1. Đọc tác phẩm, tất cả chúng ta đều nhận thấy những sự biến chuyển, thay đổi của thời gian, không gian và con người nơi phố huyện nghèo nàn, tăm tối đều được Thạch Lam thể hiện qua đôi mắt và xúc cảm của nhân vật Liên. Cô bé nhìn thấy sự thay đổi của thời gian từ một buổi chiều tà sang “một đêm mùa hạ êm như nhung”. Cô bé cảm nhận được mùi riêng của mảnh đất, cảm nhận được cái hồn của một buổi chiều quê. Và cô bé ấy cũng dành thời gian để nhìn ngắm về những người dân nơi phố huyện,... Từ sự cảm nhận của nhân vật Liên, đã bao giờ chúng ta tự truy vấn bản thân rằng liệu có lúc nào chúng ta dành thời gian để tĩnh tại, để lắng nghe và cảm nhận cuộc sống như cô bé Liên ấy? Sống trong thời đại bị bủa vây bởi gông cùm trách nhiệm, bởi nhịp sống hối hả, bận rộn, có lẽ ít ai dành cho bản thân một khoảng thời gian nhỏ để kịp nhìn thấy và nhận ra vẻ đẹp, “mùi riêng”của nơi mình đang sống…
2. Bạn có để ý đến một nhân vật xuất hiện thoáng chốc trong tác phẩm - bà cụ Thi điên không? Đã bao giờ bạn tự truy tìm lý giải vì sao bà cụ bị điên chưa? Trong tác phẩm, Thạch Lam không nói rõ lý do vì sao bà cụ bị điên, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phỏng đoán được lý do. Thạch Lam đã rất có dụng ý khi khắc hoạ buổi chiều tàn, phiên chợ tàn, âm thanh tàn, đồ vật tàn,... và chúng đều lặp đi lặp lại một cách tẻ nhạt, mòn mỏi nơi phố huyện nghèo nàn, tăm tối. Có lẽ, cả một cuộc đời sống trong sự mòn mỏi, chán chường ấy đã khiến cụ uống rượu như một thói quen, khiến đầu óc cụ mụ mị trong bóng tối. Nhưng chưa dừng lại ở đó, thông qua nhân vật bà cụ Thi điên, Thạch Lam đã bày tỏ sự trăn trở: Nếu như cuộc sống nơi phố huyện ấy không có gì thay đổi, cứ mòn mòi và tăm tối như vậy, liệu những con người như mẹ con chị Tí, hai chị em Liên, gia đình bác xẩm,... sẽ rơi vào bi kịch giống bà cụ Thi điên? Và có lẽ nào họ cũng sẽ trở thành một “bà cụ Thi điên” thứ hai, thứ ba, thứ tư,...?
3. Nếu như Thạch Lam chỉ viết về cuộc sống nghèo nàn, tăm tối của từng ấy kiếp người tàn, dường như người đọc chúng ta ít nhiều sẽ cảm thấy bi quan, tuyệt vọng với một hiện thực bị bủa vây bởi bóng tối còn ánh sáng thì nhỏ bé, yếu ớt. Nhưng với quan niệm: “Công việc của nhà văn là phải phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”, Thạch Lam đã tìm thấy khao khát ánh sáng trong tâm hồn mong manh, tinh tế của Liên - cái đẹp của ánh sáng từ quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Chỉ là hột sáng, quầng sáng, đốm sáng,... ánh sáng rất nhỏ bé nhưng Liên đều cảm nhận được chúng. Thậm chí, khao khát ánh sáng ấy lớn đến nỗi, cô bé đã quay ngược trở lại quá khứ để tìm thấy ánh sáng rực rỡ của Hà Nội: “...chỉ là một vùng sáng rực và lấp lánh. Hà Nội nhiều đèn quá!”. Liên sống trong cuộc sống tăm tối như vậy nhưng vẫn luôn hướng tâm hồn về ánh sáng. Cô bé ấy đã không cúi đầu, gục ngã trước bóng tối bủa vây, không khiến bản thân bị tha hoá trong bóng tối. Vậy đã bao giờ ta đặt ra câu hỏi: Dù sống trong thời đại ngập tràn ánh sáng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tại sao vẫn có những con người lại hướng mình về bóng tối, tự khiến bản thân bị tha hoá, sống lầm lũi trong bóng tối như vậy? Có những người đã tự bào mòn nhân cách của mình, tự đẩy mình vào bờ vực tha hoá, thậm chí còn sa lầy vào nó mà không hề ý thức đến chuyện thoát ra ngoài,...Xem thêm