DECUONG.VN Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Vượt ra ngoài phạm vi của trang giấy, các sáng tác của Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều từ lâu đã trở thành những người bạn tinh thần của người Việt qua bao thế hệ. Hoài Thanh có viết: "Người đọc xưa nay vẫn xem Truyện Kiều như một hòn ngọc quý cơ hồ không thể thay đổi, thêm bớt một tí gì, như một tiếng đàn lạ gần như không một lần lỡ nhịp ngang cung”. Có thể nói, tác phẩm của Nguyễn Du là những sáng tác in đậm dấu ấn trong tiến trình văn hóa dân tộc, trở thành một trong những bản sắc độc đáo của văn hóa người Việt ta.

Truyện Kiều được tiếp nhận bởi nhiều hình thức phong phú và đặc sắc. Nhân dân đọc Kiều, ngâm Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều…

Bình Kiều

Bình Kiều là bình luận, tán thưởng cái hay, cái đẹp trong Truyện Kiều, một trong những thú chơi tao nhã của văn nhân, trí thức ngày trước. Cho đến nay, bình Kiều vẫn còn được tiếp tục, trở thành một trong những nét đẹp trong văn hóa người Việt.

Những lời bình tỏ ra rất tinh tế, chẳng hạn hai câu:

“Kiếp hồng nhan có mong manh

Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương”

Vũ Trinh bình: “Nơi tự sự còn mang theo giọng bi thảm, càng cảm thấy có ý vị”.

Vịnh Kiều

Ngay từ thời trung đại, đã có nhiều tác giả sáng tác thơ văn vịnh về các nhân vật, tình tiết trong Truyện Kiều.

Nguyễn Công Trứ vịnh về Kiều:

“Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa

Đoạn trường cho đàng kiếp tà dâm”.

Nguyễn Khuyến vịnh về nhân vật Kim Trọng:

“Khăng khăng giữ lấy một phần đuôi”

Ở thời hiện đại, có nhiều tác giả vịnh Kiều.

Tố Hữu:

“Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân

Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều”.

Chế Lan Viên cảm thương cho số phận nàng Kiều:

“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc

Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên”.

Câu đối Kiều

Trong kho tàng câu đối của người Việt, có một bộ phận khá lớn là những câu đối liên quan đến các tích hoặc câu chữ trong Truyện Kiều mà người ta gọi là Câu đối Kiều. Đây là một trong những cách tiếp cận Truyện Kiều độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa của dân tộc ta. Có thể kể ra vài câu đối Kiều tiêu biểu như :

Dán vườn hoa :

Dường gần rừng tía, dường xa bụi

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng

Đề nhà cô dâu :

Ngày xuân em hãy còn, còn non còn nước còn nhớ đến;

Làng chơi ta phải biết, biết người biết mặt biết lòng sao

Câu đố Kiều

Câu đố Kiều không chỉ có số lượng lớn mà còn là một trong những bộ phận giá trị. Bởi nó không chỉ thông minh, sâu sắc, hóm hỉnh mà còn phản ánh được truyền thống văn hóa Việt trong việc tiếp nhận tác phẩm vĩ đại nhất của văn học mình. Có thể kể ra vài câu đố Kiều như :

Đố: Truyện Kiều anh đã thuộc làu

Đố anh tìm được 1 câu 6 người

Đáp:

Này chồng này mẹ này cha

Này là em ruột này là em dâu

Hay

Đố: Truyện Kiều anh đã thuộc lòng

Đố anh tìm được 1 dòng toàn Nho

Đáp:

Hồ Công quyết kế thừa cơ

Lễ tiên binh hậu khắc cờ chờ công

Bói Kiều

Người xưa thường dùng câu Kiều để đoán định về tương lai. Chẳng biết tự bao giờ Bói Kiều đã trở thành tập quán tìm ăn sâu vào đời sống thường ngày của nhân dân

- Ở Hà Tĩnh, trước tháng Tám 1945, hầu hết các gia đình trước bàn thờ ở gian giữa có một bàn nhỏ cao (yên thư) thường đặt cuốn Truyện Kiều. Ai muốn bói phải gấp cuốn sách lại, rồi lầm nhầm đọc lời khẩn: "Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy Tiên Thủy Kiều... Hôm nay là ngày... Con tên là... xin bói một quẻ về đường tình duyên, tài lộc con cái,.... Con xin bốn câu, trang bên trái, hoặc bên phải…”

Các hình thức tiếp nhận Truyện Kiều hết sức phong phú, đa dạng, các hình thức tiếp nhận ấy mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Điều này nói lên rằng, nhân dân ta đã yêu quý, trân trọng, nâng niu Truyện Kiều, tác phẩm được mệnh danh là “Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ”. Có thể nói, trong lịch sử văn học nước ta, hiếm có tác phẩm nào có sức. Điều này nói lên rằng, các sáng tác ấy được nhân dân ta yêu mến, trân trọng và Nguyễn Du có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học, trong lòng nhân dân, có được những người khóc cùng ông, khóc cho ông như chính ông từng băn khoăn

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Xem thêm

Decuong.vn

@if (!string.IsNullOrEmpty(Model.UrlShopee)) {
}