Một trong hai nội dung nổi bật nhất được nhà văn Nam Cao xây dựng trong các tác phẩm của mình là hình ảnh người nông dân nghèo, bị bần cùng hóa trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Bằng ngòi bút thấm đẫm tinh thần nhân đạo, ông đã khiến cho người đọc không khỏi xúc động khi tìm hiểu về những nhân vật như Lão Hạc, Chí Chèo, bà cái Tí, … Đặc biệt, không ít độc giả đã rơi lệ khi biết đến cuộc đời của Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên – một lão nông già nua, nghèo khổ đến cùng cực nhưng vẫn giữ trọn được những phẩm chất đáng quý của mình.
Tác giả Hoàng Thi Thương đã từng thốt lên: “Tinh thần của lão Hạc mới kiên định làm sao! Như thành trì kiên cố xây bằng lòng tự trọng và tình thương. Đói khổ, đớn đau không khuất phục nổi”. Đọc “Lão Hạc”, tìm hiểu về con người nghèo khổ, giàu lòng tự trọng và tình yêu thương ấy, chúng ta sẽ càng thêm thấm thía về tư tưởng nhân văn sâu sắc của nhà văn Nam Cao.
Thân bài
Tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam trước 1945. Thông qua những lời kể mộc mạc, giản dị của Nam Cao, một bức chân dung về người nông dân già nua, khắc khổ, nhưng hiền lành lương thiện đã ngời sáng lên trong tác phẩm. Nhận định về nhân vật lão Hạc trong tác phẩm này, Hoàng Thị Thương đã nêu lên ý kiến: “Tinh thần của lão Hạc mới kiên định làm sao! Như thành trì kiên cố xây bằng lòng tự trọng và tình thương. Đói khổ, đớn đau không khuất phục nổi”. Chắc hẳn, Hoàng Thị Thương cũng đã không giấu nổi xúc động, và cảm nhận về lão Hạc với những tình cảm chân thành, sâu sắc nhất. Nhận định của tác giả này đã thực sự giúp chúng ta nhận ra những vẻ đẹp nổi bật nhất ở lão Hạc, đó là lòng tự trọng và tình thương con sâu nặng. Dù đói khổ đến xơ xác, nhưng lão Hạc vẫn luôn “kiên định” với nhân cách của mình, luôn quên đi bản thân mà để lại những điều tốt đẹp nhất cho con trai, và cho cả người đời. Tinh thần ấy của lão Hạc, thật sự vững chắc, “kiến cố” như thành trì, mà không có bất cứ sự khổ đau, chèn ép nào của xã hội bất công lúc bấy giờ có thể xô ngã được. Cuộc đời của lão Hạc,và đặc biệt là cái chết của lão đã tạc vào lòng chúng ta một hình ảnh đẹp đẽ về phẩm chất tốt đẹp của con người.
Lão Hạc được tác giả Nam Cao khắc họa một cách rất sinh động, chi tiết đến chân thực. Thậm chí, đây còn được coi là một hình tượng tiêu biểu của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Cả cuộc đời lão Hạc sống trong đau đớn, bi thương. Vợ mất sớm, một mình lão Hạc gà trống nuôi con lớn lên. Thế nhưng, vì nhà nghèo không thể lo cho con người người vợ, lão Hạc đành phải nuốt nước mắt nhìn đứa con trai duy nhất đi làm phu đồn điền cao su. “Cao su đi dễ khó về/khi đi trai tráng khi về bủng beo” là điều lão rất hiểu. Sống xa con, vò võ mỗi ngày với cái neo đơn, lão Hạc chỉ biết tìm nguồn vui với cuộc sống bên con chó Vàng và cố bòn hoa màu trong vườn, rồi làm thêm đủ nghề với mong muốn khi con về, có một chút cho nó lấy vốn liếng mà làm ăn. Nhưng đời đâu có được như lão mong, đói khổ, bệnh tật đã đẩy lão đên một cái chết đau đớn vô cùng. Để rồi cuối cùng, phía sau sự kết liễu cuộc đời đầy bất ngờ đó, chúng ta thêm thấu hiểu được về nhân cách ngời sáng của một lão nông đáng được ngợi ca.
Trước tiên, người đọc tìm hiểu về lão Hạc sẽ luôn cảm động với tình yêu thương con sâu sắc của lão. Chỉ vì nhà nghèo, không cưới được vợ cho con, làm con uất chí, bỏ đi đồn điền cao su mà lão tự dằn vặt mình mãi. Để cưới vợ, anh con trai đòi bán mảnh vườn, nhưng lão không cho không phải vì lão muốn giữ mảnh vườn cho lão, mà lão nghĩ nếu cưới vợ về, vườn bán rồi thì ở đâu mà làm ăn sinh sống, và rồi có bán thì cũng làm sao mà đủ tiền. Lão nghĩ thế, nhưng anh con trai có thấu cho lão? Anh bỏ đi đồn điền cao su, để lại lão ở nhà vò võ chờ con. Lão nghĩ tốt, lo cho tương lai con, nhưng khi con trai bỏ đi, lão lại tự dằn vặt mình, đày đọa tinh thần mình. Những câu nói lão nói với cậu Vàng, nhưng lại chất chưa biết bao nhiêu tình cảm nhớ thương cho anh con trai. Lão nói với cậu Vàng đấy, nhưng lại như nói với con mình. Lão làm việc gì, lão suy nghĩ gì cũng là hướng về con trai mình. Tiền bòn vườn lão để dành, không tiêu tới để khi con trai về, lão nhẩm tính sẽ có gần trăm đồng bạc, thêm vào cho con cưới vợ và làm kế sinh nhai. Thế nhưng, lão lại ốm. Một cơn ốm kéo dài buộc lão phải tiêu tới số tiền đó. Chỉ vậy thôi mà lão đã thấy đau lòng. Lão ăn vào tiền của con trai lão – số tiền mà khi con trai về lão định trả con. Điều này làm lão khổ tâm hết sức. Hành động của lão gửi ông giáo mảnh vườn, nhờ ông giáo giữ hộ cũng là để giữ hộ cho con lão: “Của mẹ nó thì nó hưởng”. Mọi suy nghĩ, việc làm của lão đều hướng tới con trai. Thậm chí, cái chết của lão cũng là vì con. Lão chết để mở ra đường sống cho con lão, lão chết một cái chết trong sạch để lại tiếng thơm cho con vì lão sống ngày nào là ăn vào tiền, vào đường sống của con ngày ấy. Xưa nay, không ít người cha, người mẹ hi sinh cơm ăn, áo mặc vì con, hi sinh một phần thân thể vì con nhưng hi sinh cả mạng sống của mình như lão Hạc lại là một trường hợp hiếm thấy. Tình yêu con của lão Hạc thật đặc biệt. Không ồn ào, sôi nổi, không thể hiện qua hành động hay lời nói, lão lặng lẽ yêu con trong tâm tưởng, mọi hành động của con lão đều cho là do lão. Là do lão đẩy con tới những hành động ấy rồi tự dằn vặt mình, tự gánh lấy những suy nghĩ, hành động để chuộc lại lỗi lầm. Quả thật, tình yêu thương con của lão khiến chúng thật vô cùng cảm động.
Lão Hạc mang một tấm lòng tự trọng cao cả. Lão tự trọng từ với một con chó, với con trai lão, với bà con hàng xóm, với ông giáo và với cả chính bản thân mình. Khi bán con chó, lão đau khổ, vì lão “bằng này tuổi đầu mà còn trót lừa một con chó”. Lão nhớ ánh mắt của cậu Vàng, mà theo như lời lão là một ánh mắt đầy trách móc, mắng lão tệ hại: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế mà lão đối xử với tôi thế này à?”. Ánh nhìn đó làm lão ám ảnh và day dứt không nguôi. Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo, lão lại chuẩn bị sẵn tiền làm ma cho bản thân, gửi ông giáo, để khi lão có việc thì ông giáo đưa ra, coi như là của lão có chút ít, còn lại thì nhờ bà con hàng xóm cả. Lão làm vậy để không phiền lụy tới ai. Từ đó, lão bòn vườn, mò cua, ốc, trai ăn để sống qua ngày, thà chết chứ không chịu mắc nợ ai. Có lẽ hành động bán cậu Vàng của lão chính là bước chuẩn bị cho cái chết của lão. Lão xin Binh Tư ít bả chó với lý do bắt cho nhà khác – một lý do làm Binh Tư tự nghĩ lão giả bộ hiền lành thế nhưng cũng ghê ra phết, một lý do làm ông giáo hiểu lầm lão, hiểu lầm một con người đã “khóc vì trót lừa một con chó, một con người nhịn ăn để có tiền làm ma”. Vậy nhưng hóa ra, lão ăn bả chó để tử tự, để giữ vẹn nguyên tấm lòng trong sáng của lão. Lão ăn bả chó, lão chết như một con chó, vật vã, quằn quại trong đau đớn, để chuộc tội với cậu Vàng. Lão ăn bả chó cũng là để không bị cuộc sống dồn đẩy, bị tha hóa biến chất như Binh Tư, hay Chí Phèo… Cái chết của lão cũng chính là sự tự trọng của lão với con lão. Lão sống mà phải dựa vào tiền của con thì thà lão chết con hơn. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng trân trọng – lòng tự trọng của lão nông nghèo nhưng trong sạch. Lão chọn “chết trong còn hơn sống đục” khi bị dồn vào đường cùng. Tấm lòng nhân đạo của Nam Cao đã được thể hiện rất rõ. Thông qua cuộc đời bi thảm, nhưng phẩm chất thì sáng trong của lão Hạc, Nam Cao quả đã “khơi được những nguồn chưa ai khơi” và chính điều này đã đưa ông lên một vị trí vững chắc trong dòng văn học 1930-1945.
Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc sâu sắc. Đây là một nhân vật điển hình, đại diện cho tầng lớp những người nông dân trong xã hội cũ: Tuy đói nghèo nhưng có những phẩm chất cao đẹp. Nam Cao đã rất thành công trong cách xây dựng nhân vật. Thông qua cái nhìn ông giáo – một nhà trí thức, Nam Cao đã gián tiếp thể hiện tấm lòng của mình với người nông dân và đặt ra vấn đề “đôi mắt”: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…”. Tác giả cũng đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật rất rõ nét. Tâm lý nhân vật lão Hạc được thể hiện qua những hành động, lời nói của lão, nhiều đoạn đối thoại mà như độc thoại. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng nhiều khẩu ngữ, làm câu chuyện chân thực, sinh động, gần gũi với người nông dân.
Nhân vật lão Hạc quả thật đã để lại trong lòng người đọc ít nhiều suy nghĩ. Qua đó cũng thể hiện tài năng, tấm lòng của Nam Cao. Phải là một cây bút xuất sắc, một nhà văn thấu hiểu, am tường về người nông dân tới tận cùng, dành cho họ những tình cảm yêu mến, trân trọng cảm thông sâu sắc mới viết nên một truyện ngắn hay như thế. Với một nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên, Nam Cao đã khẳng định được tên tuổi của mình. Ông đã “khơi được những nguồn chưa ai khơi” và ghi lại trong lòng độc giả những tình cảm yêu mến.
Kết bài
Suy ngẫm lại nhận định sâu sắc của Hoàng Thi Thương, và nhìn vào cuộc đời lão Hạc, ta lại có thêm cho mình những tin yêu vào cuộc sống. Đói khổ đến cùng cực, cô đơn nhưng lão nông già nua ấy vẫn luôn giữ được trong mình nét đẹp đẽ của lòng tự trọng và tình yêu thương con sâu sắc. Thêm yêu lão Hạc và tin tưởng vào cuộc đời, là một lần chúng ta thêm cảm ơn Nam Cao, vì đã luôn nhìn nhận về con người và cuộc đời bằng cái nhìn nhân văn nhất, và rồi ghi vào lòng độc giả chúng ta những xúc cảm thật đẹp đẽ, thiêng liêng nhất.