Cái đẹp của thơ không nên chỉ làm nên ánh sáng kỳ bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kỳ nhuộm hàng trăm sắc. Ðẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người.
Giải thích
Cái đẹp của thơ không nên chỉ làm nên ánh sáng kỳ bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kỳ nhuộm hàng trăm sắc: giá trị của thơ ca không chỉ tạo ra những nét đẹp kì bí, không chỉ là sự trau chuốt ngôn từ hay tạo ra vẻ đẹp khác lạ về hình thức.
Ðẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc: giá trị lớn nhất của tác phẩm thơ ca chính là cái đẹp chân thực, mộc mạc, gần gũi với đời thường. Là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người: cái đẹp giản dị của thơ ca sẽ soi sáng tâm hồn con người, mang lại ý nghĩa thiết thực cho đời sống.
=> Nhà thơ nổi tiếng người Đức Bertold Brecht đã đưa ra một trong những tiêu chí quan trọng đối với tác phẩm thơ hay: chân thực, dung dị cả về nội dung lẫn hình thức. Đó chính là một trong những điều quan trọng làm nên giá trị, sức mạnh của thơ ca.
Bình luận
Ý kiến của Bertold Brecht đúng đắn và xác đáng vì:
Xuất phát từ quy luật sáng tạo của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng: Văn học bắt nguồn từ hiện thực đời sống, từ những vui buồn, đau khổ, hạnh phúc của cuộc đời, của số phận cá nhân con người. Vì thế, cái hay của một tác phẩm văn học, một bài thơ được tạo nên từ chính cái đẹp chân thực, mộc mạc, dung dị, gần gũi với đời thường, thể hiện trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Thơ không như thứ rượu quỳnh tương, nấu lâu, cất kĩ, rót ra chén ngọc rồng mà như nước suối thiên nhiên chảy ra trong mát nơi khe núi. (Phạm Thế Ngũ).
Xuất phát từ đặc trưng của thơ trữ tình: Sự chân thực, giản dị của cảm xúc và ngôn ngữ là một đặc tính cơ bản của thơ: cảm xúc nảy nở từ lòng thi nhân một cách chân thành, thắm thiết; câu chữ không cần trau chuốt hay “thần bí hóa”; ngôn ngữ dễ hiểu, cô đúc, trong sáng.
Xuất phát từ chức năng của văn học, trong đó có thơ ca: Thơ khởi nguyên là sự lên tiếng của trái tim, là sự rung động tâm hồn của nhà thơ nhưng trở thành tiếng lòng chung của muôn người, tiếng gọi đàn, thành tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình với người đọc, thơ là một ngọn lửa nhen lên trong lòng người, một ngọn lửa đốt cháy, sưởi ấm và soi sáng, là ánh sáng mạnh mẽ hướng con người đến vẻ đẹp của chân, thiện, mĩ.
Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi để làm sáng tỏ ý kiến
1. Tác giả, tác phẩm:
Nét tiêu biểu về vị trí của Nguyễn Trãi trong cuộc đời và trong thơ ca…
Cảnh ngày hè (do người soạn sách đặt) là bài số 43 nằm trong mục Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình) có 61 bài trong tập thơ chữ Nôm đặc sắc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Tập thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi, lý tưởng nhân nghĩa, tình yêu thiên nhiên, con người, khát vọng về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc cho nhân dân.
2. Nội dung chân thực, dung dị:
Sự chân thực, dung dị của bài thơ thể hiện qua xúc cảm của Nguyễn Trãi khi miêu tả bức tranh ngày hè sinh động, bình dị mà khỏe khoắn và tràn đầy sức sống. Một bức tranh đậm đặc sắc màu, rộn rã âm thanh, ngào ngạt hương thơm của cỏ cây thảo mộc và nồng đượm hơi thở, sự sống của con người. Tác giả gợi tả những hình ảnh rất đặc trưng của mùa hè như hoa thạch lựu, tán hoè xanh, hương sen thơm ngát. Cảnh có sự kết hợp giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, con người và cảnh vật: màu lục của lá hoè làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu và ánh mặt trời buổi chiều như rắc vàng lên những tán lá hoè. Tiếng ve – âm thanh đặc trưng của mùa hè hoà cùng tiếng lao xao chợ cá – âm thanh đặc trưng của làng chài. Thi nhân đã đón nhận cảnh vật với nhiều giác quan: thị giác, thính giác cùng sự liên tưởng hết sức tinh tế.
Vẻ đẹp chân thực, dung dị của bài thơ còn thể hiện ở sự rung động, suy tư và nỗi niềm tâm sự, cảm xúc chân thành của Ức Trai. Từ bức tranh thiên nhiên sinh động và đầy sức sống ta thấy được sự giao cảm mạnh mẽ nhưng tinh tế của nhà thơ đối với cảnh vật. Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên, có sự đồng cảm với thiên nhiên sâu sắc. Thiên nhiên qua cảm xúc của thi sĩ trở nên sinh động đáng yêu và đầy sức sống, cội nguồn sâu xa là lòng tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống của tác giả. Mặt khác, trong bất cứ hoàn cảnh nào Nguyễn Trãi cũng canh cánh bên lòng nỗi niềm ưu ái đối với dân với nước. Câu kết của bài thơ là một câu lục ngôn ngắn gọn Dân giàu đủ khắp đòi phương thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài. Điểm kết tụ của hồn thơ Ức Trai không phải ở thiên nhiên, tạo vật mà chính là ở con người, ở người dân. Nguyễn Trãi mong cho dân được ấm no, hạnh phúc dân giàu đủ, nhưng đó phải là hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi nơi khắp đòi phương. Bài thơ chứa đựng tư tưởng thân dân của một con người vĩ đại.
3. Nghệ thuật giản dị, mộc mạc:
Vẻ đẹp giản dị của nghệ thuật thơ được biểu hiện ở việc Nguyễn Trãi đã Việt hóa thể thơ Đường luật bằng việc sáng tạo những câu thơ lục ngôn xen lẫn câu thơ thất ngôn; nghệ thuật đối cân chỉnh; biện pháp đảo trật tự cú pháp… Những sáng tạo nghệ thuật này làm cho ý thơ chắc khỏe, tạo sự mới lạ về nhạc điệu, nhạc tính cho bài thơ.
Sử dụng tiếng Việt giản dị, tự nhiên, mộc mạc, giàu sức biểu cảm: Bài thơ không có từ nào cầu kì, khó hiểu. Tất cả đều gần gũi, quen thuộc như lời nói trong cuộc sống thường ngày. Nguyễn Trãi đã đưa ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ dân gian vào thơ một cách linh hoạt và đầy sáng tạo, giàu sức gợi. Các động từ đùn đùn, giương, phun, tiễn thể hiện sức sống mãnh liệt của cảnh vật…
4. Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi là bài thơ soi sáng tâm hồn con người, mang lại ý nghĩa thiết thực cho đời sống.
Bài thơ bồi đắp cho tâm hồn người đọc tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và yêu quê hương đất nước.
4. Đánh giá, nâng cao vấn đề
Ý kiến của Bertold Brecht cho ta hiểu thêm về giá trị và cái đẹp của thơ ca đích thực. Bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi chứa đựng vẻ đẹp giản dị và có cảm xúc chân thành, đó là yếu tố tạo nên giá trị độc đáo cho thi phẩm. Bài thơ là những minh chứng tiêu biểu cho ý kiến của Bertold Brecht.
Nhà thơ nói riêng, người nghệ sĩ nói chung muốn có chỗ đứng, muốn thể hiện và khẳng định được mình phải sáng tác những tác phẩm có giá trị, tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người.
Người đọc phải cảm nhận được vẻ đẹp chân thực, mộc mạc, giản dị của tác phẩm văn chương mới thấy hết được giá trị đích thực của một tác phẩm văn học chân chính.