Raxum Gamzatop- nhà thơ của xứ núi Đaghetxtan đã từng nói đại ý rằng: “Lịch sử của một dân tộc không chỉ được ghi lại bằng máu xương của dân tộc ấy mà còn được ghi lại bằng những trang viết”. Nhìn vào lịch sử của dân tộc ta, với hơn bốn nghìn năm văn hiến, trải qua bao triều đại với biết bao người đã ngã xuống vì độc lập – tự do cùng những trang viết hào hùng của lớp lớp thế hệ. Rõ ràng những điều ấy đã làm nên một đất nước không chỉ có bề dày của lịch sử mà còn là bề dày của những nét đẹp trong tâm hồn người.
Đặc biệt trong giai đoạn văn học trung đại Việt Nam vốn có nhiều biến cố và sóng gió thì khi ấy các thi nhân lại thổn thức biết bao nỗi lòng tâm sự chỉ có thể nói ra bằng thơ, giãi bày bằng văn bởi lẽ “thơ là tiếng lòng”. Hiện lên như một chứng nhân lịch sử oai hùng, con sông Bạch Đằng đã đi vào thơ ca như một lẽ đương nhiên, trong số đó không thể không nhắc đến thi phẩm “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu – một đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học và được xem là một áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học Việt Nam. Đặc biệt qua khổ đầu của bài phú đã giúp ta cảm nhận rõ cảm xúc dâng trào của thi nhân khi đứng trước dòng sông huyền thoại.
Trương Hán Siêu là người có học vấn uyên thâm, tính tình cương trực được vua Trần tin cậy và nhân nhinh kính trọng. Những tác phẩm của ông tuy để lại không nhiều nhưng vô cùng sâu sắc và đậm đà chất dân tộc. Thi phẩm “Phú sông Bạch Đằng” được viết theo thể phú, đó là thể văn vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi thường dùng để tả cảnh, phong tục, kể sự việc, bàn chuyện đời,… Đến với tác phẩm “Phú sông Bạch Đằng”, Trương Hán Siêu viết bằng thể phú cổ (phú lưu thủy) không tuân theo niêm luật chặt chẻ của phú Đường luật vì vậy bài phú của ông tương đối phóng khoáng, giàu tính nhạc và dễ truyền tụng.
Bạch Đằng vốn là một nhánh sông đổ ra biển Đông nằm giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, nơi đây đã ghi dấu biết bao chiến công hiển hách trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc bởi lẽ vậy nó đã trở thành đề tài nổi bật để các thi nhân ca tụng như Trần Minh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân,… nhưng viết về dòng sông ấy xuất sắc hơn cả phải nhắc tới Trương Hán Siêu. Trong một lần dạo chơi trên sông Bạch Đằng ông đã sáng tác bài phú nhưng chưa rõ vào năm nào, có lẽ là khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên thắng lợi.
Các thi nhân từ xưa đến nay đều đến với thiên nhiên để thả bầu tâm sự của mình vào đó, nếu Cao Bá Quát tìm đến thiên nhiên để bày tỏ tâm trạng chua xót bất đắc chí, Nguyễn Bỉnh Khiêm thì là để bày tỏ đạo lí cũng như quan niệm sống sâu sắc hay sau này Bác Hồ tìm thiên nhiên để bầu bạn trong những tháng ngày gian khổ,… Nhưng đối với Trương Hán Siêu, ông tìm đến thiên nhiên để thể hiện khát vọng ngao du thiên hạ đồng thời thể hiện niềm tự hào dân tộc. Mở đầu bài thơ là sự xuất hiện của nhân vật khách khiến ta không khỏi thắc mắc, nhưng thực chất đó là sự phân thân của tác giả để tạo nhân vật đối đáp trong bài phú, giúp câu chuyện thêm hấp dẫn và chân thực hơn:
“Khác có kẻ
Giương buồm giong gió chơi vơi
Lướt bể chơi trăng mải miết
……………………..
Bèn giữa dòng chừ buông chèo
Học Tử trường chừ thú tiêu dao”
Ngay từ những dòng thơ kẻ sĩ hiện lên là một tao nhân với rượu túi thơ “chơi vơi” theo cánh buồm, làm bạn với gió trăng qua mọi miền sông biển để sống hết mình với thiên nhiên, để du ngoạn thăm thú mọi cảnh đẹp xa gần. Trương Hán Siêu đã sử dụng hàng loạt những động từ mạnh “giương”, “lướt”, “chơi” cùng với đó là tính từ “chơi vơi” và “mải miết” làm nhân vật khách hoàn toàn nổi bật với tình cách phóng khoáng, mạnh mẽ và thích được đi đây, đi đó. Thú vui du ngoạn không chỉ dừng lại ở việc ngắm cảnh sắc thiên nhiên mà còn là để tiếp thu tri thức, bồi bổ tâm hồn.
Bức tranh thiên nhiên hiện lên đã cho ta thấy vốn hiểu biết uyên thâm của nhân vật khách hay chính là Trương Hán Siêu khi ông liệt kê hàng loạt các điển cố khiến bức tranh ấy trở nên rộng lớn, bao la vô tận: “Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt”… Sáng thì đi đến sông Nguyên, sông Tương, chiều thì thăm Vũ Huyệt, dường như cả Trung Hoa bạt ngàn đều được nhân vật khách nắm trong lòng bàn tay ngay cả “Đầm Vân Mộng” rộng lớn đến thế thì khách cũng cho rằng: “chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều”.
Nhân vật khách đã đi đến nhiều nơi, biết đến nhiều chỗ nhưng những nơi ấy thực chất chỉ mang tính khái quát, ước lệ, ngụ ý nói rằng ông học Tử Trường – Tư Mã Thiên – một nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc từng chu du khắp Trung Hoa rộng lớn để sau này viết bộ sử kí bất hủ một thời. Dù chỉ là tưởng tượng nhưng cảnh vật hiện lên chẳng kém phần hùng vĩ, qua đó cho hậu thế thấy trong ông là cả một tâm hồn yêu thiên nhiên, một khao khát chiếm lĩnh tri thức của nhân loại: “Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.”
Cuộc viễn du mở đầu bài phú khiến ta không khỏi choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên Trung Hoa, nhưng dường như đó chỉ là cái phông, cái nền, là những nốt nhạc dạo đầu trước khi bước vào thế giới hùng vĩ của dòng sông Bạch Đằng gợi lại cho Trương Hán Siêu biết bao xúc cảm về một thời đã qua, bởi lẽ “Niềm vui của nhà văn chân chính là người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp”:
“Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Chiều
Đến sông Bạch Đằng thuyền bơi một chiều
……………………………………
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu.”
Cảnh sắc thiên nhiên của dòng sông Bạch Đằng được nhân vật khách miêu tả với nhiều sắc thái khác nhau từ tự hào, phấn khởi cho đến buồn thương, tiếc nuối. Dòng sông lịch sử hiện lên với những con thuyền nối đuôi nhau trôi bập bềnh trên sông: “Thướt tha đuôi trĩ một màu”, với những con sóng lớn trùng trùng điệp điệp gối lên nhau: “Bát ngát sóng kình”, với bầu trời và dòng nước cùng một sắc xanh hài hòa mát mẻ,…
Dòng sông vừa mang vẻ đẹp hùng vĩ, vừa mang vẻ đẹp dịu dàng, huyền ảo, thơ mộng. Tiết trời giờ đây đã chuyển sang tháng thứ ba của mùa thu, cảnh vật lại càng làm lòng người thêm xao xuyến, thêm phơi phới tự hào khi đứng trước một dòng sông lịch sử có nét đẹp mĩ lệ, nên thơ khác hẳn với cảnh sắc đượm buồn tròn thơ của Tản Đà sau này:
“Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Trăng thu bạch
Khói thu xây thành.”
Nhưng rồi khi đứng trước dòng sông ấy nó làm con người ta không khỏi khắc khoải về những hoài niệm, về những chuỗi ngày đau thương một thời khiến cảnh sắc đẹp đến thế cũng nhuốm màu nỗi buồn, chẳng thể ngăn được nỗi thương cảm đang trào dâng trong mình, nói như Nguyễn Du:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Hay như Đặng Trần Côn:
“Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun”
Trải qua biết bao cuộc chiến đau thương, đọng lại trên dòng sông bây giờ chỉ toàn gươm giáo, xương cốt của lũ giặc phương Bắc và của cả những người anh hùng quân ta đã ngã xuống. Các từ láy “san sát”, “đìu hiu” đã khiến con sông trở nên hoang vắng, ảm đạm, thê lương đến đau lòng. Vết tích lịch sử còn đấy, thời gian có ăn mòn vạn vật tàn khốc đến đâu cũng chẳng thể xóa nhòa đi đau thương, mất mát. Ý thơ của Trương Hán Siêu làm ta nhớ đến vài câu thơ trong bài “Cửa biển Bạch Đằng” của Nguyễn Trãi:
“Ngạc chặt kim băm non lởm chởm
Giáo chìm gươm gãy bãi tầng tầng
Dòng trôi tìm bóng dạ bâng khuâng.”
Khung cảnh đìu hìu ấy khiến nhân vật khách không khỏi tiếc thương để rồi “đứng lặng giờ lâu”, dường như đó là sự sững lại trong một động thái trữ tình đầy nhân bản. Ồng mặc niệm cho những người đã khuất, cho những anh hùng của Đại Việt ta và cho cả những người lính Trung Hoa linh hồn còn vất vưởng nơi đất khách quê người. Phải chăng đó là tâm hồn lớn lao của một con người nhân đạo có thế giới nội tâm sâu lắng, một con người không chỉ yêu thiên nhiên, thương, dân tộc mà còn đau xót cho cả những kẻ thù – những con người vô tình bị bắt ép, vô tình bị đưa đẩy vào cuộc chiến tranh phi nghĩa đầy đau thương…
Có những trang thơ đọc xong rồi gấp lại sẽ khiến ta quên ngay nhưng có những vần thơ mặc cho lớp bụi của thời gian vẫn sống mãi cùng bạn đọc và có lẽ “Phú sông Bạch Đằng” là một bài thơ như vậy. Những câu thơ vang lên tựa âm hưởng của khúc anh hùng ca đang dâng lên dào dạt như những lớp sóng của dòng sông Bạch Đằng ngàn năm còn vỗ khiến lớp lớp thế hệ sau không khỏi tự hào. Đồng thờ đoạn trích góp phần thể hiện đỉnh cao nghệ thuật của thể phú, qua đó thấy được tài năng cũng như vẻ đẹp sâu tận tâm hồn con người Trương Hán Siêu – “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Sê – khốp).