DECUONG.VN Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Soạn Văn lớp 8 kết nối tri thức được tổng hợp và đăng tải bao gồm đáp án chi tiết cho các câu hỏi trong SGK Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức, giúp các em học sinh biết cách trả lời các câu hỏi trong bài, từ đó học tốt Ngữ văn 8. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Vẻ đẹp cổ điển

✅ Thu điếu

Trước khi đọc

Em yêu thích mùa nào trong năm? Liệt kê một số từ ngữ em muốn dùng để miêu tả vẻ đẹp của mùa đó.

Hướng dẫn trả lời:

Em thích nhất mùa xuân, để miêu tả vẻ đẹp của mùa xuân, em có thể sử dụng các từ ngữ: rực rỡ, tươi tắn, rộn ràng, ấm áp, trong lành…

Sau khi đọc

Câu 1 (trang 41, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Chỉ ra đặc điểm thi luật (bố cục, niêm, luật bằng trắc, vần, nhịp, đối) của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ Thu điếu.

Hướng dẫn trả lời:

Bố cục: 2 phần

+ Phần 1 (6 câu thơ đầu): Cảnh mùa thu ở vùng quê Bắc bộ.

+ Phần 2 (2 câu thơ cuối): Hình ảnh, tâm trạng của nhân vật trữ tình.

- Về niêm: Chữ thứ 2 của câu 2 và 3 (chiếc – biếc), câu 4 và câu 5 (vàng – mây), câu 6 và 7 (trúc – gối), câu 1 và câu 8 (thu – đâu) cùng thanh.

- Về luật bằng trắc: Bài thơ luật bằng. (Do chữ thứ 2 của câu thứ nhất “thu” thanh bằng).

- Vần và nhịp: Bài thơ gieo vần “eo” ở các chữ cuối của các câu 1,2,4,6,8 (veo – teo – vèo – teo – bèo). Chủ yếu ngắt nhịp 4/3,…

- Về đối: Đối ở 2 câu thực (câu 3,4) và 2 câu luận (câu 5,6)

Câu 2 (trang 41, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Giải thích ý nghĩa của nhan đề bài thơ. Chỉ ra mối liên hệ giữa nhan đề và hai câu đề.

Hướng dẫn trả lời:

- Nhan đề bài thơ là “Mùa thu câu cá” nhưng mục đích không ở việc kiếm cá ăn; câu cá chỉ là cái cớ để tiêu sầu và cảm nhận hương sắc mùa thu. Còn gì thú vị hơn được ngồi câu cá giữa một vùng phong cảnh quen thuộc của quê hương mình, để hồn thu thấm vào hồn người.

- Nhan đề “Mùa thu câu cá” có mối liên hệ trực tiếp với nội dung của hai câu đề: Không gian ao thu với mặt nước êm đềm và chiếc thuyền câu bé nhỏ.

Câu 3 (trang 41, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Bức tranh thiên nhiên mùa thu được tái hiện ở những khoảng không gian nào? Nhận xét về trình tự miêu tả những khoảng không gian đó.

Hướng dẫn trả lời:

Không gian trong Thu điếu tĩnh lặng, phảng phất buồn:

- Trong khung cảnh mùa thu với ao nước trong xanh, làn nước mát lạnh là hình ảnh chiếc thuyền câu của người thi sĩ nhỏ bé, lọt thỏm trong không gian rộng lớn trở nên “bé tẻo teo”.

- Tiếng sóng nước nhỏ bé ti li gợn gợn gợi cảm giác thanh bình.

- Hình ảnh chiếc lá vàng rụng khỏi cây và rơi xuống đất vừa gợi âm thanh mùa thu - âm thanh của những chiếc lá rơi.

- Bầu trời mùa thu: đám mây lơ lửng trên không trung tầng tầng lớp lớp nhưng vẫn để lộ ra khoảng trời trong xanh → tạo bầu không khí dịu mát.

- Quang cảnh xung quanh thi sĩ: con ngõ chạy quanh co nhưng vắng lặng không một bóng người → không gian yên tĩnh.

→ Trình tự miêu tả không gian: từ gần đến xa, từ xa đến gần; từ thấp đến cao, từ cao xuống thấp

Câu 4 (trang 41, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Phân tích các từ ngữ miêu tả hình dáng, màu sắc, âm thanh, chuyển động,… của các sự vật; từ đó hãy khái quát những nét đẹp điển hình của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện trong bài thơ.

Hướng dẫn trả lời:

- Ao thu: lạnh lẽo, trong veo – gợi tiết trời se lạnh, mặt nước phẳng lặng, làn nước trong suốt, như có thể nhìn thấu đáy; thuyền câu: bé tẻo teo – từ láy tượng hình, nhấn mạnh sự bé nhỏ của con thuyền chỉ như chiếc lá đậu trên mặt ao thu. Không gian của ao thu và hình dáng thuyền câu toát lên nét hài hào, xinh xắn.

- Bầu trời: màu xanh ngắt đặc trưng của trời thu đất Bắc, gợi nền trời cao, rộng và không gian trong trẻo của một ngày thu nắng đẹp; tầng mây lơ lửng tạo hình khối, toát lên vẻ bình yên, thanh tĩnh. Màu xanh của trời thu (xanh ngắt), của mặt nước mùa thu (sóng biếc), màu vàng điểm xuyết của lá thu (lá vàng),… mang lại ấn tượng về bức tranh thiên nhiên tươi sáng.

- Ngõ trúc: lối ngõ nhỏ, quanh co – không gian quen thuộc của làng quê Bắc Bộ, gợi khung cảnh im vắng, tĩnh lặng.

- Chuyển động của các sự vật đều nhẹ, khẽ khàng: sóng lăn tăn “hơi gợn tí” theo làn gió nhẹ; lá “khẽ đưa vèo” – rơi rất nhẹ và rất nhanh; những đám mây lơ lửng như không trôi. Âm thanh: tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” đâu đó trên mặt ao thu.

=> Những nét đẹp điển hình của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện trong bài thơ: không khí mát lành; trời thu trong xanh, cao rộng; không gian êm đềm, thanh tĩnh; cảnh sắc hài hòa, giàu chất thơ…

Câu 5 (trang 41, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Ở hai câu kết, hình ảnh con người hiện lên trong tư thế, trạng thái như thế nào? Qua đó, em cảm nhận được nỗi niềm tâm sự gì của tác giả?

Hướng dẫn trả lời:

- Ở hai câu kết, hình ảnh con người hiện lên trong tư thế của người ngồi câu cá “tựa gối, buông cần”, như đang thu mình trên chiếc thuyền câu bé nhỏ trong trạng thái trầm tư.

- Âm thanh của tiếng cá đớp bọt nước đâu đó khẽ động dưới chân bèo không chỉ làm tăng cái im vắng, tĩnh lặng của ngoại cảnh mà còn cho thấy khoảnh khắc trầm lặng, suy tư của con người.

Câu 6 (trang 41, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Nêu chủ đề của bài thơ. Chủ đề ấy giúp em hiểu thêm điều gì về tâm hồn tác giả?

Hướng dẫn trả lời:

- Chủ đề: Bài thơ bày tỏ tình yêu thiên nhiên, đất nước và tâm trạng của tác giả trước thời thế.

- Chủ đề ấy giúp em hiểu thêm tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước. Tác giả hơn nữa rất thành công trong việc lột tả mùa thu ấy bởi chính ông đang cảm nhận vẻ đẹp ấy trên mảnh đất quê hương của mình. Đồng thời thể hiện tâm trạng thời thế của tâm hồn thanh cao: Tâm trạng ấy mang trong mình nỗi u hoài, đôi khi lặng lẽ trầm ngâm, lúc thì giật mình thảng thốt.

Viết kết nối với đọc (trang 41, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích hai câu thơ khiến em có ấn tượng nhất trong bài thơ Thu điếu.

Hướng dẫn trả lời:

(1) Hai câu thơ đầu bài thơ Thu điếu đã khắc họa hình ảnh mùa thu vùng nông thôn Bắc Bộ bằng hai hình ảnh vừa đối lập, lại vừa cân đối hài hòa. (2) Ao vốn là một không gian hết sức quen thuộc của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với diện tích không quá nhỏ nhưng cũng tương đối rộng rãi. (3) Nổi bật ở đó là hình ảnh chiếc thuyền câu “bé tẻo teo”. (4) Sự đối lập về kích thước ấy khiến không gian câu thơ càng thêm rộng mở và trống trải. (4) Trên cao, bầu trời mùa thu cao xa, trong veo đem đến cảm giác thoáng đãng, dịu nhẹ vô cùng. (5) Lấy chiếc thuyền câu nhỏ bé làm trung tâm, nhìn xung quanh là trời cao, ao rộng, các chiều kích không gian đều được khai mở toàn phần. (6) Ấy vậy mà trong chiều không gian ấy chẳng có gì ngoài cái thuyền câu nhỏ xíu xiu. (7) Tất cả kết hợp với nhau, tạo nên bầu không khí yên ắng và bức tranh mùa thu tĩnh lặng đến lạ lùng.

✅ Thực hành tiếng Việt trang 42

Câu 1 (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 1):

Chỉ ra các từ tượng hình và từ tượng thanh trong những trường hợp sau:

a. Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

[…] Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

(Nguyễn Khuyến, Thực hành tiếng Việt trang 42)

b. Líu lo kìa giọng vàng anh

Mùa xuân vắt vẻo trên nhành lộc non.

(Ngô Văn Phú, Mùa xuân)

c. Tôi không nhớ tôi đã nghe tiếng chồi non tách vỏ lúc nào, tôi cũng không nhớ tôi đã nghe tiếng chim lích chích mổ hạt từ đâu, nhưng tôi cảm nhận tất cả một cách rõ rệt trong từng mạch máu đang phập phồng bên dưới làn da.

(Nguyễn Nhật Ánh, Tôi là Bê-tô)

Hướng dẫn trả lời:

a. Từ tượng hình: tẻo teo, lơ lửng, quanh co,…

b. Từ tượng thanh: líu lo; từ tượng hình: vắt vẻo

c. Từ tượng thanh: lích chích; từ tượng hình: phập phồng

Câu 2 (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 1):

Xác định và phân tích tác dụng của các từ tượng hình, từ tượng thanh trong những đoạn thơ sau:

a. Năm gian nhà có thấp le te

Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

(Nguyễn Khuyến, Thu ẩm)

b. Sáng hồng lơ lửng mây son,

Mặt trời thức giấc véo von chim chào.

Cổng làng rộng mở. Ồn ào,

Nông phu lững thững đi vào nắng mai.

(Bàng Bá Lân, Cổng làng)

Hướng dẫn trả lời:

a. Từ tượng hình: le te, lập lòe, phất phơ, lóng lánh.

Tác dụng: “Le te” cho thấy là lụp xụp và chẳng còn lành lặn. Tiếp đến ngõ tối và đêm sâu là cảnh bình thường nhưng ánh lửa đom đóm “lập lòe” lúc tối, lúc sáng làm cho ngõ tối và đêm sâu cũng biến dạng. Sương thu lớt phớt như làn khói mỏng phủ lên bờ giậu “phất phơ”, khiến cho rặng cây cũng nhạt bớt màu đêm. Bóng trăng trên mặt nước lúc dồn lại, lúc loe ra, biến dạng liên tiếp “lóng lánh”. Các từ tượng hình gợi khung cảnh mùa thu làng quê với tình thu man mác, dào dạt,…

b.

- Từ tượng hình: lơ lửng, lững thững

- Từ tượng thanh: véo von, ồn ào

Tác dụng: Từ “lơ lửng” gợi hình ảnh nắng hồng đang lên, từ “véo von” gợi tả âm thanh tiếng chim, từ “ồn ào” gợi tả âm thanh của cảnh làng quê buổi sáng, từ “lững thững” gợi dáng hình những người nông dân bước đi vào buổi sáng. Các từ tượng hình, tượng thanh ấy gợi tả một khung cảnh làng quê sáng sớm đẹp, yên bình.

Câu 3 (trang 43 sgk Ngữ văn 8 Tập 1):

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu nêu bên dưới:

Giữa vùng cỏ tranh khô vàng, gió thổi lao xao, một bầy chim hàng nghìn con vụt cất cánh bay lên. Chim áo già màu nâu, chim manh manh mỏ đỏ bóng như màu thuốc đánh móng tay, lại có bộ lông xám tro điểm những chấm đỏ li ti rất đep mắt… Những con chim nhỏ bay vù vù kêu líu ríu lượn vòng trên cao một chốc, lại đáp xuống phía sau lưng chúng tôi.

(Đoàn Giỏi, Đất rừng Phương Nam)

a. Liệt kê các từ tượng hình và từ tượng thanh trong đoạn văn trên.

b. Phân tích tác dụng của một từ tượng hình và một từ tượng thanh trong đoạn văn.

Hướng dẫn trả lời:

a.

- Từ tượng hình: li ti.

- Từ tượng thanh: lao xao, vù vù, líu ríu.

b. Tác dụng: Miêu tả không gian nơi đất rừng phương Nam vào mùa thu thật sinh động và rộn rã tiếng chim. Người đọc như được lạc vào khung cảnh đất rừng ban sơ và đẹp đẽ, nghe tiếng chim hót và ngước nhìn những cánh chim bay đầy không gian.

✅ Thiên Trường vãn vọng

Trước khi đọc

Em có thích ngắm cảnh hoàng hôn không? Vì sao?

Hướng dẫn trả lời:

Em rất thích ngắm cảnh hoàng hôn bởi vì cảnh hoàng hôn không chỉ đẹp mà còn mang đến cho em cảm giác yên bình, thư thái.

Sau khi đọc

Câu 1 (trang 44 SGK Ngữ văn 8 KNTT Tập 1)

Hãy xác định thể thơ của bài “Thiên Trường vãn vọng” và cho biết em dựa vào các yếu tố nào để nhận biết thể thơ đó.

Hướng dẫn trả lời

- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt

- Các yếu tố cơ bản trong bài thơ giúp em nhận biết thể thơ:

+ Bài thơ có 4 câu, mỗi câu có bảy chữ.

+ Về luật thơ: luật trắc.

Câu 2 (trang 44 SGK Ngữ văn 8 KNTT Tập 1)

Cảnh vật ở hai câu thơ đầu được tái hiện vào khoảng thời gian nào? Chỉ ra mối liên hệ giữa thời gian và các hình ảnh được miêu tả.

Hướng dẫn trả lời

- Cảnh vật ở hai câu thơ đầu được tái hiện vào buổi chiều tà (hoàng hôn).

- Mối liên hệ giữa thời gian và các hình ảnh được miêu tả: Các thôn xóm đã chìm dần trong sương khói như mơ như thực. (Khi chiều xuống thường có lớp sương bao quanh gióng như làn khói). Một khung cảnh làng quê thật thanh bình và êm ả, nên thơ.

Câu 3 (trang 44 SGK Ngữ văn 8 KNTT Tập 1)

Những hình ảnh ở hai câu thơ cuối đã gợi lên một bức tranh cuộc sống như thế nào?

Hướng dẫn trả lời

Hình ảnh ở hai câu thơ cuối:

- Tiếng sáo của trẻ chăn trâu văng vẳng

- Từng đôi cò trắng đang xoè cánh đậu xuống đồng

=> Bức tranh trong hai câu thơ cuối gợi khung cảnh trở nên sinh động nhờ xuất hiện âm thanh và hoạt động của sự vật. Hình ảnh “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” làm cho không gian được mở ra, trở nên thoáng đãng, cao rộng, trong sạch, yên ả. Qua đó còn cho thấy sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem lại cảm giác thân quen, gần gũi.

Câu 4 (trang 44 SGK Ngữ văn 8 KNTT tập 1)

Bài thơ tái hiện cảnh vật và cuộc sống con người trong nhiều khoảng không gian. Em hãy chỉ ra những khoảng không gian đó theo trình tự được miêu tả trong bài thơ.

Hướng dẫn trả lời:

- Không gian: trước xóm sau thôn – khung cảnh làng quê Việt Nam

+ Cảnh vật: “bán vô bán hữu” – phong cảnh mờ ảo, vừa như có lại vừa như không có, vừa thực, lại vừa không có thực gợi nên quang cảnh làng quê yên bình đang mờ trong sương khói, cảnh vừa có nét thực vừa có nét ảo

- Không gian: làng quê trong buổi chiều tà mờ ảo

+ Đàn trâu trở về

+ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng

Câu 5 (trang 44 SGK Ngữ văn 8 KNTT tập 1)

Theo em, qua bức tranh thiên nhiên và cuộc sống được tái hiện trong bài thơ, tác giả đã bộc lộ cảm xúc, tâm trạng gì?

Hướng dẫn trả lời:

Tâm trạng của tác giả: Ta hình dung tác giả như đang đắm chìm mơ màng trong không gian buổi chiều tà dung dị quyến rũ ấy. Trong lòng trào dâng một tình yêu tha thiết đối với xóm làng quê hương đất nước thân thương.

Câu 6 (trang 45 SGK Ngữ văn 8 KNTT tập 1)

Câu kết trong bài thơ tứ tuyệt Đường luật thường để lại dư âm. Hãy cho biết câu kết trong Thiên Trường vãn vọng có thể gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì.

Hướng dẫn trả lời:

Câu kết của bài thơ gợi cho em liên tưởng về cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Ở đó con người hòa hợp với thiên nhiên thanh bình. Thật yên ả và nhẹ nhàng biết bao!

Câu 7 (trang 45 SGK Ngữ văn 8 KNTT tập 1)

Tác giả Thiên Trường vãn vọng còn là một vị vua. Điều đó gợi cho em những suy nghĩ gì khi đọc bài thơ?

Hướng dẫn trả lời:

Tác giả của bài thơ là một ông vua có tâm hồn thi sĩ. Đọc bài thơ, ta thấy hoàn toàn không có sự ngăn cách nào giữa một người lãnh đạo cao nhất của một quốc gia với một người nông dân thuần phác (cảnh được nhìn và miêu tả ở những nét gần gũi và dân dã nhất). Điều đó cho thấy, nhà vua rất gần dân chúng, rất yêu dân, yêu chuộng sự thanh bình. Phải chăng vì các vị vua Trần rất thân dân, yêu dân như con mà mỗi khi đứng trước họa xâm lăng (nhất là trong ba lần quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta) nhà Trần đều lãnh đạo nhân dân chống xâm lược thành công.

Viết kết nối với đọc (trang 45 SGK Ngữ văn 8 KNTT tập 1)

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày cảm nhận của em về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong bài thơ Thiên Trường vãn vọng.

Hướng dẫn trả lời:

Cảm nhận về cảnh mục đồng thổi sáo dẫn trâu về nhà:

Bóng chiều dần buông xuống, mặt trời khuất dần sau ngọn núi. Những cánh cò tìm về chốn bình yên sau một ngày kiếm ăn vất vả. Những cơn gió thoảng qua xua dần không khí nóng bức, để lại cảm giác êm dịu và mát mẻ ngày hè. Đàn trâu thong dong bước về chuồng trên con đường làng quen thuộc, nhè nhẹ ve vẩy chiếc đuôi. Những chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, tay cầm sáo thổi vang. Cảnh làng quê thật yên bình và gần gũi biết bao.

✅ Thực hành tiếng Việt trang 45

Câu 1 (trang 45, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Chỉ ra câu thơ, câu văn có sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ trong các trường hợp sau:

a. Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

(Trần Tế Xương, Thương vợ)

b. Xóm làng xanh mát bóng cây,

Sông xa trắng cánh buồm bay lưng trời.

(Trần Đăng Khoa, Quê em)

c. Chị Dậu về đến đầu nhà đã nghe tiếng khóc khàn khàn của hai đứa trẻ. Sấp ngửa, chị chạy vào cổng, quẳng cả rổ mẹt, mê nón xuống sân, rồi vội vàng chị vào trong nhà.

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

Hướng dẫn trả lời:

a. Cả hai câu thơ đều sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ (lặn lội thân cò, eo sèo mặt nước)

b. Cả hai câu thơ đều sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ (xanh mát bóng cây, trắng cánh buồm bay)

c. Câu văn thứ hai sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ (sấp ngửa, chị chạy vào cổng; vội vàng chị vào trong nhà)

Câu 2 (trang 45, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

(Bà Huyện Thanh Quan, Qua Đèo Ngang)

a. Chỉ ra các câu thơ sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ trong đoạn thơ.

b. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong từng câu thơ.

Hướng dẫn trả lời:

a. Cả 4 câu thơ đều sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ

b. Tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ:

- Câu 1: Theo trật tự ngữ pháp thông thường của tiếng Việt, từ “lom khom” lẽ ra đặt sau cụm từ “tiều vài chú” và từ “tiều” đặt sau “vài chú”, nhưng ở đây lại được tác giả đảo vị trí lên trước, có tác dụng nhấn mạnh tư thế, hình dáng nhỏ bé của con người, từ đó làm nổi bật lên khung cảnh hùng vĩ, hiểm trở của Đèo Ngang.

- Câu 2: Theo trật tự ngữ pháp thông thường của tiếng Việt, từ “lác đác” phải đặt sau cụm từ “chợ mấy nhà” và từ “chợ” đặt sau từ “mấy nhà”, nhưng ở đây lại được đảo vị trí lên trước, để nhấn mạnh số lượng ít ỏi và sự thưa thớt của những ngôi nhà; từ đó gợi không khí vắng vẻ, hoang sơ của núi rừng.

- Câu 3+4: từ “nhớ nước”, “đau lòng”, “thương nhà”, “mỏi miệng” được đảo vị trí, có tác dụng thể hiện nỗi niềm hoài cổ – nhớ tiếc quá khứ vàng son đã trôi qua và tâm trạng hoài hương – nhớ gia đình, quê hương.

Câu 3 (trang 46, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong các đoạn thơ sau:

a. Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

Mất ổ bầy chim dáo dác bay.

(Nguyễn Đình Chiểu, Chạy giặc)

b. Con đê cát đỏ cỏ viền

Leng keng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò.

(Hoàng Tố Nguyên, Gò Me)

c. Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

(Tế Hanh, Quê hương)

Hướng dẫn trả lời:

a. Nhấn mạnh khung cảnh chạy giặc. Những đứa trẻ phải bỏ nhà, chạy lơ xơ. Bầy chim bị mất ổ dáo dác bay. Một khung cảnh hỗn loại, xơ xác, tan thương.

b. Nhấn mạnh bức tranh thiên nhiên Gò Me sinh động, tươi mát, tràn ngập sức sống với thiên nhiên trù phú, và sự bình yên, thư thả với các hình ảnh bình dị.

c. Nhấn mạnh cảnh ồn ào, tấp nập trên bến khi đón thuyền về và niềm vui trước những thành quả lao động, gợi ra một sức sống, nhịp sống náo nhiệt.

✅ Ca Huế trên sông Hương

Câu 1 (trang 48 SGK Ngữ văn 8 KNTT tập 1)

Các điệu hò xứ Huế gắn bó như thế nào với cuộc sống của con người?

Hướng dẫn trả lời

Các điệu hò xứ Huế gắn bó mật thiết, sâu sắc với cuộc sống con người, xuất hiện khi đánh cá trên sông ngòi, biển cả, hò lúc cấy cày, gặt hái, trồng cây, chăn tằm. Mỗi câu hò Huế dù ngắn hay dài dều được gửi gắm ít ra một ý tình trọn vẹn.

Câu 2 (trang 48 SGK Ngữ văn 8 KNTT tập 1)

Đêm ca Huế có gì đặc biệt về thời gian, không gian? Theo em, thời gian, không gian ấy tác động như thế nào đến việc thưởng thức ca Huế?

Hướng dẫn trả lời

Đêm ca Huế diễn ra trong thời gian buổi đêm, với không gian trên thuyền rồng, giữa sông Hương, gió mát trăng thanh. Thành phố lên đèn như sao sa. Màn sương dày dần lên, cảnh vật mờ đi trong một màu trắng đục. Xa xa bờ bên kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng.

=> Cảnh sông nước buổi đêm đẹp thơ mộng say đắm lòng người. Không gian cổ kính, trang trọng. Thời gian về khuya ngày càng yên tĩnh. Thời gian, không gian ấy đã làm ca Huế nghe buồn man mác thương cảm, bi ai, vương vấn…

Câu 3 (trang 48 SGK Ngữ văn 8 KNTT tập 1)

Theo văn bản, ca Huế được hình thành từ đâu? Nguồn gốc đặc biệt ấy mang lại cho ca Huế vẻ đẹp gì?

Hướng dẫn trả lời

- Ca Huế bắt nguồn từ nhạc dân gian và nhạc cung đình (là nhạc dùng trong những buổi lễ trang nghiêm nơi cung đình, tôn miếu nên trang trọng uy nghi). Nhạc dân gian là các làn điệu dân ca, điệu hò, hát lí...

- Nguồn gốc đặc ấy mang lại cho ca Huế vẻ đẹp sôi nổi, tươi vui, trang trọng, uy nghi chính là vì nó tiếp thu tính chất của hai dòng nhạc. Sôi nổi, tươi vui (có cả buồn cảm, bâng khuâng, tiếc thương ai oán) là có nguồn gốc từ nhạc dân gian. Còn trang trọng, uy nghi là có nguồn gốc từ nhạc cung đình.

Câu 4 (trang 48 SGK Ngữ văn 8 KNTT tập 1)

Nêu tác dụng của việc kết hợp các yếu tố có vai trò kể chuyện, miêu tả, bộc lộ cảm xúc, bình luận,… trong văn bản.

Hướng dẫn trả lời

Tác dụng của việc kết hợp các yếu tố có vai trò kể chuyện, miêu tả, bộc lộ cảm xúc, bình luận,… trong văn bản: đem đến cho người đọc nhiều hiểu biết về nét đặc trưng riêng của làn điệu dân ca xứ Huế. Qua đó, không chỉ giới thiệu về ca Huế trên sông Hương, tác giả còn ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn con người Huế thể hiện trong mỗi câu ca, lời hát, gửi gắm tình yêu tha thiết của mình dành cho văn hóa nghệ thuật, dành cho ca Huế và con người Huế.

Câu 5 (trang 48 SGK Ngữ văn 8 KNTT tập 1)

Nhận xét về tình cảm tác giả dành cho ca Huế, xứ Huế.

Hướng dẫn trả lời

Trong bài tùy bút Ca Huế trên sông Hương, Hà Ánh Minh đã dành những lời đẹp nhất, hay nhất ngợi ca một thú chơi tao nhã của con người núi Ngự sông Hương đã bao đời nay. Điều đó cho thấy tình yêu, niềm tự hào về một sản phẩm văn hóa độc đáo của quê hương; là thái độ nâng niu, trân trọng và ý thức gìn giữ, tôn vinh những di sản tinh thần quý giá của dân tộc.

✅ Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật)

Đề bài (trang 48, SGK Ngữ văn 8, tập 1):

Trong phần Đọc, em đã được học các tác phẩm mẫu mực của thể thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt Đường luật. Em hãy vận dụng các thao tác, kĩ năng đọc hiểu đã được hình thành, rèn luyện để viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật.

Yêu cầu:

- Giới thiệu khái quát về tác giả và bài thơ (nhan đề, đề tài, thể thơ,…); nêu ý kiến chung cảu người viết về bài thơ.

- Phân tích được nội dung cơ bản của bài thơ (đặc điểm của hình tượng thiên nhiên, con người; tâm trạng của nhà thơ), khái quát chủ đề bài thơ.

- Phân tích được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (một số yếu tố thi luật của thể thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật; nghệ thuật tả cảnh, tả tình; nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ, biện pháp tu từ,…)

- Khẳng định được vị trí, ý nghĩa của bài thơ.

Hướng dẫn:

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn bài thơ

- Liệt kê một số bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật em đã học hoặc đã đọc.

- Lựa chọn bài thơ em hiểu và yêu thích để phân tích

b. Tìm ý

- Tìm hiểu nhan đề và bố cục của bài thơ để nhận biết đề tài và nội dung chính

- Chia tách bài thơ thành các phần và xác định nội dung chính của từng phần.

- Tìm những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ

- Tìm hiểu thông tin cơ bản về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác để hiểu thêm về bài thơ

c. Lập dàn ý

2. VIẾT BÀI

- Khi viết bài, cần bám sát dàn ý đã lập; sử dụng đa dạng các hình thức trích dẫn; kết hợp phân tích với nhận xét, đánh giá

- Sử dụng từ ngữ chính xác, chọn lọc; diễn đạt sáng rõ, thể hiện được cảm xúc của người viết

- Chú ý sự khác nhau về yêu cầu, mục đích của kiểu bài ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ và kiểu bài phân tích một bài thơ

3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Đọc lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để chỉnh sửa

Bài tham khảo:

Bà Huyện Thanh Quan là một nữ thi sĩ nổi tiếng trong nền văn học trung đại của nước ta. “Qua Đèo Ngang” là một tác phẩm rất tiêu biểu cho phong cách thơ của bà. Bài thơ đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng sự sống con người nhưng vẫn còn hoang sơ. Đồng thời nhà thơ còn qua đó gửi gắm nỗi nhớ nước thương nhà.

Tác giả đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên nơi Đèo Ngang trong một buổi chiều tà:

“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”

Cụm từ “bóng xế tà” gợi ra thời điểm kết thúc của một ngày. Nhà thơ đang một mình đứng trước nơi đèo Ngang. Tiếp đến câu thơ “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” là hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng, khắc họa khung cảnh thiên nhiên đèo Ngang. Việc sử dụng điệp từ “chen” kết hợp với hình ảnh “đá, lá, hoa” thật tinh tế. Vẻ đẹp thiên nhiên của đèo Ngang tuy hoang sơ nhưng lại tràn đầy sức sống. Khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang được nhà thơ khắc họa chỉ bằng vài nét nhưng lại hiện ra đầy chân thực và sinh động.

Và không thể thiếu trong bức tranh thiên nhiên đó là hình ảnh con người. Nghệ thuật đảo ngữ “lom khom - tiều vài chú” cho thấy hình ảnh vài chú tiều với dáng đứng lom khom dưới chân núi. Và “lác đác - chợ mấy nhà” gợi ra hình ảnh vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông. Nhà thơ muốn nhấn mạnh vào sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên rộng lớn. Con người chỉ nằm là một chấm buồn lặng lẽ giữa một thiên nhiên rộng lớn. Thiên nhiên mới là trung tâm trong bức tranh đèo Ngang.

Thiên nhiên càng cô quạnh, tâm trạng của tác giả càng cô đơn. Điều đó được bộc lộ ở những câu thơ tiếp theo:

“Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia”

Hình ảnh “con quốc quốc” và “cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa). Việc sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh: tiếng kêu “quốc quốc”, “đa đa” để qua đó bộc lộ nỗi lòng nhớ thương của mình với đất nước, quê hương. Đọc đến đây, chúng ta dường như có thể lắng nghe được tiếng kêu khắc khoải, da diết đang vang lên trong vô vọng.

Câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khắc họa hình ảnh nhà thơ một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông). Sự cô đơn của nhà thơ: “một mảnh tình riêng” - tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ:

“Dừng chân đứng lại trời, non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta"

Trong thơ Nguyễn Khuyến cũng từng sử dụng cụm từ “ta với ta”:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có

Bác đến chơi đây ta với ta”

Trong “Bạn đến chơi nhà, từ “ta” đầu tiên chỉ chính nhà thơ - chủ nhà, còn từ “ta” thứ hai chỉ người bạn - khách đến chơi. Từ “với” thể hiện mối quan hệ song hành, gắn bó dường như không còn khoảng cách. Qua đó thể hiện tình bạn gắn bó tri âm tri kỷ của nhà thơ. Còn trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, cụm từ “ta với ta” ở đây đều chỉ nhà thơ, lúc này bà chỉ có một mình đối diện với chính mình, cô đơn và lẻ loi. Sự cô đơn ấy dường như chẳng thể có ai cùng chia sẻ.

Như vậy, Qua đèo Ngang đã thể hiện được tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan trước khung cảnh đèo Ngang hoang sơ. Bài thơ chứa đựng những tình cảm, ý nghĩa sâu sắc.

✅ Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại)

Hướng dẫn trả lời:

1. Trước khi nói

- Lựa chọn một sản phẩm văn hóa mà em yêu thích: có thể chọn một sản phẩm văn hóa riêng của vùng, miền nơi em sống (danh lam thắng cảnh, trang phục dân tộc, lễ hội, món ăn truyền thống,…) hoặc một sản phẩm văn hóa chung của đất nước (bánh chưng ngày Tết, múa rối nước, áo dài Việt Nam, phở,…).

- Để nêu được ý kiến xác đáng, em cần tìm hiểu về nguồn gốc, đặc điểm, giá trị của sản phẩm văn hóa truyền thống được lựa chọn trong cuộc sống hiện tại.

- Em có thể tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi như: Em sẽ trình bày ý kiến về phương diện nào của sản phẩm văn hóa truyền thống? Ý kiến của em là gì? Vì sao em có ý kiến như vậy?

- Sắp xếp các ý thành một dàn ý với các phần Mở đầu, Triển khai, Kết luận.

- Lựa chọn một số từ ngữ then chốt phù hợp với vấn đề trình bày.

2. Trình bày bài nói

- Mở đầu: Giới thiệu tên sản phẩm văn hóa truyền thống và nêu khái quát ý kiến của em về sản phẩm văn hóa đó trong cuộc sống hiện tại.

- Triển khai:

+ Nêu ngắn gọn một số thông tin cơ bản về sản phẩm văn hóa truyền thống: nơi ra đời của sản phẩm, vị trí của sản phẩm, ý nghĩa của sản phẩm,…

+ Trình bày ý kiến nhận xét, đánh giá về sản phẩm văn hóa truyền thống (của quê hương, đất nước). Tùy theo đề tài và thời gian, có thể chọn trình bày ý kiến về một vài khía cạnh: hiện trạng, giá trị, hướng bảo tồn, phát triển,… sản phẩm văn hóa đó trong cuộc sống hiện tại. Chú ý đưa ra các lí lẽ, bằng chứng làm cơ sở cho ý kiến của em.

+ Sử dụng ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt,…) và điều chỉnh ngữ điệu nói cho phù hợp.

Kết luận: Khẳng định ý nghĩa của sản phẩm văn hóa truyền thống đối với cuộc sống hiện tại.

Bài tham khảo:

Nhắc đến Tết cổ truyền, ngoài hoa đào, hoa mai, cây quất thì bánh chưng cũng được coi là linh hồn của ngày Tết. Trên ban thờ ngày Tết có thiếu gì nhưng chắc chắn không bao giờ thiếu bánh chưng.

Xuất hiện từ thời vua Hùng, bánh chưng Việt Nam đã trở thành một món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết nguyên đán.

Thông thường, để làm ra một chiếc bánh chưng cần phải có đủ các nguyên liệu bao gồm lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ béo ngậy, lạt buộc bánh, khuôn bánh.

Nguyên liệu thì đơn giản là vậy nhưng để làm ra một chiếc bánh chưng hoàn chỉnh, đẹp mắt, ngon miệng thì chính là sự kỳ công khéo léo và tỉ mẩn của người làm.

Lá dong phải to bản, xanh tươi, nếu là lá dong bánh tẻ thì càng tốt vì khi gói bánh sẽ đẹp hơn.

Gạo nếp phải được ngâm qua đêm, đem xả rồi xóc cho ráo nước, đậu xanh đãi vỏ, thịt lợn thái vừa rồi ướp muối, tiêu. Lá dong bày lên nong, qua đôi bàn tay khéo léo của các mẹ, các bà, những chiếc bánh chưng được gói gọn gàng, vuông vắn, buộc bằng những sợi lạt mềm và dẻo dai, đã được chẻ sẵn từ trước.

Nhiều nhà chuẩn bị sẵn một nồi nước to đã đun sôi lửa, thả bánh chưng vào đó, rồi người trong nhà ngồi quây quần xung quanh hoặc thay phiên nhau ngồi canh nước cho nồi bánh chưng. Cảm giác được nhìn chiếc bánh chưng từ khâu chuẩn bị đến công đoạn cuối cùng mới thực sự thích thú. Những chiếc bánh chưng xanh vẫn bình dị như thuở sơ khai của nó, và nó thực sự tạo nên không khí đầm ấm thiêng liêng trong ngày Tết.

✅ Củng cố mở rộng trang 55

Câu 1 (trang 55, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Kẻ bảng vào vở theo mẫu dưới đây và điền nội dung về một số yếu tố thi luật của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật thể hiện qua bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến:

Câu

Luật bằng trắc

Niêm

Vần

Nhịp

Đối

1

         

2

         

3

         

4

         

5

         

6

         

7

         

8

         

Hướng dẫn trả lời:

Câu

Luật bằng trắc

Niêm

Vần

Nhịp

Đối

1

-B-T-B-

B

veo

4/3

 

2

-T-B-T-

T

leo

4/3

 

3

-T-B-T-

T

-

4/3

Đối

4

-B-T-B-

B

vèo

4/3

Đối

5

-B-T-B-

B

-

4/3

Đối

6

-T-B-T-

T

teo

4/3

Đối

7

-T-B-T-

T

-

2/2/3

 

8

-B-T-B-

B

bèo

4/3

 

Câu 2 (trang 55, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Kẻ bảng vào vở theo mẫu dưới đây và điền nội dung về một số yếu tố thi luật của thể thơ tứ tuyệt Đường luật thể hiện qua bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông:

Câu

Luật bằng trắc

Niêm

Vần

Nhịp

1

       

2

       

3

       

4

       

Hướng dẫn trả lời:

Câu

Luật bằng trắc

Niêm

Vần

Nhịp

Đối

1

-T-B-T-

T

yên

4/3

 

2

-B-T-B-

B

biên

4/3

Đối

3

-B-T-B-

B

-

4/3

Đối

4

-T-B-T-

T

điền

4/3

 

Câu 3 (trang 55, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Hãy chọn một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật mà em yêu thích và thực hiện các yêu cầu sau:

a. Nhận xét về niêm, luật của bài thơ.

b. Xác định bố cục và nêu ý chính của từng phần.

c. Nêu chủ đề và chỉ ra một số nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.

Hướng dẫn trả lời:

Bạn đến chơi nhà

(Nguyễn Khuyến)

Đã bấy lâu nay bác tới nhà,

Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

Cải chửa ra cây, cà mới nụ;

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

Đầu trò tiếp khách, trầu không có,

Bác đến chơi đây, ta với ta.

a. Nhận xét về niêm, luật của bài thơ.

- Bạn đến chơi nhà cũng là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

- Bài thơ này có 8 câu mỗi câu bảy chữ, hợp vần ở chữ cuối câu một và chữ cuối các câu chăn (1, 2, 4, 6 và 8).

- Trong bài còn có phép đối ở bốn câu giữa: câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6.

b. Xác định bố cục và nêu ý chính của từng phần.

- Đoạn 1 (Câu đầu): Giới thiệu sự việc.

- Đoạn 2 (6 câu tiếp): Hoàn cảnh của nhà thơ khi bạn đến chơi.

- Đoạn 3 (Câu cuối): Tình cảm thắm thiết của nhà thơ đối với bạn.

c. Nêu chủ đề và chỉ ra một số nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.

- Bạn đến chơi nhà là một bài thơ trữ tình đặc sắc được làm theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Với bài thơ này, tác giả đã cho ta thấy một trong những tình cảm quý giá nhất của con người ấy là tình bạn.

- Đặc sắc nghệ thuật:

+ Tạo tình huống bất ngờ, thú vị

+ Giọng thơ chất phác, hồn nhiên, ẩn sau câu chữ là ánh mắt lấp lánh cùng nụ cười hồn hậu, ấm áp, chân tình của nhà thơ

+ Sự kết hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ bác học

Baitap24h.com

Shopacgame.vn

@if (!string.IsNullOrEmpty(Model.UrlShopee)) {
}