Đọc Rất nhiều ánh lửa (*), độc giả cảm thấy sự cuốn hút ngay từ cách đặt tên bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường, những cái tên mang nhiều sức gợi cảm, lay động : Châu thổ ngàn năm, Miếng trầu đỏ. Rừng nước mặn. Còn mãi đến giờ, Như con sông từ nguồn ra biển... Mỗi cái tên như gởi gắm được cả những tình cảm sâu xa nhất về Tổ quốc, về nhân dân, về cuộc sống mà tác giả đã ấp ủ trong lòng từ thuở ấu thời chạy trốn giặc Tây với những cuốn truyện Nam Bộ kháng chiến của Lý Văn Sâm trên tay, từ những ngày tuổi trẻ cùng bạn bè rủ nhau ra ngồi trên bờ Nam sông Bến Hải vọng tưởng về bờ bên kia, từ những năm tháng lăn lộn trên Trường Sơn nghe réo rắt tiếng gọi sông Hồng và ì ầm tiếng sóng Cà Mau thôi thúc.
một cuộc đời hiện ra cụ thể trong khung cảnh cái làng Trà ở Quảng Trị, cái doi cát ở phía Nam sông Thạch Hãn, cái bến đò làng Huỳnh Hạ những năm đất nước ngăn đôi vẫn có một con đò bí mật “ đã biết lách đi giữa cái thế kẹt nhất của thời lịch sử, để giữ dòng Bến Hải luôn luôn là một con sông có đủ nguyên vẹn cả hai bo"...
Nguyễn Tuân có lần nhận xét: "Muốn yêu đất nước tổ tiên mình cho thật đầy đủ thì phải đi bằng cả hai chân lịch sử và địa lý". Hoàng Phủ Ngọc Tường đã bước vào những vùng đất của Ký bằng đôi chân đó, tất nhiên là với cách đi của riêng mình. Ông viết : "Đúng là trong tôi vẫn còn phảng phất chút máu giang hồ tuổi trẻ, cứ bắt gặp cái bát ngát thoảng mùi bùn mặn của cửa biển là lòng đã rạo rực". Ở một chỗ khác ông lại thú nhận :"Có thể là trong tôi vẫn còn sống sót một đứa bé ham truyện cổ tích, những chuyện cổ kể suốt mùa đông rất dài, rỉ rả cùng hàng nghìn giọt mưa..”. Bên trong tâm hồn người viết ký, đồng thời có cả chàng thanh niên ham rong ruổi đường dài lẫn chú bé mê ngồi nghe chuyện đời xưa, nghĩa là vừa có nỗi náo nức đi xa về phía không gian, vừa có niềm say mê trở ngược về phía thời gian.
Không ai phủ nhận chất thời sự, tính phục vụ trực tiếp của thể ký. Nhưng không có thời sự nào chỉ giản lược trong những khoảnh khắc của hiện tại và không có hiện tại nào cắt đứt với quá khứ. Chính mẹ Duyến.
khi tác giả yêu cầu mẹ kể cho nghe chuyện thời kỳ chống Mỹ, thì mẹ bắt đầu từ hồi bốn tám bốn chín, vì “ Tây hay Mỹ chỉ cũng là thằng giặc, phải nói cho có đầu có đuôi". Hoàng Phủ Ngọc Tường có ý thức đặt nhân vật của mình trong dòng thác lớn của lịch sử và cái bề dày của nhân vật đồng thời cũng là cái bề dày của tác phẩm chính được làm nên bởi cảm hứng mạnh mẽ của tác giả về Tổ quốc và dân tộc. Là người viết ký, ông hướng sự chú ý về những vấn đề trước mắt và quanh mình, nhưng khi cần thiết, lại có những liên tưởng độc đáo để nối kết hôm nay với hôm qua, chỗ này với một chỗ nào khác.
Viết Đánh giặc trên hàng rào điện tử, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhớ đến truyền thuyết về cô gái gọi đò ở bến đò Ca Cút như một ám ảnh không rời thời niên thiếu đã được xóa dấu nhờ những con đò bí mật như con đò của mẹ Duyến; ông cũng không quên liên hệ cuộc chiến đấu thông minh, gan dạ của nhân dân ở hai bên bờ sông Bến Hải với tư tưởng chiến lược “nhân trận" của Trần Quốc Tuấn. Trước những dấu chân in trên mặt phù sa bóng nhẫy của sông Hồng, dòng liên tưởng lại kéo ông về với bước chân của những con người từ thời thượng cổ đã đi dọc lịch sử, mặc cho bao nhiêu kẻ thù muốn vui xóa, "vẫn y nguyên tự tại như một dấu ấn của vĩnh viễn”. Nghe chuyện dẫn đất Mũi cất nước ngọt để tự nuôi sống và đánh giặc trong điều kiện không tìm ra nguồn nước, ông nghĩ ngay đến
những người Sparte cất rượu nho của thần Dionysos nuôi quân chống giữ thành Troie suốt mười năm trong huyền thoại cổ Hy Lạp. Nhờ những liên tưởng như vậy, Hoàng Phủ Ngọc Tường đưa nhân vật mình nhất thể hóa vào lịch sử nhân loại và bài viết của ông vì vậy cũng đậm hơn ý nghĩa triết lý.
Tất nhiên, đôi lúc, sự lạm dụng khả năng liên tưởng đã đưa đến những khiên cưỡng không tránh khỏi. Chẳng hạn, khi nhà văn so sánh những người nông dân Quảng Trị băng đồng về phía Bắc trong một cuộc sơ tán, "ngồi dưới mái đình cổ, cát bụi dính đầy râu tóc, rách rưới và hào sảng”, với những hiệp sĩ samurai thời phong kiến Nhật Bản (trong Miếng trầu đỏ). Hay là khi ông để cho Thi (trong Rất nhiều ánh lửa) đọc to mấy câu thơ phỏng theo Bertolt Brecht. Ở đây, kiến thức của tác giả có tác dụng "làm dáng” cho bài ký nhiều hơn là làm giàu thêm nhận thức về cái phần bên trong của nhân vật.
Viết Chế ngự cát, Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ dừng lại ở quá khứ đắng cay, bầm dập của những con người xứ cát, mà còn dừng lại ở cái vị trí tự nhiên đáng nguyền rủa của cái doi cát cằn khô và bỏng cháy này để cắt nghĩa quyết tâm của nhân dân địa phương trong việc khắc phục những tai họa của nó. Phải chăng ông muốn nói đến cái vĩ đại của nhân dân không chỉ hiện ra trong thế đứng lịch sử mà cả trong thế đứng đối mặt với thiên nhiên ? Cũng vậy, viết về
Rừng nước mặn, lòng yêu nước của Hoàng Phủ Ngọc Tường như được vỗ về bởi dòng hải lưu Bắc Nam nổi tiếng của vùng Nam Thái Bình Dương, cùng với sông Cửu Long được ông gọi là "hai cánh tay vĩ đại của tự nhiên" đã bồi đắp nên đất Mũi. Nhưng có lẽ địa lý chưa phải là cái vốn thật nhuyễn trong Hoàng Phủ Ngọc Tưởng như lịch sử. Đôi khi ông không ngại cầu viện đến sách vở hay đến những người am hiểu khác (cụ N.H.Đ. chẳng hạn). Thông tin những kiến thức sinh vật học (hình dáng, đặc điểm và công dụng của các loài cây mắm, đước, tràm, vẹt, dừa nước, choại; các loài cá, tôm, hến biển, sò huyết... ) không phải là vô ích. Nhưng thiết nghĩ, những chi tiết chỉ có vai trò làm "nhạc đệm" đó, nếu chúng ta tham lam quá, sẽ làm nặng nề không khí của một bài ký văn học.
Bởi vì trên cái nền của tự nhiên, quan trọng hơn vẫn là con người. Đất và Người. Người không tách rời với đất. Nói Đất là để nói Người. Giới hạn của bài Rừng nước mặn chỉ cho phép Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc đến ở cuối bài những cái tên làm ấm lòng người: Phan Ngọc Hiển, người thầy giáo đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Hòn Khoai năm 1940; Bông Văn Dĩa, người anh hùng đã "mở ra con đường Hồ Chí Minh trên mặt bien"...
Đáp lại sự chờ đợi của người đọc, trong Đất Mũi xuất hiện rõ nét hơn những con người Cà Mau : từ chú Tám Hàng, tác giả bản thơ Bạc Liêu nổi tiếng, đến Tư
Lửa, một thanh niên thuộc thế hệ “long tại điền” - lớn lên trong lòng rừng. Yếu tố địa lý ở đây, một lần nữa lại góp phần cắt nghĩa lòng dũng cảm, kiên cường và tình yêu sâu nặng không sao kể xiết của người Cà Mau đối với đất Cà Mau.
Sẽ thật là thiếu sót nếu chúng ta không nhấn mạnh điều này : Hoàng Phủ Ngọc Tường không bao giờ trở về quá khứ chỉ vì quá khứ. Ông có ý thức dùng lịch sử để giải đáp những câu hỏi bức thiết của hiện tại, gỡ ra những uẩn khúc của người đương thời. Ngược lại, cũng chính nhờ chỗ đứng hiện tại mà thấy rõ hơn quá khứ như khi ông viết rằng có một cái gì đó rất giống nhau giữa căn nhà của nữ đô đốc Bùi Thị Xuân với căn nhà của mẹ Suốt vì ở cả hai nơi đều đã sinh ra và lớn lên một người anh hùng, vì cả hai nơi vẫn còn bám đầy hơi hướng của thời đại.
Tôi đang nói về bài Còn mãi đến giờ. Một đôi nét phác họa của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm rõ tính cách của cô Thoa, người phụ nữ hơi ngoa ngoắt vì oán ghét cách mạng mà tâm hồn vẫn còn có chỗ lóe lên tia sáng khi được nghe những điều nghĩa lý của tổ tiên. Bài giảng chính trị dễ chừng như khô khan của tác giả lại có sức thuyết phục thêm nhờ bài học lịch sử này: chỗ hơn kém giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh như ao trời nước vũng, như ngày và đêm, một bài học từ miệng Bùi Thị Xuân nói ra.
Tất nhiên không dễ gì chỉ với những bài học như vậy
mà đủ giúp cho những người như cô Thoa cởi bỏ ngay được những vướng mắc trong tâm tư đầy giằng xé của họ. Vấn đề còn là thực tế. Thì đây, chị Cẩm (trong Miếng trầu đỏ) sẽ trả lời cho nỗi hoài nghi của họ về hòa hợp dân tộc : Trịnh Phò, kẻ mang món nợ máu tây trời đối với gia đình chị, chiều nay, trên đường đánh xe bò chở lúa về thôn, đã có thể dừng lại hút điếu thuốc chị về cho. Hoàng Phủ Ngọc Tường thốt lên : “Hai mươi năm ấy, bây giờ, ôi chị Cẩm, cuộc đời của chị, tấm lòng của chị !"
Tôi nghĩ đó cũng là tấm lòng của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trong một bài viết đăng trên tuần báo Văn nghệ(số 25,21-6-1980), nhà văn Nguyễn Tuân đã gọi tác giả Rất nhiều ánh lửa là người yêu nước Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi rất thích cách gọi ấy của Nguyễn Tuân và hiểu rằng khái niệm ấy hoàn toàn xa lạ với điều mà một nhà văn Sài Gòn trước đây đã gán cho Hoàng Phủ Ngọc Tường : "con người dân tộc cực doan".
Tâm hồn phiêu lãng thể hiện ra lúc là “tôi”, lúc là Ba Hoàng, lúc là Ngọc trong những chuyến đi từ Lũng Cú đến Viên An đã hòa nhập vào với Tổ quốc, để nghe âm vang tiếng mái chèo khua mặt nước, nghe xao xuyến chất bưng biền Nam Bộ mà ngỡ như có một mẩu nhau rốn sơ sinh của mình đã được cưu mang dưới lớp phủ sa ướt nhão. Cái tôi ấy xuất hiện một cách mạnh dạn, không ngần ngại và làm nên giá trị
của bài ký chính vì đó là cái tôi bắt mạch với cuộc đời, đồng thời là cái tôi có bản sắc. Thông qua những xôn xao, bồi hồi của cái tôi trữ tình đó, người đọc nhận ra cãi xôn xao, sôi động, dồn dập của chính bản thân đời sống. Có điều, những ấn tượng trực tiếp mạnh mẽ mà tác giả thu nhận được từ cuộc sống sinh động tuồng như vẫn đòi hỏi có thời gian để lắng xuống, thấm đượm những suy nghĩ có ý nghĩa phát hiện lại của ông, thì sự thể hiện mới thật sự thành công. Trong Chế ngự cát, nếu đoạn đầu nói về cảnh đời cũ, vốn là dịp dễ bộc lộ tâm hồn nhạy cảm của tác giả, được viết khá đậm đà, nhuẩn nhị ; thì đoạn sau, khi miêu tả trực tiếp công cuộc lao động khẩn trương trên công trường đê cát, văn ông lại trở nên "khuôn thước", kém lôi cuốn hơn. Giọng văn rơi vào kể lể, trần thuật với một dàn bài tưởng như chỉ cần thiết cho các báo cáo mừng công : những khó khăn, thuận lợi - các bước chuẩn bị - khối lượng công tác - đóng góp của các đoàn thể - vai trò xung kích của thanh niên - công tác hậu cần. Ở một số đoạn văn thấy thiếu hẳn bàn tay trau chuốt của Hoàng Phủ Ngọc Tường, chỉ còn lại những sự kiện thô rời sắp xếp cạnh nhau : “Tình đoàn kết thương yêu nhau ấy thể hiện rất rõ trên công trường đệ này. Nghe anh em Trí Bưu bị thương, tất cả các đơn vị đều đăng ký làm giúp ; Hải Chánh làm chưa xong việc thì Hải Ba, Hải Quế, Hải Phú đăng ký làm giúp; tử đó mọi người đều hoàn thành nhiệm vụ”.
Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường, dễ thấy có một sự giao lưu, thâm nhập giữa truyện, ký và thơ. Theo ý tôi, bao lâu điều đó không làm xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại, thì bấy lâu đó là một ưu điểm của ông. Cái bông hoa cỏ mọc dưới chân cột-số-không nơi biên giới đã gợi lên một tứ thơ trong Những dấu chân qua thành phố, khi đi vào bài Đất Mũi lại làm nên chất bay bổng lãng mạn cho bài ký. Và những đoạn văn sau đây là ký hay là thơ-văn-xuôi: "Đêm nằm ở Rạch Tàu, nghe thuyền máy vô ra cửa biển sinh sịch suốt đêm, sóng đập ràn rạt từng con dưới gầm sàn, tâm hồn tôi cứ lâng lâng, dập dềnh trong giấc ngủ mơ hồ của một con chim biển, giữa bài hát vô cùng của thủy triều, của sóng và gió...” (Đất Mũi); "Dấu đạn trái phá Tây bắn thuở chiếm Hà Thành còn in vết rêu phong trên mặt thành cửa Bắc, con rùa Hồ Gươm sưởi nắng im lìm dưới chân chiếc tháp cổ và bên trong quảng trường Ba Đình đầy nắng, hàng râm bụt trước cổng nhà Bác nở đỏ những niềm vui thật thà, như những linh hồn thanh thản đến vô cùng” (Châu thổ ngàn năm) ?
Những người đọc đã sống ở vùng tạm chiếm trước đây hẳn dễ nhận ra qua nhân vật Giao trong Như con sông từ nguồn ra biển là hình ảnh tác giả Ta phải thấy mặt trời, qua nhân vật Ngô hình ảnh nhà thơ của Trường ca Hòa bình. Nếu gác lại một bên ít nhiều chi tiết hư cấu và lối dựng truyện tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, truyện ngắn ấy lại có dáng vẻ của
một bút ký viết về tuổi trẻ bế tắc và khắc khoải nơi các thành thị miền Nam trước đây. Miếng trầu đỏ là một trường hợp khác. Bút ký này dựa trên những sự kiện có thật ở một vùng đất mà tác giả đã lăn lộn nhiều năm. Một nhà điện ảnh nào đó vẫn có thể từ đó dựng lên một cuốn phim ngắn về câu truyện, hẳn là không có những tình tiết hấp dẫn, nhưng lại rất tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu và những hy sinh anh dũng của nhân dân ta ở những miền quê bị giặc chà đi xát lại nhiều lần. Giá trị điển hình hóa trong bài ký này, cũng như trong Còn mãi đến giờ, không chỉ là điển hình hóa của sự kiện mà còn là điển hình hóa của tính cách, những tính cách không bắt buộc phải xác thực trong lý lịch, địa chỉ của nó, mà vẫn rất chân thực trong tâm trạng, tiêu biểu cho cả một lớp người cùng cảnh ngộ.
Hoàng Phủ Ngọc Tường không có ý định viết bút ký chính luận. Nhưng trong một số trang viết của ông, chất chính luận thâm trầm, sắc sảo đã kết hợp khá hài hòa với chất trữ tình sâu lắng. Tài năng của ông về mặt này bộc lộ rõ hơn cả qua một bài ký dài hơi khá công phu và có sức khái quát cao : Đánh giặc trên hàng rào điện tử. Sử dụng một khối lượng tư liệu khá phong phú và chính xác về âm mưu và kế hoạch của Mỹ khi xây dựng hàng rào Mc Namara, ngòi bút chiến đấu của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đánh giặc bằng giọng văn đầy sảng khoái, lúc hừng hực căm thù, lúc
châm biếm sâu cay. Để phong tỏa đường đi của cách mạng Việt Nam, những bộ óc ở Hoa Thịnh Đốn tính toán tỉ mỉ đến từng màu sắc của các loại mìn, làm sao để rải chúng lẫn lộn được với màu đất, màu củi mục, màu cỏ khô, kể cả màu phân thú rừng : ấy là dịp để Hoàng Phủ Ngọc Tường điểm huyệt cái thằng giặc xảo quyệt mà bần tiện đó, chẳng khác nào "một thằng ăn trộm định vét sạch nhà người ta lại sợ không có chỗ trốn nên mới dò xét đến tận mỗi xô xinh dùng để vứt tã lót của trẻ con như vậy".