DECUONG.VN Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Ý nghĩa nhan đề “Tự tình”

Nhan đề “Tự tình” có nghĩa là bộc lộ tâm tình, cảm xúc; Hồ Xuân Hương tự đối diện với chính mình để tự vấn, tự thương xót cho mình. Không chỉ có chùm ba bài thơ “Tự tình”, Hồ Xuân Hương còn có khá nhiều bài thơ bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của nữ sĩ trước hoàn cảnh éo le, đau buồn. Vì sao vậy?

Cho đến nay, vẫn còn nhiều vấn đề về cuộc đời của Hồ Xuân Hương chưa thể khẳng định chắc chắn, bởi không có tài liệu gốc nào để lại. Người ta vẫn lưu truyền bà là người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông thân sinh là cụ Hồ Phi Diễn, một thầy đồ nghèo, lấy mẹ Xuân Hương là lẽ. Hồ Xuân Hương từ khi lớn lên sống chủ yếu ở kinh thành Thăng Long.

Bà thông minh, sắc sảo nhưng đường tình duyên lại hết sức éo le, ngang trái, cuộc đời nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương hai lần lấy chồng, cả hai lần đều làm lẽ (Tổng Cóc và Phủ Vĩnh Tường). Đau lòng hơn, cả hai lần bà đều góa bụa, chia tay với hạnh phúc ngắn ngủi khi xuân tình vẫn còn rạo rực.

Hai lần làm lẽ, hai lần góa bụa, những tâm sự chất chứa trong lòng chỉ có thể gửi vào thơ. Cả ba bài thơ “Tự tình” đều bộc bạch cõi lòng nhiều buồn đau, phẫn uất của người phụ nữ khi duyên tình không trọn vẹn.

Chùm thơ Tự tình

Bài thơ Tự tình 1

“Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,

Oán hận trông ra khắp mọi chòm.

Mõ thảm không khua mà cũng cốc,

Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.

Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,

Sau giận vì duyên để mõm mòm.

Tài tử văn nhân ai đó tá?

Thân này đâu đã chịu già tom!”

Nội dung bài thơ “Tự tình 1”: Bài thơ bộc lộ tâm trạng cô đơn, thảm sầu, oán hận của nữ sĩ khi nghĩ đến đường tình duyên nhiều éo le, ngang trái của mình. Tuy nhiên, cuối cùng, vượt lên trên tất cả, bà vẫn trở lại cái bản lĩnh Xuân Hương không chịu thua, thách thức đời. Qua bài thơ, người đọc không chỉ cảm nhận được tâm trạng, tình cảnh đáng thương của nữ sĩ mà còn thấy được khát vọng hạnh phúc mãnh liệt của bà.

Bài thơ Tự tình 2

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Nội dung bài thơ “Tự tình 2”: Bài thơ thể hiện tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương: Vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc cháy bỏng, mãnh liệt của nữ sĩ họ Hồ.

Bài thơ Tự tình 3

“Chiếc bánh buồn vì phận nổi lênh,

Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.

Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,

Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.

Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,

Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.

Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,

Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.”

Nội dung bài thơ Tự tình 3: Qua hình ảnh ẩn dụ "chiếc bách", bài thơ bộc lộ nỗi niềm chua xót của Hồ Xuân Hương về duyên phận của mình: Bấp bênh, vô định, nhiều hiểm nguy đe dọa. Qua bài thơ, người đọc càng thấm thía khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc trọn vẹn của nữ sĩ.

=> Như vậy ba bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương có thể coi là ba bài thơ than thân, trách phận, trách duyên tình hẩm hiu, ngang trái. Bài nào cũng thấm đẫm cảm xúc, cũng nói ra tự đáy lòng của người phụ nữ những nỗi niềm chất chứa. Và cả ba bài thơ đều khiến người đọc cảm nhận nơi bề sâu câu chữ là tình cảm tha thiết, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt của nữ sĩ Xuân Hương.

Nhận định về thơ Hồ Xuân Hương

"Trong tâm thức người Việt Nam, Hồ Xuân Hương là nhà thơ vô cùng độc đáo. Độc đáo về nội dung. Độc đáo về thủ pháp nghệ thuật. Xứng danh là" bà chúa "của thơ Nôm, từ đề tài đến hình ảnh, sắc màu, thơ Hồ Xuân Hương không bao giờ tĩnh lặng, bằng phẳng, đăng đối mà ngược lại, chúng luôn sống động, gai góc, gồ ghề.. xa là với chừng mực hài hòa của phong khí văn chương đương thời. Không đài các như Bà Huyện Thanh quan; không bác học, trữ tình một cách đằm thắm và đau đáu nỗi đoạn trường cùng" thập loại chúng sinh "như Nguyễn Du; cũng chẳng quý phái, vàng son, trang trọng tới từng câu chữ mà sự gọt giũa đến độ tinh xảo như chạm, như khắc của cụ Nguyễn Gia Thiều.. thơ Nôm Hồ Xuân Hương chỉ có thể sánh với lời ăn, tiếng nói của dân gian.

Như đỉnh cô phong nổi bật giữa thi đàn dân tộc cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, thơ Nôm Hồ Xuân Hương lừng lửng biểu hiện một cách sinh động, trực quan khả năng giàu có mà hóc hiểm đến lạ kì của ngôn ngữ dân tộc. Như một cuộc" đổi mới "vô cùng lớn lao, Hồ Xuân Hương đã đưa vào chiếc bình cũ của thể thơ Đường luật một lượng" rượu mới "về chất – mà ở đó, lần đầu tiên hình ảnh tục, lối nói lái, chữ dùng thật là táo bạo của lời ăn tiếng nói dân gian.. đã ùa vào thơ như tự lâu lắm rồi, như vốn đã ngự trị trên văn đàn như thế. Nó ùa vào, nhảy vào chiếm lĩnh mà không cần sự dè dặt của một bước chuẩn bị hay thử nghiệm." (Đào Thái Tôn)

"Đã hơn nghìn năm đằng đẵng, dưới một vòm trời chật hẹp, trên một mặt đất khô cằn, con người bị ma chiết trong bàn tay sắt của chế độ phong kiến, tuồng như mất hết khí phách mà không còn dám mơ ước xây dựng ngôi nhà hạnh phúc cảu mình trên bờ sông thời gian. Giờ đây, từ trong cõi thơ của Hồ Xuân Hương ra, con người tự cảm thấy lớn hơn cái thân phận của mình, mạnh hơn cả số mệnh."

Mặc dù còn có những tồn nghi khi nghiên cứu và tìm hiểu thơ của Hồ Xuân Hương, nhưng chúng ta vẫn có thể khẳng định: Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn học độc đáo ở nhiều phương diện, xứng đáng với lời tôn vinh của thi sĩ Xuân Diệu "bà chúa thơ Nôm".

@if (!string.IsNullOrEmpty(Model.UrlShopee)) {
}