Hàn Mặc Tử là một trong những gương mặt nổi bật nhất của phong trào Thơ mới. Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng nói của một tâm hồn yêu cuộc sống, yêu cảnh vật, yêu con người nồng nàn, tha thiết. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là bài mang một tình yêu, khát khao cuộc sống như vậy. Đặc biệt, khổ thơ thứ hai của bài thơ mang đến một hoài niệm và tâm trạng lo âu của thi sĩ. Khổ thơ này chính là bức tranh tâm cảnh và thế giới của cõi mơ trong niềm yêu nhớ và nuối tiếc của nhà thơ với cuộc đời.
Khổ thơ thứ hai được mở ra, khiến người đọc cảm nhận được hoài niệm về cảnh sông nước đêm trăng, hòa theo đó là tâm trạng lo âu, phấp phỏng của thi sĩ. Chúng ta có thể phân chia khổ thơ này làm 2 phần với cảnh sông nước đêm trăng được gợi ra trong hai dòng thơ đầu, cũng chính là bức tranh tâm cảnh của chàng thi sĩ:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Dòng sông có nhiều cách hiểu, nhưng dù hiểu theo cách nào thì vẫn gợi ý thức về sông Hương-linh hồn của Huế. Cảnh vật được miêu tả rất nhẹ nhàng, êm ả, gợi đặc điểm riêng của Huế: gió khẽ lay, mây khẽ bay, hoa bắp khẽ đung đưa, chuyển động rất nhẹ nhàng, êm ả, gợi không gian rất thanh bình, rất Huế. Cảnh vật đượm buồn: buồn thiu, buồn sâu lắng, buồn nhuốm vào không gian, cảnh vật, thường là nỗi buồn từ thế giới bên ngoài tác động. Câu thơ như dài ra, căng ra, khiến nỗi buồn như dằng dặc. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật “nhân hóa”, dòng sông đã trở thành một sinh thể, có tâm trạng, có hồn, mang nỗi niềm của con người. Cảnh vật như nhuốm màu chia ly “Gió theo lối gió mây đường mây”. Câu thơ tách nhịp 4/3 chia làm hai nửa: một gió một mây. Từ “gió” được điệp lại ở vế một, đóng khung một thế giới đầy gió, chỉ có gió, chỉ riêng gió. Từ “mây” điệp ở vế hai, tạo nên một thế giới mây khép kín chỉ có mây. Vậy là hai sự vật vốn dĩ chỉ đi liền với nhau thì nay tác biệt và chia lìa. Gió đóng khung trong gió, mây khép kín trong mây. Câu thơ mang đến một hiện thực phi lý về hiện thực khách quan, nhưng rất có lý về hiện thực tâm trạng. Thi sĩ đang sống trong cảnh chia ly, cách biệt, sống trong cảnh đời đầy nghịch lý cho nên gió cứ gió, mây cứ mây. Từ “lay” mang một nỗi buồn trong ca dao, chỉ hoạt động rất nhẹ của sự vật hiện tượng khi có gió nhẹ. Nó mang nỗi buồn truyền thống của ca dao, thổi vào nỗi buồn muôn thưở của con người. Bức tranh phong cảnh đã thực sự trở thành bức tranh tâm cảnh, thiên nhiên như đã không còn là đối tượng miêu tả mà là phương tiện biểu hiện cõi lòng u ám, buồn bã của con người với những hờ hững, lạnh lẽo, chia lìa…
Thế giới của cõi mơ tiếp tục được mở ra ở hai câu thơ sau, và ta nhận ra được tâm trạng lo âu, phấp phỏng của thi sĩ:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Cảnh vật được gợi ra một cách lung linh, huyền ảo, tràn ngập ánh trăng, mang ý nghĩa vừa thực vừa ảo. “Sông trăng” có thể hiểu là dòng sông tràn ngập ánh trăng, cũng có thể là trăng tuôn chảy thành dòng. “Thuyền trăng” là con thuyền chở đầy trăng, cũng có thể hiểu là trăng giống như hình ảnh một con thuyền. Dù hiểu theo cách nào thì trăng đã tràn ngập cả không gian, vừa thực vừa ảo, tạo nên một cảm giác mơ hồ. Trong thơ của Hàn Mặc Tử có cả một miền trăng, để có một thế giới tri âm, chất chứa tâm sự, giải tỏa những niềm đau, trăng đối với Hàn Mặc Tử là một người bạn tri âm. “Thuyền ai” lại gợi ra một danh từ phiếm chỉ. Hai câu thơ chứa đựng cả những hình ảnh mâu thuẫn. Câu dưới không có trăng, ý thơ phi lý về hiện thực nhưng chúng ta có thể lí giải được khi dựa vào tâm trạng của chủ thể trữ tình. Trăng lúc có lúc không, mong manh và mờ ảo, người tri kỉ cũng mờ ảo và mong manh nên lo âu, phấp phỏng là thế. Chờ trăng là chờ sự tri âm, chờ sự đồng điệu, chờ sự sẻ chia và chờ được khát khao, giao cảm với đời, là một con người bình thường mong muốn sự giao cảm. Từ “kịp” thể hiện một tâm trang lo âu của nhà thơ, tâm trạng đợi chờ, khao khát. Qua đó thể hiện được quỹ thời gian sống đang bị vơi cạn đi từng ngày, cuộc chia lìa vĩnh viễn có thể đến bất cứ lúc nào. Với một người bình thường nếu không trở về tối nay thì còn nhiều những đêm khác, nhưng với Hàn Mặc Tử nếu thuyền không trở về tối nay, không có sự tri âm thì thi sĩ sẽ ra đi vĩnh viễn trong đau buồn.
Cần đặc biệt nhấn mạnh sự thay đổi bút pháp miêu tả của tác giả trong khổ thơ thứ hai này, vì đây chính là một trong những biện pháp nghệ thuật tinh tế để giúp người đọc cảm nhận được toàn vẹn cảm xúc của tác giả. Từ tiết tấu, giọng điệu cho đến nghệ thuật và những hình ảnh khách quan đều đã giúp soi chiếu tâm trạng của chủ thể trữ tình. Qua đó, ta cảm nhận được rõ nết thế giới của cõi mơ với cảm giác chia lìa, xa xôi cùng với niềm khao khát tuyệt vọng được trở về với cõi thực, với cuộc đời mà nhà thơ nhớ và yêu tha thiết. Tình yêu và nỗi đau đớn đã được Hàn Mặc Tử thể hiện da diết, thấm thía qua từng hình ảnh, ngôn từ của khổ thơ này.
Những cảm nhận khổ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ cho ta thấy được hoài niệm của tác giả về cảnh sông nước đêm trăng, đồng thời cũng hiểu được tâm trạng lo âu, phấp phỏng của nhà thơ. Tác giả cũng đang chờ đợi sự tri âm, sự chia sẻ để dịu bớt nỗi đau trên hành trình trở về thế giới bên kia. Đó hay chăng chính là sự xót xa trên bi kịch cuộc đời của một thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh.