Bersot từng tâm niệm “Trong vũ trụ có lắm kì quan nhưng kì quan đẹp nhất là trái tim người mẹ”. Quả thực, tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trên cuộc đời này. Thứ tình cảm mãnh liệt đó đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào bất tận cho văn học. Trong vô số những tác phẩm viết về người mẹ, em ấn tượng nhất với bài thơ “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư. Bằng việc thể hiện mạch cảm xúc khéo léo, sử dụng ngôn từ linh hoạt, thấm đượm cảm xúc, tác giả đã thể hiện một cách chân thực và tha thiết nỗi nhớ cũng như tình yêu sâu nặng đối với người mẹ quá cố của mình. Mạch cảm xúc của bài thơ là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Trong tiếng gà trưa xao xác, kỉ niệm chợt ùa về, đong đầy nỗi nhớ. “Mỗi lần nắng mới hắt lên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không”.
“Nắng mới” chính là nắng đầu xuân, cái nắng nhẹ nhàng êm dịu xua tan đi cái lạnh và ẩm ướt của mùa đông. Nếu tiếng gà ban mai đặc trưng cho ngày mới thì tiếng gà trưa lại đứt quãng và mang theo sự não nùng, buồn bã. Nắng mới hắt “bên song” cửa, cùng với tiếng gà gáy trưa não nùng đã tạo nên một khung cảnh thật bình yên, nhưng cũng thật vắng vẻ, đìu hiu. Sử dụng từ láy “xao xác”, “não nùng” tác giả đã khắc hoạ không khí buồn tẻ, cô quạnh của miền quê. Từ láy “chập chờn” được đặt lên đầu câu như cho thấy những miền kí ức đang ùa về, xâm lấn cả vùng tâm trí của nhân vật trữ tình. Kỷ niệm ùa về, lung linh trong màu nắng mới, đánh thức trong tâm hồn nhà thơ cả một thời dĩ vãng tưởng đã nhạt nhoà “Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời/ Lúc người còn sống, tôi lên mười/ Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/ Áo đỏ người đưa trước giậu phơi”. Tác giả đã nhớ đến người mẹ mình trong những công việc hàng ngày, giản dị: mỗi khi nắng mới về, mẹ trong tà áo đỏ quen thuộc sẽ mang quần áo ra phơi trên giậu.
Hình ảnh chiếc áo đỏ sặc sỡ, tươi mới hoà cùng với hình ảnh nắng mới đã gợi ra trong người đọc cả một không gian tràn ngập ánh sáng, sắc màu, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh nắng xác xơ, âm thanh não nùng ở khổ thơ phía trên. Có mẹ, dường như cảnh vật đều trở nên tươi sáng. Khi mẹ không còn, cảnh vật trở nên xơ xác, hoang vu, ảm đạm đến nao lòng. Tất cả giờ chỉ còn là nỗi nhớ, thế nhưng hình ảnh người mẹ đã in đậm sâu trong trái tim, tâm khảm của nhà thơ, không thể nào phai nhoà: “Hình dáng me tôi chửa xoá mờ/ Hãy còn mường tượng lúc vào ra:/ Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè trước giậu thưa”. Mạch thơ quay trở về hiện tại, nhà thơ như sực tỉnh nhưng vẫn chưa hết thổn thức, bồi hồi. Nhà thơ vẫn còn thấy được hình dáng mẹ đang tất bật “vào ra” để chăm lo cho mái ấm gia đình.
Lưu Trọng Lư miêu tả người mẹ của mình với nét cười đen nhánh đã thể hiện được một cách chân thực nét tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa với phong tục nhuộm răng đen. Nụ cười của mẹ như cũng đang toả nắng vào không gian, vạn vật. Không chỉ miêu tả cái đẹp về ngoại hình mà Lưu Trọng Lư cũng rất tinh tế, khéo léo khi đã ca ngợi phẩm chất cao quý, tần tảo, chăm chỉ làm lụng của người phụ nữ Việt, dù là sớm khuya hay những buổi trưa hè. Dưới ngòi bút điêu luyện của mình, cùng việc sử dụng những hình ảnh thơ quen thuộc, giản dị, mạch cảm xúc linh hoạt, nhà thơ đã thể hiện thành công nỗi nhớ, tình yêu tha thiết và sự biết ơn sâu nặng dành cho người mẹ quá cố của mình…
Bài thơ còn đánh thức tình yêu, những kỉ niệm thân thương của độc giả về người mẹ của mỗi người. Tôi vô cùng ấn tượng với quan điểm về văn học của Sedrin “Văn học nằm ngoài các định luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Thật vậy, thời gian có thể phủi lên vạn vật một lớp bụi mờ nhưng bài thơ “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư với những giá trị nghệ thuật và nội dung của mình sẽ sống mãi trong lòng độc giả không chỉ hôm nay mà còn mãi về sau.