DECUONG.VN Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Sau sự sàng lọc bất khả dĩ của thời gian lên mỗi đoạn thế kỷ văn chương, sau những bước chân vội vã, gấp gáp của thời đại là thế, thì người ta có lẽ vẫn chưa thể quên được một bóng hình Thạch Lam nhẹ nhàng, “mảnh khảnh tưởng như chỉ một làn gió”, từ tốn bước vào rồi rời đi nơi làng văn Việt Nam, mang theo chút hương văn “ngọt giăng tơ” không ai bằng.

Người ta hay kháo nhau, rằng vào những ngày đất Hà thành đổ xuống những cơn mưa đầu mùa lành lạnh, se se, nếu có thể ngồi một góc mà thưởng con chữ Thạch Lam, thì chẳng khác nào người say trước rượu, kẻ say trước giai nhân. Bởi lẽ, người ấy có một thứ văn khí trầm tĩnh, thanh thoát, nhỏ nhẹ, thủ thỉ, tâm tình không giống ai, biết len lỏi, biết thấm nhuần, biết như sương mát lạnh, như gió khỏa lay, như dạ lan hương tỏa hương trong đêm tối, nâng niu những cái đẹp man mác rơi vụn trong cuộc đời.

“Không có một sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó” (Thế Lữ), vì Thạch Lam không viết gì ngoài những gì ông sống và chứng kiến. Nhịp sống đơn điệu đến ám ảnh, day dứt nơi không gian phố huyện đìu hiu trong “Hai đứa trẻ”; những buổi sáng mùa đông rét mướt trong “Gió lạnh đầu mùa”, hương hoàng lan nhè nhẹ, cùng những đêm trăng cao, những thứ ẩm thực xưa đậm chất Hà Nội cổ, … như một sự hữu ý thành duyên đi vào văn Thạch Lam. Thạch Lam bảo còn nghe được tiếng tình thương của con người: “Tôi biết nó nhưng nghe thấy tiếng khóc thảm thiết của nó, tôi không chịu nổi. Tôi phải làm cái gì cho nó và cả cho tôi.” Và thế là ông viết nên một thể cách truyện không cốt truyện chảy vào dòng đời - một thứ “khí giới” trong như nắng, mảnh như mai.

Hình như là, thời gian chỉ thanh lọc cho nhà văn những gì sâu lắng, trong sạch và dư vị nhất giữa một thế giới đầy giả dối và âm mưu. Cõi đời này phức tạp vô cùng, trong khi thiện ác chỉ cách nhau một sợi tóc mỏng manh, tranh giành nhau xâm lấn và chèn ép trái tim con người, thì Thạch Lam lặng lẽ làm một nửa sợi tóc xanh dựa mình nơi Hà thành tinh tế, ướm lên mình một mùi hương mơ hồ và man mác.

Ngòi bút mềm mại thấm nhuần phong vị Hà thành không lẫn vào đâu được.

Thạch Lam yêu Hà thành.

Say mê ẩm thực Hà thành, nhất là những thứ “quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là ngon lành và lịch sự.”

“Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, bún ấy, thế mà sao bún chả Hà Nội ngon, từ cái nước chấm ngon đi.” Hay hàng bún ốc bình dân với “nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình”. Phở chính tông Hà Nội ngon thì “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát; thịt mỡ gàu dòn chứ không dai, chanh, ớt với hành tây đủ cả”. Cốm mùa thu được hợp tuyển bởi “cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ; … cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng, thanh đạm của loài mộc.”

Thế mới biết, người Hà Nội xưa tình tứ và khéo léo đến nhường nào!

Đối với Thạch Lam, văn chương phải là văn chương, nên tất cả những giá trị ngôn từ được ông đưa vào văn chương của mình đều đẹp một cách lạ kì. Hay chính xác hơn, là nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật khởi nguồn từ nghệ thuật! Đã gần ngót nghét một thế kỷ trôi qua, nhưng thứ hương Hà thành lịch lãm có một không hai của Tự lực văn đoàn năm ấy, vẫn còn để lại cho đời một lăng kính ẩm thực đầy rung động và thanh tao.

Baitap24h.com

@if (!string.IsNullOrEmpty(Model.UrlShopee)) {
}