Tình yêu quê hương, đất nước, con người:
Những vần thơ Haiku nhỏ bé mở ra một cõi mênh mông tình yêu quê hương, đất nước, con người của các haijin. Đó là nỗi nhớ sâu nặng, sự gắn bó thiết tha với những miền đất đã từng cưu mang, nuôi dưỡng thể xác, tâm hồn và thi hứng của họ:
"Mười thu đi qua
Edo
thành quê nhà" (Basho)
Trong bài thơ trên, hình ảnh mười mùa thu (akito) được hoán dụ chỉ mười năm Basho sống ở Edo. Chỉ đến khi thể nghiệm đời thực ở miền đất xa vọng, ông mới chợt thấy mảnh đất phương xa thân thiết như cố hương một đời. Thi phẩm nói lên quy luật tâm lí của kẻ phiêu lãng trốn phong trần: "Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương" (Chế Lan Viên- Tiếng hát con tàu).
Basho đã từng gắn bó với cố đô Kyoto suốt thuở niên thiếu, sau đó chuyển lên Edo (thủ đô Tokyo ngày nay). Hai mươi năm sau, người xưa trở lại chốn cũ (1690), nhưng dĩ vãng đã chảy trôi, phai mờ những kí ức về cảnh vật hữu tình, cố nhân thuở trước, chỉ còn tiếng chim đỗ quyên cất lên nỗi lòng kẻ nhớ thương diệu vợi:
"Ở Kinh đô
mà nhớ Kinh đô
chim đỗ quyên"
Tiếng chim đỗ quyên vẫn còn mà "kinh đô xưa" không còn hiện hữu khiến nhà thơ ngậm ngùi thương tiếc thời gian đã qua, nhớ về một miền quê chỉ còn là một thời xa xăm trong kí ức. Tiếng chim đỗ quyên như chất xúc tác khơi gợi miền không gian hoài niệm của kinh đô xưa cũ. Bài thơ khiến tôi nhớ đến niềm nhớ nhung bất tận của Bà huyện Thanh Quan một thời trong thi phẩm "Qua đèo ngang":
"Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia"
Hay niềm khắc khoải của người lãng khách trong ý niệm thi nhân của Chế Lan Viên:
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn"
Nếu trong thế giới Đường thi, Đỗ Phủ được coi là thi thánh, nhà thơ của kiếp dân hèn mọn, đau thương, thì trong thế giới Haiku cổ điển Nhật Bản, Kobayashi Issa được coi là nhà thơ của nhân tình bởi nguồn thơ của ông lai láng tình yêu dành cho những con người bất hạnh; những vạn vật nhỏ bé, lay lắt trên thế gian này; đặc biệt là tình cảm âu yếm dành cho những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ. Issa hướng ngòi bút đồng cảm sâu sắc đến những đứa trẻ mồ côi bởi chúng có số phận tương đồng với thi nhân. Khi đọc tiểu thuyết "Truyện Genji" của Murasaki thế kỉ XI, Issa thương cảm cho phận đời Genji mất mẹ từ năm ba tuổi và viết nên áng thơ đầy ám ảnh:
"Thân mồ côi
con đom đóm
không toả sáng" (Lê Thị Bình dịch)
Những em bé đơn côi trong dòng đời nghiệp ngã đã trở thành trung tâm trong thế giới thi ca của Issa. Sau này, khi con ông trở thành đứa trẻ mồ côi ngay lúc vừa chào đời thì tình cảm yêu thương trong ông càng dâng trào sự xót xa quặn thắt thương đau:
"Không còn mẹ
một mình em bé tập bò
đêm mùa thu rơi".
Lời thơ là tiếng lòng đau đớn của Issa thốt lên khi vợ ông từ biệt trần thế, con ông lâm vào cảnh mồ côi. Định mệnh đời thi sĩ là vòng tuần hoàn lặp lại miên viễn, trái tim người tan vỡ khi nhìn đứa con "tập bò" một mình, không có mẹ che chở, dìu dắt… Thiếu tình thương, hơi ấm của người mẹ, đứa trẻ hầu như mất đi một phần cuộc sống bởi tình yêu của cha dù mênh mông như thế nào cũng không thể bù đắp sự thiếu vắng "nguồn sữa nóng ấm thịt da của tình mẹ trong trắng vô ngần" (Thạch Lam). Ám ảnh về thân phận mồ côi, Issa dành tình yêu thương sâu sắc cho cả những đứa trẻ tội nghiệp đồng cảnh ngộ:
"Ai biết thằng mồ côi
đứng một mình cửa chòi
nhón ngón tay bụng đói".
👉 Cảm hứng nhân tình độc đáo đã nâng Kobayashi Issa thành một trong tứ trụ của thơ Haiku Nhật Bản gồm Basho- Bunson- Issa- Shiki.