DECUONG.VN Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Dưới đây là một số góc nhìn về truyện ngắn “Cái Mũi” của nhà văn R.Akutagawa dựa trên ba chức năng văn học. Mong các bạn đón nhận và góp ý nhẹ nhàng. Vì bài viết dựa trên cảm nhận cá nhân, viết ra với mục đích cùng nhau trao đổi, học hỏi, nên các bạn cứ góp ý khi có sai sót, nhưng đừng nặng lời. Xin chân thành cảm ơn.

1. Chức năng nhận thức

“Ngồi trong xó nhà mà lịch lãm hết các danh lam thắng cảnh trong thiên hạ, xem trên trang giấy mà tinh tường hết chuyện hay dở của thế gian, sinh ra sau mấy nghìn năm mà tựa hồ nghe được tiếng bàn bạc của người sinh trước mấy nghìn năm cũng là nhờ có văn chương cả” đây chính là lời của Phan Kế Bính khi nói về chức trách, sứ mệnh và lợi ích mà văn chương mang lại cho con người chúng ta. Và quả thật vậy, văn học - nơi sinh ra mang thiên mệnh được ký thác, khám phá thế giới; là nơi văn nhân được án ngữ những trăn trở về cuộc đời, được trình chánh những kiến thức, sự thật về cuộc sống và con người không chỉ được đào xới từ bên ngoài vào mà còn từ bề sâu đi ra. Văn học cho ta thấy những điều nên được thấy ở trong xã hội, những điều ẩn sâu mà mắt thường chưa tỏ rõ, từng đó người đọc có thể nhận thức được về thới giới xung quanh, về đại vũ trụ bao quanh mình. Nhưng không chỉ dừng ở đó, văn chương còn mổ xẻ cho ta từng tầng bậc bên trong con người, những bản chất ở bề sâu, những khoảng lặng nơi tâm tưởng con người. Đọc truyện ngắn “Cái Mũi” của nhà văn Ryunosuke Akutagawa, truyện về nhà sư Zenchi luôn bị dằn vặt tâm lí bởi cái mũi dài “lủng lẳng” của mình, khi mũi ông còn dài, ông bị người dân xứ Ike-no-O dè bỉu, xem thường sau lưng, họ bảo “may cho nhà sư là ông không phải dân thường, vì chắc chắn chẳng có người đàn bà nào lại đoái hoài đến một gã có cái mũi ấy” thậm chí còn nói rằng “nếu chẳng có cái mũi thì ông đã không xuất gia đầu Phật”. Những lời nói tưởng chừng bông đùa vô hại nhưng chính nó lại phản ánh lên rõ nhất bản chất rắn rết của con người - chê cười, thóa mọa lên nỗi đau của người khác. Không dừng lại ở đó, sau khi nhà sư Zenchi đã cố gắng trị liệu bằng phương pháp như giẫm đạp, bỏ mũi vào nước nóng để mũi ông được ngắn lại như một người bình thường thì sau từng ấy nỗi đau tưởng chừng ông sẽ viên mãn hạnh phúc thế nhưng, người ta vẫn cười ông, người ta “nhìn chằm chằm” cái mũi của ông, “cố nín cười” trước sự thay đổi của ông. Nhưng ta nhận thấy được rằng đằng sau những tiếng cười “không cười thật thoải mái, thật sảng khoái như trước” của người dân, của những người đệ tử thì ẩn sâu trong đó lại là một bản tính xấu xa, đen đúa một lần nữa được bóc trần, đó là bản tính ghen tỵ với hạnh phúc của người khác. Sự ghen tỵ xấu xa này ta còn từng được bắt gặp trong chính tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao là Chí Phèo. Với nhân vật bà cô Thị Nở, ta thấy điểm chung của bà cô và những kẻ chê cười nhà văn Zenchi là họ không muốn trao cho ai sự hạnh phúc cả. Nếu bà cô vì thấy “tủi cho thân bà”, “uất ức” khi “nghĩ đến cái đời dài dằng dặc của bà, bà không có chồng” thế nên bà “đổ uất ức ngay lên cháu bà” , bà cấm Thị Nở ở bên Chí Phèo, vì bà không có hạnh phúc gia đình nên cháu bà cũng không. Nếu sự ghen tỵ, phá hoại của bà, chì chiết của bà nó đến từ sự nỗi khổ của chính bà thì trong “Cái Mũi”, sự ghen tỵ, dè bỉu của dân xứ Ike chẳng đến từ đâu cả, nó chỉ đơn thuần hơn nhưng lại kinh khủng hơn nhiều. Bởi khi con người ta chẳng bị gì cả, họ vẫn muốn làm hại, làm khổ người khác. Điều đó không đáng sợ hơn hay sao? Câu thoại “Sẽ không có ai cười ta nữa” của nhà sư Zenchi lặp lại hai lần trong truyện, lần thứ nhất là khi ông vừa chữa khỏi mũi và lần thứ hai là khi mũi ông dài lại một lần nữa. Đó là hoàn cảnh không thể bi đát hơn, bản tính con người lại có thể ác đến mức dồn người khác rơi vào hoàn cảnh bất hạnh dù đó từng là hố sâu họ muốn đào tẩu. Chính R.Akutagawa - người nhận ra bản chất xấu xa ấy cũng từng nhận xét trong chính truyện ngắn “Cái Mũi” rằng: con người thường bị xâu xé bởi hai tình cảm mâu thuẫn, ai cũng thương cảm cho sự bất hạnh của người khác. Nhưng khi người ấy kiên cường mà vượt qua nỗi bất hạnh, thì người chẳng những cho rằng có cười vào mặt kẻ ấy cũng phải thôi, thậm chí còn đố kị với anh ta nữa. Trong trường hợp cực đoan, có người còn mong kẻ ấy trở lại bất hạnh như cũ và thậm chí còn căm thù, dù đó là tiêu cực. Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng,văn chương là “tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng” (Charles Dubos) nhưng vẻ đẹp kia chưa bao giờ là vẻ đẹp bề ngoài, bề nổi. Bởi từ truyện ngắn “Cái Mũi” tuy là cung cấp cho ta nhận thức ra những mặt đen tối của con người, nhưng từ đó cũng khơi gợi cho ta lòng trắc ẩn và tình yêu thương trước những viễn cảnh không mấy tốt đẹp đó. Và đó là khi ta được hướng thượng, biết về điều hay lẽ phải bởi “Tất cả mọi nghệ thuật trên Trái đất đều phục vụ cho một nghệ thuật duy nhất là nghệ thuật sống” (B.Brech).

2. Chức năng giáo dục

“Tôi muốn tác phẩm của tôi giúp mọi người trở nên tốt, có tâm hồn thuần khiết, tôi muốn chúng góp phần khơi dậy tình yêu con người, đồng loại và ý muốn đấu tranh mãnh liệt cho những lí tưởng của chủ nghĩa nhân đạo và sự tiến bộ của loài người.” đó là lời của văn nhân nổi tiếng người Nga - Sholokhov khi ông nói về mong muốn tối cao nhất của một nhà văn khi sáng tạo nên một tác phẩm văn học. Và hẳn vật, khi ta đọc văn, cái ta cần là những tư tưởng được run lên ở các cung bậc tình cảm trong trái tim ướt át chứ chẳng cần những tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Ta cần sự rung cảm ở bề sâu tâm hồn, những bài học về lẽ sống ở đời như làn nước ngọt ấm rót tưới vào người ta, để từ đó nảy lên hạt mầm của những thiên lương tốt đẹp. Đọc truyện ngắn “Cái Mũi” của nhà văn Ryunosuke Akutagawa, ta cảm thấy xót thương cho nhà sư Zenchi, bởi ông thật khổ, ông khổ khi phải giả vờ “chẳng hề bận tâm đến cái mũi” vì lòng tự trọng, vì “không muốn mọi người nghĩ rằng ông phải sầu muộn vì cái mũi của mình”. Ta cũng thấy giận dữ vì sự dè bỉu của những người xung quanh ông từ khi mũi ông còn dài “lủng lẳng” cho đến lúc nó đã ngắn lại. Từ điều đó, ta biết được rằng lời nói có thể ảnh hưởng đến một người sâu sắc như thế nào và ẩn sâu trong chúng ta luôn có những phần tính nết rắn rết thóa mạ người khác. Nhưng đứng ở góc độ khác từ nhà sư Zenchi ta cũng nhận ra được nỗi sợ hãi, tự ti ẩn sâu trong mỗi con người, nhà sư Zenchi vờ như “chẳng hề bận tâm” đến cái mũi bởi vì một lí do duy nhất là ông quá bận tâm đến cái mũi của mình. Ông cố tìm sự an ủi trong những pho Kinh Phật dày cộp, mong tìm được một sự dẫn dụ về một cái mũi dài, một người như ông, khát khao rằng giá như tìm được một “Mục Liên hay Sa Liên cũng có một cái mũi dài”. Đó là sĩ diện, sự tự ti, mặc cảm chôn chặt trong lòng mỗi con người ta, để người khác dẫn dắt và rồi không vững được tâm thức của mình, để rồi cuối cùng nhà sư Zenchi vẫn không thoát được hố sâu mà mình tự tạo ra, ông vẫn mắc kẹt tại đó cùng với cái mũi dài và bản tính quá để ý để sự đánh giá của người khác. Từ truyện ngắn “Cái Mũi” của R.Akutagawa ta nhận ra được sự châm biếm nhẹ nhàng tính phù phiếm, vị kỉ của loài người. Ta nhận thức được bản chất bề sâu trong mỗi con người và từ đó ta tự nhận thức về chính mình và tự giáo huấn bản thân để ngày càng hoàn thiện và tỏa sáng. Và đây chẳng phải là sứ mệnh cao đẹp của văn chương hay sao? Hướng con người đến cái cao thượng, cái đẹp, cái nhân đạo của lòng người, đưa ra những niềm đau nhân loại nhưng để lại những dấu ấn của tình yêu thương, tình người thật sự để ta trân trọng và sống tốt hơn.

3. Chức năng thẩm mỹ

“Nói nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì đó cao cả. Đã nói đẹp là nói cao cả…” Đây là lời của Nguyễn Đình Thi khi nhắc đến cái đẹp trong nghệ thuật văn chương và thật vậy, dù cho văn nhân kia, anh muốn bóc trần, làm hiển lộ “những điều trông thấy”có xấu xí, tàn ác đến đâu thì anh cũng phải đặt nó chung một nơi với cái đẹp, ở cùng một nơi không có nghĩa san sát kề bên mà là sự ẩn sâu, vùi lấp tận bề sâu để người đọc mày mò, đào xới bằng chiếc xẻng văn chương và tự nhận ra những giá trị cốt lõi tốt đẹp, từ đó nâng thị hiếu thẩm mỹ lên một tầm cao mới. Đọc truyện ngắn “Cái Mũi” của R.Akutagawa ta nhận ra được những giá trị bản chất thâm sâu của con người, đưa ta đến một chân trời mới, một tầng bậc mới trong nội tâm sâu thẳm của con người. Dù cho có là những điều xấu xa, những tính xấu mâu thuẫn thì việc nhận ra những điều ấy để bản thân biết trân trọng những kiếp người bất hạnh hơn mình thì vẫn là một cách thức hoàn hảo để rèn luyện nhân cách, phẩm chất đạo đức.

“Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả.” (Nguyễn Đình Thi) và đúng với chân lí ấy R.Akutagawa dù ông có miêu tả sự xấu xa, thóa mạ của dân xứ Ike-no-O đối với nhà sư Zenchi nhưng nhìn ở góc độ khác, ông vẫn đề cao, trân trọng và cố gắng hướng người đọc đến một tấm lòng đẹp, cao cả hơn. Cái cao cả của R.Akutagawa là khi ông đưa ra những bản chất tiêu cực của con người nhưng vẫn nằm trong phạm trù gắn liền với thẩm mỹ, vẻ đẹp trong mỗi người. Dù rằng nhà sư Zenchi hèn nhát, không dám đối mặt nhưng ẩn sâu trong ông là nỗi lòng khát khao hoàn thiện bản thân, muốn vươn lên với vị thế tốt hơn để không bị dè bỉu, thóa mạ.

Văn chương luôn cố đi tìm những “hạt ngọc” (Nguyễn Minh Châu) ẩn trong bề sâu tâm can của nhân loại. Luôn cố tìm ra những gì đẹp nhất trong tâm hồn con người. Đối với tác phẩm đó là nhiệm vụ hàng đầu qua những nhân vật được khai thác kĩ lưỡng bề sâu, đối với bạn đọc đó là bước tiến để bồi đắp thị hiếu, nâng cao thẩm mỹ. Bởi đó là sứ mệnh của văn chương “làm cho cái đẹp thấm nhuần vào lòng người, làm cho con người được mĩ hóa” (Platon)...xem thêm

Decuong.vn

@if (!string.IsNullOrEmpty(Model.UrlShopee)) {
}