DECUONG.VN Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

“Ca dao tự vạch cho mình một lối đi,… ca dao là kết tinh thuần tuý của tinh thần dân tộc”

“Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Riêng những câu thơ còn xanh

Riêng những bài hát còn xanh”

(Thời gian – Văn Cao)

Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Những tác phẩm nghệ thuật luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với con người và kết tinh những giọt ngọc của thời đại. Có lẽ khi đến với ca dao, tất cả giá trị vĩnh cửu đó đã thăng hoa, neo đậu mãi trong tâm hồn chúng ta là hình ảnh muối gừng gắn liền với các cặp vợ chồng tượng trưng cho tình yêu lành mạnh, đồng thời cũng hết sức mãnh liệt, mặn nồng. Từ những hình ảnh ấy, nhà văn Thuần Phong nhận định: “Ca dao tự vạch cho mình một lối đi,… ca dao là kết tinh thuần tuý của tinh thần dân tộc”.

Đứng về mặt văn học mà nhận định, người ta có thể nói ca dao là thể loại thơ trữ tình dân gian do nhân dân sáng tác tập thể, thường kết hợp với âm nhạc diễn xướng nhằm diễn tả đời sống nội tâm của con người. Nó thường ngắn gọn, phần lớn theo thể lục bát hoặc lục bát biến thể, là tiếng nói giãi bày trong các mối quan hệ quê hương gia đình, lứa đôi. Có thể xem ca dao là tấm gương phản ánh vẻ đẹp tâm hồn của người lao động Việt Nam, là “tiếng hát đi từ trái tim lên miệng”. Đặc biệt hơn “ca dao tự vạch cho mình một lối đi,… ca dao là kết tinh thuần tuý của tinh thần dân tộc”.

Trong các chủ đề của ca dao, tình yêu thuỷ chung là chủ đề nổi bật, xuyên thấm trong rất nhiều câu hát, “những người lao động đã thế kỷ này qua thế kỷ khác, diễn tả trực tiếp lòng mình yêu thương, sướng vui, đau khổ” (Xuân Diệu). Thuộc nhóm những câu thơ có biểu tượng kép về sự thuỷ chung là “muối – gừng”, bài ca dao sau khá đặc sắc ở hình thức lục bát biến thể:

“Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”

Muối và gừng là một hình ảnh vô cùng quen thuộc trong ca dao nghĩa chung sâu sắc. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có viết: “Theo phong tục Huế, trong đêm tân hôn, cô dâu và chú rể làm lễ cúng tơ hồng… Đó là lời nguyện lấy cái tâm để sống với nhau suốt một đời”. Muối gừng được dùng làm lễ vật để cúng ông Tơ bà Nguyệt, quyết định việc hôn phối đôi vợ chồng trẻ với ý nghĩa cầu sự gắn bó, thuỷ chung. Trong số những lễ vật của nghi lễ này, muối và gừng mang tính “trần thế” hơn cả nhưng ý nghĩa sâu sắc lại nằm ở mùi vị của chúng. “Mặn” và “cay” là hai đặc tính của muối và gừng, là mùi vị cần thiết và khó quên đối với con người. Tất cả đều là những gia vị quen thuộc trong từng bữa ăn người Việt, là vị thuốc dân gian của người lao động nghèo, và đặc biệt rất khó quên. Xét mặt “mùi đời”, có thể coi đây là hai “vị chủ”, nhấn mạnh “cay” và “mặn” thể hiện hai mặt đối lập cho thấy sự nhìn nhận vấn đề hôn nhân rất khách quan: cay đắng hay mặn nồng là hai trạng thái, tình huống song song tồn tại trong tình cảm vợ chồng; đó là cuộc sống vốn dĩ của con người, là bình thường! Hai câu sau như một lời thề ước cho tình yêu son sắt. Những cụm từ đối xứng “nghĩa nặng – tình dày” vừa nói hết được cái nghĩa cái tình của một mối quan hệ tình cảm, vừa ngụ ý chú trọng cái nghĩa hơn cái tình. Câu cuối cùng là câu bát biến thể, được kéo dài đến mười ba chữ. Dường như đã là lời thề thì cần phải đầy đủ, chặt chẽ. “Ba vạn sáu ngàn ngày” thực chất là một cách nói khác của trăm năm – một đời người. Với hình thức câu giả thiết “có… mới…”, câu ca dao là một lời khẳng định đanh chắc về sự gắn bó thuỷ chung, bền lâu.

Mỗi bài ca dao chỉ được gói gọn trong vài dòng, nhưng đó là kết quả của cả một quá trình chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ. Phải soi sáng được giá trị bài thơ, chúng ta mới biết nâng niu, nhận ra “những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu) sau từng câu chữ. Mặt khác của muối gừng, ngoài nói lên tình nghĩa bền lâu, son sắt, thuỷ chung, nó còn diễn tả cuộc hành trình vượt qua khó khăn cùng nhau, đặc biệt được thể hiện qua câu ca dao:

“Rủ nhau xuống bể mò cua
Lên rừng hái quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”

Đến với bài ca dao thứ hai, ta lại càng thấy tình nghĩa vợ chồng ngày càng mặn nồng, tha tiết. Động từ “rủ” kết hợp với cụm từ chỉ hành động “xuống bể” – “lên rừng” thể hiện sự gắn bó chặt chẽ, không tách rời nhau. Dù có đi khắp bốn phương cũng không vượt qua khó khăn một mình, càng ngày càng thắp sáng cho ngọn lửa vợ chồng lan toả mạnh mẽ, có sức sống mãnh liệt. Hành động “mò cua” – “hái quả mơ” nói lên những điều giản dị trong cuộc sống vợ chồng, đều dễ dàng tìm thấy nhưng lại đặc trưng cho tình yêu da diết, bền lâu. Nếu như bài ca dao trên thể hiện ba vạn sáu ngàn ngày mới xa nhau thì đến với bài này, họ thể hiện sự gắn bó vượt qua khó khăn, cùng làm cùng chia trong cuộc sống đời thường. Tính từ “chua ngọt” đặc trưng cho sóng gió, bão táp trên đường đời mình đều đã trải qua cùng nhau. Cuối câu thơ họ lại dùng hình ảnh “muối” – “gừng” một lần nữa khẳng định sức sống vĩnh cửu vợ chồng bên nhau, gian nan dù bắt ta xa nhau nhưng tình cảm vợ chồng sẽ hàn gắn tất cả. Hình ảnh ấy còn được thế hệ sau tiếp nhận, học hỏi và thể hiện lại ở một tầm cao mới, nói về tình yêu một cách trực tiếp hơn, không còn lấy hình ảnh biểu trưng muối gừng nhưng vẫn giữ nét mộc mạc, giản dị đôi vợ chồng:

“Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông,
Không lấy được nhau thời trẻ ta sẽ lấy nhau lúc goá bụa về già
….
Chết ba năm hình còn treo đó,
Chết thành sông, vục nước uống mát lòng,
Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,
Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung
Chết thành muôi, ta múc nước cùng bát,
Chết thành hồn, chung một mái, song song.

Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng,
Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già,
Ta yêu nhau tàn đời gió, không rung không chuyển,
Người xiểm xuôi, không ngoảnh không nghe.”

(Xống chụ xon xao)

Qua đó, hai bài ca dao tiến thêm một bước mới: đứng trên cơ sở những trải nghiệm cay đắng mặn mà của tình nghĩa vợ chồng, để thề ước trăm năm. Ý nghĩa của cả bài có thể diễn đạt như sau: dù cuộc tình duyên này có gặp phải điều chua chát đắng cay vì bất cứ nguyên nhân chủ quan hay khách quan nào, hai ta cũng quyết không bỏ nhau. Có lẽ khó có một lời thề nào sâu sắc như vậy vì không thể tìm ra được kẽ hở để vịn vào khi muốn bội ước hay giải thề. Chính vì thế, “ca dao tự vạch cho mình một lối đi,… ca dao là kết tinh thuần tuý của tinh thần dân tộc” là nhận định vô cùng hợp lý, thuyết phục. Mỗi bài ca dao đều minh chứng cho một góc nhìn của người dân lao động xưa, thể hiện nỗi niềm riêng biệt không trùng lặp. Nó “tự vạch cho mình một lối đi”, trở thành thể loại đặc trưng cho văn học Việt Nam cả thời xưa và nay. Chính ca dao cũng là “sợi chỉ đỏ” gắn kết con người gần lại với nhau, “kết tinh thuần tuý của tinh thần dân tộc” suốt bốn nghìn năm lịch sử không bị phai nhoà. Ca dao “duy trì tình tự dân tộc bằng cách kết nối dĩ vãng với hiện tại trong công tác phản ảnh nếp sống hằng ngày của dân tộc qua những cộng đồng làm nên dân tộc đó” (Nguyễn Văn Trung). Nó còn là nguồn thi hứng vô tận của biết bao thi nhân đời sau, dù chỉ mang tính biểu trưng nhưng lại rực lửa mạnh mẽ về mặt nội dung, hàm ý ẩn giấu sâu trong đó, mang đến cho bạn đọc nhiều khám phá mới mẻ sau mỗi lần ngẫm nghĩ.

Một bài hát hay không chỉ hay ở nội dung mà còn hay ở giai điệu, một con người hoàn thiện không chỉ đẹp ở vẻ bề ngoài mà còn đẹp ở nhân cách bên trong. Cũng giống như một bài ca dao không chỉ hay ở nội dung mà còn hay ở giá trị nghệ thuật. Và hình ảnh muối gừng đã được nhiều người tập trung khai thác về tính đa nghĩa. Với cách dùng từ mộc mạc, giản dị kết hợp với từ ngữ xưa đã thể hiện rõ tình yêu thuỷ chung của đôi vợ chồng thề nguyện không bao giờ xa cách nhau. Hay có thể nói như GS. Cao Huy Đỉnh: “Thơ trữ tình dân gian cũng là một hệ thống hình ảnh thiên nhiên và lao động quyện lẫn cảm nghĩ và tâm tình của con người. Nó được sáng tác ngẫu hứng theo những quy cách so sánh, liên tưởng, phóng đại, ước lệ và trùng lặp. Thật khó lòng tách bạch được cảnh, tình, người và việc ở trong đó” (“Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam”). Có lẽ ca dao sẽ luôn là điểm sáng cho các thế hệ sau nhìn lại với từng câu chữ đi vào lòng người.

Mỗi chúng ta khi đọc một bài ca dao đều có những cách cảm, cách nghĩ riêng, từ đó đọng lại trong lòng là những cung bậc cảm xúc được rung lên ở nhiều nốt khác nhau. Mọi thời đại, thế hệ rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của các bài thơ “vô danh” nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc những nội dung tốt đẹp về hình ảnh muối gừng tượng trưng cho tình yêu thuỷ chung cũng như nhiều thông điệp khác suốt trường kỳ lịch sử.

 

Baitap24h.com

Shopacgame.vn

 

@if (!string.IsNullOrEmpty(Model.UrlShopee)) {
}