Phân tích nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam gồm 2 dàn ý chi tiết kèm theo 6 bài văn mẫu được chúng tôi tổng hợp từ các bài làm hay nhất của học sinh trên cả nước. Hãy cùng tôi theo dõi bài viết dưới đây.
Phân tích nhân vật Liên trong bài Hai đứa trẻ
Văn mẫu số 1
Mở bài
Nhà văn Thạch Lam đã nói rất rõ rằng “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, lòng người trong sạch và phong phú hơn.” Chúng ta đem quan niệm này đến tác phẩm nổi bật nhất của Thạch Lam “Hai đứa trẻ” thì quả thật đúng đắn.
Thân bài
Tác giả cũng đã khiến người đọc không thể quên hay thoát li về hiện thức nơi phố huyện nghèo của những ngày tàn, của cả những kiếp người tàn. Đặc biệt hơn thì nhân vật Liên được xây dựng lên là nhân vật chính của truyện cũng đã để lại cho người đọc bao nhiêu suy nghĩ, cho dù sống trong khó khăn thì vẫn luôn tin tưởng vào cuộc sống.
Đọc giả yêu thích truyện ngắn Thạch Lam cũng sẽ nhận thấy được ở nhân vật Liên cũng không ngoại lệ trong những số phận mà Thạch Lam khắc họa trong truyện. Liên cũng phải chịu đựng cuộc sống tù túng, mòn mỏi và nhàm chán nơi phố huyện.
Do hoàn cảnh gia đình sa sút nên gia đình Liên phải chuyển về quê sinh sống, đang ở chốn thành thị sầm uất hay được dẫn đi bờ hồ và được uống những cốc nước xanh đỏ thì giờ đây cuộc sống đổi khác. Gia đình Liên còn không dủ ăn và sống một cuộc sống mưu sinh vất vả.
Thế nhưng đối lập với hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống mưu sinh, nhân vật cô bé Liên vẫn giữ cho tâm hồn mình vẻ đẹp trong trẻo, hồn nhiên, tinh tế, nhạy cảm nhất. Ngay khi đứng trước cảnh tượng của buổi chiều tối, một chiều êm ả như ru thì người đọc cũng có thể nhận thấy được tâm hồn Liên cảm thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.
Cũng với đôi mắt chị bón tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê lúc này đây dường như cứ thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị. Và rồi cũng trong phiên chợ tàn, chỉ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của Liên thì mới cảm nhận mùi đất thân thuộc của quê hương mà thôi, đó là “một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này”.
Khi phố huyện về đêm, một lần nữa tâm hồn mơ mộng trong sáng của trẻ thơ của Liên cũng lại bắt đầu bộc lộ. Có lẽ là chính vẻ trong sáng, mơ mộng, sự hồn nhiên của trẻ thơ trong Liên đã làm dịu đi, vơi cạn đi biết bao nhiêu vẻ gay gắt của mảnh đất nghèo khó, tù túng, mòn mỏi nơi đây.
Khi Liên ngồi cùng An cùng ngước len ngắm nhìn con vịt theo sau ông Thần Nông và ngắm tất cả các vì sao lấp lánh trên bầu trời. Với chi tiết này người đọc mới nhận ra được chỉ có thể là một tâm hồn mơ mộng của trẻ thơ mới cảm nhận và ngắm nhìn một cách thú vị như thế được. Nếu như ở mặt đất đầy rẫy những bất hạnh và khó khăn thì chính tâm hồn Liên đã khúc xạ mà nhìn cuộc sống như tốt đẹp hơn, khác xa với nơi tù túng này.
Nhân vật Liên hiện lên không chỉ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm mà Liên còn có tám lòng yêu thương, ở Liên lại luôn biết đồng cảm chia sẻ với những số phận nghèo khổ, tủi cục. Mặc dù mới chuyển về từ thành phố nhưng Liên đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi.
Ở nhân vật Liên luôn khát khao mãnh liệt của cô bé muốn hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn chứ nó không nhàm chán, nhạt nhẽo như những cô hồn vật vờ bóng ảnh ở nơi phố huyện như thế này nữa. Tất cả điều ấy đặc biệt được khắc họa qua cảnh chờ tàu. Có thể thấy được với Liên và An thì hình ảnh chuyến tàu như mang một thế giới khác, đó chính là một thế giới của ánh sáng, của những sôi động náo nhiệt.
Với Liên thì hình ảnh chuyến tàu trở đi những khát khao, mơ mộng của Liên. Cô cũng đã ngồi đợi quan sát đoàn tàu từ xa khi mới chỉ là ngọn lửa xanh biếc như ma chơi cho đến khi một làn khói trắng bừng ra. Và chắc chắn rằng chỉ khi quan sát kĩ cô bé mới nhận ra đoàn tài hôm nay thưa vắng người và kém sáng hơn mà thôi.
Hình ảnh đoàn tàu nó như khiến Liên nhớ về Hà Nội về một nơi có những kí ức tươi đẹp và trong sáng của ấu thơ với những li nước xanh đỏ. Đó cũng chính là một cuộc sống đẹp, đầy đủ và ý nghĩa chứ không chìm nghỉm trong cái ao đời bằng phẳng, tù túng như nơi phố huyện nữa. Nhưng đồng thời hình ảnh đoàn tàu cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ước mơ và khát khao dường như thật mãnh liệt của cô bé Liên, gửi gắm biết bao nhiêu khát khao của những mầm dương khác.
Kết bài
Có thể thấy được chính cách miêu tả tâm lí nhân vật Liên một cách tâm lí, tinh tế, thì nhà văn Thạch Lam thật sự là một cây bút xuất sắc khi viết về trẻ thơ. Ông xứng đáng là một cây bút lớn khi viết về những số phận nhỏ bé vô danh đã không ngừng khát khao một cuộc sống tốt đẹp hơn. Không dừng lại ở đó thì nhà văn Thạch Lam cũng đồng thời gửi gắm thông điệp của chính mình đó là: hãy cứu lấy những mầm dương mới nhú đừng để chúng tàn lụi trong bóng tối, một cuộc sống quẩn quanh, bế tắc như vậy.
Văn mẫu số 2
Mở bài
Nhận định của Nguyễn Minh Châu đã khắc họa thiên chức của văn chương chính là tấm gương phản ánh trung thành hiện thực cuộc sống khách quan qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Dù được sáng tác bằng bất cứ thể loại nào và trong bất cứ thời đại nào, ngòi bút của các nhà văn luôn hướng đến cuộc sống với tất cả những nỗi niềm, dù là vui tươi yêu đời hay đau khổ đến phẫn uất của con người. Đây cũng chính là mảnh đất cội nguồn màu mỡ đã được các nhà văn đào sâu và khai phá tự muôn thuở của văn chương.
Thân bài
Thế nhưng, cũng nằm trong quan điểm đó, các sáng tác của Thạch Lam lại mang một dấu ấn rất riêng với bút pháp vừa hiện thực lại vừa trữ tình mà tiêu biểu hơn cả chính là truyện ngắn “Hai đứa trẻ”. Qua không gian một phố huyện nghèo xác xơ trước cách mạng tháng 8 năm 1945, Thạch Lam đã khắc họa nên những nét đẹp trong tính cách và tâm hồn của nhân vật Liên-một cô bé hồn nhiên, đáng yêu, giàu tình người và những khát khao thầm kín.
Bằng những nét phác thảo cơ bản nhưng rất đậm sắc, Thạch Lam đã tạc tạo nên những nét đẹp trong tính cách của Liên. Đó là hiện thân của một cô bé giàu lòng nhân hậu và tình yêu thương những cảnh đời khốn khó. Tận sâu trong trái tim non nớt của Liên là sự rung cảm dạt dào và xót xa trước những kiếp người nghèo khổ. Bày lên trước mắt Liên là hình ảnh của “những đứa trẻ con nhà nghèo đi nhặt nhạnh những thanh tre, thanh nứa” còn sót lại sau khi đã vãn chợ chiều.
Đó cũng là hình ảnh đầy đau xót của mẹ con chị Tí, bác Siêu và gia đình bác xẩm với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền trên vai đã chẳng bao giờ có thể thoát khỏi vòng đời nghèo khó quanh quẩn.Liên trông thấy tất cả những con người ấy trong một buổi chiều buồn ảm đạm nơi phố huyện nghèo xơ xác. Trong lòng Liên trào dâng một “lòng thương” vô hạn, một nỗi niềm xót xa không gì tả xiết.
Bởi lẽ, những cảnh đời khốn khó ấy cũng không ngoại trừ gia đình Liên ra khỏi vòng tay oan nghiệt của nó khi mà với gánh nặng vật chất đang đè nén, họ đã bị xé lẻ đến nghiệt ngả. Từ nỗi buồn đơn sơ trước thời khắc của ngày tàn, Liên đã hướng nỗi buồn của mình sang những người dân nghèo nơi phố huyện cũng như đồng cảm với những cảnh đời lam lũ cơ cực. Trái tim Liên đã hòa chung nhịp đập với con người ở phố huyện-một nhịp đập sâu lắng, nhẹ nhàng mà uất nghẹn khôn nguôi.
Để rồi những tình cảm ấy sẽ được phân chất thành một nỗi u sầu đậm đặc trong tâm hồn Liên. Liên thương người là thế, đau xót cho những kiếp khổ triền miên là thế mà cũng đành phải lẳng lặng làm thinh để cho tình thương chôn chặt nơi đáy mắt không thể bật lên thành những hành động cao đẹp. Nỗi đời cơ cực đã chạm những nanh vuốt sắc lạnh của nó đến bên gia đình Liên, đến bên tâm hồn ngây thơ giàu tình cảm của Liên.
Tâm hồn ấy mãi cũng chỉ có thể là tiếng khóc thương thầm lặng cho những kiếp người lầm than-một tiếng khóc buồn trong bế tắc khi mà “chính chị cũng không có tiền để cho” những đứa trẻ ấy một chút niềm an ủi mỏng manh. Nhưng cũng chính từ trong bế tắc, tuyệt vọng, tấm lòng của Liên lại hiện lên trước mắt chúng ta vớiđđầy đủ vẻ đẹp của một viên ngọc ngời tỏa.
Không những thế, viên ngọc ấy còn như được phủ lên một lớp men đẹp dịu bởi tình thương yêu em và tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ của Liên. Liên không quãng đêm khuya nhọc mệt bủa vây xug quanh mình, vẫn chịu khó cùng An trông hàng giúp mẹ. Mắt Liên đã nặng trĩu sau một ngày dài với bao lo toan, mệt mỏi. Thế nhưng với một tình thương cha, tình yêu mẹ cùng sự cảm thông sâu sắc trước những khó khăn của cha mẹ, Liên vẫn âm thầm làm việc từ ngày này sang ngày khác.
Đôi mắt ấy đã mở bừng trong những tình thương dào dạt đối với cha mẹ, với An và đối với tất cả những cảnh đời lay lắt nơi phố huyện. Tình cảm ấy sâu rộng, bao la tựa hồ như một dòng nước suối chảy tràn trong tâm hồn Liên, như làn gió mát dịu vút bay phủ trùm cả phố huyện. Nhẹ nhàng và êm ái, tình cảm của Liên đã đan đầy cả không gian u tối, bộc lộ nên một tính cách đẹp soi rọi cả màn đêm mờ mịt…
Nhưng nếu chỉ xét đến tính cách của Liên thôi thì quả là một sự thiếu xót to lớn khi mà tâm hồn chị vẫn rạng ngời một nét đẹp ngây thơ và giàu mơ mộng. Từ chính lòng thương người và tình yêu thiên nhiên, Liên đã tự vun trồng cho tâm hồn mình thêm phong phú, cảm xúc bản thân thêm tinh tế và sâu sắc. Tình yêu đời đã khơi nguồn cho tất cả nét đẹp thánh thiện trong tâm hồn của Liên. “Liên thấy buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn” bởi lẽ sự tàn lụi đơn thuần của thời gian luôn gợi buồn thăm thẳm trong lòng những người có đời sống nội tâm sâu sắc.
Hơn thế nữa, cái thời khắc đơn côi ấy luôn làm lòng người gợi nhớ đến kỉ niệm sum họp gia đình trong quây quần ấm cúng với những tình thân bền chặt. Thế nhưng gia đình Liên nào có được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy khi mà gánh nặng vật chất có hề buông tha cho họ, trói buộc họ vào vòng mưu sinh riêng lẻ.
Thiếu hơi ấm tình thân vào thời khắc hiu quạnh nhất trong ngày dài, làm sao Liên có thể tránh cho mình một nỗi buồn sâu lắng? Nỗi buồn ấy dâng đầy trong mắt chị, tràn ra cả không gian để cùng hòa một nốt trầm buồn với phố huyện đìu hiu. Để tìm sự khuây khỏa trong tâm hồn, Liên đã hướng nỗi buồn đến những nơi xa xôi để đắm chìm trong trí tưởng tượng giàu mơ mộng. “Liên lặng ngước nhìn lên các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông”.
Liên thả hồn mình theo bầu trời bao la, để đêm tối và những vì sao xoa dịu tâm hồn mình. Có lẽ chị thấy lòng mình cũng bớt trĩu nặng hơn khi mà ánh sáng của “vòm trời hàng ngàn vì sao ganh nhau lấp lánh” và “vệt sáng của con đom đóm” đã soi vào mắt mình một chút ấm áp, một chút an ủi và một chút ước ao. Anh sáng, và chỉ có thể là ánh sáng hiếm hoi ở nơi phố huyện tối tăm tù túng này, là thứ duy nhất thắp lên niềm hy vọng nhỏ nhoi trong tâm trí Liên.
Từ ánh sáng của thiên nhiên, Liên lại mơ về “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo” với ánh sáng rực rỡ của tháng ngày quá khứ êm đềm và tràn đầy hạnh phúc. Còn gì tiếc nuối hơn những ngày tháng đã qua, Liên được hưởng tất cả niềm hạnh phúc của trẻ thơ: cùng ba mẹ và em “đi chơi Bờ Hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”. Hiểu một cách đơn giản, hạnh phúc trong quá khứ của Liên không bắt nguồn đơn thuần từ niềm vui vật chất mà chính là từ niềm hạnh phúc gia đình khi được ở bên nhau, cùng hưởng những niềm vui không dứt.
Những biến cố không ngờ đã bứt Liên ra khỏi Hà Nội yêu dấu, rời xa niềm hạnh phúc giản dị ấy một cách đớn đau. “Vùng sáng rực và lấp lánh” trong những kỉ niệm ấu thơ giờ đã lụi tắt theo khung trời tối tăm chung quanh phố huyện- một khung trời chật hẹp vẫn ngày đêm cắt những vết thương lòng sâu cay vào trái tim non nớt của Liên. Liên càng đau đớn bao nhiêu thì ngọn lửa ước mơ trong chị lại càng cháy khát bấy nhiêu, như muốn thiêu rụi cả không gian chán chường, buồn tẻ nơi phố huyện.
Để rồi khi ngọn lửa ấy bùng cháy mãnh liệt nhất trong một ước mơ khôn nguôi, Liên đã khát khao bỏng rát một tương lai tươi sáng sẽ soi rọi cho những số kiếp lầm than khốn khổ vẫn cứ mãi mỏi mòn trong một ao đời phẳng lặng. Tất cả những ước mơ thầm kín ấy, những khát khao cháy bỏng ấy vẫn cứ ngày đêm âm ỉ một niềm hy vọng trong tâm hồn Liên, giờ đây đã theo đoàn tàu “sáng trưng” và “huyên náo” bay về những chân trời vô định của mộng tưởng ở một miền đất rất xa xăm…
Đoàn tàu ấy cũng từ Hà Nội đến, cũng lại từ một miền kí ức rất xa xôi đã đem những gam màu tươi tắn điểm xuyến vào cuộc sống thực tại tẻ nhạt của Liên, để Liên lại có thể sống trong một miền kí ức đẹp dù chỉ trong phút giâyngắn ngủi. Rồi khi đoàn tàu đã đi xa trên con đường bất tận của nó, những mơ ước vốn mơ hồ mong manh giờ đây lại rơi vào vô vọng.
Nhưng do đó trong thất vọng sẽ nảy mầm hy vọng. Và từ trong hy vọng, ta lại phát hiện và thêm trân trọng một tâm hồn đẹp vẫn luôn luôn tỏa sáng chống lại đêm đen, tuôn trào không bao giờ cạn một nguồn sống đầy những ước mơ, làm bừng lên sức sống từ trong sự điêu tàn của nghịch cảnh…
Kết bài
Qua những điều trên, ta càng thấu rõ những vẻ đẹp trong tính cách và tâm hồn của nhân vật Liên. Bằng một nghệ thuật miêu tả nội tâm đặc sắc, Thạch Lam đã tạc tạo nên những nét đẹp ấy từ một viên ngọc quý với gam màu dịu nhẹ và đường nét thanh tao. Viên ngọc ấy sẽ còn mãi tỏa ánh sáng êm đẹp trên nền hiện thực xã hội đầy ngang trái, bế tắc.
Đường đi trước mắt của Liên tuy còn tăm tối nhưng những ước mơ đã thật sự mở ra trên con đường ấy một ít ánh sáng, một ít tương lai. Và bất cứ ai trong chúng ta một khi đã đọc qua câu chuyện của Liên sẽ có một niềm tin rằng: dù buổi chiều hôm ấy cũng như buổi chiều của những ngày hôm sau có lụi tàn đi trong vầng dương cháy bỏng hay đêm tối tĩnh mịch thì tâm hồn và tính cách của Liên sẽ còn mãi ngời tỏa sâu sắc trong lòng tất cả chúng ta.