Đề bài: Phân tích bài thơ Viếng Lăng Bác của Viễn Phương
Bài làm
Bác Hồ là một vị cha già kính yêu một vị anh hùng dân tộc. Đối với đất nước Bác là ánh sáng của dân tộc. Chính vì vậy mà đã có vô vàn những nhà thơ nhà văn lớn đã dành những tình cảm thiêng liêng của mình dành cho Bác, qua những bài thơ bài văn hay. Đặc biệt là phải kể đến nhà thơ Viễn Phương đã viết nên bài thơ Viếng Lăng Bác là bài thơ vô cùng đặc sắc và nói lên tất cả những sự yêu thương kính trọng nỗi đau xót, tiếc thương và lòng biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước.
Câu thơ mở đầu giới thiệu cho người đọc hoàn cảnh của tác giả:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
Sự ra đi của Bác vào đúng lúc phong trào Cách mạng miền Nam trong bước vào giai đoạn mới. Chiến trường đầy tiếng súng đạn khói bụi. Giữa lúc đó nhân dân miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung lại mất đi một người cha kính mến một vị lãnh đạo vĩ đại. Sự ra đi của Bác là một sự mất mát vô cùng to lớn đối với đất nước. Nhà thơ Viễn Phương đã có cuộc hành trình từ Nam ra Bắc để kính viếng Bác. Đó không phải chỉ là một chuyến đi bình thường mà trong đó tác giả đã mang theo cả tình cảm của đồng bào miền Nam và các chiến sĩ đang chiến đấu ở miền Nam đất nước. Khi đã đến gần lăng Bác nhà thơ dường như đứng lặng đi hướng đôi mắt ra xa để ngắm nhìn toàn cảnh lăng Bác:
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Nhìn từ xa hàng tre xanh thoắt ẩn thoắt hiện trong làng sương sớm ở quảng trường Ba Đình khiến nhà thơ dâng tràn cảm xúc. Màu xanh của lá tre mang lại sự thân quen của làng quê Việt Nam sẽ luôn gắn bó với nhân dân Việt Nam là tâm hồn của mỗi người dân. Dù có gió bão thì cha vẫn luôn đứng thẳng không bao giờ gục ngã nó thể hiện ý chí tinh thần quyết chiến quyết thắng mà Bác vẫn luôn nhắc nhân dân ta phải luôn kiên cường bất khuất. Khi nhà thơ nhìn thấy hàng tre đã phải thốt lên từ “ôi” đây là biểu thị của một niềm xúc động tự hào của dân tộc vốn có lịch sử văn hóa lâu đời. Nếu các nhà thơ hiện đại dùng mặt trời để nói đến những lý tưởng cao đẹp chân lý mới thì Viễn Phương lại có sự sáng tạo rất hay đem đến cho ta một cái nhìn mới một cảm giác thú vị:
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ"
Trong hai câu thơ trên hình ảnh mặt trời là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần thép chiến đấu của Bác. “Mặt trời đi qua trên lăng", mặt trời là sự tồn tại tất yếu của nhân loại nếu không có mặt trời thì sẽ không có sự sống vì vậy mà mặt trời mà tác giả thấy trong lăng cũng vậy đó là Bác Hồ kính yêu là sự bất tử cũng giống như sự nghiệp cách mạng của Bác sẽ luôn vĩnh hằng bất tử trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Ở hai từ cuối cùng của câu thơ trên nhà thơ đã nói lên màu sắc"rất đỏ" làm cho câu thơ gây ấn tượng sâu sắc bởi nó không chỉ nói đến màu của mặt trời mà nó còn nói nên tư tưởng cách mạng và lòng yêu nước luôn nồng nàn cháy bỏng của Bác.
Trong cuộc hành trình này nhà thơ cũng hòa nhập vào “dòng người” từ khắp bốn phương viếng lăng Bác:
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân"
Dòng người đông đúc từ mọi miền đất nước đều đến quảng trường lịch sử viếng lăng Bác để thể hiện sự biết ơn trước công lao to lớn và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác và cũng là thể hiện sự thương xót đau thương trước sự ra đi của vị anh hùng dân tộc. Họ “dâng” lên những tình cảm cao quý đầy ý nghĩa đó là “bảy mươi chín mùa xuân", cuộc đời của Bác cũng đẹp như những mùa xuân vậy. Qua hai câu thơ trên đã cảm thấy Viễn Phương là một nhà thơ đầy nghệ thuật trong việc miêu tả tinh tế những cảm xúc và hình tượng của Bác. Hai câu thơ vì buồn đau thương tiếc mà trầm lắng nhưng không bi lụy.
Khổ thơ cuối nhà thơ đã dành hết những cảm xúc dồn nén của mình khi ra về. Đó là viết ra sự lưu luyến, nuối tiếc, buồn thương:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này"
Đoạn kết cũng là lúc tác giả muốn được thực hiện như sự mong ước của mình “muốn làm con chim", "đóa hoa " để ở bên lăng Bác. Đặc biệt là ước muốn thành “cây tre trung hiếu" để ngàn đời ở bên cạnh Bác. Đây là hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo, nó là hình ảnh thể hiện một đạo lý vốn có của người dân Việt Nam và sự tận trung với đất nước, tận hiếu với nhân dân và trung thành với cách mạng, với lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ. Đó là tất cả những cảm xúc tha thiết nồng hậu của nhà thơ Viễn Phương – nhà thơ miền Nam dành cho bác Hồ kính yêu.
Bài thơ Viếng Lăng Bác là một bài thơ ngắn nhưng giàu ý nghĩa và cảm xúc. Bác Hồ dù đã đi xa vĩnh viễn nhưng hình ảnh Bác Hồ, vị cha già của dân tộc, một vị lãnh tụ vĩ đại sẽ luôn ở trong trái tim mỗi con người Việt Nam cho dù có trải qua bao nhiêu thế hệ đi chăng nữa. Sự nghiệp cách mạng của Bác việc sẽ luôn sống mãi trong tâm hồn mỗi chúng ta và nhà thơ Viễn Phương cũng vậy. Bài thơ là một tấm lòng đầy sự kính trọng và biết ơn Bác đó chính là giá trị lớn lao mà tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta.
Xem thêm: Mầm mống hay mầm móng là gì