DECUONG.VN Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Trong bài thi môn Ngữ văn, phần làm văn sẽ chiếm đến 1 nửa số điểm, chính vì vậy hãy đảm bảo bài văn của bạn đủ cảm xúc. Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn có được những ý tưởng hay cho phần mở bài của riêng mình khi làm các bài nghị luận văn học.

Tổng hợp mở bài cho tất cả tác phẩm văn học lớp 9

1. Chị em Thúy Kiều

Xanh Bơ-vo đã nói, đại ý: nếu chọn nhà văn tiêu biểu cho từng nước, nước Anh sẽ không ngần ngại chọn Secxpia, nước Pháp – Molie và nước Đức – Gớt. Còn tôi, nếu có quyền được chọn, tôi sẽ không đắn đo nêu tên Nguyễn Du cùng kiệt tác Đoạn trường tân thanh. Đó là một trong những đỉnh cao chói ngời của nền văn học Việt Nam, nền văn học thế giới, làm nên giá trị bất hủ của tác phẩm này có nhiều nguyên nhân song một điều không ai có thể phủ nhận là tài nghệ miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật sắc sảo đến mức các nhà viết tiểu thuyết hiện đại cũng khó lòng theo kịp Nguyễn Du. Và giờ đây chúng ta cùng khám phá tài năng đỉnh cao ấy qua trích đoạn “Chị em Thuý Kiều” để thấy được quả thực ông xứng đáng được người đời ca tụng với cái tên “Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du”.

2. Cảnh ngày Xuân

Nền thơ ca Việt Nam đã trở nên vô cùng phong phú với sự góp mặt của chủ đề mùa xuân. Ta từng nghe qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”- Thanh Hải, thi phẩm “Ông đồ”- Vũ Đình Liên hay những vần thơ trong “Xuân”- Chế Lan Viên… Nhưng giờ đây ta hãy cùng ngược dòng thời gian để trở về với những dòng thơ lục bát của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du mà ở đây ta sẽ bắt gặp một mùa xuân thanh bình, tươi mát và tràn đầy sức sống khiến lòng người không khỏi say mê, xao xuyến đó chính là trích đoạn “Cảnh ngày xuân” trong thi phẩm “Truyện Kiều”. Bài thơ đã phần nào khẳng định tài năng của ông qua bút pháp miêu tả thiên nhiên đầy tinh tế cũng như sáng tạo, và có lẽ đây là một trong những trang thơ về mùa xuân đẹp nhất mà ta từng biết đến trong dòng chảy văn học bất tận. Cũng bởi lẽ vậy mà Tố Hữu

sau này từng viết:

“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày”

3. Kiều ở lầu ngưng bích

Trong dòng chảy văn học trung đại Việt Nam đã từng xuất hiện nhiều nhà thơ kiệt xuất, từng có nhiều áng thiên cổ hùng kì bút lưu giữ ngàn đời. Nếu như đương thời chỉ có một Hồ Xuân Hương “học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoá” hay một Phạm Thái tài hoa mà ngang tàng, ngang tàng mà chân thực, chân thực mà ngông nghênh, bảo thủ. Và đương nhiên cũng chỉ có một Tố Như “lời văn tả hình như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy”, một Tố Như “có con mắt trong thấu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” mới có thể tạo nên một “Đoạn trường tân thanh” bất hủ đến vậy! Đến với đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” của tác phẩm, ta sẽ thấy bút pháp miêu tả tài hoa, tinh tế khiến đời đời kiếp kiếp phải nể phục mà xứng tên ông rằng “đại thi hào dân tộc Nguyễn Du”.

4. Đồng Chí - Chính Hữu

Nhà thơ Tố Hữu từng viết:
“Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn là người lính đi đầu”
Như một lẽ tự nhiên, khi người lính đi đầu trong sứ mệnh lịch sử thì họ cũng sẽ trở thành hình tượng trung tâm trong các tác phẩm thời kì kháng chiến. Thơ viết về người lính quả thực rất nhiều, ta từng biết đến “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”- Phạm Tiến Duật, “Những ngôi sao xa xôi”- Lê Minh Khuê, “Tây Tiến”- Quang Dũng hay “Áo lính sư đoàn”- Nguyễn Đức Mậu,… Những có lẽ bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu là sự mở đầu chân thực và ý đầy ý nghĩa về hình tượng ấy bởi nó được viết bằng chính cảm xúc trong tháng ngày gian khó mà đầy tình nghĩa, đó là “sự chân tình, tự nhiên, không gì gò bó, gượng ép”

5. Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Phạm Tiến Duật thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước cùng với các gương mặt khác như Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo hay Xuân Quỳnh. Khác với thơ Nguyễn Duy: giản dị, sau sắc, giàu tính triết lí, thơ Phạm Tiến Duật lại sôi nổi, trẻ trung, tự nhiên, phóng khoáng và “Bài thơ về tiểu đội xe không khí” cũng không ngoại lệ. Bài thơ là vẻ đẹp hình tượng người lính lái xe Trường Sơn, họ là tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam ở Trường Sơn trong những năm tháng mưa bom bão đạn khắc nghiệt . Đó là một thế hệ chịu nhiều gian khổ, hi sinh nhưng vẫn luôn toả sáng phẩm chất anh hùng cách mạng và bộc lộ sự lãng mạn, trẻ trung của tâm hồn:

“Xe dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

6. Viếng lăng Bác

Bác Hồ- tiếng gọi sao mà thân thương đến thế! Người là một nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca Việt Nam, thơ về người rất nhiều nhưng mỗi bài thơ lại dẫn ta đến những vùng đất khác nhau. Nếu “Sáng tháng năm” của Tố Hữu là tình cảm tha thiết, sôi nổi của nhà thơ với Bác khi ở chiến khu, hay “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ là niềm xúc động của ông trước tình thương bao la mà Bác dành cho mọi người,… Trong khi đó “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương lại là bài ca chân thành, cảm động của nhà thơ đối với Người, bài thơ như chạm đến tim người đọc, để lại trong ta niềm xúc động đến nghẹn ngào kèm theo chút nỗi buồn man mác: ôm cả non sông chọn kiếp người, Bác đã đi rồi sao Bác ơi!

Đoàn thuyền đánh cá

 “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm
Nỗi nhớ thương không biết đã tan chưa?”
(Mai sau)

Nhà thơ Huy Cận được biết đến trước Cách Mạng trong phong trào thơ mới với cảm hứng về thiên nhiên, vụ trụ mang âm hưởng củ nỗi buồn, “nỗi sầu vạn cổ”. Nhưng sau Cách Mạng Tháng Tám, thơ của ông có thêm một nguồn tiếp sức mạnh mẽ và mới lạ đó là cảm hứng ngợi ca cuộc sống và con người lao động mới mà có lẽ bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là thi phẩm tiêu biểu của Huy Cận trong thời kì ấy. “Đoàn thuyền đánh cá” giúp ta thấy được vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, sự giàu có của biển khơi, qua đó ngợi ca khí thế lao động hăng say, yêu đời của người lao động mới đang làm chủ cuộc sống và đất nước:

“Tập làm chủ, tập làm người lao động
Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên”

7. Lặng lẽ Sa Pa

Có những tác phẩm đã trải qua biết bao năm tháng nhưng nó ngân vang trong lòng ta những rung động nhẹ nhàng mà thú vị, đẹp đẽ mà không khoa trương, giản dị mà chẳng kém phần tinh tế bởi “Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp” (Pautopxki) và ta đã thực sự đã đến được với “xứ sở” ấy qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Ông được đánh giá là một trong những cây bút đáng chú ý nhất của thế kỉ trước khi chuyên viết về truyện ngắn và kí. Các tác phẩm của ông thường có lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, giàu chất thơ và “Lặng lẽ Sa Pa” được in trong tập “Giữa trong xanh” cũng không ngoại lệ. Câu chuyện gửi gắm tới người đọc, giúp người đọc thấm nhuần vẻ đẹp của những con người lao động mới khi họ đã dệt lên một bài ca về tình yêu đất nước và đã dệ trong lòng ta những suy nghĩ đẹp đẽ đến khó quên!

8. Làng

Nếu như lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao là hình ảnh điển hình cho người nông dân trước Cách Mạng Tháng Tám thì ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân lại là hình ảnh điển hình cho người nông dân Việt Nam sau Cách Mạng trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Kim Lân viết ít nhưng có những truyện ngắn được đánh giá là đặc sắc, thậm chí xếp vào hàng kiệt tác như “Làng” hay “Vợ nhặt”. Nguyên Hồng đã từng nhận xét rằng: “Một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu, thuỷ nguyên của quê hương” bởi vậy mà những truyện ngắn ông viết ra rất gần gũi, đời thường và “Làng” cũng không phải là ngoại lệ. Tác phẩm đặc biệt cho ta thấy tài năng của Kim Lân qua cách tạo tình huống truyện đặc sắc, miêu tả tâm lí, diễn biến nội tâm tinh tế và phong phú qua đó góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm: tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân trong thời kì đầu kháng chiến.

9. Chiếc lược ngà

Giữa lúc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt có biết bao câu chuyện về người lính đã trở thành huyền thoại đẹp tựa cổ tích đời thường bởi lẽ “không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”(Andecxen) và “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng cũng không phải ngoại lệ. Ta biết rằng, từ xưa đến nay, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây ta đều bắt gặp những trang văn bất hủ về tình mẫu tử. Đó là trang hồi kí về tuổi thơ cay đắng, tủi hờn của cậu bé Nguyên Hồng, đó là sự ngọt ngào của nhũng vần thơ về tình mẹ trong tập thơ “Trang non” của Ta- go,… Nhưng trên thi đàn văn học của nhân loại gần như ta lại thấy vắng bóng của tình phụ tử, chỉ đến khi truyện ngắn “Chiếc lược ngà” ra đời ta mới thực sự ngỡ ngàng cảm cảm nhận được sự thiêng liêng cao cả, bao la diệu kì mà ở tác phẩm chính là tình phụ tử giữa ông Sáu và bé Thu. Thứ tình cảm ấy ngay cả mưa bom bão đạn, khói lửa chiến tranh cũng chẳng thể dập tắt nổi bởi lẽ: “Vượt qua bi kịch của chiến tranh, Nguyễn Quang Sáng đã cất cao bài ca thiêng liêng về tình phụ tử”.

10. Mùa Xuân nho nhỏ

Mùa xuân là đề tài bất tận cho thi sĩ thoả sức sáng tạo, thoả sức thổi hồn vào từng dòng thơ, từng câu chữ. Mỗi nhà văn, mỗi tính cách, mỗi cái nhìn khiến cho sự bất tận lại càng thêm phần bất tận. Ta từng thấy một mùa xuân mang trong mình những triết lí sâu sắc của Chế Lan Viên:

“Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Mong chi xuân lại gợi thêm sầu”

hay một mùa xuân rất trữ tình, rất táo bạo trong thơ thi sĩ Xuân Diệu:

“Xuân đương tới là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”

thì giờ đây ta hãy cùng nhau khám phá mùa xuân của nhà thơ Thanh Hải. Mùa xuân ấy mang vẻ đẹp về thiên nhiên và đất nước, mùa xuân ấy mang trầm tư, suy nghĩ về đời người qua đó cho người đọc thấy những ước nguyện và khát vọng khiêm nhường mà chân thành, tha thiết của nhà thơ

11. Bếp Lửa

Chỉ có một tiếng gà mái nhảy ổ cục tác trong nắng trưa, chỉ có một bếp lửa chờn vờn trong sương sớm mà có biết bao nghĩa tình, sao tha thiết, sâu lắng đến thế! Thì ra, có khi những điều nhỏ nhoi, giản dị nhất lại ẩn chứa tâm tinh, chắt đọng những điều thiêng liêng, là hiện hình của những tình cảm thiết tha chân thành không thể nào quên. “Tiếng gà trưa” đánh thức Xuân Quỳnh những kỉ niệm về một thời ấu thơ sống trong tình yêu thương của bà, còn với Bằng Việt, “Bếp lửa” lạ trở thanh một hình ảnh biểu trưng cho sự ấm áp nồng đượm của tình bà cháu.

12. Nói Với Con

Tình thương con người luôn là cảm hứng đẹp trong thơ ca bởi lẽ vậy Van Gốc từng nói rằng: “không có gì nghệ thuật hơn bản thân lòng yêu quý con người”. Nếu bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên là tình yêu dịu dàng, tha thiết của mẹ dành cho con thì “Nói với con” của Y Phương lại là lời người cha trò chuyện tâm tình nhưng cũng chẳng kém phần mạnh mẽ, dứt khoát qua đó thể hiện tình yêu và niềm tự hào về quê hương dân tộc mình đồng thời dặn dò con những bài học, những lẽ sống cao đẹp trong cuộc đời.

13. Sang Thu

Mùa thu từng dệt nên một miền thơ đẹp. Ta đã từng yêu một mùa thu thơ mộng, huyền ảo trong “Truyện Kiều”:

“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phới bóng vàng”

một mùa thu trong trẻo, thanh tao trong các bài thơ của Nguyễn Khuyến, đến thơ mới ta lại bắt gặp mùa thu ảo mộng trong “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, và hiển nhiên cũng không thể không yêu khoảnh khắc “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Bài thơ tựa một bản nhạc dịu dàng, tinh tế về khoảnh khắc chuyển giao kì diệu của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, khúc nhạc ấy ngân lên cảm xúc thiết tha mà sâu sắc như chạm đến tâm hồn người đọc với những rung động thật ngọt ngào!

14. Ánh Trăng

Không biết tự bao giờ trăng dã trở thành nàng thơ, thành người bạn tri âm tri kỉ củ biết bao tâm hồn thi sĩ. Với ánh sáng huyền diệu, với chu kì tròn khuyết lạ lùng, trăng đã gợi cho các thi nhân cổ kim nhiều thi tứ. Trong miền mênh mang ấy, “Ánh trăng” của Nguyễn Duy như một lời tâm sự chân thành, đã neo lại trong tâm hồn người đọc những tâm trạng riêng, những suy ngẫm riêng giàu trăn trở.

15. Những ngôi sao xa xôi

Đường Trường Sơn- tuyến đường huyết mạch gắn liền với những năm tháng kháng chiến chống Mĩ dữ dội mà hào hùng của dân tộc. Tuyến đường ấy không chỉ in sâu trong kí ức của những người lính bước ra từ chiến tranh mà còn ghi dấu trong nền thơ ca cách mạng với những tác phẩm thơ văn hay, đặc sắc nhất. Đó là hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật, đó là những cô gái mở đường trong "Khoảng trời, hố bom" của Lâm Thị Mỹ Dạ. Cũng viết về chiến tranh, viết về tuyến đường Trường Sơn lịch sử, đương nhiên không thể thiếu “Nhưng ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Truyện ngắn kể lại cuộc sống và khắc hoạ chân dung, tâm hồn, tính cách của ba cô gái trẻ, ba vì sao xa xôi trên bầu trời Trường Sơn và họ chính là hình tượng tiêu biểu cho thế hệ trẻ miền Bắc cống hiến, hi sinh cho miền Nam với tinh thần: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

👉 Qua các nội dung trên tôi đã lần lượt chia sẻ đến một cách chi tiết nhất giúp bạn có thể viết được một đoạn văn mở bài hay. Chúc các bạn ôn tập đạt được kết quả tốt trong kì thi sắp tới.

Decuong.vn

@if (!string.IsNullOrEmpty(Model.UrlShopee)) {
}