DECUONG.VN Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Phân tích hình tượng nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng là đề bài quen thuộc nhằm giúp các em củng cố kiến thức về bài phú cũng như kĩ năng viết bài phân tích một tác phẩm. Hãy cùng tôi tham khảo những đặc sắc trong hình tượng nhân vật khách và có thêm những gợi ý về nội dung khi phân tích bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu dưới đây.

Bài làm

​Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Trương Hán Siêu không để lại cho đời nhiều tác phẩm, nhưng những sáng tác ấy đều gây được tiếng vang lớn, được đời sau ghi nhận. Trong số đó, “Phú sông Bạch Đằng” có lẽ là tác phẩm nổi bật hơn cả, được đánh giá là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam, thể hiện rõ nét hào khí Đông A. Qua hình tượng nhân vật khách, trong tác phẩm này, ta còn thấy được vẻ đẹp tráng khí của người anh hùng thời Trần cũng như âm hưởng chiến trận vang mãi muôn đời.

​“Phú sông Bạch Đằng” là đỉnh cao nghệ thuật của thể loại phú trong văn học trung đại Việt Nam. Theo đặc trưng của thể loại phú cổ thể, “khách” là sự phân thân của tác giả, tạo tính khách quan cho những điều sẽ nói, tạo nên lối chủ - khách đối đáp. Ở “Phú sông Bạch Đằng”, nhân vật khác trở thành hình tượng trung tâm. Xét về mặt cấu trúc văn bản, tác phẩm vẫn đáp ứng đầy đủ cấu trúc bốn đoạn thông thường: mở, giải thích, bình luận và kết, tuy nhiên ta có thể nhận thấy, “Bạch Đằng giang phú” là sự bộc bách cái tráng chí bốn phương tha thiết, là nỗi niềm về dĩ vãng oanh liệt của dân tộc năm xưa trên Bạch Đằng giang. Có lẽ bởi vậy mà nhiều người hiểu rằng khách chính là cái tôi của tác giả, là sự hoá thân tài tình của một bậc thi sĩ, một du sĩ và một đống anh hùng chất chứa nhiều tâm sự về quê hương, đất nước.

​Mở đầu, “Bạch Đằng giang phú”, Trương Hán Siêu viết:

“Khách có kẻ:

Giương buồm giong gió chơi vơi,

Lướt bể chơi trăng mải miết.”

​Ngay từ những câu văn đầu tiên, nhân vật khách đã thể hiện mình là người yêu thiên nhiên, say đắm thưởng ngoạn, tìm hiểu về cảnh vật quanh mình. Dường như với người khách ấy, không gì có thể sánh bằng việc chơi vơi trên sông nước, mải miết nhặt ánh trăng vàng, thả hồn với thiên nhiên cùng một tâm hồn đong đầy gió trăng. Thế nhưng cái thú vui ấy đối với khách không chỉ đơn giản là để thưởng thức vẻ đẹp của đất nước mà còn để bồi bổ thêm tri thức. Hai từ láy “chơi vơi”, “mải miết” càng tô đậm thêm sự say mê, đắm chìm trong giấc mộng hải hồ.

​Không chỉ có tình yêu dành cho thiên nhiên, nhân vật khách còn có vốn hiểu biết vô cùng phong phú:

“Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương,

Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt.

Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,

Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.

Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,

Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.

Bèn giữa dòng chừ buông chèo,

Học Tử Trường chừ thú tiêu dao.”

​Nhân vật khách đã liệt kê hàng loạt địa danh lịch sử lấy từ điển cố Trung Quốc như sông Nguyên, sông Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt, đầm Vân Mộng. Là một người ưa thích ngao du đó đây, nhân vật khách đã “tham quan” nhiều địa danh nổi tiếng của nước bạn qua sách vở, qua trí tưởng tượng, nhưng nhiêu đó vẫn chưa đủ với “tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”. Điều này chứng tỏ vốn kiến thức uyên thâm, lòng ham hiểu biết, mong muốn tìm tòi ở nhân vật này. Trương Hán Siêu “học Tử Trường chừ thú tiêu dao” đi du ngoạn thiên nhiên để hoà mình vào thắng cảnh, nghiên cứu lịch sử, trau dồi học thức, giãi bày tâm sự.

Thế nhưng, không vì mải miết chơi xa mà “khách” quên yêu những thắng cảnh của đất nước mình. Tác giả đến với thiên nhiên với mong muốn được hiểu biết nhiều hơn về phong cảnh đất nước mình, với niềm tự hào về những chiến công hiển hách của cha ông. Và đó là lí do khách dừng chân ở sông Bạch Đằng:

“Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều,

Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều.”

​Đứng trước cảnh sông nước hùng vĩ, tâm trạng nhân vật trữ tình biến đổi từ tự hào, vui tươi đến u buồn, ảm đạm:

“Bát ngát sóng kình muôn dặm,

Thướt tha đuôi trĩ một màu.

Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu.”

​Cảnh sắc của thiên nhiên trên sông Bạch Đằng được miêu tả dựa trên nhiều sắc thái khác nhau. Được chiêm ngưỡng con sông hùng vĩ, đẹp nên thơ, trong lòng tác giả không khỏi tấm tắc ca ngợi, phấn khởi và tự hào vì được sống trong cảnh thái bình. Qua hai câu văn “Bát ngát sóng kình muôn dặm, /Thướt tha đuôi trĩ một màu.”, nét đẹp hùng vĩ, hoành tráng của Bạch Đằng giang đã được thể hiện một cách rõ nét. Từ địa thế hiểm trở, dữ dội – yếu tố tiên quyết làm nên thành công vang dội của ba cuộc đánh lớn đánh tan quân Nam Hán, quân Tống và quân Nguyên Mông, đến “đuôi trĩ bảy màu”, những con thuyền nối đuôi nhau xuôi trên sông, tất cả đã làm nên sự hùng tráng của Bạch Đằng giang lịch sử. Tráng lệ là thế, nhưng con sông ấy cũng không kém phần trong sáng, nên thơ. Bạch Đằng đương ở tháng thứ ba của mùa thu, tất cả cảnh vật đều đã “chín”, bầu trời và mặt nước hoà chung một màu xanh hài hoà. Đối lập với sự hùng tráng của thắng cảnh là nét bi thương của bãi chiến trường:

“Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu.

Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô.”

Nhân vật khách không khỏi buồn thương, tiếc nuối trước vẻ ảm đạm, hiu hắt, hoang vu do dấu chân thời gian xoá nhoà, xoá mờ những dấu tích oai hùng của chiến trường xưa. Những từ láy gợi hình, gợi cảm “san sát”, “đìu hiu” đã khoác lên con sông Bạch Đằng vẻ đượm buồn, sức ăn mòn vạn vật của thời gian làm phai mờ dấu tích oai hùng một thời. Không những buồn thảm, nhân vật trữ tình còn hết sức chua xót và thương cảm bởi hậu quả kinh khủng mà chiến tranh để lại trên dòng sông lịch sử: “Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô”. Con sông Bạch Đằng đã nhấn chìm bao xương máu, nuốt trôi bao sinh mạng của những nạn nhân trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tác giả chỉ có thể ngậm ngùi:

“Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu.

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!”

Sau này, Nguyễn Trãi cũng không tránh khỏi đau thương khi tới đây:

“Việc trước quay đầu ôi đã vắng

Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng”

​Bao nhiêu thương cảm dồn nén ấy lại nhen nhóm trong lòng thi nhân ước vọng được một lần nữa sống lại những khoảnh khắc oai hùng thưở xưa. Bởi vậy mới có nhân vật các bô lão – những người trong cuộc, đã chứng kiến, đã tham gia, giờ đây được tái hiện để gieo vào lòng khách niềm tự hào, kiêu hành của những chiến thắng lẫy lững trên dòng sông lịch sử năm xưa. “Khách” được các bô lão kể về chiến tích Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã. Sau lời kể về trận chiến là lời bình luận và suy ngẫm của các bô lão về chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Trong cuộc đối thoại, nhân vật “khách” đóng vai trò là người lắng nghe câu chuyện, đồng thời là người nói lời cuối cùng, kết lại lời kể và bình luận của các bô lão. Tuy nhân vật khách không hề tham gia vào câu chuyện của các vị bô lão, nhưng khách vẫn hiện diện qua cảm xúc. Lời kể mang đậm chất ước lệ, cường điệu pha lẫn cảm hứng vũ trụ đã tái hiện sống động, hoành tráng, hào hùng những trận đánh năm xưa. Bao cảm xúc buồn thương trước đó tan biến, nhường chỗ cho sự kiêu hãnh, mãn nguyện, thán phục về một thuở quá đỗi hào hùng, về một truyền thống yêu nước bất diệt không bao giờ phai. Khách cứ thế mà đồng tình với cách cắt nghĩa nguyên nhân những thắng lợi ấy của các vị bô lão. Cũng là một người am hiểu, thấu trọn lẽ đời và cốt lõi lịch sử, khách nhận ra thiên có thời, địa có lợi, nhưng nhân phải hoà mới làm nên được thành công. Thời thế thuận lợi, “trời cũng chiều người”, trời cũng buết ta khao khát một chiến thắng để đánh tan quân xâm lược. Ta đã lợi dụng địa hình hiểm trở của sông Bạch Đằng để bày mưu tính kế, khiến quân thù thất bại thảm hại. Và khách đã dành trọn sự ngợi ca của mình đến những bậc thánh quân, những người đã làm nên chiến thắng của dân tộc, bởi có tướng tài, nhân dân mới đồng lòng chống giặc.

​Lời ca cuối cùng của khách như âm vang theo nhịp sóng Bạch Đằng:

“Anh minh hai vị thánh quân,

Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.

Giặc tan muôn thuở thăng bình,

Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.”

Khách bởi vậy mà đã khơi dậy những giá trị lịch sử rất đỗi thiêng liêng của dân tộc, đề cao vị trí, vai trò của con người trong lịch sử nhưng cũng ngầm truyền tải tâm sự thời thế mà ông chẳng thể nói ra. Khách đã không tiếc lời ca ngợi sự anh minh của hai vị thánh quân Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông. Cùng với câu chuyện của các bô lão, khách cũng ca ngợi chiến tích hiển hách trên sông Bạch Đằng, đồng thời khẳng định nhân lý, vai trò và vị trí quyết định của con người trong tương quan với yếu tố đất đai hiểm yếu. Nếu không biết dựa vào thiên nhiên, không nhạy bén thì không thể nghĩ ra những mưu kế để tiêu diệt đội quân hùng mạnh nhất nhì thế giới, từ đó, ta có thể thấy niềm tự hào dân tộc sâu sắc và tư tưởng nhân văn cao đẹp được gửi gắm, chăm chút trong từng câu văn của Trương Hán Siêu.

“Bạch Đằng giang phú” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho cảm hứng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc cao cả. Với giọng văn linh hoạt, từ hào hùng, trầm lắng, suy tư, đến tha thiết, tất cả đều góp phần đem đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc mới mẻ nhưng không kém phần sâu sắc. Qua bút pháp rất đặc trưng của thơ văn trung đại, nhân vật khách đã được khắc họa vô cùng thành công trong bài phú, trở thành một hình tượng nghệ thuật đặc sắc của văn học thời kỳ này. Có thể nói, nhân vật khách đã hội tụ, kết tinh hết thảy những phẩm chất cao đẹp của chính tác giả: lòng ham học hỏi, tráng chí bốn phương, tình yêu tha thiết với thiên nhiên. Bên cạnh đó, tác giả bày tỏ tâm trạng của ông, cũng như bao người dân đất Việt trước những chiến công oanh liệt trên con sông Bạch Đằng. Đó là niềm tự hào về cha ông, về dân tộc, là lòng yêu nước yêu quê tha thiết, là sự thương xót và nuối tiếc cho chiến tranh thảm khốc. Nhân vật khách với những tư tưởng của tác giả cũng chính là tư tưởng chung cho rất nhiều bậc chí sĩ đương thời.

👉 Có thể thấy, trong bài “Phú sông Bạch Đằng” Trương Hán Siêu đã sử dụng thành công bút pháp nghệ thuật đặc trưng của văn học trung đại. Đó là tả cảnh và lối kể mang tính ước lệ, đó là điển tích, điển cố. Phân tích nhân vật khách trong bài phú sông bạch đằng ta cũng thấy rõ kẻ khách mang những phẩm chất của chính Trương Hán Siêu.

@if (!string.IsNullOrEmpty(Model.UrlShopee)) {
}