Đề thi giữa kì 2 lớp 11 giúp cho quý thầy cô và các em ôn tập củng cố kiến thức, chuẩn bị sẵn sàng cho kì thi sắp tới. Đề kiểm tra giữa kì 2 lớp 11 có đáp án kèm theo các em sẽ dễ dàng so sánh với kết quả của mình. Hãy cùng tôi tham khảo các đề thi dưới đây
(Đề 1)
Phần I. Đọc hiểu (4 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
“Những kẻ ở vườn thấy quan sang, quan quyền, cũng bén mùi làm quan. Nào lo cho quan, nào lót cho lại, nào chạy ngược nào chạy xuôi, dầu cố ruộng dầu bán trâu cũng vui lòng, chỉ cần được lấy một chức xã trưởng hoặc cai tổng, đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì mới thôi. Những kẻ như thế mà vẫn không ai khen chê, không ai khinh bỉ, thật cũng lạ thay! Thương ôi! Làng có một trăm dân mà người này đối với kẻ kia đều ngó theo sức mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lí cả. Đó là nói người trong một làng đối với nhau, chí như đối với dân kiều cư kí ngụ thì lại càng hà khắc hơn nữa. Ôi! Một dân tộc như thế thì tư tưởng cách mạng nảy nở trong óc chúng làm sao được! Xã hội chủ nghĩa trong nước Việt Nam ta không có là cũng là vì thế”.
(SGK Ngữ văn 11, tập 2)
Câu 1: Đoạn trích trên trích từ tác phẩm nào? Ai là tác giả của tác phẩm ấy?
Câu 2: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên? Đọc đoạn văn anh/chị liên tưởng đến thực trạng nào của xã hội hiện nay?
Câu 3: Tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ nào? Ý nghĩa sử dụng của những biện pháp ấy?
Câu 4: Từ nội dung đoạn trích trên, anh chị hãy viết một đoạn văn (5 - 7 dòng) trình bày suy nghĩ của mình về việc thực hiện pháp luật Nhà nước của giới trẻ hiện nay?
Phần II. Làm văn (6 điểm)
Cảm nhận tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu qua đoạn thơ sau:
...“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
(Trích Vội vàng – Xuân Diệu, SGK Ngữ văn 11 Cơ bản, tập II, NXB Giáo dục, 2007, tr.22)
Gợi ý
Phần I: Đọc hiểu (4đ)
Câu 1. Đoạn văn trích từ đoạn trích “Về luận lí xã hội ở nước ta” (trích: “Đạo đức và luân lí Đông Tây”) của Phan Châu Trinh.
Câu 2. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận. Đoạn văn gợi liên tưởng đến hiện tượng chạy chức, chạy quyền của xã hội hiện nay.
Câu 3. Các biện pháp tu từ: Ẩn dụ, điệp cấu trúc, câu cảm thán. Tác dụng nhấn mạnh thái độ căm ghét cao độ của tác giả đối với tầng lớp quan lại lúc bấy giờ.
Câu 4. Học sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng đảm bảo tính logic chặt chẽ trong lập luận, nội dung phù hợp với đạo lí và pháp luật. (Gợi ý: viết được những ưu điểm và hạn chế của việc thực hiện pháp luật của giới trẻ).
Phần II: Làm văn (6đ)
1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
2. Thân bài:
- Cảm nhận tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu qua đoạn thơ
Về nội dung
* Xuân Diệu đã phát hiện ra thiên đường ngay trên mặt đất, không xa lạ mà rất đỗi quen thuộc ngay trong tầm tay của chúng ta:
- Đó là bức tranh thiên nhiên mùa xuân rực rỡ sắc màu, niềm vui và sức sống, được thể hiện qua hàng loạt các hình ảnh : ong bướm, hoa lá, yến anh, tuần tháng mật...
+) Màu sắc: màu xanh rì của đồng nội, màu của lá non, màu của cành tơ phơ phất...=> Gợi hình ảnh non tơ, mơn mởn.
+) Âm thanh: khúc tình si của yến anh
- Bức tranh thiên nhiên ấy còn được vẽ lên với vẻ xuân tình: mối quan hệ của thiên nhiên, cảnh vật được hình dung trong quan hệ như với người yêu, người đang yêu, như tình yêu đôi lứa trẻ tuổi, say đắm. Các cặp hình ảnh sóng đôi như ong bướm, yến anh càng làm bức tranh thiên nhiên thêm tình ý.
=> Xuân Diệu đã khơi dậy vẻ tinh khôi, gợi hình của sự vật, nhà thơ không nhìn sự vật ấy bằng cái nhìn thưởng thức mà bằng cái nhìn luyến ái, khát khao chiếm hữu.
- Bức tranh thiên nhiên đời sống con người càng đằm thắm, đáng yên hơn khi:
“Mỗi……môi gần”
=> Với Xuân Diệu cuộc sống là vui và mùa xuân là đẹp nhất.
* Tâm trạng của nhà thơ
- Niềm sung sướng hân hoan, vui say ngây ngất trước vẻ đẹp của cuộc sống trần gian.
- Tâm trạng vội vàng, nuối tiếc thời gian, nuối tiếc mùa xuân ngay cả khi sống giữa mùa xuân.
Về nghệ thuật
- Mới mẻ trong cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống; quan niệm thẩm mĩ hiện đại; phép điệp, liệt kê, so sánh, chuyển đổi cảm giác.
- Cấu trúc dòng thơ hiện đại.
3. Kết Bài: Đánh giá
Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Diệu.
Tình yêu đời của Xuân Diệu đem đến quan niệm nhân sinh tích cực.
👉 Đề thi giữa học kì 2 năm 2021 môn Văn 11. Để có kết quả cao hơn trong học tập, dưới đây tôi giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Toán lớp 11, Trắc nghiệm Vật Lý 11, Trắc nghiệm Hóa học 11.