Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã chứng kiến bao kì tích của những người nông dân. Họ đã làm nên lịch sử từ đôi bàn tay cày cuốc, đôi bàn chân lấm lem bùn lầy. Họ là những chàng “Thạch Sanh của thế kỉ XX”. Đã có biết bao tiếng hát, lời thơ ca ngợi những anh hùng “chân đất” ấy. Là một chiến sĩ, đồng thời cũng là một nghệ sĩ, với bài thơ Đồng chí, Chính Hữu đã góp một bản hùng ca hoà vào bản đàn chung về những người lính anh dũng của một thời kháng chiến gian khổ mà hào hùng.
Năm hai mươi tuổi, Chính Hữu viết về người lính trong “Ngày về” nhưng ở bài thơ này hình ảnh người chiến sĩ hiện lên với nhiều nét ước lệ, với những thanh gươm, áo bào, đôi giày vạn dặm, khác xa lắm người lính trong cuộc chiến thực tại:
“Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phui bạc áo hào hoa”
(Chính Hữu – Ngày về)
Ba năm sau (1948), khi tham gia vào hàng ngũ cách mạng, được trực tiếp trải nghiệm đời lính, được chứng kiến những mất mát, hi sinh, những khó khăn gian khổ, được sống trong tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, Chính Hữu đã có cái nhìn, cách cảm nhận khác về người lính. Điều đó được thể hiện rõ trong bài thơ Đổng chí. Ngay từ khi mới ra đời, Đồng chí đã được đón nhận nồng nhiệt. Có thể coi đó là một trong những áng thơ đẹp nhất về người lính, vẻ đẹp của bài thơ chính là vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội được hiện lên qua những “chi tiết và hình ảnh tự nhiên, bình dị mà cô đọng, giàu sức biểu cảm” (SGK Ngữ văn 9, tập 1).
Mở đầu bài thơ là sự khái quát về cảnh ngộ của những người lính:
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.”
Ngôn ngữ thơ giản dị như lời ăn tiếng nói thường ngày của người dân quê. Ta bắt gặp ở đây những thành ngữ quen thuộc “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”, thể hiện rõ nhất nguồn gốc xuất thân của những người lính. Họ đến từ mọi miển Tổ quốc, từ những vùng đồng bằng châu thổ quanh năm ngập lụt đến vùng đồi núi trung du khô cằn. Những con người xa lạ, cách nhau cả một phương trời nhưng giống nhau ở cái nghèo, sự lam lũ khó nhọc của người dân quê Việt Nam. Chính sự đồng cảnh ấy đã khiến họ xích lại gần nhau, để từ những “người xa lạ”, họ tập hợp lại trong hàng ngũ cách mạng và trở thành quen biết, thân thiết với nhau:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.”
Những hình ảnh thơ rất thực nhưng cũng đầy sức gợi. Điệp từ “bên” cùng cấu trúc song hành có tác dụng khẳng định sự gắn bó khăng khít giữa những người lính. Họ cùng chung nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc “súng bên súng” (cùng chung lí tưởng, suy nghĩ – “đầu sát bên đầu”). “Cái hay của nhà thơ là đã biết đem cái ấm áp của “đêm rét chung chăn” vào bài thơ, sưởi nóng mối tình đồng chí lên thành mức độ tri kỉ”. Những người lính đến với nhau nhẹ nhàng bình dị, vừa có cái chung của lí tưởng lớn, vừa có cái riêng của một đôi bạn ỷ hợp tâm đầu. Và cứ giản dị như thế, những con người cùng chung gian khó ấy trở thành đồng chí của nhau: Đồng chí!
Hai tiếng “đồng chí” vang lên, như một tiếng gọi thiết tha. Nhịp thơ đang dàn trải, như những lời thủ thỉ, tâm tình, đến đây chợt lắng lại, ngắt ra thành một câu thơ riêng, chỉ với hai từ và dấu chấm than, tựa như một nốt nhấn ngân vang. Nó vừa là một định nghĩa giản dị về tình đồng chí, vừa có ý nghĩa bản lề đóng lại những dòng cảm xúc bên trên và mở ra những nguồn mạch biểu hiện mới của tình đồng đội. Chính Hữu đã từng có những định nghĩa giản dị như vậy về tình đồng đội thiêng liêng:
“56 ngày đêm bom gầm, pháo giội
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội Đồng đội ta
Là hớp nước uống chung
Nắm cơm sẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.”
Đồng chí là thế. Là sự gắn bó tha thiết tự trong tim, là sự sẻ chia những tâm tư, những gian khó cuộc đời, là sự thấu hiểu những tình cảm, nghĩ suy:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”