Có những ranh giới rạch ròi không thể bước qua nhưng cũng có những ranh giới đã bị mờ nhòe, linh động. Ranh giới giữa các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam thuộc vào loại thứ hai. Sự nhòe lẫn của ranh giới này không làm mất đi giá trị của tác phẩm mà ngược lại còn làm cho nó trở nên phong phú và hấp dẫn hơn. Từ góc độ tiếp nhận, chúng ta cũng cần soi rọi tác phẩm bằng nhiều thứ ánh sáng khác nhau bởi sự phân định cứng nhắc thường đem lại những kết quả nhận thức đơn điệu, nghèo nàn và phiến diện.
Ranh giới hay là sự kết hợp đan xen giữa các phương thức biểu đạt; sự pha trộn, xâm lấn lẫn nhau giữa các thể loại trong sáng tạo nghệ thuật là tất yếu. Bởi nghệ thuật chính là cuộc sống. Dẫu cuộc sống không phải là một thứ hỗn độn phi logic nhưng không phải lúc nào cũng phân biệt rõ ràng trắng đen, thực ảo. Trong khi quan niệm về các phương thức và yêu cầu phản ánh cuộc sống theo những nét đặc trưng của các phương thức cũng chỉ mang tính chất tương đối. Vì thế gọi một văn bản là tiểu thuyết hay truyện ngắn, miêu tả hay kể chuyện, tự sự hay thuyết minh…chỉ mang tính tương đối mà thôi. Những tác phẩm Bông hồng vàng hay Bình minh mưa của Konstantin Paustovsky là tiểu thuyết hay truyện vừa; ký sự hay tự truyện; văn xuôi hay thơ…rất khó để phân định rạch ròi. Bởi những tác phẩm này đã vượt ra ngoài những biến thể của loại hình văn học, các thể loại đan xen và nâng đỡ, hỗ trợ nhau.
Tuy rằng sự hòa trộn, xâm lấn giữa các phương thức biểu đạt là một tất yếu của quá trình sáng tác nhưng nếu chúng ta không thấy ranh giới của các phương thức ấy trong việc tiếp nhận thưởng thức văn bản – tác phẩm thì lại chưa hiểu được bản chất sáng tạo của nghệ thuật. Vì vậy mỗi thể loại, mỗi phương thức phản ánh cuộc sống cũng cần có sắc màu riêng để nó trở thành chính nó.
Đọc, thưởng thức, thẩm định và đánh giá văn bản – tác phẩm cần thấy vai trò và vẻ đẹp được tạo nên bởi ranh giới và phi ranh giới ấy. Đó cũng là một phương diện cần chú ý trong việc dạy đọc – hiểu và tạo lập văn bản trong nhà trường phổ thông. Mục tiêu và yêu cầu ấy đã được thể hiện bằng chủ trương giúp học sinh nhìn thấy sự kết hợp của các phương thức thức biểu đạt trong mỗi thể loại khi đọc – hiểu cũng như khi tạo lập văn bản. Dạy học truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam người giáo viên cũng nên lưu ý đến ranh giới và sự hòa trộn giữa một số phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm.
1. Trong thực tế, không thể chỉ ra một ranh giới tuyệt đối giữa các yếu tố tự sự, miêu tả trong truyện ngắn Hai đứa trẻ mà các yếu tố này luôn đan xen vào nhau, hỗ trợ nhau để tập trung làm rõ chủ đề của văn bản. Thạch Lam không chú trọng đến việc xây dựng tình huống truyện, sự phát triển của cốt truyện và tính cách nhân vật mà chú trọng đến việc miêu tả bức tranh thiên nhiên và con người đặc biệt là tâm trạng của chị em Liên trong khoảng thời gian từ lúc chiều tà đến đêm khuya. Nổi bật trong thiên truyện ấy là khung cảnh ngày tàn, chợ tàn và những kiếp người tàn trong phố huyện nhỏ. Giọng văn của ông không sắc sảo, lạnh lùng như của Nam Cao mà lại nhẹ nhàng, tinh tế, giản dị, khơi gợi những xúc cảm mong manh của tâm hồn con người. Trong truyện ngắn này có những đoạn văn miêu tả thiên nhiên, con người nhưng đôi khi nó không thuần túy là văn miêu tả mà được lồng ghép vào lời kể, lời trần thuật để thực hiện chức năng của văn bản tự sự. Tuy ranh giới giữa miêu tả và tự sự không thật rõ, hoặc không phải bao giờ cũng rõ ràng, nhưng xét trên đại thể, tự sự khác với miêu tả ở chỗ tự sự, xét về bản chất là kể lại, thuật lại sự việc, câu chuyện theo một quá trình diễn biến nào đó. Sự việc, câu chuyện thì có bắt đầu, có phát triển, có kết thúc. Còn miêu tả là tả lại là giúp người đọc người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, sự việc, con người, phong cảnh…làm cho những cái đó như hiện lên trước mặt người đọc, người nghe. Trong văn miêu tả năng lực quan sát của người viết được bộc lộ rõ nét nhất. Chỉ cần so sánh các đoạn văn sau, ta cũng thấy rõ một số điểm khác biệt giữa hai kiểu văn bản này:
Đoạn a) Tiếng trống thu không trên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.
Đoạn b) Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.
Ở đoạn a, tất cả các chi tiết hầu như chỉ tập trung miêu tả về cảnh chiều tà với âm thanh của tiếng trống thu không, cảnh mặt trời bắt đầu lặn xuống núi với lũy tre làng đen xám lại. Người đọc dễ dàng nhận ra đây là một đoạn văn miêu tả. Ở đoạn b là đoạn rất có “chuyện” nên chúng là văn tự sự. Các chi tiết tập trung kể lại nhân vật Liên “ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen” và tâm trạng man mác buồn của chị trong buổi chiều tà.
Trong văn bản miêu tả, người ta phải chú ý đến việc làm sao cho cảnh, người, vật hiện lên với đầy đủ đường nét, màu sắc, tiết tấu riêng của nó. Vì vậy, phải chú ý đặc biệt đến việc quan sát. Tùy theo yêu cầu của việc miêu tả mà người viết chọn vị trí, thời điểm quan sát cho thích hợp. Có thể quan sát đối tượng từ một hay nhiều góc độ, thời điểm.
Đoạn b Thạch Lam đã quan sát đối tượng từ nhiều góc độ; từ điểm nhìn bên ngoài (tả khoảnh khắc của ngày tàn) và điểm nhìn bên trong để thấy được diễn biến tâm lí rất tinh tế, phức tạp của nhân vật Liên. Tuy nhiên, trong thực tế, các đoạn văn miêu tả và kể chuyện không tồn tại đơn độc, chúng đan xen, là “phương tiện” của nhau… Hãy đọc đoạn văn sau:
Đoạn c) Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát. Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối. Các nhà đã đóng im ỉm, trừ một vài cửa hàng còn thức, nhưng cửa chỉ để hé ra một khe ánh sáng. Trẻ con tụ họp nhau ở thềm hè, tiếng cười nói vui vẻ, khiến An thèm muốn nhập bọn với chúng để nô đùa, nhưng sợ trái lời mẹ dặn phải coi hàng, nên hai chị em đành ngồi yên trên chõng, đưa mắt theo dõi những người về muộn, từ từ đi trong đêm.
Đoạn d) Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào cành cây. An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ và làm mỏi trí nghĩ, nên chỉ một lát hai chị em lại cúi nhìn về mặt đất, về quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí. Về phía huyện, một chấm lửa khác nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi, rồi lại hiện ra…
Trong đoạn trích trên khi kể lại sự việc, Thạch Lam vừa miêu tả vừa lồng vào những cảm tưởng và những suy nghĩ của mình chứ đâu chỉ có đơn thuần kể việc. Những yếu tố miêu tả và những suy nghĩ, cảm tưởng trong hai đoạn văn trên đã có tác dụng làm cho việc kể chuyện thêm sinh động và buộc người đọc phải trăn trở, suy nghĩ về câu chuyện trong đó. Đoạn c là khung cảnh phố huyện về đêm với bóng tối tràn lan và dày đặc, hai chị em Liên nhìn bọn trẻ nô đùa mà muốn nhập cuộc; điều này chứng tỏ nó vẫn còn vô tư và khao khát được sống hòa đồng cùng bọn trẻ.
Có lẽ ẩn chứa sau câu chữ là tấm lòng xót xa của nhà văn; đáng lẽ trẻ con cần vô tư, cần cái hồn nhiên thì sự nghèo đói và túng bấn làm cho nó trở nên “người lớn”, già đi so với tuổi. Nhạy cảm và tinh tế biết bao khi Thạch Lam đã phát hiện và trân trọng những xúc cảm chân thành ở những con người nghèo khổ này. Đoạn d vẫn là mạch cảm xúc trên, qua cái nhìn của Liên vũ trụ về đêm thật nên thơ, sống động, đầy bí ẩn, nhưng chỉ một lát sau họ lại quay trở về với thực tại với cảnh nghèo nàn, quẩn quanh, bế tắc của phố huyện nghèo qua hình tượng “quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí”. Hình tượng ngọn đèn chị Tí được nhắc lại 7 lần trong truyện có một sức gợi ghê gớm. Đó là nhịp sống quẩn quanh, đơn điệu lặp đi lặp lại một cách uể oải, bồn chán và bế tắc của những kiếp người tàn nơi phố huyện.
Truyện ngắn Hai đứa trẻ được tác giả sử dụng rất nhiều yếu tố miêu tả song dù miêu tả chiếm số lượng lớn thì bản chất của nó vẫn là văn tự sự. Vì thế, phân biệt miêu tả với kể chuyện không chỉ đơn thuần là dựa vào hình thức bên ngoài mà còn phải dựa vào bản chất bên trong của cảm hứng sáng tạo. Xét trong tổng thể thì những bài viết lấy miêu tả làm mục đích chủ yếu thuộc về các thể loại như: phóng sự, tuỳ bút, ghi chép…; còn trong truyện ngắn, tiểu thuyết… thì miêu tả chỉ là những đoạn, làm phương tiện cho truyện mà thôi.
2. Nếu như văn tự sự thuật lại, kể lại những gì đã diễn ra, đang và sẽ diễn ra mà con người chứng kiến hoặc được trải nghiệm thì văn biểu cảm chỉ tập trung bày tỏ một quan niệm, bộc lộ một thái độ, ghi lại một ý nghĩ, một cảm tưởng…Cũng như văn miêu tả, văn biểu cảm, ít khi sử dụng độc lập. Nó thường được sử dụng phối hợp với văn miêu tả, tự sự, văn thuyết minh,…Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, thường được xem là truyện ngắn trữ tình bởi chúng rất giàu tính biểu cảm, hay nói đúng hơn là thấm đẫm chất thơ. Khi viết truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã kết hợp phương thức biểu cảm để bày tỏ cảm xúc, khơi gợi sự đồng cảm ở người nghe, người đọc.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống các yếu tố biểu cảm trong văn bản tự sự thường được biểu hiện qua ba dạng thức: cảm xúc được biểu hiện, được bày tỏ qua các nhân vật, nhất là qua ngôi kể thứ nhất; cảm xúc được tác giả bày tỏ trực tiếp thông qua các động từ chỉ cảm xúc để diễn tả những cung bậc trong trạng thái tình cảm của mình; tự thân cảnh vật, sự việc diễn biến mà cảm xúc tràn ra, thấm vào lời văn, trang văn do người đọc cảm nhận được. Với truyện ngắn này phương thức tự sự, miêu tả và biểu cảm cũng có mối quan hệ xen lồng, đôi khi người đọc khó phân định. Những đoạn văn sau đã nói lên điều đó:
Đoạn e) Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại, Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó.
Đoạn g) Tiếng đòn gánh kĩu kịt nghe rõ rệt, khói theo gió tạt lại chỗ hai chị em: bác Siêu đã tới gần, đặt gánh phở xuống đường. Bác cúi xuống nhóm lại lửa, thổi vào cái ống nứa con. Bóng bác mênh mang ngả xuống đất một vùng và kéo dài đến tận hàng rào hai bên ngõ. An là Liên ngửi thấy mùi phở thơm, nhưng ở cái huyện nhỏ này, quà bác Siêu là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền, hai chị em không bao giờ mua được. Liên nhớ lại khi ở Hà Nội chị được hưởng những thức quà ngon, lạ – bấy giờ mẹ Liên nhiều tiền – được đi chơi bờ hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Ngoài ra, kỷ niệm nhớ lại không rõ rệt gì, chỉ là một vùng sáng rực và lấp lánh. Hà Nội nhiều đèn quá! Từ khi nhà Liên dọn về đây, từ khi có cái cửa hàng này, đêm nào Liên và em cũng phải ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc cây bàng với cái tối của quang cảnh phố chung quanh.
Đoạn h) Liên cầm tay em không đáp. Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình khư kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng.
Bản chất của đoạn văn e vẫn là tự sự, kể lại sự việc những đứa trẻ nghèo nhặt nhạnh những gì dùng được sau phiên chợ tàn; ở đây có kết hợp yếu tố biểu cảm qua từ ngữ chỉ cảm xúc (động lòng thương). Yếu tố biểu cảm ấy giúp người đọc cảm nhận được nhân vật Liên – một cô bé nghèo nhưng thật đa cảm và giàu lòng trắc ẩn. Nếu ở đoạn văn e người đọc dễ dàng phân biệt yếu tố tự sự và biểu cảm thì đoạn g và h lại thật khó phân chia ranh giới giữa tự sự – miêu tả – biểu cảm bởi giữa chúng đã có sự đan xen vào nhau một cách hài hòa để tạo nên một mạch văn nhất quán, sinh động.
Tác giả vừa miêu tả, kể lại chuyến tàu đêm; vừa là xúc cảm, khát vọng của con người phố huyện về một tương lai tươi sáng. Người đọc không thể tách rời, phân định rõ ràng đâu là miêu tả, tự sự, biểu cảm trong từng câu, từng vế câu của hai đoạn văn trên. Vì vậy nếu tước bỏ các yếu tố tự sự thì đoạn văn không còn nhân vật và các sự kiện, không còn “chuyện” và trở nên vu vơ, khó hiểu. Nếu tước bỏ các yếu tố miêu tả, biểu cảm thì văn bản sẽ trở nên khô khan, không gây xúc động cho người đọc. Nhìn chung trong văn bản Hai đứa trẻ, ngoài các yếu tố tình tiết, yếu tố miêu tả cảnh vật, con người… còn có yếu tố biểu cảm. Những yếu tố biểu cảm (vui buồn, cảm thương, mong ước, hi vọng) luôn luôn hòa quyện vào cảnh vật, sự việc đang diễn ra, đang được nói đến. Những yếu tố này kết hợp, đan xen, thậm chí nhiều khi ranh giới ấy đã bị mờ nhòe trong một đoạn văn.
3. Bất kỳ một văn bản nào cũng là kết quả của sự phản ánh cuộc sống theo một hoặc vài phương thức biểu đạt chính nào đó. Trong thực tế không có văn bản nào chỉ sử dụng duy nhất một phương thức biểu đạt, mà bao giờ cũng có sự kết hợp đan xen giữa phương thức chính và các phương thức bổ trợ. Chính đặc điểm này làm nên sự tinh tế, sinh động và tính chính xác của các văn bản. Và cũng chính nó làm cho việc phân loại văn bản chỉ mang tính tương đối. Trong vấn đề dạy học Văn ở trường phổ thông cần giúp HS hiểu và vận dụng được đặc điểm này trong tiết đọc hiểu văn bản cũng như tạo lập văn bản thì kết quả dạy học mới sâu sắc và có chất lượng. Chương trình và SGK Ngôn ngữ và văn học nhiều nước rất chú ý điều này; chương trình và SGK Ngữ văn Việt Nam sau 2000 cũng đã được xây dựng trên tinh thần ấy.