DECUONG.VN Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Trong truyện ngắn Chiếc Thuyền Ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, hình ảnh người đàn bà hàng chài đã được tác giả lột tả rất rõ nét. Sau đây là dàn ý phân tích hình ảnh người đàn bà làng chài cùng với bài văn mẫu phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài hay sâu sắc giúp các bạn cảm nhận được số phận của người phụ nữ khắc khổ, luôn cam chịu để chăm lo cho con cái.

Những câu nói hay về lý luận văn học ngắn gọn hay nhất

Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa ngắn gọn hay nhất

Tổng hợp kiến thức Người lái đò sông Đà

Vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài - Chiếc thuyền ngoài xa

Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Phân Tích Bài Thơ Tây Tiến

Phân Tích Bài Thơ Việt Bắc

Phân Tích Bài Đất Nước

Phân tích hình ảnh Người Lái Đò Sông Đà

Đề bài

Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn Nguyễn Minh Châu hai lần miêu tả hành động van xin của người đàn bà hàng chài:

Tại bờ biển, khi bị chồng đánh và chứng kiến cảnh bạo lực giữa chồng và đứa con trai: “Người đàn bà dường như lúc này mới cảm thấy đau đớn - vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã.

- Phác, con ơi!

Miệng mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy.”

Và tại tòa án huyện, khi Đẩu - chánh án tòa án huyện - khuyên chị li hôn: “Người đàn bà hướng về phía Đẩu, tự nhiên chắp tay lại vái lia lịa:

- Con lạy quý tòa (…) Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…”

Hãy phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài trong hai lần miêu tả trên, từ đó nhận xét vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật này.

Bài làm

Nguyễn Minh Châu được xướng danh là cây bút tiên phong tài hoa của nền văn học hiện đại. Nhà văn Đỗ Ngọc Yên từng khẳng định “Nguyễn Minh Châu là người đầu tiên, với trái tim bỏng cháy như muốn thiêu đốt cả trời đất này, riết ròng lo toan cho sự đổi mới của văn chương Việt đương đại”. Nếu như trước năm 1975, ông tập trung khai thác con người trong sự kiện, chiến tranh thì sau năm 1975 ông đi sâu vào khám phá con người trong con người. Điển hình cho sự chuyển mình này của nhà văn, ta phải kể đến truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” hoàn thành năm 1983. Chân dung người đàn bà hàng chài trong tác phẩm được bóc tách từng lớp vỏ, từ đó làm lộ ra “hạt ngọc” ẩn sâu bên trong người phụ nữ này. Đặc biệt rõ nét là qua hai lần miêu tả chị vái lạy, van xin trên bờ biển: “Người đàn bà dường như…rồi lại ôm chầm lấy” và tại tòa án huyện: “Người đàn bà hướng về phía Đẩu…đừng bắt con bỏ nó.” Bằng ngòi bút nhân đạo của mình, Nguyễn Minh Châu đã khắc họa cảm động những vẻ đẹp bị khuất lấp của người đàn bà hàng chài.

Sự chuyển mình trong tư tưởng cũng như trong phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu là một điều tất yếu bởi lẽ từ trước khi đất nước hòa bình, ông đã có những trăn trở về sự đổi mới. Trải qua những chuyến công tác đến nhiều vùng miền khác nhau trên Tổ quốc, ông đã có những trải nghiệm sống, những triết lý sống mà đã được thể hiện rất sâu sắc qua tư duy sáng tác. Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” là một thành quả của ông trên con đường tìm đến những vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh. Ban đầu truyện được in trong tập “Bến quê” năm 1985 nhưng sau này được chuyển in sang tập truyện khác cùng tên. Câu chuyện kể về chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh tên Phùng. Do nhận được yêu cầu từ cấp trên là chụp một bộ ảnh “Thuyền và biển” cho bộ lịch năm sau nên Phùng đã đến một vùng ven biển mà xưa kia là chiến trường nơi anh chiến đấu. Tại đây, anh đã chụp được bức ảnh con thuyền từ xa trong buổi sớm mai lung linh, huyền ảo, hệt như một giấc mơ vậy. Nhưng trớ trêu thay, trái ngược với “bức tranh mực tàu” đó là cảnh tượng khi con thuyền lại gần: một gia đình làng chài xấu xí, rách rưới và cảnh bạo lực gia đình đau đớn. Nghịch lý cuộc đời hiện ra ngay trước mắt khiến anh ngỡ ngàng, sững sờ. Rồi những ngày sau đó, cảnh bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn và người đàn bà hàng chài được mời đến tòa án huyện để gặp Phùng và Đẩu - chánh án huyện. Tại đây, những lời nói và hành động của người đàn bà làng chài đã đưa Phùng và Đẩu đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cùng với nghệ thuật tạo dựng tình huống đặc sắc, việc xây dựng lời thoại phù hợp với nhân vật cũng là điểm sáng trong các tác phẩm này của Nguyễn Minh Châu. Từ đó, nhà văn không chỉ xây dựng được một cách đầy đủ, rõ nét chân dung người phụ nữ miền biển khổ đau, khốn khó nhưng giàu lòng yêu thương gia đình, mà còn thể hiện sâu sắc được tư tưởng nhân đạo của mình ở câu chuyện này.

Giống như cô kỹ sư trẻ trong “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, người đàn bà hàng chài cũng được xây dựng là một nhân vật không có tên cụ thể, chỉ gọi theo tên công việc. Có khác thì cũng gọi bằng “mụ”, “chị ta”, “người đàn bà”. Qua con mắt của nghệ sĩ Phùng, điểm nhìn trần thuật của tác giả, người đàn bà hiện lên với khuôn mặt xấu xí, rỗ mặt, tái nhợt, mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới. Thân hình chị “cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch, rách nát. Ta nhìn chị như nhìn thấy bao người phụ nữ miền biển khác. Ở đó, ta phần nào thấy được sự vất vả, cơ cực, nghèo khổ đã in dấu trên hình hài và dáng vẻ của những người phụ nữ ngày đêm bám biển. Dù đau khổ nhưng khi có lối thoát, chị không những thẳng thừng từ chối mà lại có những hành động như van lạy, van xin. Đây là một hành động mà thoạt qua, ta có thể thấy được sự mê muội, mù quáng. Nhưng bằng ngòi bút thấm đẫm tình người của mình, Nguyễn Minh Châu đã cho ta thấy ẩn sâu trong hành động đó là tấm lòng của một người mẹ, người vợ với gia đình của mình.

Khi chứng kiến người đàn bà hàng chài bị chồng của mình quật những đòn roi tới tấp vào lưng, vừa đánh vừa chửi rủa, Phùng đã vứt máy ảnh qua một bên, lao qua ngăn cản. Nhưng chưa kịp ra thì bỗng Phác, đứa con của hai người, lao vào người ông bố. Nhìn cảnh tượng con vì mình mà ra tay với bố nó, người đàn bà lúc này như mới thấy “vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”. Chị mếu máo gọi tên con, ôm lấy nó rồi van xin nó. Hành động này của người đàn bà hàng chài quả thực là một nghịch lý: người mẹ mà lại đi quỳ lạy, van xin đứa con của chính mình. Nhưng thực ra, đằng sau nghịch lý trớ trêu đó là cả tấm lòng của người mẹ. Chị sợ con mình sẽ vì mình mà bất hiếu với cha, chị sợ một ngày nào đó, Phác cũng sẽ trở thành một người vũ phu và tàn bạo hơn cha nó. Không chỉ là nỗi lo canh cánh trong lòng về người con, mà hành động van xin của chị còn đựng cả nỗi xấu hổ, nỗi tủi hơn vì mình chưa làm tròn bổn phận của người mẹ. Dù đã xin chồng đi ra chỗ khuất để bọn trẻ không nhìn thấy, để chị không làm tổn thương tâm hồn trong trắng của chúng, nhưng cuối cùng chị lại thất bại. Hành động lạy đứa con trai của chị có thể hiểu là một sự cầu xin thằng bé giữ trọn chữ hiếu với cha nó, nhưng cũng có thể hiểu là một sự cầu xin được tha thứ từ người con vì chưa trọn phận làm mẹ. Đối với cốt truyện, chi tiết góp phần đẩy cái nghịch lý, cái ngược đời lên trên, từ đó xây dựng tình huống truyện độc đáo. Giống như chiếc thuyền ngoài xa, thoạt nhìn thì đẹp như một giấc mơ nhưng bên trong lại là những con người xấu xí, hành động van lạy của người đàn bà khiến ta phải suy ngẫm, xem xét lại về cách nhìn người, cách nhìn cuộc sống. Không phải tự nhiên mà người mẹ sẽ có hành động ấy. Phải thương con, yêu con, thương xót khi thấy con vì mình phạm lỗi đạo đến mức nào, thì người mẹ mới có thể đau đớn ôm đứa con rồi van xin nó như vậy chứ? Suốt từ khi thằng con lao tới đánh bố nó cho đến khi con thuyền cùng cặp vợ chồng rời đi, tất cả trông như một vở kịch câm với một lời thoại duy nhất: “Phác, con ơi!” sáng lên ở giữa đoạn trích. Việc để tiếng gọi của bà mẹ đi liền sau là hành động van lạy đã khiến người đọc không khỏi xót xa, thương cảm cho tình cảnh trớ trêu của người đàn bà hàng chài, của gia đình miền biển này. Đồng thời, thấy thêm trân trọng, nâng niu tình mẫu tử thiêng liêng mà cao quý giữa người đàn bà và con trai. Qua đó, tác giả cũng đồng thời phê phán những hành vi bạo lực gia đình tàn bạo đang diễn ra trong hiện thực cuộc sống mà không phải ai cũng có thể liên tiếng phản đối hay phản kháng.

Những ngày sau đó, cảnh bạo lực vẫn tiếp diễn, vậy nên Đẩu - người đại diện cho công lý, đã mời người đàn bà lên tòa án huyện. Tại đây, Đẩu với lòng thiện tâm chân thành đã hết mực khuyên chị nên ly hôn. Nhưng bất ngờ thay, chị không chỉ từ chối mà còn “chắp tay vái lia lịa”. Điều này đã đẩy nghịch lý lên cao trào. Chị van xin: “Con lạy quý tòa…Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ bó…”. Dù rằng gã đàn ông mà chị coi là chồng kia lôi chị ra đánh “ba ngày một trận nặng, năm ngày một trận nhẹ” nhưng chị vẫn một mực quyết không li hôn, một mực quyết không giải thoát cho mình khỏi người đàn ông ấy. Sự trăn trở của người đọc trong tình huống này cũng chính là sự trăn trở của Phùng và Đẩu. Nếu như Đẩu hỏi “Sao? Sao?” thì Phùng lại thấy bức bối và ngột ngạt đến lạ thường. Phải chăng người đàn bà này đã quá u mê, mù quáng? Phải chăng mụ đớn hèn, không dám đấu tranh cho bản thân? Hay đằng sau tất cả những chuyện chị đang làm còn có uẩn khúc? Cái vái lạy của chị cùng câu nói đã đem đến cho người đọc sự bế tắc, bi quan về nghịch lí cuộc đời đang hiện ra trước mắt. Song đó cũng là chiếc chìa khóa mở cánh cửa về cuộc đời của người phụ nữ miền biển này. Phải đến khi nghe được câu chuyện về cuộc đời chị, ta mới thấu được cái hành động van xin đó của chị. Không hề bồng bột, mù quáng mà đó là quyết định sáng suốt nhất và cũng là lựa chọn duy nhất của người đàn bà hàng chài. Thoạt đầu, khi nhìn vào cử chỉ, lời nói, hành động của chị, ta có thể nhận xét người phụ nữ quê mùa này là một người không có học thức uyên thâm như Phùng và Đẩu, cũng không có lý tưởng, ý thức công bằng sáng chói như hai anh. Nhưng nếu gỡ bỏ hết lớp vỏ ngoài xấu xí của chị ra thì ta có thể thấy được tấm lòng của một người mẹ, một người vợ, một người luôn khao khát vun vén hạnh phúc gia đình đang tỏa sáng đằng sau hành động vái lạy ấy. Trái với vẻ bề ngoài, bên trong chị là một người phụ nữ hiểu lẽ đời, sâu sắc và từng trải. Khi đứng trước hai người trí thức, chị không hề run sợ vì hơn ai hết, chị hiểu được cái nhọc nhằn của những gia đình ngày đêm bám biển. Chị đã giúp Phùng và Đẩu thấy cuộc sống đời thường đâu giản đơn mà chứa đầy những phức tạp, trái ngang và bi kịch. Nhưng nổi bật hơn cả là tình yêu con, tình yêu gia đình thiêng liêng ở nơi người đàn bà hàng chài. Chị cũng như những người đàn bà miền biển hiểu rõ được tầm quan trọng của người đàn ông. Có họ “chèo chống khi phong ba” thì đàn con mới có cơ hội được ăn ngon. Có họ thì gia đình mới được trọn vẹn, những đứa con có thể nhận được tình yêu từ cả bố và mẹ. Chính vì thế, để đàn con còn được hạnh phúc, chị sẵn sàng chịu đớn đau, khổ cực để ở lại bên gã đàn ông hung bạo ấy. Nhưng không chỉ có thế, việc chị quyết không ly hôn còn hàm ẩn sự biết ơn, tình yêu thật lòng dành cho chồng. Nếu không có người con trai ấy năm xưa đã cưới chị, chị sẽ mãi mãi không được có hạnh phúc gia đình, nếu không có anh, chị và đàn con thơ sẽ chết đói. Cái vái lạy đó đã cho thấy chị hiểu chồng, đồng cảm với anh và cũng rất mực bao dung, vị tha. Nguyễn Minh Châu với trái tim nhân hậu, giàu tình thương người đã khắc họa cảm động hình ảnh người đàn bà hàng chài qua những miêu tả về hành động vái lạy, van xin Đẩu đừng bắt chị ly hôn. Qua đó tố cáo cái nghèo, cái đói đã đẩy con người vào bế tắc, khổ cực; cũng đồng thời thể hiện sự xót thương, trân trọng của nhà văn với những phẩm chất đẹp ẩn khuất bên trong người phụ nữ vùng sông nước.

Từ hai chi tiết người đàn bà vái lạy tại bờ biển và tại tòa án huyện, ta thấy được “viên ngọc” ẩn sâu trong người đàn bà hàng chài mà Nguyễn Minh Châu đã khám phá ra. Đó là tình yêu con vô bờ bến khi cầu xin con đừng vì mẹ mà bất hiếu với cha, khi van xin sự tha thứ của người con dành cho mẹ vì đã không trọn phận làm mẹ. Đó là sự bao dung, vị tha, sự thấu hiểu của người vợ dành cho chồng mình. Đó là sự cam chịu, nhẫn nhịn chịu đựng, đức hi sinh cho tổ ấm gia đình toàn vẹn. Đó còn là sự thấu trải lẽ đời sâu sắc của người phụ nữ lao động. Tất cả những phẩm chất đáng quý ấy đều được cất giấu trong các chi tiết nghệ thuật, đặc biệt là qua hai lần vái lạy của người đàn bà làng chài. Hành động vái lạy, van xin thường được thực hiện khi người nói rơi vào cùng đường, bế tắc, không còn sự lựa chọn nào khác. Việc người đàn bà vái lạy đã cho thấy sự khổ đau không lối thoát của chị. Từ đó, tác giả đã kín đáo bộc lộ những trăn trở, suy tư của mình về số phận của con người, của những người nông dân trong thời kỳ mới, khi đất nước độc lập. Quả không sai khi nói: “Chi tiết chứa đựng những giá trị nghệ thuật sâu sắc, giá trị nhân sinh mà tác giả muốn truyền tải”. Toàn bộ nội dung tư tưởng, quan điểm về cách nhìn nhận con người, nhìn nhận cuộc sống được Nguyễn Minh Châu khắc họa qua hai chi tiết vái lạy này.

Với ngòi bút thế sự, đậm chất triết lí của mình, nhà văn như đưa những con người ngoài hiện thực cuộc sống vào những trang văn của mình. Những con người mang dáng dấp của tác giả, đại diện cho tư tưởng, triết lí, ý nghĩa nhân sinh được gửi gắm nhưng lại rất bình thường, tự nhiên như đời sống hiện thực. Qua hai chi tiết vái lạy, Nguyễn Minh Châu đã khéo léo gửi tâm tư, tình cảm, những triết lí về cách nhìn cuộc sống và con người đã được thể hiện qua hình ảnh của người đàn bà hàng chài: nghệ thuật không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp bề ngoài nhất là vẻ đẹp thơ mộng, tuyệt vời mà còn phải hướng tới cái bề sâu của cuộc đời vốn đầy phức tạp mà tâm điểm của cuộc đời là con người với những số phận đầy đa đoan, nhọc nhằn. Nghệ thuật xây dựng tình huống éo le, độc đáo, ngôn ngữ trần thuật linh hoạt, phong phú với điểm nhìn là nghệ sĩ Phùng, ngôn ngữ giản dị, chắt lọc phù hợp với từng nhân vật là cách mà Nguyễn Minh Châu đã sử dụng để khắc họa thành công chân dung của người đàn bà hàng chài ngày đêm bám biển. Chị là một người xấu xí với vẻ bề ngoài nhưng đẹp đẽ ở bên trong: người phụ nữ bao dung, vị tha, yêu thương chồng, con, giàu đức hi sinh, sự cam chịu, nhẫn nhịn vì hạnh phúc toàn vẹn của gia đình. Người đàn bà hàng chài này cũng chính là điển hình cho biết bao người phụ nữ vùng biển thời bấy giờ.

Cùng với thành công của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” Nguyễn Minh Châu không chỉ hoàn thành sứ mệnh của mình dưới vai trò một nhà văn lớn, “thư ký của thời đại” mà còn là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Cũng giống như việc Nam Cao có thể tìm thấy vẻ đẹp của sự tốt bụng, của sự sẻ chia, của lòng yêu thương con người trong đứa con gái xấu “ma chê quỷ hờn” Thị Nở trong tác phẩm Chí phèo, Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấu được tấm lòng, tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con, của người vợ với chồng, của người phụ nữ với hạnh phúc gia đình. Hình ảnh của người đàn bà hàng chài vẫn còn ám ảnh mãi tâm trí người đọc mỗi khi nhắc đến truyện ngắn của ông. Có lẽ, tác giả và truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã để lại một dấu ấn khó phai trong lòng người đọc.

👉 Ngoài bài cảm nhận về người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa, các em có thể tham khảo thêm các môn học khác chia theo từng khối lớp được cập nhật liên tục mới nhất tại chuyên trang của chúng tôi

@if (!string.IsNullOrEmpty(Model.UrlShopee)) {
}