Group Facebook: Tài Liệu Học Tập - Decuong | Fanpage: Decuong |
Trong bài thi môn Ngữ văn, phần làm văn sẽ chiếm đến 1 nửa số điểm, chính vì vậy hãy đảm bảo bài văn của bạn đủ cảm xúc. Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn có được những ý tưởng hay cho phần mở bài của riêng mình khi làm các bài nghị luận văn học
1. Hạnh phúc của một tang gia
Mở bài 1: (Nghệ thuật trào phúng trong “Hạnh phúc của một tang gia”)
“Số đỏ” là cuốn tiểu thuyết đặc sắc nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Trong đó mỗi chương là một hài kịch chương XV “Hạnh phúc một tang gia” được đánh giá là một trong những màn hài kịch thành công nhất. Qua việc miêu tả đám tang của cụ Tổ, Vũ Trọng Phụng đã phơi bày cái bộ mặt xấu xa của trưởng giả, cái xã hội “khốn nạn”, “chó đểu” đương thời như cách nói của nhà văn.
Mở bài 2: (In trong Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 11 nâng cao, NXB Giáo dục, 2007)
Vũ Trọng Phụng là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc của nền văn học VN. Có lẽ đặc sắc nhất là đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” được trích từ tác phẩm “Số đỏ”. Tác phẩm như một lời phê phán cái sự lố lăng, đồi bại của xã hội “thượng lưu” lúc bấy giờ. Đó là những đứa con, cháu bất hiếu đã đi trái lại với truyền thống đạo đức của dân tộc ta.
2. Tràng giang Huy Cận
Mở bài 1:
Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, với giọng thơ rất riêng đã khẳng định tên tuổi của mình trong phong trào thơ mới 1930-1945. Ông vốn quê quán Hương Sơn, Hà Tĩnh, sinh năm 1919 và mất năm 2005. Trước Cách mạng tháng Tám, thơ ông mang nỗi sầu về kiếp người và ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên, tạo vật với các tác phẩm tiêu biểu như: "Lửa thiêng", "Vũ trụ ca", Kinh cầu tự". Nhưng sau Cách mạng tháng Tám, hồn thơ của ông đã trở nên lạc quan, được khơi nguồn từ cuộc sống chiến đấu và xây dựng đất nước của nhân dân lao động: "Trời mỗi ngày lại sáng", "Đất nở hoa", "Bài thơ cuộc đời"... Vẻ đẹp thiên nhiên nỗi ưu sầu nhân thế, một nét thơ tiêu biểu của Huy Cận, được thể hiện khá rõ nét qua bài thơ "Tràng Giang". Đây là một bài thơ hay, tiêu biểu và nổi tiếng nhất của Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám. Bài thơ được trích từ tập "Lửa thiêng", được sáng tác khi Huy Cận đứng ở bờ Nam bến Chèm sông Hồng, nhìn cảnh mênh mông sóng nước, lòng vời vợi buồn, cám cảnh cho kiếp người nhỏ bé, nổi trôi giữa dòng đời vô định. Mang nỗi u buồn hoài như thế nên bài thơ vừa có nét đẹp cổ điển lại vừa đượm nét hiện đại, đem đến sự thích thú, yêu mến cho người đọc.
Mở bài 2:
Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào thơ mới (1930 – 1945). Ông yêu thích thơ ca Việt Nam, thơ Đường và chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn học Pháp. Thơ ông hàm súc và giàu chất suy tưởng. “Tràng Giang” là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Huy Cận được viết vào mùa thu năm 1939. Bài thơ là một minh chứng điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa chất cổ điển và chất hiện đại, vẽ lên trước mắt chúng ta một bức tranh thiên nhiên yên bình, tĩnh lặng, ẩn chứa sau đó là cả một nỗi sầu “vạn kỷ” của người thi sĩ.
3. Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử
Mở bài 1:
Trong số các thi nhân thời Thơ mới (1932-1945) có lẽ không mấy người có số phận ai oán, nghiệt ngã như Hàn Mặc Tử. Vận mệnh cay đắng của thi sĩ như được tiên báo trước qua ý nghĩa từng bút danh mà người con gần cả cuộc đời gắn bó với vùng đất Quy Nhơn đầy nắng và gió đã mang trước đó: Phong Trần (gió bụi), Lệ Thanh (tiếng của nước mắt), Hàn Mặc Tử (người đi trong màn lạnh). Người thơ ấy với nỗi lòng quặn thắt trải niềm đau trên giấy mong manh ấy để lại cho đời nhiều thi phẩm bất hủ, trong đó có Đây thôn Vĩ Dạ.
Mở bài 2:
Ai đã từng sinh ra và lớn lên trên cõi đời này mà không biết đến lời rao trăng nổi tiếng ấy của một nhà thơ cũng rất nổi tiếng trong những năm ba mươi của thế kỉ XIX, vâng đó chính là Hàn Mặc Tử một tên tuổi mãi mãi in đậm
Mở bài 3:
Nắng mới, nắng xuân xuyên qua từng kẽ lá làm tan chảy những hạt sương đêm, nhỏ giọt xanh như ngọc. Những vườn cây xanh mát, tươi tốt căng tràn nhựa sống, những cánh hoa đong đưa theo làn gió ngọt ngào sắc hương làm lòng người cứ mãi đắm say. Ấy chính là vẻ đẹp của thôn Vĩ Dạ một vùng đất xứ Huế đầy thơ mộng qua con mắt cảm nhận của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Hàn mặc tử khiến cho người ta nhớ đến bởi giọng thơ độc đáo mới lạ của một hồn thơ quằn quại đau đớn trong bất hạnh. Khi đang nằm trên giường bệnh, nhận được bức bưu ảnh kèm lời thăm hỏi của Hoàng Thị Kim Cúc người con gái ông yêu, ông đã đặt bút mà viết lên “Đây thôn Vĩ Dạ” như một lời tâm sự tha thiết của một tấm lòng yêu đời, yêu người. Hiện lên trong bức tranh ấy còn là xứ Huế hữu tình, con người Huế duyên dáng, đôn hậu. Thật đúng khi ai đó đã từng nói rằng: “ Đây thôn Vĩ Dạ” của hàn Mặc tử có cả tâm cảnh và phong cảnh.
4. Chí Phèo
Mở bài 1: (Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo – Bài làm của Trần Ngọc Mẫn)
Đại văn hào Andersen đã từng nói rằng: “không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra”. Hiện thực cuộc sống được xem là cái nền cho những cảm hứng nghệ thuật chấp cánh và đâm chồi. Chính vì vậy bức tranh hiện thực cuộc sống, con người trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao đã gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng bạn đọc. Và Chí Phèo là một hình tượng trung tâm giàu ý nghĩa xuyên suốt tác phẩm, đã khái quát số phận của một lớp người, bản chất của cả một xã hội, là hình ảnh ấm nồng về sự khát khao cho cuộc đời lương thiện.
Mở bài 2: (Phân tích tiếng chửi của Chí Phèo – Nam Cao)
Đến với văn học hiện thực phê phán, Nam Cao bước chân đến với những người nông dân nghèo, có số phận đáng thương. Và ông đã vô cùng thành công khi bước vào trái tim người đọc với truyện ngắn “Chí Phèo” – hình ảnh một người nông dân từ chất phác, hiền lành đến tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính. Khác với dòng ngôn ngữ bác học, văn phong chau chuốt, mượt mà, Nam Cao gây ấn tượng cho độc giả bằng hằng loạt tiếng chửi xuyên suốt tác phẩm. Tiếng chửi ấy để lại cho ta một nỗi thấm thía về một kiếp người nhưng lại bị cự tuyệt quyền làm người.
5. Chữ người tử tù
Mở bài 1: (Phân tích nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân – Bài viết của Hoàng Thảo)
Là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân đã dành trọn đời mình để viết nên những trang văn mà ở đó có một nguồn mỹ cảm dạt dào dành cho tất thảy những gì đẹp nhất trên đời. Viết rất hay về những thú chơi đẹp, uống đẹp, nhắm đẹp, Nguyễn Tuân cũng không bỏ quên cái đẹp ngời ngời như ngọc sáng trong nhân cách con người. Có người nói sự nghiệp Nguyễn Tuân sẽ không thể toàn vẹn nếu thiếu đi “Vang bóng một thời”, và “Vang bóng một thời” cũng sẽ khiếm khuyết nếu không có sự góp mặt của thiên truyện “Chữ người tử tù”. Huấn Cao trong tác phẩm là một nhân cách sáng và đẹp mà Nguyễn Tuân đã sáng tạo nên bằng cả niềm trân trọng và tài năng của mình, gửi vào đó nhân sinh quan về cái đẹp một cách sâu sắc.
Mở bài 2: (Cảm nhận về nhân vật Huấn Cao – Chữ người tử tù)
Nhà văn Pauxtopki từng khẳng định: “Nhà văn là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp. Bước vào thế giới văn chương nghệ thuật là bước vào thế giới của cái đẹp”. Tuy nhiên mỗi nhà văn lại có một lí tưởng riêng. Nếu Thạch Lam đưa người đọc đến với thế giới cái đẹp dịu dàng, êm đềm mà u buồn, man mác thì Nguyễn Tuân – người nghệ sĩ tận hiến suốt đời cho cái đẹp lại dẫn ta đến thế giới thanh cao, sang trọng, lịch lãm mà cổ kính. Trong thế giới nghệ thuật độc đáo ấy của Nguyễn Tuân nổi bật lên hình tượng Huấn Cao – nhân vật chính của “Chữ người tử tù”, một nét son chói lọi trong văn nghiệp của Nguyễn Tuân.
6. Hai đứa trẻ
Mở bài 1: (Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ – Thạch Lam)
Đã mấy mươi năm trôi qua, người đọc vẫn không quên một dáng hình khiêm nhường, từ tốn, rất mực đôn hậu bước những bước thật nhẹ vào làng văn hiện đại Việt Nam, mang theo những trang văn nồng nàn hồn thơ. Đúng như Nguyễn Tuân nói, “sáng tác của Thạch Lam đem lại một cái gì đó nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu”. Ta bắt gặp những cảm xúc ấy không chỉ ở “Dưới bóng hoàng lan”, “Gió lạnh đầu mùa” hay “Cô hàng xén”, “Hai đứa trẻ” lại một lần nữa dắt ta vào thế giới trẻ thơ với những cảm xúc êm nhẹ, buồn thương.
Mở bài 2: (Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong Hai đứa trẻ – Bài làm của Lê Đức)
Nguyễn Siêu đã nói rằng: “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”, quả đúng là như vậy! Đời sống xanh tươi là cội nguồn sinh dưỡng của văn học, cũng bởi lẽ vậy mà văn học luôn hướng tới con người, coi giá trị chủ yếu của văn chương không phải ở câu hay từ đắt mà ở chỗ có ích cho cuộc đời hay nói một cách đơn giản, giá trị của một tác phẩm hướng tới chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Trong nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, hai giá trị này lại được nâng cao vị trí của mình hơn cả để phản ánh chính xác cuộc sống của con người. Một trong số những tác phẩm như vậy phải nhắc tới truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam.
Mở bài 3: (Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ)
Trở về những năm 30-45 của thế kỉ trước, trào lưu văn học lãng mạn dường như đã khẳng định được vị thế của mình trên văn đàn văn học Việt Nam với hàng loạt những cây bút tên tuổi. Ta đã từng bắt gặp một Nhất Linh đau khổ, dằn vặt trên con đường đi tìm lý tưởng, hạnh phúc; một Khái Hưng sôi nổi yêu đời để hòa mình vào những ảo tưởng đẹp đẽ và ngây thơ hay một Thanh Tịnh mang trong mình vẻ đẹp đằm thắm, trong trẻo đậm chất lãng mạn thì Thạch Lam lại hiện lên như một thiên sứ mang một sứ mệnh đặc biệt với phong cách hoàn toàn mới lạ. Người con của tự lực văn đoàn không đưa ta đến những chân trời phiêu du, mộng tưởng của những tình yêu, khát vọng thường thấy trong trào lưu lãng mạn mà dắt ta đi vào giữa cõi đời ta đang sống. Con người dịu dàng nhân ái ấy đã nguyện gắn ngòi bút của mình với những kiếp người đau khổ, vẫn luôn trân trọng sự sống nơi trần gian. Ông từng nới rằng: “Cái đẹp man mác trong vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật” Và có lẽ nhờ vào khát khao đi tìm cái đẹp ấy đã là nguồn cảm hứng để ông sáng tác truyện ngắn “Hai đứa trẻ” – áng văn xuôi đặc sắc của nền văn học Việt Nam trước Cách mạng. Đặc biệt trong tác phẩm, cảnh đợi chuyến tàu đêm của hai chị em Liên chính là nơi kết tinh những giá trị nghệ thuật sâu sắc và tiến bộ được Thạch Lam thể dưới ngòi bút đầy nhân đạo và trữ tình.
7. Chiều tối
Mở bài 1: (Nhãn tự trong bài thơ Chiều tối – Bài viết của Lê Đức)
Ở Senegal, với mẩu gỗ mun người ta có thể tạo ra hàng trăm nghìn hình tượng nghệ thuật. Trong tranh thủy mạc, chỉ với vài nét người họa sĩ có thể phác họa cả vũ trụ càn khôn,… Dường như đó chính là bí quyết tiết kiệm của “Nghệ thuật nhà nghèo” và là bảo bối của những ai đã chán ngấy xài sang: xài sang chất liệu, xài sang thời gian hay xài sang chữ nghĩa. Cũng bởi lẽ vậy mà ta thưởng hay nhắc đến “nhãn tự” trong thơ. So với nhiều thể loại khác, thơ ca thường có dung lượng khiêm tốn hơn song để phản ánh thế giới hiện thực muôn màu, thế giới tình cảm phức tạp của con người ngôn ngữ thơ phải thực sự hàm súc, là kết quả của sự chắt lọc công phu từ người nghệ sĩ, Nguyễn Duy đã từng viết:
“Tôi nhặt nhạnh li ti bụi chữ
Đốt lò tâm linh chơi trò luyện chữ”
Mở bài 2:
“Chiều tối” là bài thơ được viết trong thời điểm gần kết thúc của một chuyến chuyển lao. Bài thơ là một bức tranh vẽ cảnh chiều tối nơi núi rừng – cảnh đẹp bởi nó ánh lên sự sống ấm áp của con người. Qua đó, bộc lộ một tâm hồn thi nhân nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, một tấm lòng nhân hậu đối với con người, một phong thái ung dung luôn hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Hay nói đúng hơn đây là một thực thể của sự kết hợp hài hoà giữa
8. Từ ấy Tố Hữu
Mở bài 1:
Tố Hữu là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Trải qua một khoảng thời gian dài hơn nửa thế kỷ, tiếng thơ ông đã có tác động sâu xa đến tư tưởng và tình cảm của độc giả nhiều thế hệ. Con đường thơ ấy là hành trình đi tìm và bắt gặp sự kết hợp diệu kỳ giữa Cách mạng và dân tộc trong nghệ thuật thơ ca.Sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Tố Hữu là một bộ phận không thể thiếu trong vốn văn hóa tinh thần của quần chúng Cách mạng. Từ góc nhìn, thời điểm khác nhau, sẽ phát hiện những tầng ý nghĩa khác nhau của kho tàng nghệ thuật ấy. Có thể đôi chỗ còn thô ráp, thiếu sự gọt dũa cần thiết hoặc ồn ào, sáo mòn. Nhưng trên đại thể, bằng quan điểm cụ thể lịch sử và lập trường Cách mạng, hoàn toàn có thể khẳng định: thơ Tố Hữu là một giá trị. Tất nhiên, nó sẽ bất tử. Và Từ ấy là một trong số đó. Tố Hữu là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Trải qua một khoảng thời gian dài hơn nửa thế kỷ, tiếng thơ ông đã có tác động sâu xa đến tư tưởng và tình cảm của độc giả nhiều thế hệ. Con đường thơ ấy là hành trình đi tìm và bắt gặp sự kết hợp diệu kỳ giữa Cách mạng và dân tộc trong nghệ thuật thơ ca. Trong Từ ấy, không chỉ có tiếng chim rộn rã và hương hoa của niềm vui vừa bắt gặp lý tưởng, mà còn có lời an ủi, động viên chân tình đối với những số phận bất hạnh. Và sau cùng, nhân danh cách mạng, Từ ấy là tiếng thét đầy hờn căm, là hồi.
Mở bài 2:
Có một nhà thơ đã từng nói: “Tôi phải lòng đất nước và nhân dân của mình”.Có một nhà thơ cũng đã từng khẳng định: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình” và gắn cả cuộc đời của mình với cuộc đời cách mạng, nhà thơ đó không ai khác ngoài Tố Hữu.Từ một thanh niên trí thức tiểu tư sản, được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu đã trở thành một chiến sĩ cộng sản. Thơ ông viết về chính trị nhưng không khô khan, mà ngược lại, dễ đi vào lòng người bởi chất trữ tình truyền cảm. “Từ ấy” nằm trong phần “Máu lửa” của tập thơ “Từ ấy”(1937 – 1946) là một trong những tác phẩm nổi bật của hồn thơ Tố Hữu.” Từ ấy” – lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản đã và đang cống hiến hết sức cho quê hương đất nước mình.
Phân Tích Bài Thơ Câu Cá Mùa Thu
Phân Tích Bài Thơ Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương
Phân tích truyện Chí Phèo của Nam Cao
Phân tích nhân vật Liên trong truyện hai đứa trẻ
Đề thi giữa học kì 2 lớp 11 môn Văn có đáp án
Cảm nhận & Phân Tích Bài Thơ Tự Tình 2
Phân tích bài thơ Thương vợ của Tú Xương
👉 Qua các nội dung trên tôi đã lần lượt chia sẻ đến một cách chi tiết nhất giúp bạn có thể viết được một đoạn văn mở bài hay. Chúc các bạn ôn tập đạt được kết quả tốt trong kì thi sắp tới.