõi lòng người nông dân ấy, ngọn lửa của tình yêu nước cao cả vẫn đang rạo rực, vẫn hướng về cuộc kháng chiến nên ông đã quyết định một cách đau đớn nhưng dứt khoát :”Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Đứng trước sự lựa chọn khó khăn, quyết định của ông Hai đã khẳng định tình cảm rạch ròi của người nông dân, tình yêu nước rộng lớn, mạnh mẽ và thiêng liêng bao trùm lên tình cảm làng quê.
Trong tâm trạng tồi tệ bị dồn nén lâu ngày, ông Hai chỉ còn biết thả trôi nỗi lòng của mình vào những lời thủ thỉ, tâm sự với thằng con út. Chỉ khi tâm sự cùng con ông mới dám giãi bày hết thảy những rợn sóng rầu rầu đang âm ỉ trong lòng. Ông hỏi con về làng, để thỏa nỗi nhớ làng, để khắc sâu tình cảm cội nguồn nơi con. Ông muốn con ghi nhớ “Nhà ta ở làng Chợ Dầu” cũng như muốn chính mình không được quên Chợ Dầu là quê hương, là gốc gác. Phải chăng chính ông vẫn còn yêu làng tha thiết, tình cảm ấy vẫn mãi ngự trị trong trái tim ông.
Ông hỏi con về Cụ Hồ - biểu tượng của cách mạng để chứng minh cho tấm lòng yêu nước, tấm lòng thủy chung với kháng chiến đã bám chặt vào mạch huyết. Đồng thời, ông cũng muốn truyền cho con, cho thế hệ sau tình cảm cao đẹp, thiêng liêng, nhân bản nhất của con người: Tình yêu làng và yêu nước.Cuộc đối thoại giữa hai bố con chỉ xoay quanh chuyện làng và chuyện nước. Ông nói với con, nhưng thực chất là lời từ vấn để vơi bớt nỗi lòng, để minh oan cho tấm lòng trong sạch của mình, mong “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”. Ta chợt nhớ đến câu thơ của Trần Đăng Khoa trong trường ca “Khúc hát người anh hùng”:
“Người ta trong lúc hiểm nghèo Hoặc vằng vặc sáng hoặc heo hút tàn.”
Ông Hai đã ngời sáng với những nét đẹp trong tâm hồn người nông dân, nét đẹp chung hòa giữa tình yêu làng và lòng yêu nước.
Bước qua biết bao ngưỡng cửa cảm xúc buồn vui lẫn lộn, từ hi vọng đến tuyệt vọng, từ hãnh diện tự hào đến khổ đau tủi nhục, đêm đen đã qua, nhường chỗ cho những rạng đông phía cuối chân trời. Cái tin làng cải chính đã đến với ông Hai. Ông như được hồi sinh một lần nữa, rủ sạch được hết thảy sự dằn vặt, nhục nhã, đau khổ bấy lâu, “cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”. Ông trở lại với “thói quen” cũ của mình, lật đật đi khoe khoang khắp nơi rằng :”Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính…cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Ra láo ! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả”. Sách “Bình giảng văn học 9″ có viết :”
Có lẽ chưa có ai trên đời lại đi khoe cái sự “Tây nó đốt nhà tôi rồi. Đốt nhẵn ” một cách hả hê sung sướng thật sự như ông “. Đối với người nông dân, ngôi nhà là tài sản lớn lao, là biết bao tháng ngày cày cuốc mà nên, là nơi chan chứa bao hồi ức vui buồn. Vậy vì cớ gì mà ông Hai lại lấy làm vui mừng trước sự mất mát của ngôi nhà ? Bởi quân Tây đốt nhà ông nghĩa là làng ông không hề theo giặc mà vẫn một lòng yêu nước nồng nàn, ủng hộ kháng chiến, ủng hộ Cụ Hồ.
Ông đã có thể thoát khỏi cái danh “người làng Việt gian”, được sống như một người yêu nước,lại có thể tiếp tục sự khoe khoang đáng yêu của mình. Mâu thuẫn mà vẫn hết sức hợp tình hợp lý, đó chính là sự sắc sảo, độc đáo của ngòi bút miêu tả tâm lý nhân vật. Ông Hai còn dự định nuôi lợn ăn mừng, niềm vui sướng tưởng như vỡ òa, như những thanh âm vang vọng cả phần kết truyện. Không khó để nhận ra với những người nông dân thật thà, chất phác, họ thà hi sinh thửa ruộng, mảnh vườn hay gian nhà chứ nhất định không để cho danh dự và tự tôn của mình, của làng và của Tổ quốc bị vấy bẩn.
Với thứ hương thơm tỏa ra từ đoá hoa mang tên “Nghệ thuật” của thiên truyện, với ánh chiếu của ngòi bút đa tài, Kim Lân đã khiến người đọc phải nguyện ý thả hồn vào trang viết, phải dùng trái tim để cảm nhận nét đẹp của từng con chữ. Xây dựng tình huống truyện độc đáo là một trong những yếu tố góp phần đem lại sự thành công cho tác phẩm “Làng”, giúp nhà văn khắc họa rõ nét phẩm chất, tính cách, khả năng ứng xử của nhân vật đồng thời bộc lộ sâu sắc khuynh hướng tư tưởng của mình. Bên cạnh đó, việc miêu tả chân thực, cụ thể nét mặt, giọng nói, cử chỉ, hành động cũng góp phần xây dựng thành công chân dung nhân vật ông Hai.
Kim Lân đã thật tài tình khi sử dụng hàng loại câu cảm, câu hỏi nối tiếp nhau trong nghệ thuật độc thoại nội tâm như xé đôi lòng người để đặc tả rất cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự nơm nớp lo sợ, nỗi đau xót, xấu hổ, nhục nhã. Ngôn ngữ trong truyện mang tính khẩu ngữ, là những lời ăn tiếng nói hằng ngày, giản dị, chân chất của người nông dân Bắc Bộ. Tóm lại, thi pháp truyện ngắn bao gồm các yếu tố như nhân vật, ngôn ngữ, tình huống truyện… Và “Làng” thành công trên mọi phương diện ấy. Kim Lân không nói nhiều, tả nhiều nhưng cũng đủ cho ta thấy những bước ngoặc trong diễn biến tâm lí của ông Hai.
Nhà văn Nguyễn Khải từng khẳng định : “ Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”. Linh hồn ta phiêu lưu nơi gánh sách của Kim Lân, cõi lòng ta say đắm trong hơi thở bất diệt của thiên truyện “Làng”, nhịp đập của người thưởng văn hòa cùng nhịp đập của lão Hai, từ ấy ta tìm ra “thanh nam châm” của văn chương dưới một danh xưng khác là “Lòng yêu quê hương và tình yêu Tổ quốc”. “Nét thần” của tác phẩm là mạch tình cảm hoà quyện, thống nhất trong trái tim người nông dân, tựa như “toà thành” hiên ngang, sừng sững và bất diệt đến nổi chẳng có súng đạn nào có thể công phá, chẳng có ngọn lửa tàn ác nào có thể thiêu rụi. Tình cảm dành cho quê hương, đất nước đã nghiễm nhiên trở thành nguồn “thần hứng” của biết bao thi phẩm. Ví như “Sao chiến thắng” của Chế Lan Viên:
“Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”