Như chúng ta đã biết, văn chương là loại sản phẩm tinh thần, một hình thái hoạt động văn hóa tư tưởng, đồng thời cũng là một loại hình nghệ thuật. Vì thế khi chúng ta đánh giá tầm cỡ một nhà văn thì phải căn cứ vào các tiêu chuẩn đánh giá sau:
-Tư tưởng lớn, tâm hồn lớn.
-Tài năng lớn (tài năng nghệ thuật).
- Có đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc.
Ba tiêu chuẩn cũng là ba phương diện của giá trị một sự nghiệp văn học. Ba phương diện không hoàn toàn đồng nhất, nhưng không thể tách rời. Xét tương quan giữa ba phương diện ấy thì tư tưởng nhà văn, nếu hiểu là tư tưởng nghệ thuật, thì phải coi là có ý nghĩa quyết định, có tác dụng chi phối tất cả. Bởi vì khi nghiên cứu một nhà văn, xét đến cùng là chúng ta nghiên cứu tư tưởng của nhà văn đó và tầm cỡ của nhà văn xét đến cùng thì cũng phụ thuộc vào tầm cỡ tư tưởng của họ. Như vậy, chúng ta căn cứ vào đâu và làm như thế nào để xác định được tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Đó là vấn đề mà người viết muốn thể hiện trong bài viết này.
Vậy tư tưởng nhà văn là gì? Đó là thứ tư tưởng có tính tổng hợp cao rút ra từ toàn bộ tác phẩm của nhà văn. Nói cách khác, đó là một tư tưởng bao trùm cả sự nghiệp sáng tác của nhà văn, chi phối về căn bản toàn bộ thế giới nghệ thuật của nhà văn đó. Nó tạo ra sự nghiệp ấy, cho thế giới nghệ thuật thống nhất, tính hệ thống, hay nói đúng hơn đó là tính chỉnh thể. Đây là chỗ gặp gỡ của nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học trên thế giới.
Còn theo nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh thì ông dùng khái niệm tư tưởng nghệ thuật cơ bản để gọi tên cho thứ tư tưởng tổng hợp này của nhà văn. Ông cho rằng tư tưởng nghệ thuật là một hình thái nhận thức đặc thù của người nghệ sĩ: nhận thức bằng “toàn bộ con người tinh thần với tất cả nọi dung phong phú và tính tổng thể toàn vẹn của nó”. Hình thức này này đòi hỏi nghệ sĩ phải huy động toàn bộ mọi năng lực tinh thần của mình mà nội dung chính là bao gồm lí trí và tình cảm, cảm xúc kết hợp hài hòa với nhau giống như xương cốt và máu thịt, như thể xác với linh hồn con người. Và tư tưởng nghệ thuật cần được hiểu như một hình thái tinh thần rất cụ thể, nó nảy sinh do sự cọ xát, va chạm một cách rất cụ thể giữa trí tuệ và tâm hồn người sáng tác với hiện thực khách quan. Và nó, ngay từ khi mới ra đời đã thể hiện ở một hình tượng, dù chỉ là một thứ hình tượng phác họa còn thô sơ và chưa thật sáng sủa, rõ nét trong tâm linh nhà văn. Và tư tưởng nghệ thuật nhà văn phải có sự cọ sát rất cụ thể giữa chủ thể và khách thể. Nếu không tiếp xúc, không lăn lộn thực tế, không có kinh nghiệm sống, người cầm bút không thể có được tư tưởng nghẹ thuật đúng nghĩa của nó, không sáng tạo được hình tượng văn học có giá trị nghệ thuật thật sự. Như vậy, tư tưởng nghệ thuật phải bao gồm hai mặt thống nhất đó là giữa chủ thể và khách thể nhưng xét đến cùng chủ thể đóng vai trò quyết định.
Có thể xem tư tưởng nghệ thuật là một trong những cái đích cuối cùng cơ bản nhất của của việc tìm hiểu một nhà văn. Và tư tưởng nghệ thuật không thể có sự tách rời giữa nội dung và hình thức văn học, giữa tư tưởng và tài năng nghệ sĩ. Đồng thời không thể có được một thứ tư tưởng nghệ thuật chung chung siêu cá thể bởi vì “tư tưởng nghệ thuật phải là riêng của mỗi nhà văn. Nó là chỗ phân biệt cơ bản giữa nhà văn này và nhà văn khác”.
Để khảo sát và tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn chúng ta căn cứ vào “hình tượng nghệ thuật” bởi khi đã nói tư tưởng nghệ thuật thì chỉ có một cách biểu hiện duy nhất là hình tượng nghệ thuật. “Hình tượng nghệ thuật là căn cứ duy nhất để nhà nghiên cứu có thể tóm bắt được tư tưởng nghệ thuật của ông ta” (Nguyễn Đăng Mạnh). Có nhiều mối quan hệ khăng khít giữa tư tưởng nghệ thuật với toàn bộ đời sống tinh thần của người cầm bút nên nghiên cứu nghệ thuật của một nhà văn nên không thể bỏ qua mọi biểu hiện tư tưởng và tâm lí của nhà văn đó ngoài hoạt động sáng tác, ngoài tư cách nghệ sĩ… Đời sống tinh thần của con người ta nói chung là một hiện tượng hết sức phong phú, tinh vi, phức tạp và đầy bí ẩn. Chính vì thế mà ta thu thập các tư liệu về nhà văn là một công việc hết sức cần thiết. Chẳng hạn chúng ta biết được Xuân Diệu là con của vợ lẽ, từ nhỏ phải xa mẹ nên ông là một người rất nhạy cảm và rất dễ động lòng; Nam Cao ít nói, có tính “nhát người” nhưng uống rượu thì “đếch sợ cả Gorki”; Nguyên Hồng thì sinh hoạt quá dễ dãi thậm chí lam lũ và đặc biệt ông rất dễ khóc; Vũ Trọng Phụng là con người hết sức hiếu thảo và có tính sòng phẳng trong quan hệ bạn bè; Nguyễn Tuân thì chỉ thích nói ghét người này người khác mà ít thấy nói yêu ai, quý ai; Xuân Quỳnh có một cuộc đời bất hạnh từ nhỏ, chị vừa theo đuổi một tình yêu lí tưởng và khao khát hạnh phúc thiết thực đời thường…Tất cả những chi tiết tiểu sử và những thói tật tưởng như vụn vặt ấy nhưng thật ra rất bổ ích và thú vị để chúng ta phán đoán về tư tưởng, tâm lí hay cá tính các nhà văn.
Tóm lại, căn cứ thật sự đáng tin cậy đối với mọi phán đoán về tư tưởng nghệ thuật của nhà văn vẫn chỉ có thể là những hình tượng nghệ thuật của nhà văn đó. Còn tất cả những tư liệu khác dù thú vị đến đâu thì chỉ để tham khảo thêm từ chính các hình tượng trong các tác phẩm của nhà văn. Hình tượng nghệ thuật bao giờ cũng được sáng tạo trong khuôn khổ một tác phẩm được viết theo một thể loại nào đó. Hình tượng có thể khảo sát ở nhiều cấp độ và bình diện khác nhau nhưng dù cấp nào, bình diện nào cũng chỉ có thể đánh giá đúng giá trị thẩm mĩ và ý nghĩa tư tưởng của nó. Theo ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thì ông cho rằng trong thế giới nghệ thuật thường có một số hình tượng tâm huyết nhất, cứ trở đi trở lại nhiều lần như một “ám ảnh” đối với nhà văn. “Những hình tượng như thế càng có tính phổ biến bao nhiêu, càng có ý nghĩa tư tưởng sâu sắc và cơ bản bấy nhiêu”.
Khi tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật cơ bản của một nhà văn có đòi hỏi phải một trình độ khái quát, tổng hợp, hệ thống hóa cao. Nếu khái quát không đầy đủ, không triệt để, sẽ dẫn đến những kết luận không chính xác. Và một yêu cầu đặt ra cho việc tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật nhà văn là chúng ta phải kiểm tra lại độ chính xác của những kết luận của mình về tư tưởng, nghệ thuật của nhà văn bằng nhà văn cũng như mọi hoàn cảnh riêng chung như gia đình, xã hội, thời đại… có liên quan xa gần đến tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Có ba cách kiểm tra sau: nhiều cuộc khảo sát, dựa vào nhiều căn cứ khác nhau ở trong văn chương và ngoài văn chương, ở đặc điểm con người.
-Một là bắt đầu từ sự khảo khảo sát chính những quan hệ nội tại của thế giới nghệ thuật nhà văn. Bởi vì thế giới nghệ thuật của nhà văn là một chỉnh thể, và đã là chỉnh thể thì thì phải có cấu trúc nội tại theo những nguyên tắc nội tại của nó.
-Hai là đối chiếu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn với những biểu hiện tư tưởng ngoài sáng tác của ông ta. Con người là một hiện tượng rất phong phú và phức tạp. Đối với nhà văn, con người trong tác phẩm và con người ở ngoài đời không đồng nhất. Không đồng nhất không có nghĩa là không thống nhất. Vì vậy, sự đối chiếu tư tưởng nhà văn trong nghệ thuật và con người trong đời sống của nhà văn vẫn rất có ý nghĩa. Ở đây chúng ta không nên lấy những tư tưởng biểu hiện ở ngoài đời làm chuẩn vì đó là những căn cứ để soi sáng thêm và kiểm nghiệm thêm độ chính xác của những kết luận vào thế giới nghệ thuật của người nghệ sĩ.
-Ba là đối chiếu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn với giả thuyết về nguồn gốc phát sinh tư tưởng ấy. Giả thuyết này xây dựng trên quan niệm ý thức của con người phản ánh tồn tại xã hội của nó, phản ánh điều kiện tồn tại khách quan của nó. Những điều kiện, hiện tượng này gọi là hoàn cảnh ra đời của một nhà văn, một hồn thơ. Đối với sự ra đời của một nhà văn, ta nên phân biệt hai loại hoàn cảnh khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau: Đó là hoàn cảnh lớn và hoàn cảnh nhỏ.
Hoàn cảnh lớn: là hoàn cảnh tác động đến cả một xã hội, cả một dân tộc, thậm chí cả nhân loại trong một thời kì lịch sử nhất định. Hoàn cảnh lớn quyết định tàm cỡ tư tưởng của nhà văn. Khi phân tích hoàn cảnh lớn phải quan tâm đến hoàn cảnh nhân văn, trình độ nhân văn của xã hội, của thời đại và những vấn đề có ý nghĩa nhân văn mà nó đặt ra trước người cầm bút. Khi tìm hiểu hoàn cảnh lớn tác động tới tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, chúng ta cần chú ý đến một vấn đề đặc biệt quan trọng đó là bầu không khí tâm lí xã hội cụ thể trong đó nhà văn hít thở. Vì nội dung cơ bản nhất của tư tưởng nghệ thuật thuộc phạm trù tâm lí như những tình cảm, cảm xúc, những ước mơ, những khát vọng,… Nhà văn suy tư, cảm nghĩ và sáng tạo trong bầu không khí tâm lí xã hội ấy và bị nó chi phối trực tiếp.
Nhưng khi giải thích tư tưởng nghệ thuật chúng ta không chỉ căn cứ vào hoàn cảnh lớn mà còn phải căn cứ vào hoàn cảnh nhỏ của nhà văn. Hoàn cảnh nhỏ có quan hệ trực tiếp đến đời sống cá nhân nhà văn, bao gồm hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình, quan hệ bè bạn, môi trường văn hóa, phong tục,… “Nếu hoàn cảnh lớn tác động đến chiều hướng chung và tầm cỡ chung của tư tưởng nghệ thuật nhà văn, thì hoàn cảnh nhỏ đem đến cho tư tưởng ấy nội dung và hình hài cụ thể”.
- Tư tưởng nghệ thuật của nhà văn
- Nhận định về tư tưởng trong văn học
- Tư tưởng nghệ thuật có vai trò gì
- Cái tư tưởng trong nghệ thuật
- Tư tưởng của tác giả la gì
- Tư tưởng của nhà văn
- Giá trị tư tưởng của tác phẩm nghệ thuật
- Nhà văn là nhà tư tưởng
👉 Như vậy để khảo sát và tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn chúng ta căn cứ vào “hình tượng nghệ thuật” và đòi hỏi phải một trình độ khái quát, tổng hợp, hệ thống hóa cao. Bên cạnh đó chúng ta phải kiểm tra lại độ chính xác của những kết luận của mình về tư tưởng, nghệ thuật của nhà văn.