Bài thơ Nói với con đã thể hiện tình cảm gia đình đầy ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương, đất nước. Hãy cùng tôi tham khảo bài viết dưới đây
Bài làm
Mạch nước âm ỉ dưới vách núi đã đổi thay qua những ngày xuân xanh đến những chiều thu buồn. Những đền đài sụp đổ dưới ánh chiếu của thời gian, những tranh tượng rồi tiêu tan hoá thành bụi vàng của quá khứ. Ấy vậy mà có những vần thơ, những trang viết, vẫn như một ô cửa sổ nhỏ mở đến trái tim, mặc cho thời gian đã xế tà. Có phải thế, mà bàn về thơ ca, đã có nhận định từng cho rằng :" Mỗi bài thơ như một ô cửa mở đến tâm hồn ". Đến với tác phẩm của Y Phương, bài thơ " Nói với con " , ta sẽ thấy rõ lời tâm sự, thủ thỉ , trò chuyện của người cha gửi đến con qua một ô cửa sổ nhỏ.
Nếu như con mắt mở cửa đến trái tim thì những vần thơ sẽ mở cửa tới tâm hồn. " Ô cửa " là nơi ngăn cách hai thế giới bên trong và bên ngoài. So sánh mỗi bài thơ như một ô cửa, nhà thơ muốn nói đến chức năng của thơ ca là phương tiện giúp nhà thơ gửi gắm tâm tư, tình cảm sâu kín của cá nhân mình đến mọi người.
" Mở đến tâm hồn " , đằng sau cánh cửa thơ ca chính là thế giới của tâm hồn. Tâm hồn là nơi kết nối cuộc sống thực với cuộc sống nội tâm của người nghệ sĩ. Thế giới tâm hồn như một thế giới khác, đằng sau ô cửa nhỏ trong không gian chật hẹp kia là thế giới sắc màu của hương hoa, của trái ngọt . Sau cánh cửa huyền bí là thế giới hư vô, nơi cất cánh và đâm chồi cho những mầm non hé mở. Thế giới đó còn là tâm hồn của độc giả . Sự hòa quyện và kết hợp khéo léo của tâm hồn người nghệ sĩ với độc giả đã tạo nên một tác phẩm kiệt tác.
Nếu như văn chương là tấm gương phản ánh hiện thực, nó như một lát cắt của đời sống thì thơ ca chính là phương tiện ngăn cách hai thế giới nội tâm và ngoại tâm . Thời gian có thể ngừng trôi, cánh hoa có thể rụng xuống, nhịp thở của trái tim có thể ngừng đập nhưng những vần thơ hay thì không thể nằm khô cứng trên trang giấy, mà nó còn phải đứng lên, phải sống như một cơ quan nội tạng tiếp sức cho con người. Chúng ta có thể thiếu bất cứ thứ gì trên đời nhưng thơ thì không thể. Con người sẽ không thể sống nếu như họ có thân xác mà không có linh hồn. Một tác phẩm văn học cũng vậy, thân xác chính là những con chữ nằm đơ trên trang giấy, còn linh hồn chính là giá trị tư tưởng và nhân đạo. Một linh hồn của tác phẩm đủ để làm cái thân xác phải đứng lên thì linh hồn đó chắc hẳn phải có một sức hút đến lạ kỳ, đó chính là sự riêng biệt để tạo nên tiếng nói cho người nghệ sĩ.
NGUYỄN MINH CHÂU từng nói " Văn Học và đời sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người " .Vì vậy nhà văn chân chính luôn hướng tới con người và cống hiến vì con người . Như móc xích của tạo hóa , con người luôn luôn phải gắn liền với cuộc sống . Bởi vậy , những người cấm bút ấy với cảm nhận tinh tế về đời sống đã đưa cái đẹp của hiện thực vào trong văn chương của chính họ .Nơi đây cất chứa những tinh túy , những tư tưởng , những cảm xúc của nghệ sĩ . Thơ là hồn , hồn là thơ , bay bổng theo ngôn từ đó , người nghệ sĩ hòa mình vào hiện thực , tạo lên bức tranh sinh động trong trang giấy của mình khi những cảm xúc trong trái tim dâng trào mãnh liệt . Lúc đó khát khao lớn nhất , vĩ đại nhất của họ là tìm được sự đồng cảm , trái tim chung nhịp , sự đồng điệu từ chính độc giả .Nếu cứ sống theo cái " bản ngã " của trung đại mãi thì thật nhàm , "những con chim sơn ca ngồi trong bóng tối " ấy phải tìm cách giúp " ngoài kia " hiểu được , tìm ra được sự đồng cảm và những điều mới mẻ trong cảm xúc. Từ đó nơi ngăn cách của nhà thơ - độc giả sẽ bị phá vỡ , giúp những tâm hồn được kết nối đến với thế giới nhân văn hướng tới những giá trị tốt đẹp mà tạo hóa ban tặng . Bởi thế , thơ phải luôn tràn ngập tình yêu , giá trị mới mẻ thu hút mọi người hòa mình vào nhau giữa cuộc sống rộng lớn, bộn bề.
Đến với tác phẩm của Y Phương, bài thơ " Nói Với Con " , ta sẽ hiểu rõ được những tâm sự , tâm tình sâu kín của người cha dành cho con qua một ô cửa nhỏ. Bài thơ ra đời vào năm 1980 – khi đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhà thơ tâm sự: “Đó là thời điểm đất nước ta gặp vô vàn khó khăn… Bài thơ là lời tâm sự của tôi với đứa con gái đầu lòng. Tâm sự với con, còn là tâm sự với chính mình…..Chính vì thế, qua bài thơ ấy, tôi muốn nói rằng chúng ta phải vượt qua sự ngặt nghèo, đói khổ bằng văn hóa”. Từ hiện thực khó khăn ấy, nhà thơ viết bài thơ này để tâm sự với chính mình, động viên mình, đồng thời để nhắc nhở con cái sau này.
Bài thơ " Nói Với Con " của Y Phương là một ô cửa về tình cha con đầm ấm với hình ảnh một em bé lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ. Hình ảnh đứa trẻ tập đi được miêu tả giản dị và mộc mạc :
" Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ ".
Từng bước đi nhỏ nhẹ của con là nhờ sự dìu dắt của cha mẹ. Trên mỗi bước đi ấy, chúng ta có thể vấp ngã, có thể chạm vào đinh nhọn hoặc gai nhưng cha mẹ luôn yêu chiều và thương xót cho mỗi lần vấp ngã của ta. Nhưng họ không còn lựa chọn nào khác, chỉ có vấp ngã mới cho ta một bài học quý giá . Chỉ có vấp ngã mới có thể tạo nên thành công, chẳng có ai tự dưng mà có thể ở trên đỉnh cao chói lọi, họ phải đi nhầm đường, quyết định nhầm và thậm chí là thất bại một cách thảm hại nhưng họ vẫn kiên cường, vẫn một lòng với quyết định, với thế mạnh của mình để tiến về phía trước, tiến tới đỉnh cao của Vinh Quang:
" Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười "
Tiếng nói , cười là hình ảnh của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Tình yêu dành cho con của cha mẹ là vô hạn, cha mẹ có thể làm bất cứ điều gì vì con, để cho con có một cuộc sống hạnh phúc, bằng bạn bằng bè , để cho con được nở nụ cười trên môi mỗi khi con mở mắt thức dậy. Cha mẹ có thể hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để dành cho con những điều tốt đẹp nhất.
Lời cha mẹ dạy con về những đức tính cần có trong cuộc sống đã mở ra cánh cửa tâm hồn cho đứa con:
" Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát "
Cha mẹ dạy con phải biết sống vui tươi, thân thiện và biết ơn. Cài nan hoa khi đan lờ và luôn ca hát trong lao động thể hiện sự hồn nhiên, yêu đời và yêu lao động.
" Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng "
Mẹ tự nhiên luôn ban tặng những điều tốt đẹp cho con người. Chúng ta phải biết dựa vào tự nhiên, biết ơn tự nhiên để mà sống. Con người không thể sống một mình. Hình ảnh ngày cưới của cha mẹ là ngày " đầu tiên đẹp nhất trên đời" và kết tinh đẹp nhất chính là đứa con. Đứa con chính là quà tặng vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho cha mẹ, một món quà không gì có thể sánh bằng . Cái ngày mà con cất tiếng khóc đầu tiên chào đời, cha mẹ biết, cha mẹ đang phải gánh một sứ mệnh là nuôi con khôn lớn và dạy con trưởng thành. Để rồi con nhận ra được một thông điệp quý giá về tình người. Với giọng thơ xúc động, vui tươi , cha mẹ vừa nói với con vừa như nhớ lại kỉ niệm của mình.
Với lối sống kiên cường và hiên ngang, cha mẹ muốn con sau này khôn lớn cũng như vậy , chúng ta chỉ mong con học hỏi được sự kiên cường của " Người đồng mình " là vượt qua những nỗi đau để nuôi chí làm việc lớn. Cha mẹ muốn con sống phải biết ơn những hy sinh của cha ông đời trước đã xây dựng quê hương và không chê quê hương " nghèo khó " :
"Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Cha mẹ muốn con phải biết tự hào vì những gì mình đang có có và tự hào vì những công lao mà cha ông ta đã gây dựng từ ngàn đời trước . Con phải biết chấp nhận hoàn cảnh hiện tại của mình, phải biết cố gắng để vượt qua và coi nó như một mục tiêu để cố gắng. Cha mẹ hy vọng con sẽ chịu thương, chịu khó để nhận lấy được những trái ngọt. Chỉ có như thế thì con mới xứng đáng và có tư cách để nhận lại những điều tốt đẹp.
Một hy vọng nữa mà cha mẹ muốn con có thể làm là có đủ sức mạnh thể chất và tinh thần như " Người đồng mình ", " thô sơ da thịt ", "chẳng mấy ai nhỏ bé", có thể " lên thác xuống ghềnh ", " Không lo cực nhọc ". Cha mẹ muốn gửi gắm tới con một thông điệp, phải sống có ích, xây dựng quê hương và luôn ghi nhớ truyền thống nguồn cội:" tự đục đá kê cao quê hương",
" Quê hương thì làm phong tục ", đó là mối quan hệ mật thiết giữa con người và quê hương đất nước. Con người xây dựng nên quê hương, tạo ra phong tục tập quán rồi chính quê hương là nơi lưu giữ phong tục ấy. Cha mẹ mong đứa con hãy sống " như sông như suối ", luôn trôi chảy, luôn phát triển, nhưng giá trị quan trọng của dân tộc thì không thể quên.
Bài thơ " Nói Với Con " của Y Phương như một ô cửa mở tới tâm hồn bởi lời dặn dò con về bản lĩnh làm người khi ra cuộc đời. Lời dặn cuối cùng cha mẹ muốn nói với đứa con:" Tuy thô sơ da thịt" nhưng khi rời khỏi gia đình , tự lập trong cuộc sống thì" không bao giờ nhỏ bé được ". Con người chúng ta không phải là máy móc, chỉ là da thịt " thô sơ ", có thể chịu tổn thương, có thể ốm đau bệnh tật, mệt mỏi nhưng phải cố gắng kiên cường, hiên ngang, không " nhỏ bé " và chịu "khuất phục" được. Con không bao giờ được khuất phục cái xấu, cái bất công, không" nhỏ bé "chấp nhận chịu sống cúi đầu, còn phải ngẩng cao đầu và tự hào về truyền thống của quê hương như ông cha ta ngày xưa. Câu thơ cuối khép lại bằng hai từ " nghe con " như tiếng lòng của cha mẹ, đầy yêu thương, trìu mến, hi vọng, lo lắng , mong con sẽ trưởng thành, sống có ích.
Bài thơ " Nói Với Con " như một ô cửa mở đến tâm hồn bởi biện pháp nghệ thuật đặc sắc. Với thể thơ tự do, giọng thơ thân tình, một mạc, trìu mến, sử dụng ngôn ngữ giản dị đặc trưng của người miền núi đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm. Y Phương đã thành công khi truyền tải một thông điệp về lời tâm sự, thủ thì trò chuyện của người cha gửi đến đứa con gái đầu lòng .
Tác phẩm" Nói với con " đã thành công bởi sức truyền tải thông điệp mạnh mẽ của cha mẹ dành cho con. Tình yêu thương gia đình và quê hương đất nước có lẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho các thi nhân viết nên những tác phẩm kiệt tác . Một trong số đó là bài thơ" quê hương" của nhà thơ Đỗ Trung Quân:
" Quê Hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay".
Tôi từng nhớ , Ra- xum Gam-za-tôp có nói: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”. Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là cội nguồn , là nơi để ta vỗ về và nhớ đến mỗi khi có chuyện buồn. Quê hương sẽ mãi mãi ở đó, đứng đó và mong ngóng chờ ta trở về bởi vì ở nơi đó ta còn có gia đình. Sự yêu thương của cha mẹ luôn dành cho ta ở nơi đó.
Hình ảnh người cha và quê hương có lẽ là hai hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí tôi . Cha luôn đồng hành , sát cánh và giúp đỡ tôi khi tôi gặp khó khăn. Cha là bệ đỡ, là niềm hy vọng và cũng chính là lí do để tôi cố gắng hết mình cho mục tiêu . Cho dù thời gian có trôi qua, tấm vải nhuộm màu có nhạt nhòa theo năm tháng nhưng tình phụ tử vẫn luôn vững bền và không có gì có thể thay đổi được điều đó. Giống như tình cảm cha con trong truyện ngắn " Chiếc lược Ngà " của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Trước sự vỡ oà và nút thắt của câu chuyện, bé Thu đã thể hiện hết tình yêu thương cha ra bên ngoài bằng những hành động nhỏ. Và người cha cũng đáp lại tình yêu thương đó của con gái bằng việc làm cho con một cây lược ngà. Tình cha con thêm sâu đậm và làm cho bạn đọc phải rung động .
Bài thơ " Nói Với Con " của Y Phương còn nhắc nhở ta về đạo lý " Uống nước nhớ nguồn ". Về cái đẹp của tình cha con và tình yêu quê hương , đất nước. Bài thơ chính là một đoá hoa thơm góp vào mảng đề tài quê hương , đất nước. Cho ta thêm yêu, thêm nhớ quê nhà thân thuộc của mình :
" Quê hương ơi ! Xa rồi nhớ thành thơ
Tiếng mẹ đẻ, gặp nhau mừng khôn xiết
Ai cũng vậy, xa lâu rồi mới biết
Những ngôn từ không đủ viết ... Quê hương"
Trong bài thơ" đất nước ", nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết :
" Đất là nơi chim về
Nước là nơi rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trăm trứng "
Quê hương, đất nước trong tiềm thức của tác giả rất đẹp. Đó là nơi cất cánh cho những ước mơ, là bệ đỡ nâng ta lên trời cao. Là nơi để ta trở về , là nơi chứa đựng và chấp nhận ta. .....
Nhận định " Mỗi bài thơ như một ô cửa mở đến tâm hồn " muốn đề cập tới sự hòa quyện giữa tâm hồn người nghệ sĩ với tâm hồn độc giả. Một tác phẩm được ra đời và trao được tới tận tay bạn đọc là nhờ sự hưởng ứng của độc giả. Độc giả và tác giả góp phần rất quan trọng trong sự thành công của tác phẩm. Thơ là nơi đâm chồi, ươm mầm cho những tư tưởng và cho những ước mơ cất cánh. Thơ là sự đồng điệu trong cảm xúc, là sự rung động của người nghệ sĩ trước cuộc đời mênh mông. Thơ là sự kết nối giữa hiện thực và trang viết, là cảm xúc và tình cảm của người nghệ sĩ.
Những vần thơ Andersen, những vần thơ ngân vang từ thung lũng Ođenzo, nơi có những hẻm núi sương giăng mờ ảo và những vòm hoa thạch thảo tim tím nên thơ đã gieo vào tâm hồn nhà văn Pautopxki niềm xúc cảm mãnh liệt : Andersen đã lượm lặt những hạt thơ trên luống đất của người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim ông rồi gieo vào những túp lều, từ đó lớn lên và nảy nở những bó hoa thơm tuyệt đẹp. Chúng an ủi trái tim những người cùng khổ. Đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian có thể xóa nhoà đi biết bao điều tươi đẹp trên thế giới này nhưng tình phụ tử, tình cảm của người cha dành cho con sẽ không có gì có thể thay đổi. Bởi lẽ, mỗi một bài thơ như một ô cửa mở tới tâm hồn và bài thơ " Nói Với Con " của Y Phương đã đưa ta tới cánh cửa đẹp nhất của tình cha con với những thông điệp và lời thủ thỉ nhỏ nhẹ mà người cha mong muốn con có thể thực hiện. Cho dù thời gian có trôi qua nhưng tác phẩm của Y Phương sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc, bởi thông điệp đáng giá mà người cha dành cho.
Xem thêm: Phân tích bài thơ "Sang thu"
Xem thêm: Phân tích Mùa xuân nho nhỏ