A. DẪN NHẬP
Văn chương có thể không biên giới nhưng mỗi nhà văn nhất nhất định phải có quê hương. Đó là nơi họ sinh ra, lớn lên, được tưới tắm trong dòng sông văn hóa; là nơi những thuần phong mĩ tục từ bao đời truyền lại sẽ thấm sâu vào tận đáy tâm hồn. Và để rồi khi cầm bút, dù vô thức hay hữu thức, những giá trị cộng đồng ấy sẽ chi phối cảm xúc, suy nghĩ của nhà văn trong việc tìm kiếm đề tài, xây dựng hình tượng, sử dụng ngôn từ, tổ chức kết cấu, lựa chọn giọng điệu. Tất cả những điều đó làm nên tính dân tộc trong một tác phẩm, tạo nên cái đặc trưng, nét độc đáo không thể trộn lẫn với bất cứ một tác phẩm thuộc bất cứ một dân tộc, một nền văn hóa nào khác.
Tố Hữu cũng không ngoại lệ. Thậm chí, trong thơ Tố Hữu, tính dân tộc đã trở thành một đặc trưng cơ bản, nổi bật, chói sáng, phủ trùm toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông. Hẳn bởi vì từ thở ấu thơ, tâm hồn ông đã được tắm mát trong những bài ca dao, những câu Kiều từ lời ru ngọt ngào của mẹ; những câu hò dân gian mái nhì mái đẩy của những người làm nghề thuyền chài lênh đênh trên sóng nước sông Hương. Và cũng bởi vì ông lớn lên trong một thời đại hào hùng, một thời đại mà hơn bao giờ hết, truyền thống dân tộc được khơi dậy một cách mạnh mẽ, lòng tự hào dân tộc được thăng hoa để “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh). Tố Hữu lại là người giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Trong lúc các nhà thơ cùng thời đang “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, thì trái tim của người thanh niên Tố Hữu buổi ấy đã sớm “bừng nắng hạ”, đã tìm được đường đi của mình – đó là suốt đời phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân:
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ”
Tất cả những lí do ấy đã làm nên một phong cách thơ Tố Hữu “đậm đà bản sắc dân tộc”. Những vần thơ của ông, như ca dao, như Truyện Kiều, như lời tâm tình mộc mạc và xúc động của những người dân lao động ngàn đời, đã ngay lập tức đi vào lòng mọi thế hệ người dân Việt.
Tập thơ “Việt Bắc” ra đời và được in lần đầu năm 1954, đánh dấu sự trưởng thành về nghệ thuật, độ chín về tư tưởng của Tố Hữu, và là một trong những tập thơ mà ở đó, tính dân tộc đã đạt đến độ nhuần nhị, tự nhiên. Trong tập thơ này, bài thơ cùng tên “Việt Bắc” có thể được coi là một bức tranh tâm hồn tiêu biểu của nhà thơ, mà ở đó, những đường nét của tính dân tộc hiện lên vô cùng đằm thắm, mặn mà, sâu lắng lạ.
B. BIỂU HIỆN CỦA TÍNH DÂN TỘC TRONG ĐOẠN TRÍCH “VIỆT BẮC”
Tính dân tộc, cũng như mọi phẩm tính khác của văn chương, đôi khi chỉ cảm chứ không nhận được. Nó hòa tan trong mọi ngõ ngách tế vi nhất của tâm hồn tác giả, và khi tác giả bước vào “cơn lên đồng” sáng tạo, nó cũng lan tỏa, thấm đẫm man mác vào mọi yếu tố của tác phẩm. Huống chi tác phẩm lại là một chỉnh thể hài hòa không thể phân tách. Bởi nguyên do đó, để đưa ra các biểu hiện của tính dân tộc trong một bài thơ, quả thật khó như vớt trăng dưới nước, bắt gió trong tay. Tuy nhiên, “liệu cơm gắp mắm”, với mục đích cung cấp cho các em học sinh một cái nhìn khái lược về vấn đề này, ở đây, thầy cũng xin mạn phép được dùng thao tác phân tích để đưa ra một số khía cạnh mà theo quan điểm chủ quan của thầy, tính dân tộc dễ nhận thấy nhất.
I. TÍNH DÂN TỘC BIỂU HIỆN TRÊN PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
1. Thể thơ:
- Trong văn chương hiện đại Việt Nam, Tố Hữu có thể coi là một trong những tác giả sử dụng thành công thể thơ lục bát. Thơ lục bát vốn được coi là một “đặc sản” tinh thần của dân tộc. Nó khởi phát từ ca dao. Bởi vậy, nó mang theo trong mình cả một di sản văn hóa của dân tộc: Đó là lời ăn tiếng nói, là nếp suy nghĩ, là điệu tâm hồn của nhân dân từ ngàn xưa. Thật vậy, đi tìm hồn cốt dân tộc trong văn chương thì không ở đâu đậm đặc cho bằng trong lục bát.
- Tố Hữu đã kế thừa di sản tinh thần ấy, vận dụng nó một cách nhuần nhị, tự nhiên đến nỗi, thơ cứ tuôn ra như một dòng chảy trong ngần, không vướng bụi. Rất nhiều câu thơ dường như đã đạt đến độ chuẩn mực của ca dao, đọc lên ta cứ ngỡ đấy là những câu hát ân tình của đôi trai gái nơi thôn quê đồng ruộng Việt vào một thuở xa xưa nào đó:
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”
- Lục bát vốn sử dụng ngôn ngữ rất giản dị, nhưng không vì thế mà trở thành đơn giản, dễ dãi. Cái hay của thể thơ này là, bằng những ngôn ngữ rất đời thường, rất bình dân, nó lại mang đến cho ta những rung cảm thẩm mĩ rất sâu sắc.
Có được điều ấy là bởi vì trong lục bát, từ ngữ được chắt lọc, không thừa không thiếu. Sự kết hợp của các từ ngữ lại rất bất ngờ. Khi đọc lục bát, ta đang xuôi đi theo cái mạch tự nhiên của lời ăn tiếng nói, bỗng bị “sốc” thẩm mĩ bởi những hình ảnh, những ẩn ý vô cùng sáng tạo. Và thế là, trong ta cứ ngân nga mãi cái điệu nhạc huyền diệu của những câu thơ ấy. Ca dao có rất nhiều ví dụ có thể dẫn ra để minh chứng cho điều đó:
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”
Hay:
“Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non”
- Trong “Việt Bắc”, ta bắt gặp rất nhiều câu thơ như thế: cũng là một thứ ngôn ngữ giản dị, gần gũi như lời ăn tiếng nói hằng ngày, nhưng khi đọc xong, ta lại không thể dứt áo ra đi, cứ phải nán lại vì câu thơ vừa đem đến một cảm nhận mới lạ, độc đáo khiến ta phải tấm tắc:
“Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”
2. Kết cấu
Việc sử dụng thể thơ lục bát đã giúp Tố Hữu có điều kiện thuận lợi để đưa vào trong thơ mình những cái gì tinh túy nhất, hồn cốt nhất, đặc sắc nhất của ca dao. Một trong những yếu tố ấy là kết cấu đối đáp. Đối đáp giao duyên thực sự là một nét độc đáo trong văn hóa người Việt: người ta chuyển tải tình cảm bằng những lời hát vừa giàu tính nghệ thuật, lại vừa diễn tả được một cách rất đắc địa tâm ý của mình đến người nghe.
Trong bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu đã khai thác đặc điểm ấy một cách hiệu quả: Cuộc chia tay giữa cán bộ kháng chiến và đồng bào Việt Bắc - một vấn đề ít nhiều mang tính thời sự, chính trị bỗng chốc trở thành một cuộc hát giao duyên đôi lứa. Thông qua cuộc đối đáp ấy, biết bao nhiêu kỉ niệm đã được tái hiện, bao nhiêu tình nghĩa đã được giãi bày, bao nhiêu lời nhắc nhở, thề thốt đã được nói ra:
“Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”
“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi”
“Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”
3. Cách diễn đạt
Một đặc điểm nữa làm nên tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” đó chính là việc sử dụng lối bày tỏ tâm tình kín đáo của ca dao. Con người Việt Nam xưa nay vẫn có lối giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ đa nghĩa, tầng tầng lớp lớp, nhiều ẩn ý, nhiều ví von so sánh.
Nguyên do là bởi ý thức cá nhân ít nhiều chưa phát triển, người ta sống với sự cố kết cộng đồng mạnh mẽ, trước mỗi lời ăn tiếng nói đều phải rào trước đón sau, làm sao để vẫn nói được điều mình cần nói nhưng không trở thành quá táo bạo, sỗ sàng. Thêm nữa, với lối sống coi trọng tình nghĩa, người ta không muốn và cũng không nỡ làm mất lòng nhau, không nỡ đe dọa đến thể diện, xúc phạm đến lòng tự trọng của người khác. Trong hành xử, người ta thích “chín bỏ làm mười”. Trong lời nói, người ta biết “Lời nói chẳng mất tiền mua”, cho nên phải “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Đọc ca dao, ta thấy được nét đẹp tinh tế đó trong đời sống tâm hồn của người dân lao động được bộc lộ rõ nét: từ cách chào hỏi, mời mọc, biểu lộ tình cảm cho đến sự nhờ vả, cầu cạnh, chê bai v.v…, tất cả đều được chuyển tải qua một thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, mang đậm tính ẩn dụ chứ không hề sỗ làng, vô ý tứ. Đây là câu ướm hỏi của chàng trai về “tình trạng mối quan hệ” của cô gái:
“Gặp đây Mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”
Đây là một lời tỏ tình:
“Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?”
Đây là một lời trách móc:
“Ngày đi bóng hãy còn dài
Ngày về bóng đã nghe ai bóng tròn”
Đây là một câu mai mỉa:
“Nghe đồn bác mẹ anh hiền
Cắn hạt cơm không vỡ, cắn đồng tiền vỡ tư”
Nguyễn Bính cũng từng vận dụng rất thành công lối bày tỏ kín đáo này:
“Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn núi, cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng thương em”
Trong “Việt Bắc”, ta bắt gặp rất nhiều câu thơ mà ở đó, kẻ đi và người ở bộc lộ nỗi lòng mình qua một hệ thống các hình ảnh mang tính chất ám chỉ, ẩn dụ. Điều này làm cho sự giãi bày vừa kín đáo, có duyên, lại vẫn vừa truyền tải được thông điệp một cách vô cùng hiệu quả:
“Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”
“Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già”
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
4. Giọng điệu
Việc vận dụng ca dao cũng đem đến cho bài thơ “Việt Bắc” một giọng điệu tâm tình ngọt ngào, sâu lắng. Người Việt thích lối nói có vần điệu, lên bổng xuống trầm, hài hòa cân đối, giàu nhạc tính. Bởi lối nói ấy nó thể hiện được cái điệu hồn thuần hậu, giàu tình cảm, tạo nên âm điệu du dương, dễ đi vào lòng người, dễ lôi cuốn lòng người. Đọc nhiều câu thơ trong “Việt Bắc”, ta cảm nhận được cái giọng điệu ngọt ngào ấy làm câu thơ như tan chảy, và cứ thế nó tìm được con đường ngắn nhất để lay động trái tim:
“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”
Thậm chí có những câu thơ chỉ liệt kê địa danh, nhưng chính cái giọng điệu ngọt ngào đã làm cho nó trở nên da diết, khiến lòng ta bồi hồi:
“Ai về ai có nhớ không
Ta về ta nhớ phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao Lạng, nhớ sang Nhị Hà”
II. TÍNH DÂN TỘC BIỂU HIỆN TRÊN PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG
Tính dân tộc không chỉ được biểu hiện qua các thủ pháp nghệ thuật mà ta vừa phân tích ở trên, mà nó còn thấm đẫm trong nội dung tác phẩm. “Việt Bắc” là khúc hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về kháng chiến và con người kháng chiến, về phẩm tính cao đẹp của con người Việt Nam qua mọi thời đại.
1. Ca ngợi lòng yêu nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi”.
Dân tộc này có một lịch sử đặc biệt: từ khi sinh ra, nó đã phải gồng mình để chống giặc ngoại xâm, và lịch sử dân tộc không gì khác chính là quá trình đối mặt với những trận chiến triền miên để dựng nước và giữ nước. Nguyễn Khoa Điềm đã chiêm nghiệm và đúc kết: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Bởi quá khứ đau thương ấy, bởi đất nước có được là nhờ sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ, cho nên trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam, tình yêu đất nước đã trở thành dòng máu nóng luôn chảy dạt dào trong huyết quản:
“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”
(“Sao chiến thắng” – Chế Lan Viên)
Năm 1946, chúng ta một lần nữa bước vào cuộc kháng chiến vệ quốc. Một lần nữa, lòng yêu nước lại sôi nổi. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược, từ trẻ tới già, từ tri thức cho tới nông dân, tất thảy đều một lòng hướng về Tổ quốc, một lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Quả là “nhân dân bốn cõi một nhà / Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”. Với phương châm “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”, văn học nghệ thuật cũng biến thành một mặt trận, người nghệ sĩ trở thành chiến sĩ:
“Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”
Trong thế hệ ấy, Tố Hữu được coi là lá cờ đầu của văn học kháng chiến. Tiếp nối những thành tựu của các giai đoạn sáng trước đó, thơ Tố Hữu tiếp tục chinh phục những đỉnh cao nghệ thuật và tư tưởng. “Việt Bắc” có thể coi là mùa quả ngọt ngào của văn học sau cách mạng, đánh dấu sự thuần thục của một tài năng lớn. Trong bài thơ này, Tố Hữu đã thể hiện một cách đầy tự nhiên và xúc động lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta.
a. Tình yêu đất nước trước hết thể hiện ở tình yêu đối với thiên nhiên
Từ xưa đến nay, con người Việt Nam luôn gắn bó tha thiết với thiên nhiên, bởi thiên nhiên vừa là môi trường sống, vừa là nơi cung cấp cho họ các điều kiện để sinh tồn. Với lối sống tự cấp, tự túc ngày xưa, thì con người hầu như dựa chỉ vào thiên nhiên để đảm bảo cuộc sống. Hơn thế nữa, thiên nhiên còn trở thành chuẩn mực của cái đẹp, để con người ngưỡng vọng, để con người nhìn vào đó mà hoàn thiện chính mình. Cho nên, từ ngàn đời, văn học Việt Nam đã tràn ngập hình ảnh thiên nhiên. Từ trong ca dao, ta đã bắt gặp rất nhiều những câu hát ngợi thiên nhiên:
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”
Cho đến văn học trung đại, thiên nhiên vẫn chiếm giữ một vị trí trọng yếu trong thơ: Đó là cảnh sông nước hùng vĩ trong thơ Trương Hán Siêu: “Bát ngát sóng kình muôn dặm / Thướt tha đuôi trĩ một màu / Nước trời một sắc / Phong cảnh ba thu”. Đó là bức tranh thiên nhiên yên ả trong thơ Nguyễn Trãi: “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương / Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ / Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Đến văn học hiện đại, nhất là trong văn học kháng chiến, thiên nhiên càng được các nhà thơ, nhà văn lưu tâm, yêu mến. Bởi trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, họ càng ý thức được một cách sâu sắc vẻ đẹp của non sông gấm vóc:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”
Trong “Việt Bắc”, Tố Hữu đã thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết qua việc tái hiện một cách bao quát và chân thực bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng của chốn núi rừng miền bắc Tổ quốc, mà ấn tượng nhất có lẽ là ở đoạn thơ miêu tả bức tranh tứ bình. Ở đây, ta thấy được sự luân chuyển bốn mùa một cách rõ nét, và tuy mỗi mùa mỗi vẻ, nhưng đều “mười phân vẹn mười”: nào là bức tranh mùa đông ấm áp, tràn đầy sức sống với màu hoa chuối đỏ trên phông nền của những cánh rừng xanh thẳm. Nào là mùa xuân thanh khiết, tinh khôi với bạt ngàn hoa mơ nở trắng. Nào là mùa hè rộn ràng với dàn đồng ca của tiếng ve ngân và màu vàng rực rỡ của những rừng “rừng phách” trổ hoa đồng loạt. Nào là mùa thu êm dịu, thanh bình với trăng sáng trên đầu núi, với giọng hát ai ngọt ngào, bay bổng, sâu nặng ân tình. Ống kính của nhà thơ còn bắt được những khoảnh khắc vô cùng đẹp đẽ mà có lẽ chỉ có chốn núi rừng Việt Bắc mới có được: Đó là hình ảnh “Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”; là hình ảnh “từng bản khói cùng sương”, hình ảnh “rừng nứa bờ tre / Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”.
b. Tình yêu nước thể hiện qua truyền thống anh hùng
Như đã nói, lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, cho nên, truyền thống yêu nước gắn bó một cách hữu cơ với truyền thống anh hùng. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, mỗi người dân đều có ý thức về trách nhiệm của mình, bởi đối với người dân Việt Nam, nước cũng là nhà, nước nhà, đất nước cũng là một gia đình lớn. Họ sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân để xông pha nơi trận tuyến, vì đất nước mà không quản ngại phải đổ máu xương. Trên đất nước này, trong những thời kì khói lửa, mỗi người dân bình thường đều có thể trở thành những người anh hùng vĩ đại. Đúng như Nguyễn Trãi đã tổng kết:
“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”
Họ trở thành anh hùng không phải vì muốn lưu danh sử sách, mà chỉ vì họ có một lòng yêu nước nồng nàn, dẫn đế một niềm khao khát cháy bỏng: được đánh giặc cứu nước:
“Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm
Mỗi em bé đều nằm mơ ngựa sắt
Mỗi dòng sông đều muốn hóa Bạch Đằng”
(Chế Lan Viên)
Trong “Việt Bắc”, truyền thống anh hùng cách mạng ấy được thể hiện ở tinh thần quyết chiến quyết thắng, đạp bằng mọi khó khăn để đưa đất nước đi đến ngày thắng lợi cuối cùng. Đó là hình ảnh những đoàn dân công ra trận, với “Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”; đó là những đoàn quân trùng trùng điệp điệp, hành quân ra trận với khí thế làm rung trời chuyển đất:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung”
Đó là những đoàn xe lao về phía trước, ánh đèn pha xuyên thủng màn đêm dày đặc, xua đi bóng tối của đêm trường nô lệ để tiến về ngày mai tươi sáng. Và không chỉ có con người, mà thiên nhiên cũng biến thành những anh hùng, cũng cùng chung tay đánh giặc:
“Những khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”
Những con người anh hùng tạo nên một tập thể anh hùng, tạo nên một khí thế cách mạng hừng hực, tạo nên một nguồn sức mạnh vĩ đại, có thể lướt qua mọi gian nan, có thể nhấn chìm mọi kẻ thù bán nước và cướp nước. Khí thế ấy cũng đã được Nguyễn Đình Thi tái hiện qua những vần thơ dữ dội:
“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
2. Ca ngợi lối sống trọng tình nghĩa
Bên cạnh việc thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” còn biểu hiện ở việc đề cao lối sống giàu tình nặng nghĩa của những con người trong kháng chiến.
Đó trước hết là tình nghĩa sâu nặng của đồng bào Việt Bắc dành cho cán bộ kháng chiến, dành cho Đảng và Bác Hồ. Mười lăm năm gắn bó, mười lăm năm chia ngọt sẻ bùi, mười lăm năm kề vai sát cánh đánh giặc cứu nước, “mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình". Trong tâm khảm của đồng bào Việt Bắc, cán bộ kháng chiến vừa là những anh hùng cũng đồng thời vừa là những người anh, người em, người con ruột thịt. Họ yêu người kháng chiến vì họ hiểu rằng: người kháng chiến đang dốc sức đêm ngày để đem lại cho họ cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, ấm no. Chỉ qua những câu giãi bày trong buổi tiễn đưa, ta cũng hiểu được mối giao tình sâu nặng:
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”
Họ biết rằng, khi người kháng chiến đi rồi, núi rừng sẽ vắng lặng, bản làng sẽ buồn nhớ khôn nguôi:
“Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già”
Nó làm ta nhớ đến nỗi trông ngóng ngậm ngùi, da diết mà xúc động trong mấy câu thơ của Hoàng Trung Thông:
“Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Các anh đi bao giờ trở lại
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong”
Đáp lại ân tình sâu nặng của đồng bào Việt Bắc, những người kháng chiến về xuôi cũng thể hiện lòng thương nhớ, trân trọng, quý mến vô bờ của mình. Đó là cái ngập ngừng lưu luyến trong phút chia tay:
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
Đó là lời thề hẹn sẽ luôn ghi nhớ đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, không bao giờ quên cái nôi của cách mạng và kháng chiến:
“Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”
Đó là nỗi nhớ da diết về những kỉ niệm của một thời gắn bó: nào là những tháng ngày đồng cam cộng khổ “Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi”; nào là những lúc kề vai sát cánh đánh giặc: “rừng cây, núi đá ta cùng đánh Tây”; nào là những buổi liên hoan vui vẻ “gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”; nào là hình ảnh những người mẹ Việt Bắc “nắng cháy lưng / Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”, những cô gái Việt Bắc xinh tươi và yêu lao động; nào là những khoảnh khắc tươi đẹp và thơ mộng của bốn mùa mà chỉ có chốn núi rừng Việt Bắc mới có được; nào là những đêm hành quân ra trận đầy khí thế v.v… Biết bao nhiêu kỉ niệm mà người về xuôi sẽ luôn nâng niu và gìn giữ. Trong lòng người đi, Việt Bắc đã trở thành biểu tượng của sức mạnh, biểu tượng của vẻ đẹp con người Việt Nam trong những năm kháng chiến:
“Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền
Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”
3. Ca ngợi đức tính thủy chung
Không chỉ ca ngợi lối sống trọng tình, bài thơ “Việt Bắc” còn ca ngợi tấm lòng thủy chung son sắt của con người Việt Nam.
Đó là tình cảm trước sau như một, gắn bó keo sơn, một lòng một dạ với cách mạng, với kháng chiến, trước sau không hề thay đổi của con người Việt Bắc, thể hiện qua hình ảnh tấm “lòng son” của những con người ở những bản làng heo hút:
“Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son”
Đó là tiếng hát ân tình trong một đêm trăng thơ mộng, thanh bình. Tiếng hát ngân lên như một lời giãi bày, thề hẹn:
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
Người về xuôi cũng cất lời thề hẹn, rằng họ cũng sẽ không bao giờ thay lòng đổi dạ. Mãi mãi trong lòng những người kháng chiến sẽ khắc ghi ân nghĩa sâu nặng của đồng bào:
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh”
4. Ca ngợi tinh thần lạc quan
Một lịch sử dài dằng dặc với nhiều vất vả đau thương, luôn phải đối mặt với thiên tai địch họa, kì lạ thay, lại hun đúc cho người Việt một tinh thần lạc quan mãnh liệt, luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Có lẽ người Việt hiểu rằng: chỉ có lạc quan mới giúp họ vượt thắng hoàn cảnh để xây dựng cuộc sống. Và có lẽ cũng bởi vì chính gian khổ đã tôi rèn cho họ một ý chí bền bỉ, không bao giờ khuất phục trước mọi gian nan. Chính tinh thần lạc quan đã giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi trở lực của thiên nhiên. Tinh thần lạc quan đã trở thành một nét đẹp của tâm hồn dân tộc. Ca dao xưa đã từng thể hiện tinh thần lạc quan một cách thấm thía và xúc động qua bài ca dao “Mười cái trứng”:
“Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”
Tinh thần lạc quan ấy được tiếp nối trong văn học trung đại:
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai”
Đến văn học hiện đại, Tố Hữu tiếp tục kế thừa truyền thống ấy:
“Đời ta gương vỡ lại lành
Cây khô cây lại đâm cành nở hoa”
Trong bài thơ “Việt Bắc”, tinh thần lạc quan thể hiện ở niềm tin vào sự chính nghĩa của cuộc kháng chiến, niềm tin về một ngày mai đất nước sạch bóng quân thù. Cho nên, dù khó khăn thiếu thốn, dù chỉ là “chia củ sắn lùi”, “bát cơm sẻ nửa”, “chăn sui đắp cùng”, nhưng người cán bộ kháng chiến và đồng bào Việt Bắc vẫn luôn có cái nhìn tích cực trong cuộc sống:
“Vui sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”
Họ nhận thức được rằng, ánh sáng cách mạng sẽ soi đường chỉ lối, sẽ xua tan mọi bóng tối của đêm dài nô lệ:
“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”
Họ còn truyền tinh thần lạc quan ấy cho mọi người dân trên dải đất Việt Nam, rằng nếu một lòng hướng về cách mạng, hướng về Đảng và Bác Hồ, thì chiến thắng là điều tất yếu:
“Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”
Ở phần sau của bài thơ, tinh thần lạc quan ấy càng được thể hiện một cách rõ nét. Nó không chỉ còn là niềm tin tưởng, mà đã được miêu tả như một thứ hiện thực: một cuộc sống tươi vui, tấp nập, sung túc đã đến với mọi miền của Tổ quốc Việt Nam:
“Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời
Mái trường ngói mới đỏ tươi
Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng”
C. TỔNG KẾT
Như đã nói ở trên, tinh thần dân tộc cũng giống như mọi phẩm tính khác của tác phẩm văn chương, là cái đôi khi chỉ có thể cảm chứ không nhận được. Cho nên, dù có nói bao nhiêu đi chăng nữa, ta vẫn cảm thấy những điều mình nói vẫn là chưa đủ, vẫn là chưa đụng chạm đến cái căn cốt của vấn đề. Bằng thao tác phân tích, bài giảng này chỉ đưa ra một số biểu hiện tương đối rõ nét, nổi bật để các em dễ bề nhận diện và vận dụng. Hy vọng rằng, với những giá trị văn hóa Việt đang chảy trong dòng máu, với cảm thức về tinh thần Việt thấm đẫm trong tâm hồn, các em có thể bổ sung thêm, hoàn thiện thêm để cho sự nhận thức về tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” được toàn diện và sâu sắc.