Bài làm
Chính Hữu là một nhà văn mang phong trào thơ mới nhiều. Với ông các tác phẩm về đồng đội tình đồng chí luôn được ông khám phá một nét mới mẻ chân thực về cái đẹp của họ. Không những vậy ông còn nói lên được nhiều nét đẹp ở trong mỗi con người của họ.
Với bài thơ Đồng chí, ông đã khái quát được vẻ đẹp hồn nhiên sâu lắng của người chiến sĩ, và vẻ đẹp hết sức chân thực bên đời sống đời thường ở trong rừng sâu. Bên cạnh đó ông còn hóa thân vào các nhân vật để nói lên tư tưởng tình cảm của họ
Vào những năm kháng chiến chống Pháp, đất nước ta sục sôi ý chí, quyết tâm đánh giặc. Hoà mình vào khí thế ấy đã có hàng vạn, hàng triệu thanh niên nhập ngũ. Những chiến sĩ dũng cảm, can trường ấy đã trở thành một hình tượng, một đề tài trong thơ ca thời đó. Một trong những bài thơ rất hay về người chiến sĩ, về tình đồng đội là bài Đồng chí của nhà thơ lính Chính Hữu.
Bài thơ mở đầu như lời tâm sự của hai người chiến sĩ:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá,
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Bằng ngôn ngữ bình dị, vận dụng thành ngữ và cách nói quen thuộc, cùng nghệ thuật sóng đôi, Chính Hữu đã đưa ra hình ảnh rất cụ thể mà có ý nghĩa khái quát về hoàn cảnh xuất thân của những người lính cụ Hồ thời chống Pháp. Họ ra đi từ những miền quê nghèo, vất vả, lam lũ. Chính sự tương đồng về hoàn cảnh đã tạo cơ sở ban đầu cho tình đồng chí.
Tình cảm giữa những người chiến sĩ càng gắn bó khi họ cùng chung chí hướng, chung lý tưởng
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Chỉ với hai hình ảnh cụ thể được hoán dụ, lại sắp xếp theo kiểu sóng đôi, nhà thơ đã diễn tả một cách chân thực tình đồng chí, đồng đội khi họ cùng chung nhiệm vụ trên một chiến hào. Cuộc sống gian khổ của đời lính khiến họ dễ đồng cảm với nhau, trở thành tri âm, tri kỷ của nhau. Hai tiếng “đồng chí” vang lên bình dị mà vô cùng xúc động. Chỉ hai tiếng làm thành một dòng thơ riêng, độc đáo thể hiện cảm xúc lắng đọng đang ngân lên trong lòng mỗi chiến sĩ. Chỉ cần hai tiếng ấy đủ diễn tả tất cả những tình cảm cao đẹp và sâu sắc nhất của người lính.
Là tri kỉ, họ hiểu rõ nỗi lòng, tâm sự của nhau:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Chính những đêm giá rét, nằm bên nhau đắp chung tấm chăn trong rừng Việt Bắc, họ đã trao gửi cho nhau những tình cảm, nhưnõg suy nghĩ, những nỗi nhớ gia đình, quê hương. Người chiến sĩ hiểu và thông cảm với nhau hơn bao giờ hết. Vì trong tâm hồn họ, đều có rất nhiều điểm chung: họ đều là những con người quyết tâm ra đi, hi sinh cho làng quê, cho đất nước thân yêu. Đối với họ, những người xuất thân từ nông dân, những người con của đất, thì còn gì quý giá quan trọng hơn là mảnh vườn, là đồng ruộng, là gia đình, là người thân. Vậy mà họ sẵn sàng từ bỏ tất cả. “Mặc kệ ” không phải là thái độ thờ ơ, bàng quan, mà là cái “mặc kệ” quyết dứt bỏ, quyết tâm mãnh liệt ra đi để giải phóng cho đất nước mà ta đã từng nghe:
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say
(Tống biệt hành – Thâm Tâm)
Người chiến sĩ sẵn sàng từ bỏ cái riêng để cống hiến cho cái chung. Anh sẵn sàng nhờ bạn cày giúp mảnh vườn, sẵn sàng bỏ lại ngôi nhà, người thân, gia đình, quê hương. Anh ra chiến trường, hiến dâng cho Tổ quốc. Người chiến sĩ ngoài mặt trận nhưng lại biết “gian nhà không” đang “lung lay” trước từng cơn gió, biết “giếng nước gốc đa” vẫn đang nhớ đến mình. Phải là người thật gắn bó, thật thân thiết với quê hương thì mới có thể luôn hướng về quê hương như thế. “Giếng nước gốc đa” là hình ảnh ẩn dụ được tác giả sử dụng rất thành công: đó là nơi dân làng thường tụ tập sau những buổi đồng áng, là nơi trao đổi thông tin, và phải chăng, họ đang nhắc đến anh, người con của qưê hương? Đó còn là nơi hẹn hò,tình tự của những anh nông dân, những cô thôn nữ, gắn liền với những kỷ niệm đẹp của thời thanh xuân. Và khi nhắc đến “giếng nước gốc đa”, phải chăng người chiến sĩ không chỉ nhớ đến làng quê, nhớ người thân, mà còn nhớ đến hồn quê, cả đến những sự vật gắn bó còn đang ở lại quê nhà. Nhớ đến tất cả, hình dung rằng tất cả đang nhớ đến mình, người chiến sĩ càng vững tin hơn ở con đường phía trước, càng mong mỏi hơn về độc lập, càng cầm chắc tay súng để chiến đấu. Trong họ luôn luôn là một suy nghĩ: họ ra đi là vì làng quê, họ vì làng quê mà chiến đấu. Những chiến sĩ biết hi sinh cho cái chung như vậy thật đáng quý biết bao! Người chiến sĩ tự nguyện ra chiến trường, vì thế, họ đủ nghị lực nếm trải bao khó khăn, thử thách:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Người chiến sĩ đã phải trải qua bao khó khăn vất vả, đau đớn, bệnh tật. Chính Hữu bản thân là một người lính, nên ông đã miêu tả rất thật cái đau đớn của căn bệnh sốt rét. Nhưng đó không phải là gian khổ duy nhất mà người lính phải trải qua. Họ còn phải chịu đựng cái lạnh giá, trong khi quân trang, quân phục lại rất thiếu thốn. Vào thời kỳ cuộc kháng chiến chống Pháp, nước ta thực sự đang rất nghèo nàn, lạc hậu, vũ khí còn rất thô sơ, không đủ để chiến đấu, huống chi là quân trang, quân phục. Bởi vậy mà người lính phải thường xuyên mặc “áo rách”, “quần vá”, “chân không giày”. Vậy mà họ vẫn kiên cường đạp lên tất cả chông gai, vượt qua mưa bom, bão đạn, chiến thắng mọi vũ khí hiện đại nhất của giặc Pháp, đủ thấy được tinh thần chiến đấu của họ cao đến chừng nào. Những hình ảnh mà Chính Hữu mô tả không hề cường điệu hoá. Đó là những hình ảnh hoàn toàn chân thực về cuộc sống chiến đấu của người lính. Nếu như ta biết rằng chỉ một năm trước, chính nhà thơ đã viết về người lính bằng những vần thơ đầy chất lãng mạn:
Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa.
(Ngày về)
Thì nay, trải qua cuộc sống của người chiến sĩ, hầu như ông và các nhà thơ khác đều hiểu khác, nghĩ khác và viết khác. Viết về người chiến sĩ là viết về hiện thực, mới thực sự làm người đọc xúc động và hiểu hơn, thấm thía hơn về sự khổ cực của người lính:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt.
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)
Người chiến sĩ đều vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vì ý chí, nghị lực và chính vì tình đồng chí đã giúp họ đứng dậy, đạp hết chông gai.
Nhìn vào đoạn thơ, ta thấy hình ảnh hai người chiến sĩ được lặp đi, lặp lại, lúc thì “Tôi với anh…”, lúc thì “Áo anh…”, lúc thì”Quần tôi…”, họ nói về nhau, soi vào nhau, để nhận ra nhau, nhận ra chính mình. Tình đồng chí đã được Chính Hữu nâng lên thành tình tri kỷ, tình bạn bè thân thuộc. Trong anh có cái của tôi và trong anh tôi tìm được tôi. Để rồi cả hai nhập làm một: “tay nắm lấy bàn tay”. Cái bắt tay thân mật, thắm thiết, siết chặt tình đồng chí keo sơn. Cái bắt tay để truyền cho nhau sức mạnh chiến đấu, truyền cho nhau tình thương yêu, cổ vũ cho nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Cái bắt tay âm thầm, lặng lẽ, không cần ồn ào, không cần nói lời hoa mỹ, họ chỉ cần trao nhau hơi ấm từ lòng bàn tay, hơi ấm từ trái tim, vì họ đã hiểu rõ long nhau, vì họ “thương nhau”. Hơi ấm lan toả cả hai người, làm hai người nở một nụ cười, dù là “buốt giá”. Hơi ấm đủ làm xoá đi cái nhợt nhạt, lạnh căm của mùa đông, đủ để sưởi ấm lên tình đồng chí, đồng đội. Kết thúc bài thơ là hình ảnh:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Giữa rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo, đầy bất trắc rình rập, họ vững tin đứng cạnh nhau, khoát súng trên vai, đầu súng hướng lên trời, tư thế hiên ngang “chờ giặc tới”.Aùnh trăng đêm, có lẽ là trăng cuối tháng, cứ chếch dần, chếch dần, cho tới khi chạm tới đầu mũi súng, đầu súng như vươn tận lên trời cao. Tác giả đã rất sáng tạo mới viết nên được hình ảnh vừa rất thực, vừa rất lãng mạn, gợi cảm này. Mặt trăng như được cụ thể hoá, trở thành một vật treo trên đầu súng. Biện pháp tương phản càng làm hình ảnh thơ thêm giàu ý nghĩa, Trăng trên trời cao, lơ lửng giữa màn đêm, súng ở dưới đất, đặt trên vai người chiến sĩ, vậy mà ở một góc nhìn đặc biệt, Chính Hữu đã “bắt” được hình ảnh vô cùng độc đáo ấy. Trăng từ muôn đời nay tượng trưng cho cái yên tĩnh, tĩnh lặng, cái thi vị, lãng mạn, còn súng là thứ vũ khí lạnh lùng, nguy hiểm, biểu tượng của chiến tranh,sự tàn phá dữ dội. Thế nhưng khi có bàn tay của Chính Hữu đặt hai hình ảnh ấy lại gần nhau thì chúng lại bổ sung cho nhau, tạo nên một ý nghĩa mới: Súng trong tay kẻ thù mới là vũ khí nguy hiểm, còn súng trong tay hai người đồng đội, người chiến sĩ kia, thì súng là vũ khí để họ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên, bảo vệ ánh trăng thanh bình. Trăng trên trời cao soi sáng đôi bạn, như muốm làm bạn với hai người chiến sĩ, muốn ngợi ca, soi rõ tình đồng đội thiêng liêng, cao đẹp của hai người. Hình ảnh mặt trăng treo trên đầu mũi súng còn cho ta thấy được đời người lính chiến không phải lúc nào cũng chỉ là nguy hiểm, là đối mặt với đạn bom, là sự hy sinh, mà cuộc đời của họ còn bắt gặp được những hình ảnh vô cùng lãng mạn, đẹp đẽ, thi vị, ngay trong không gian và thời gian của chiến tranh. Hình ảnh trăng và súng được Chính Hữu chọn để kết thúc bài thơ, như để xoa dịu đi những khó khăn vất vả của người lính chiến, xoá bớt những gian khó hi sinh của họ và để làm sáng lên tình đồng chí cao đẹp của hai người chiến sĩ giữa rừng khuya.
Bài thơ kết thúc nhưng lại mở ra những suy nghĩ mới trong lòng người đọc. Bài thơ đã làm sống lại một thời khổ cực của ông cha ta, làm sống lại chiến tranh ác liệt. Bài thơ khơi gợi lại những kỷ niệm đẹp, những tình cảm tha thiết gắn bó yêu thương mà chỉ có những người đã từng là lính mới có thể hiểu và cảm nhận hết được.
Với nhiều hình ảnh chọn lọc, từ ngữ gợi cảm mà lại gần gũi thân thuộc, với biện pháp sóng đô, đối ngữ được sử dụng rất thành công, Chính Hữu đã viết nên một bài ca với những ngôn từ chọn lọc, bình dị mà có sức ngân vang. Bài thơ đã ca ngợi tình đồng chí hết sức thiêng liêng, như là một ngọn lửa vẫn cháy mãi, bập bùng, không bao giờ tắt, ngọn lửa tháp sáng đêm đen của chiến tranh.
Xem thêm: Mầm mống hay mầm móng là gì