Pauxtopki từng tâm niệm “nhà văn chân chính là người dẫn đường tới xứ sở của cái đẹp”. Mỗi một trang viết của người nghệ sĩ chân chính phải là từ hoa với sắc biếc mây trời, ngạt ngào hương hoa, lấp lánh tình người trên tài hoa trí tuệ của con người. Có một nhà văn như thế đã đi vào hồn văn Việt Nam với trang hoa nổi tiếng “Người lái đò sông Đà”. Ấy là Nguyễn Tuân – người đã xây dựng thành công công trình mĩ thuật sông Đà và hình tượng con người lao động mới. Bước vào xứ sở sông Đà văn ông, người đọc choáng ngợp, hãi hùng bởi sự hung bạo của Đà giang và say đắm ngất ngây trước nét trữ tình của nó qua hai đoạn văn sau: “Hùng vĩ của sông Đà… khuỷnh sông dưới” và “Tôi có hay tạt ngang sông Đà… bản đồ lai chữ”.
Nguyễn Đình Thi từng phán về cụ Nguyễn là nhà văn “suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật”, tự nhận mình là người “sinh ra để thờ Nghệ thuật với hai chữ viết hoa”. Mỗi trang viết của văn nhân hiện lên là mỗi một tờ hoa với cái biến ảo kì diệu của ngôn từ. Nguyễn trong bất cứ đề tài nào đều lấy cái tài hoa làm phương diện khám phá con người và lấy tiêu chí thẩm mỹ đánh giá đối tượng.
Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” tiêu biểu cho phong cách này của Nguyễn Tuân. Tùy bút ra đời trong chuyến đi gian khổ mà hào hứng của Nguyễn Tuân lên miền Tây Bắc xa xôi rộng lớn. Ở đó, văn nhân đã khám phá ra chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc và thứ vàng mười đã qua thử lửa ở tâm hồn người lao động nơi đây.
Hai đoạn trích trích ra từ tác phẩm hiện lên như tờ hoa về vẻ đẹp sông Đà. Trích văn đầu gợi ra những dòng cảm xúc đầu tiên về Đà giang nơi thượng nguồn hung bạo. Đoạn trích sau là niềm say mê, da diết của văn nhân trong phần sau của tác phẩm trước Đà giang trữ tình, thơ mộng. Mỗi một trích văn là một vẻ đẹp riêng khác biệt của công trình mỹ thuật sông Đà.
Là nhà văn của những cảm giác phi thường, những phong cảnh tuyệt mỹ, núi cao, rừng thông, sóng gió và thác ghềnh dữ dội, Nguyễn Tuân đã dùng những nét vẽ khoáng đạt để tạo nên hình tượng sông Đà thật độc đáo. Đập vào mắt người đọc, Đà giang xuất hiện ở đoạn trích thứ nhất với sự hung bạo mà ấn tượng đầu tiên chính là hình ảnh vách đá thành sừng sững. Văn nhân khẳng định “Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông dựng vách thành”. Sự dữ dằn nơi Đà giang là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Mà vách thành sông Đà là cảnh sừng sững án ngữ trước mặt độc giả ngay lần dạo chơi đầu tiên. Cụ Nguyễn đã vận dụng tinh tế “thành cao hào sâu” để mở ra ấn tượng nơi người đọc về vách thành kiên cố, vững chắc, thâm nghiêm. Vách đá hiện lên như thành cao, sông Đà với vực thảm như hào sâu hun hút. Tất cả bước đầu dần kéo người đọc vào trùng vây liên tưởng choáng ngợp, hãi hùng. Chỉ hai chữ “vách thành” thôi văn nhân đã khắc tạc vào đó bao điều bí hiểm của thành quách cổ xưa sự rình rập của những đợt hỗn chiến, tấn công. Chính bởi thành trì ấy cao thăm thẳm, sâu hun hút mà “đúng ngọ mới có mặt trời”. Ánh nắng chói chang soi chiếu vạn vật nhưng chỉ khi lên thiên đỉnh mới được le lói trên lòng sông Đà. Cao, sâu thôi chưa đủ cụ Nguyễn còn muốn đưa người đọc đến sự hung bạo tột cùng của cảnh đá bờ sông qua độ hẹp của sông Đà. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân hai bên bờ sông như đang xích lại gần nhau: “Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai, con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”. Độ hẹp lòng sông bị vách đá chèn ép tới mức nghẹt thở. Qua động từ “chẹt” người đọc cảm tưởng như vách thành đã lấn át hết cả bờ sông ghê rợn, hãi hùng. Những chi tiết miêu tả tưởng chừng như bâng quơ của cụ Nguyễn nhưng lại đem lại ấn tượng đậm nét hơn về độ hẹp nơi sông Đà. Chỉ hành động đơn giản của nai hổ, cú ném nhẹ chơi đùa của con người lại là thước đo tài tình hơn bất cứ con số chuẩn xác nào. Tất cả đã đem đến hình dung ban đầu về dòng sông, quy tụ tất cả tính từ đo lường nguy hiểm nhất: cao thăm thẳm, sâu hun hút, hẹp đến không thở nổi. Chính bởi lẽ này cảm giác của văn nhân khi chèo thuyền qua đây mới thật thú vị: “ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng cảm thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ nào mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Nguyễn Tuân đã tạo ra ấn tượng về xúc giác phi lý ngày giữa mùa hè. Nhưng suy nghĩ cùng dòng cảm giác này với Nguyễn, người ta mới thấy lạnh rợn tóc gáy, sởn gai ốc. Tuy nhiên cụ Nguyễn đâu giống người thường, nguy hiểm mà vẫn dậm tô cho kì được thêm cảm giác hãi hùng về độ cao rợn ngợp của vách đá sông Đà, qua từ ngữ không xác định “nào, mấy”, qua độ hẹp của hè phố và sự phụt tắt bất thình lình của đèn điện làm thót tim người quan sát khi đi vào khúc sông tối tăm này. Sông Đà hung bạo đã dần hiện ra trong trí óc người đọc bao hãi hùng, sửng sốt.
Tính chất hung bạo của Đà giang còn là sự kết hợp của quần thể những thác đá, sóng nước. Máy quay của người nghệ sĩ đã chuyển từ vách thành qua cái dữ dội ở mặt ghềnh Hát Loóng: “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”. Đội quân sóng, nước, gió trên sông Đà đang bắt tay nhau tạo trận địa uy hiếp con người. Nhịp văn ngắn, nhanh, mạnh, dồn dập như đang muốn tạo cơn cuồng phong bão tố. Hình ảnh điệp nối tiếp luân chuyển nhau, sóng gió sông Đà cứ thế gối lên nhau, lần lượt uy hiếp con người. Cụ Nguyễn đã đặt vào ba vế câu ba điệp từ “xô” để cộng hưởng cho những đợt đánh liên hoàn dữ dội của sóng nước thác đá. Chúng như con thủy quái đầm lầy đang cuồng nộ, bẳn tính, gắt gỏng vô cớ giận dỗi với con người. Đà giang “gùn ghè” đe dọa con người như thói quen thường ngày của nó. Nó sẵn sàng tiêu diệt, nuốt trọn bất cứ tay lái khinh suất nào. Một khía cạnh hung bạo nữa của con thủy quái hiện ra đe dọa, uy hiếp con người.
Dưới bàn tay ma thuật của văn sĩ, sông Đà hung bạo tiếp tục nghênh chiến với người đọc qua đội quân hút nước dữ dằn. Hút nước hiện ra trước mặt độc giả qua hình ảnh “cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”, qua âm thanh ghê rợn của “cửa cống cái bị sặc” với sự cộng hưởng đến đáng sợ giữa hình ảnh, âm thanh “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Đứng trước nhà ảo thuật ngôn từ, người ta dễ thấy cái cảm giác bất lực khi khó có thể tìm thêm tính từ nào cho sự hung bạo ấy. Cái cảm giác hãi hùng của người đang xem phim hành động chỉ muốn nhắm tịt hai mắt vì kinh sợ. Vậy mà nhà văn tài hoa, uyên bác Nguyễn Tuân vẫn lạnh lùng pha kích thích chĩa ống kính về cái “lừ lừ” bí ẩn, cái “ặc ặc” ghê rợn của sông Đà. Đi thuyền qua quãng sông này, Nguyễn đưa người đọc cùng vào chơi trò chơi mạo hiểm qua hình dung về “ô tô sang số ấn ga…vút qua quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực”. Chưa bao giờ người đọc lại tưởng tượng thấy cảm giác đáng sợ của đường sông rõ ràng như vậy qua cái hình dung về đường bộ. Chèo thuyền men gần hút nước này chắc chỉ người thích phiêu lưu như Nguyễn hay dũng cảm như ông lái đò mới dám thử. Ghê sợ là vậy mà cụ Nguyễn vẫn còn đủ sức hình dung: bè gỗ rừng bị lôi tuột xuống, thuyền bị dìm cho tan xác trên sông Đà. Chiều kích trí tưởng tượng của nhà văn mở rộng hết cỡ. Ông muốn cùng người đọc đi tới cái hung bạo đến tột cùng của Đà.
Qua hình ảnh con sông hung bạo, cảnh trí hùng vĩ, mênh mông của quê hương hiện ra với bao niềm tự hào, phấn khích.
“Xứ sở của cái đẹp” Đà giang sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi nét trữ tình, thơ mộng của chất vàng tây Bắc. Ở đoạn trích sau, nhà văn đã say sưa, thích thú trước vẻ đẹp lãng mạn của sông Đà. Ông quả là một nhà văn có tâm khi dụng công bay tạt qua sông Đà mấy lần để có cái nhìn bao quát nhất về dáng vẻ sông Đà. Từ trên cao nhìn xuống, Nguyễn Tuân thích thú phát hiện ra nét trữ tình đầu tiên của Đà qua hình ảnh “cái dây thừng ngoằn ngoèo”. Sông Đà như ca dao xứ ví cong cong uốn lượn như hình con long trên núi. Dòng sông bỗng mềm đi, uyển chuyển, nhẹ nhàng uốn lượn qua những dãy núi, triền đê. Vẻ đẹp ấy của dòng sông làm nhà văn dường như không tin vào mắt mình. Đến đây tất cả sự dữ dằn của con thủy quái cuồng nộ với ông đò, con sông dữ dội của câu đồng dao dần biến mất, trả về vẻ duyên dáng cho sông Đà ở trung lưu. Đặc biệt dáng điệu trữ tình của Đà giang còn gây ngây ngất lòng người qua hình ảnh “con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi mèo đốt mương xuân”. Không phải vô cớ “người thợ kim hoàn của chữ” lại đặt vào câu văn hai tính từ “tuôn dài”. Với điệp từ này sự miên man bất tận của dòng sông trải ra vô tận dọc khắp chiều dài biên giới phía Tây của Tổ quốc. Sự mềm mại của dòng sông được ví như mái tóc mượt mà, nữ tính của người con gái. Dòng sông mang nét đẹp yêu kiều, duyên dáng làm đắm say bao hồn người khi nhìn nó ở góc độ này. Điểm đặc biệt trong cách miêu tả trên chính là vẻ đẹp đậm chất thơ mà nhà văn phú cho sông Đà. Ông lấy áng thơ đặt vào áng tóc. Phải chăng sông Đà thơ mộng đến độ khiến cụ Nguyễn muốn đề thơ vào sông nước. Sông Đà đang bung nở sức xuân trên nền trắng của hoa ban và sắc đỏ của hoa gạo. Nhà văn đã dùng cọ mẫu vẽ lên mấy nét khiến bức họa hiện lên xao động lòng người. Sông Đà ở góc dộ này vừa nhuốm màu thơ, dậm tô màu họa, nữ tính e ấp như cô gái đáng yêu. Bởi nó được phủ lên tấm khăn voan mỏng của làn khói làm thi vị, hư ảo đến lạ lùng. Qua dáng vẻ ấy, Đà của Nguyễn hiện lên như người con gái Tây Bắc nữ tính, dịu dàng, e ấp, kín đáo và đầy bí ẩn.
Bức họa về sông Đà trữ tình còn được tô điểm bởi màu nước nơi đây. Thế giới văn chương luôn tâm niệm nhà văn hay là người phải hội tụ đủ cả tâm và tài. Nhà văn phải ngụp lặn vào đời sống để dùng cái tâm cảm thấu cuộc đời và lấy tài phú lên cảnh vật. Để miêu tả được hai mùa nước đẹp nhất trên sông Đà, Nguyễn Tuân chắc hẳn phải dụng công nghiên cứu kĩ lưỡng lắm. Ông say sưa đắm chìm trong sắc xanh của làn nước mùa xuân. Ông trân trọng gọi nó là “dòng xanh ngọc bích” trong xanh, quý phái và êm nhẹ. Nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho sông Hương niềm tự hào khi thuộc về một thành phố duy nhất thì Nguyễn Tuân lại dành niềm thiên vị cho sông Đà khi so sánh dòng ngọc bích trong trẻo ấy với màu xanh canh hến lờ đục của sông Gâm, sông Lô. Đó là biểu hiện của niềm yêu, tâm hồn thích thị tài, khoe uyên bác. Sự uyên bác còn được văn nhân đặc tả màu nước sông Đà về mùa thu “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bần đi vì rượu bữa bất mãn, bực bội gì mỗi độ thu về”. Đó là dòng phù sa nặng nề đang chảy. Phù sa ăm ắp sông Đà sẽ đổ đi khắp ruộng lúc, bờ dâu, bãi mía…để góp phần tô điểm cho sự trù phú của Tổ quốc. Ở hình ảnh con sông trữ tình, người ta còn thấy được niềm gửi gắm của một tấm lòng tha thiết với quê hương. Nhà văn khẳng định: “nước sông Đà chưa bao giờ đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực tây vào mà gọi bằng cái tên Tây láo lếu”. Luận điệu bác bỏ như một lời khẳng định, lời tố cáo luận điệu xảo trá của bọn thực dân. Ông muốn trả lại vẻ trữ tình vốn có cho sông Đà bằng sự yêu mến của một niềm yêu: yêu thiên nhiên, tình yêu nước.
Hình tượn sông Đà trữ tình ở đoạn này đã làm ngây ngất đắm say bao trái tim độc giả.
Qua hai đoạn trích trên, người nghệ sĩ đích thực Nguyễn Tuân đã góp vào đầy đủ bộ mặt của sông Đà hung bạo và trữ tình. Có được điều ấy không thể không nhắc đến tài năng của văn nhân qua việc ây dựng hình thức nghệ thuật độc đáo. Việc phóng túng trong cách sự dụng thể tùy bút để ông thoải mái, tự do bày tỏ niềm say mê với dòng sông Đà, thỏa trí sáng tạo trên nền hiện thực. Nhà văn khám phá con sông từ phương diện thẩm mĩ khiến nó hiện lên như một công trình mĩ thuật kì vĩ. Việc Văn nhân vận dụng tài tình kiến thức của điện ảnh hội họa vào thơ văn cùng với cách kết hợp từ vô cùng độc đáo: những câu văn ngắn, nhịp nhanh, động từ mạnh khi miêu tả sông Đà hung bạo, câu văn dài, liền mạch cùng thanh huyền êm ả khi miêu tả sông Đà trữ tình; kết hợp với phép tu từ điệp, nhân hóa, so sánh. Tất cả sự biến ảo này của chuyên viên tiếng Việt đa góp phần tô đậm hình tượng sông Đà trong thế đối lập hung bạo và trữ tình.
Hai trích văn trên đã góp phần hoàn chỉnh bộ mặt của Đà. Con sông tiêu biểu cho phong cách tài hoa của Nguyễn. Sông Đà chính là hình ảnh của thiên nhiên đất nước giàu đẹp. Nó không chỉ chở niềm tự hào, say mê mà còn chất chứa tấm lòng yêu nước tha thiết của văn nhân cùng lời gửi gắm của ông vào tiềm năng phát triển thủy điện, du lịch sông Đà. Đọc sông Đà người ta thấy yêu và say đắm hơn với cảnh đẹp của quê hương, đất nước. Đồng thời người đọc càng trân trọng hơn sự thay đổi gắn văn học vào vẻ đẹp đời thường bình dị trong văn chương của Nguyễn Tuân.
Gấp trang sách của Nguyễn Tuân, người đọc vẫn hiện rõ trong cảm giác cái hãi hùng, rùng rợn trước con thủy quái sông Đà, nhưng lại ngây ngất trước cái đáng yêu của cô gái sông Đà. Đà giang sẽ là cái nền để cùng tôn cao thêm hình ảnh con người. Sông Đà với bao ấn tượng đã bước vào văn chương cụ Nguyễn, cứ thế len lỏi vào tâm trí người đọc không thể nào quên.