DECUONG.VN Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

P. Sidney đã từng phát biểu: “Những người có tâm hồn cao thượng không bao giờ cô đơn”. Phải chăng con người ta trong cuộc sống này cần lắm một tấm lòng cao thượng, yêu thương, chở che, luôn biết cho đi bởi cho đi là còn mãi. Nhưng liệu chỉ cho đi hẳn đã là đủ? Nằm trong những mối quan hệ ” có qua có lại giữa con người với con người, sự cho đi cũng cần được nhận lại. Bởi hơn thế ” Biết cho đi là điều đáng quý, nhưng biết cách nhận về cũng là cả một nghệ thuật”.

“Cho” là san sẻ yêu thương, giúp đỡ người khác. Đó là “điều đáng quý” – một điều có ích, có ý nghĩa đẹp. Còn “nhận lại” là khi chúng ta nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ người khác, mà đôi khi chính là nhờ vào những gì ta đã cho đi lúc trước. So sánh ” cách nhận” cũng là “một nghệ thuật” tức là, cách mà chúng ta nhận lại cũng là một kĩ năng, một phương thức, một sự công phu luyện tập. Từ “nhưng” ở đây không có ý tương phản, đối lập mà để nhấn mạnh sự nhận lại cũng là “một nghệ thuật”. Có thể nói, cho và nhận chính là một mối quan hệ gần như là luật nhân quả, bổ sung ý nghĩa cho nhau.
Thực vậy, biết cho đi là điều quý giá, nhưng biết nhận về cũng là cả một nghệ thuật trong cuộc sống. Đó là một lời đúc rút, một lời chiêm nghiệm, một bài học ý nghĩa cho mỗi chúng ta.

Biết cho đi là một điều đáng quý. Hạnh phúc là ước mơ, cũng là mục tiêu của tất cả mọi người. Suy cho cùng, mọi suy nghĩ, hành động của mỗi con người chúng ta đều xoay quanh mục tiêu này. Nhiều người tích luỹ tiền bạc với mong muốn được hạnh phúc. Nhưng những người khôn ngoan luôn hiểu rằng, hạnh phúc chỉ đến thực sự ý nghĩa và đủ đầy khi biết cho đi.

Cho đi là việc ai cũng có thể làm được, từ những thứ nhỏ nhất. Cho, có thể chỉ là mỗi ngày đều cho đứa bạn đi nhờ xe tới trường. Cho, có thể là nụ cười, có thể là chút tiền đặt vào thùng quyên góp cho người nghèo; hoặc đó chỉ là một cái ôm an ủi khi người ở cạnh bên bạn đang tổn thương, đau khổ. Việc cho đi không chỉ là vật chất mà còn là tấm lòng , là sợi chỉ kết nối con người lại gần với nhau hơn, thổi lên ngọn lửa của tình yêu thương.

Tôi từng nghe câu chuyện về bé Nguyễn Hải An – cô bé bị ung thư khi 7 tuổi đã cho đi giác mạc - đôi mắt của mình để những người con sống khác được mang đôi mắt sáng. Dẫu rằng con người mất đi rồi là hết, là trở về với cát bụi nhưng những gì bé Hải An cho đi đã để lại cho chúng ta, không chỉ là đôi mắt sáng, mà còn là ánh sáng của niềm tin vào cuộc sống. Đó mới là những giá trị quý báu, là điều sẽ còn lại mãi trong đời. Hay anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, anh cho đi cả tuổi xuân để làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, để đổi lấy những dự báo thời tiết chính xác nhất có thể, phục vụ cho chiến đấu và sản xuất. Đó quả là những sự cho đi đáng quý.

Như vậy, sự cho đi dù không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, không hề cần định lượng cho đi bao nhiêu. Cho đi là cách ứng xử cao đẹp mà như Tố Hữu đã nói “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Cho và nhận là một nghĩa cử cao đẹp của con người, khiến cho cuộc sống ấm áp hơn. Đối với những người ăn xin, một vài nghìn đồng đối với họ là cả một kho báu. Hay đối với những người đang đau khổ, lạc lõng và cô đơn, một nụ cười và cái vỗ vai khích lệ cũng đủ sức để truyền hơi ấp cho trái tin đang giá lạnh của họ. Cuộc sống là vậy, cho đi thực ra vô cùng đơn giản, chẳng cần toan tính, đó là những điều chân thành nhất.

Tại sao nói nhận cũng là một nghệ thuật? Một trong những quy luật cơ bản của cuộc sống chính là cho đi bao nhiêu, bạn sẽ nhận lại bấy nhiêu. Nó tựa như tấm gương phản chiếu chính xác về những điều bạn đã, đang và sẽ nhận được từ cuộc sống.

Trong cuộc sống của chúng ta, có những người được nhận nhưng cách nhận của họ thì không hề xứng đáng với những gì mà họ được nhận. Khi nhận được một điều gì đó, cần phải có sự chân thành, biết ơn, dù cho đó là điều gì đi chăng nữa. Dù là bài học cuộc sống, niềm tin, tình thương, kiến thức hay thậm chí là cả những nỗi đau, thử thách, nhưng va vấp mà cuộc sống mang đến. Việc nhận lại không phải là thụ động nhận lấy, mà ta phải từ đó biến cái được nhận thành một điều giúp chúng ta tốt hơn. Tôi từng nghe về câu chuyện về một người cha đơn thân phải nuôi đứa con nhỏ trong hoàn cảnh khó khăn, hình ảnh của hai cha con đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Và anh đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần từ mọi người.

Nhưng nhận lại rồi sao? Không kiểm soát, người cha với số tiền ủng hộ đó sa đà vào rượu chè, cờ bạc, thậm chí khi trở về còn đánh đập đứa con nhỏ mà mình đã từng chăm lo, yêu thương và chăm sóc, bắt nó đi bán hàng, và trở thành công cụ kiếm tiền của anh. Một ví dụ đơn giản về mỗi chúng ta. Khi nhận được kiến thức từ thầy cô, nếu ta không chủ động trong việc thu nhận kiến thức, thì chúng ta mãi mãi chỉ là những cỗ máy biết ghi chữ mà thôi. Liệu sự nhận về như vậy có phải là mong muốn của những người có tấm lòng cho đi. Nhận lại đòi hỏi sự chủ động, nâng niu, trân trọng điều mà mình được nhận để giúp chính bản thân tốt hơn lên và lan tỏa điều tốt đẹp cho nhiều người khác nữa.

Bạn đã bao giờ tự hỏi, bạn sẽ sống ra sao nếu như thế kỉ XXI của chúng ta không có sự xuất hiện của các máy móc, công nghệ hiện đại? Thế nhưng, thật đáng buồn khi những người trẻ chúng ta đang bị cuốn theo guồng quay, bị trở thành những con robot thờ ơ, vô cảm và dửng dưng với nhau. Con người ta luôn ích kỉ, muốn nhận hết mà không muốn cho đi. Nhưng bạn là con người biết sống bằng con tim và khối óc. Phải chăng, bạn cần phải suy nghĩ nhiều hơn về “một tấm lòng” cần có trong cuộc sống như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói.

Sự cho đi và nhận lại cần phải đặt đúng chỗ. Quả thực, “biết cho đi là điều đáng quý, nhưng biết cách nhận về cũng là một nghệ thuật”. Giống như dòng sông sẽ không thể tổn tại nếu chỉ biết cho đi hoặc chỉ biết nhận về. Con người chúng ta cần phải biết cân bằng việc cho đi và nhận lại, dùng con tim và khối óc cho đi – nhận lại một cách chân thành và thấu cảm nhất.

Decuong.vn

@if (!string.IsNullOrEmpty(Model.UrlShopee)) {
}